Tháng 8-1945, phát xít Nhật bị bại trận, Chiến tranh thế giới thứ Hai sắp kết thúc, chính quyền tay sai Trần Trọng Kim rệu rã; quân đồng minh chưa vào nước ta; cao trào kháng Nhật lên đến đỉnh điểm... Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Tuyên Quang (từ ngày 13 đến 15-8-1945) nhận định thời cơ chín muồi, quyết định TKN giành chính quyền trong cả nước.

Trong “Thư kêu gọi TKN”, Người chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Ngay đêm ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa phát Quân lệnh số 1, yêu cầu: Giải phóng quân (GPQ) tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng điểm của quân địch, đánh chặn các đường rút lui của chúng, tước vũ khí của chúng. Đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đội GPQ. Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng cũng ra mệnh lệnh khởi nghĩa cho các đội trưởng, chính trị viên và đội viên GPQ, các đội tự vệ, ủy ban nhân dân và Nhân dân, nêu rõ: “Sau khi chiếm các đô thị, tất cả quân nhu, lương thực, không cần dùng đến ngay, thì lập tức đưa vào căn cứ của ta để cất giữ... Khi đánh được một trận thì lập tức bổ sung cho bộ đội với số vũ khí thu được. Các ủy ban nhân dân và toàn thể Nhân dân phải hết lòng, hết sức phối hợp”.

Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào (như Quốc hội lâm thời) họp và phát động TKN vũ trang, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quyết định Quốc kỳ nền đỏ, sao vàng; chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca; bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh, từ chiều ngày 16 đến 20-8-1945, các đơn vị GPQ cùng Nhân dân Thái Nguyên đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền; hơn 600 khẩu súng và nhiều đạn dược thu được của địch trang bị cho 2 chi đội GPQ mới thành lập. Nhân dân các địa phương tình nguyện nấu cơm tiếp tế cho GPQ; thương binh được đưa vào Bệnh viện Thái Nguyên cứu chữa. Ở Tuyên Quang, GPQ và du kích, tự vệ tiến về thị xã, đột nhập trại Bảo an binh, buộc tên chỉ huy đầu hàng, thu một số súng đạn trang bị cho đơn vị mới thành lập. Nhân dân vừa tiếp tế cho GPQ, vừa biểu tình, đấu tranh chính trị gây áp lực buộc quân Nhật phải đầu hàng.

leftcenterrightdel
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân trong cả nước đã tích cực góp gạo cứu đói cho đồng bào. Ảnh tư liệu

Cùng thời gian này, nhiều địa phương cũng khởi nghĩa vũ trang giành được chính quyền. Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi gây tiếng  vang lớn trong cả nước, góp phần làm tan rã nhanh chóng bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước. Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Huế; tiếp đó là Sài Gòn - Gia Định (ngày 25-8-1945), Hà Tiên và Đồng Nai Thượng (ngày 28-8-1945). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta nhất tề đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”;  chỉ  15  ngày (từ 13 đến 28-8*1945), chính quyền cách mạng được thành lập trong cả nước. Từ thực tiễn TKN Cách mạng tháng Tám, rút ra các bài học về BĐHC cho lực lượng vũ trang (LLVT) như sau:

Một là, chăm lo xây dựng, củng cố mở rộng căn cứ địa - hậu phương, làm nơi đứng chân hoạt động và BĐHC cho LLVT. Đảng ta và Bác Hồ nhận thức sâu sắc vai trò, điều kiện xây dựng căn cứ địa, đó là những nơi có địa thế hiểm yếu che chở, có dân chúng ủng hộ; xây dựng căn cứ gắn liền với sự hình thành các đội du kích, giành và củng cố chính quyền cách mạng ở địa phương. Bởi “có chính quyền cách mạng địa phương, có căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà phát triển lực lượng và hóa ra quân chính quy ”và“ chưa thành lập được chính quyền địa phương, thì căn cứ địa khó thành lập và không thể củng cố được”. Để duy trì hoạt động vũ trang, ổn định sản xuất của Nhân dân, Trung ương Đảng và Bác Hồ chủ trương củng cố mở rộng căn cứ để “Tiến khả dễ công, thoái khả dễ thủ”. Từ căn cứ Cao - Bắc - Lạng ban đầu, đến cuối năm 1944, căn cứ địa cách mạng mở rộng tới vùng Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn (Bắc Kạn), Chợ Chu, Định Hóa (Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang). Chuẩn bị cho TKN, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền GPQ được thành lập; lực lượng cứu quốc quân và du kích cũng phát triển mạnh. Sau khi đánh bại cuộc càn quét của hơn 2.000 quân phát xít Nhật, ngày 4-6-1945, Khu giải phóng được thành lập, gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Tuyên, Tuyên Quang, Thái Nguyên  rộng  hơn 40.000km2 với hơn 1 triệu người. Ở đó, chính quyền cách mạng được thành lập; sản xuất lương thực, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, văn hóa được đẩy mạnh; các xã lập kho thóc GPQ; lương thực được tích trữ đầy đủ...; thanh niên  nô nức gia nhập các đội vũ trang. Khu Giải phóng cùng với các chiến khu ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của cho GPQ và các đội vũ trang cách mạng trong TKN.

Hai là, dựa chắc vào dân để BĐHC cho LLVT. Trong tiền khởi nghĩa và TKN (tháng 8-1945), GPQ và các đội vũ trang xây dựng, hoạt động chiến đấu trong điều kiện khó khăn; việc BĐHC chủ yếu dựa vào Nhân dân vùng căn cứ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đoàn thể, các cơ sở trung kiên là người trực tiếp làm công tác hậu cần phục vụ các đội vũ trang chiến đấu. Phong trào quyên góp “đồng tiền cứu quốc” và vàng để mua súng đạn; phong trào“phá kho thóc của Nhật”, “lập kho thóc GPQ”; “gạo TT”,“muối TT”(gạo, muối tuyên truyền) phát triển mạnh, giúp giải quyết khó khăn của LLVT. Việc bảo đảm sinh hoạt của các đội du kích, tự vệ chiến đấu do gia đình đội viên và các đoàn thể lo. Trong TKN, các đơn vị GPQ được Nhân dân, các đoàn thể phụ nữ tình nguyện đi chợ, nấu cơm tiếp tế; thương binh được Nhân dân vận chuyển đưa vào bệnh viện cứu chữa...

Ba là, phát huy tinh thần cần, kiệm; tự lực, tự cường; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nâng cao sức chiến đấu. Trong điều kiện chiến đấu vô cùng khó khăn, ác liệt, việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, tổ chức ăn uống cho các đội vũ trang chủ yếu dựa vào dân; tăng gia, kiếm hái, săn bắt chỉ giải quyết một phần nhu cầu. Tuy đời sống rất kham khổ “Có tháng chỉ toàn ăn cháo bắp, một thời gian thức ăn hầu như chỉ có chuối rừng”nhưng các đội viên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, thương yêu nhau như ruột thịt; sử dụng tiết kiệm từng hạt gạo, hạt muối, viên đạn, viên thuốc; chú trọng vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe, giữ vững và nâng cao sức chiến đấu. Việc mua sắm vũ khí rất khó khăn, chi phí lớn, lượng tiền, vàng quyên góp được không nhiều nên trang bị ban đầu của các đội vũ trang chủ yếu là vũ khí thô sơ, súng đạn tự chế và một ít thu được của địch.

“Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc” do Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941) thông qua, đã quy định:“Mỗi đội viên phải tự sắm lấy khí giới như gươm, giáo, mác...; nếu có thể sắm được súng, cốt mìn càng tốt”. Trong Chỉ thị “Sửa soạn TKN” (tháng 5-1944), Tổng bộ Việt Minh chỉ rõ: “... Dân ta muốn đánh đổ Nhật, Pháp không thể không sắm sửa và tập dùng võ khí. Có hai cách kiếm võ khí là tự chế, mua và chiếm của giặc... Phải hết sức cổ động quần chúng nhiệt liệt tham gia các cuộc tìm mua vũ khí hay các “ngày mua súng”…, cổ động quần chúng quyên góp các thứ cần thiết cho việc chế vũ khí như đồng, chì, sắt… ”. Theo đó, một số xưởng sửa chữa súng, đạn; sản xuất mìn, lựu đạn ra đời. Quá trình chiến đấu, nhất là trong TKN, ta thu được nhiều vũ khí đạn của địch, vì vậy các đội vũ trang được trang bị tốt hơn, sức chiến đấu được nâng lên.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhờ dựa chắc vào dân, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường vượt mọi khó khăn, gian khổ hy sinh, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, dù địch càn quét, khủng bố trắng, nhưng LLVT ta vẫn lớn mạnh không ngừng, làm nòng cốt cùng toàn dân TKN Cách mạng tháng Tám thắng lợi, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đại tá, TS CAO VĂN KẾ, Vụ Quốc phòng An ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư