Trở lại lịch sử cách đây 80 năm, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay) được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách, với ngân quỹ đầu tiên là 500 đồng (tiền Đông Dương).
Những vấn đề cơ bản về lực lượng, phương châm hoạt động, tác chiến và việc cung cấp được chỉ ra trong Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa của Trung ương Đảng ngày 7-5-1944, trong đó nêu rõ “...muốn tự giải phóng phải cầm vũ khí trong tay mà chiến đấu, nguồn sắm vũ khí: tự chế một phần, tìm mua, cướp vũ khí của giặc để trang bị cho ta”, “phải hết sức cổ động quần chúng nhiệt liệt tham gia các cuộc quyên góp tiền mua vũ khí”, “lương thực chủ yếu dựa vào dân ủng hộ và một phần do đoàn thể các cơ sở cung cấp”. Bác Hồ căn dặn kỹ: “Phải dựa chắc vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể thắng được, nguồn cung cấp sẽ dựa vào dân...”. Những căn dặn đó của Người đã trở thành nguyên tắc hoạt động của ngành Hậu cần đến ngày nay.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày thành lập gồm 34 đội viên, là những cán bộ trung kiên được lựa chọn trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng. Đồng chí Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng) người cao tuổi nhất, nhận từ đồng chí Võ Nguyên Giáp 20 đồng (tiền Đông Dương) và được phân công lo việc bảo đảm đời sống vật chất cho toàn Đội. Đây có thể được coi là cán bộ hậu cần đầu tiên của Quân đội ta. Những ngày đầu đầy thử thách, thiếu thốn trăm bề, đồng chí Văn Tiên không quản khó khăn vất vả, “tần tảo” lo việc ăn uống cho anh em. Giai đoạn mới thành lập, việc nuôi dưỡng, tiếp tế của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và các đội du kích chủ yếu dựa vào dân. Mặc dù lúc này dân ta còn đói, rét, thiếu thốn mọi mặt, nhưng khát vọng độc lập, tự do thúc đẩy mọi người dân yêu nước sẵn lòng sẻ chia tiền, lương thực, công cụ, vật liệu, ngày công cho cách mạng. Hầu hết mọi người tham gia cách mạng đều tự nguyện mang theo tư trang và lương ăn. Gia đình lo chu cấp để tòng quân.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng thành lập trong cả nước, Giải phóng quân trở thành Quân đội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà nước và Bộ Quốc phòng (BQP) từng bước tổ chức ra các cơ quan lo việc cung cấp, tiếp tế cho Quân đội như: Phòng Quân nhu, Quân giới, Ban Y tế Vệ quốc đoàn Hà Nội... Những tổ chức sơ khai này dần phát triển thành Cục Quân nhu, Cục Quân giới, Cục Quân y; đến năm 1949 có thêm Cục Vận tải.
Đầu năm 1950, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương có bước phát triển mới. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển lực lượng, tiến hành hoạt động chiến đấu và các mặt bảo đảm cho bộ đội, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự Trung ương, chấn chỉnh tổ chức BQP - Tổng Tư lệnh. Ngày 11-7-1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 121-SL quy định tổ chức BQP và Tổng Tư lệnh gồm 3 cơ quan: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp (tức Tổng cục Hậu cần ngày nay). Từ đó, ngành Hậu cần Quân đội được tổ chức thành hệ thống thống nhất trong lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm, từ cấp chiến lược đến đơn vị cơ sở.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ chăm sóc vườn rau của đơn vị. |
Sau khi thành lập, Tổng cục Cung cấp tổ chức bảo đảm cho các chiến dịch ngày càng lớn, được mở liên tục, đặc biệt là khối lượng bảo đảm ngày càng lớn, phức tạp hơn, không chỉ có gạo, thực phẩm, đạn bộ binh mà còn phương tiện cơ giới, đạn pháo các loại... Cùng với sự phát triển của hậu cần bộ đội chủ lực làm nòng cốt, hậu cần quân sự địa phương và hậu cần nhân dân các cấp cũng được kiện toàn ngày càng hoàn thiện. Năm 1953, Hội đồng cung cấp được hình thành ở cả Trung ương và các khu, tỉnh để huy động mọi nguồn lực phục vụ tiền tuyến, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau Hiệp định Geneva, đất nước tạm chia cắt hai miền. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài hơn 20 năm, đầy hy sinh, gian khổ không chỉ ở chiến trường miền Nam, mà còn ác liệt, mở rộng ra miền Bắc. Ngành Hậu cần Quân đội đã nỗ lực vượt bậc, khắc phục những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, giải quyết những mâu thuẫn gay gắt về mọi mặt, vừa xây dựng, vừa bảo đảm và ngày càng trưởng thành, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Ở miền Bắc, tranh thủ điều kiện hòa bình, ngành Hậu cần vừa bảo đảm cho Quân đội xây dựng tiến lên chính quy, hiện đại và sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, tiếp tục củng cố tổ chức, đào tạo cán bộ, tiến hành các hoạt động bảo đảm phù hợp với yêu cầu chiến tranh và dồn sức chi viện cho miền Nam. Ở miền Nam, tổ chức hậu cần quân giải phóng và lực lượng vũ trang địa phương, hậu cần nhân dân các cấp từng bước phát triển; việc xây dựng hậu phương, hậu cần tại chỗ được đẩy mạnh, kết hợp với sự chi viện của miền Bắc tạo thành hệ thống vững chắc từ Hậu cần Miền tới các quân khu, các tỉnh và đơn vị.
Mặc dù chiến tranh ác liệt, song công tác hậu cần Quân đội vẫn phát triển vững chắc, đẩy mạnh xây dựng cả tiềm lực, lực lượng và thế trận trên cả hai miền. Sau Hiệp định Pari (năm 1973) với thời cơ lớn, ngành Hậu cần Quân đội cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung chuẩn bị mọi mặt và bảo đảm cho giải phóng miền Nam với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thống nhất đất nước, đem lại nền độc lập hoàn toàn cho dân tộc.
Đất nước độc lập, thống nhất hơn 2 năm, chưa kịp giải quyết hết hậu quả chiến tranh, công tác hậu cần Quân đội lại bước vào bảo đảm cho 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc. Sau khi giúp nhân nhân Campuchia đánh đổ chế độ phản động Pôn Pốt, một bộ phận Quân đội ta ở lại làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia xây dựng và bảo vệ đất nước đến cuối năm 1989. Rất nhiều khó khăn, gian khổ khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho Quân đội trong giai đoạn này, đặc biệt là bảo đảm cho lực lượng Hải quân trụ vững tại Quần đảo Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với ý chí quyết tâm và nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, ngành Hậu cần Quân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục phát triển toàn diện; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện, vững chắc trên các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời, tham gia hiệu quả vào phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với “thế trận lòng dân” vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.
80 năm công tác hậu cần Quân đội gắn liền với sự ra đời, xây dựng, chiến đấu và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần tự lực, tự cường, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Hậu cần đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bảo đảm tốt hậu cần cho Quân đội chiến đấu và chiến thắng. Thời gian tới, tình hình mọi mặt tiếp tục thay đổi, phát triển, yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, BVTQ, xây dựng Quân đội cao hơn. Toàn quân tiếp tục triển khai các chiến lược, nghị quyết, đề án, luật về quân sự, quốc phòng, BVTQ; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đẩy mạnh thực hiện tổ chức Quân đội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo… Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, theo chúng tôi, toàn Ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy truyền thống, kinh nghiệm 80 năm xây dựng và trưởng thành, triển khai toàn diện, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác. Trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác hậu cần, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, BQP về công tác hậu cần Quân đội. Đặc biệt là Nghị quyết số 44-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược BVTQ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 1658-NQ/ QUTW của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo; các luật, nghị định, thông tư, văn bản pháp quy có liên quan đến công tác hậu cần quân đội. Trên cơ sở đó, giáo dục cho mọi đối tượng nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác hậu cần trong hoàn thành các nhiệm vụ của Quân đội; gắn các mục tiêu, chỉ tiêu công tác hậu cần với các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và các phong trào thi đua, cuộc vận động khác, tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác hậu cần.
Nghiên cứu, nắm chắc xu thế, diễn biến tình hình trên thế giới, khu vực và trong nước, những tác động từ môi trường tự nhiên, xã hội, các thách thức an ninh phi truyền thống khác. Từ đó, dự báo những tác động, chi phối đến công tác hậu cần, đề xuất chủ trương, các phương án, giải pháp BĐHC một cách khoa học, sát thực, làm cơ sở để tham mưu, chỉ đạo, tổ chức BĐHC cho các nhiệm vụ. Ưu tiên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh... Bổ sung, phát triển lý luận BĐHC các hình thái chiến tranh, loại hình, hình thức tác chiến ở các quy mô chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tác chiến phòng thủ, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, phù hợp với tổ chức biên chế, vũ khí trang bị và môi trường tác chiến của các lực lượng; bảo đảm tốt hậu cần cho xử trí các tình huống quân sự, quốc phòng, ứng phó với các thách thức, mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống.
Làm tốt tham mưu, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần. Theo phạm vi chức năng, cơ quan hậu cần các cấp kiến nghị, đề xuất xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ, thống nhất pháp luật, cơ chế chính sách về xây dựng và huy động mọi tiềm lực của đất nước. Kết hợp chặt chẽ kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế, thực hiện xây dựng tiềm lực hậu cần ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, ở các địa bàn, tạo tiềm lực, sức mạnh vật chất đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến. Hoàn thiện cơ chế, phương thức, đẩy mạnh xây dựng và hoạt động hậu cần phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ địa phương; chỉ đạo, thực hiện tốt chủ trương Quân đội tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Quy hoạch, tổ chức bố trí các thành phần hậu cần phù hợp với thế trận quân sự theo quyết tâm, kế hoạch tác chiến ở các cấp; triển khai xây dựng toàn diện, có trọng tâm, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các thành phần lực lượng; đảm bảo liên hoàn, cơ động, vững chắc, gắn kết với các thành phần kinh tế trên từng vùng, miền, địa bàn, địa phương và cả nước, sẵn sàng chuyển hóa linh hoạt theo tình huống nếu xảy ra.
Đổi mới phương thức bảo đảm phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị và khả năng của các lực lượng. Bám sát sự phát triển, thay đổi của thực tế, chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến. Tập trung xây dựng, ban hành hệ thống kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh, kế hoạch động viên, huy động tiềm lực cho các nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần; tổ chức phân cấp tạo nguồn, mua sắm vật chất hậu cần đúng pháp luật; bảo đảm đầy đủ, kịp thời chế độ, tiêu chuẩn hậu cần cho các đối tượng theo quy định, giữ ổn định và cải thiện đời sống bộ đội.
Cùng với xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng hậu cần tinh, gọn, mạnh; thực hiện nghiêm việc điều chỉnh tổ chức lực lượng của ngành Hậu cần Quân đội. Tổ chức tốt việc quán triệt, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, kế hoạch của BQP về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam; làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, cơ quan chức năng, cán bộ, đảng viên, quần chúng để thực hiện đạt kết quả cao nhất. Phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện tổ chức, biên chế; tiến hành đồng bộ, thận trọng, chắc chắn, an toàn, hiệu quả; đúng nguyên tắc, quy trình, thời gian quy định; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất. Chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, chỉ huy các cấp; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn theo hướng chuẩn hóa, có phẩm chất, năng lực tốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác hậu cần Quân đội, một mặt công tác quân sự của Đảng, góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội. Trong 80 năm qua, từ người cán bộ hậu cần đầu tiên đến lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Hậu cần luôn nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt chức năng BĐHC cho Quân đội hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, làm nên truyền thống vẻ vang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Trong điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và BVTQ, với ý chí quyết tâm, lòng tự hào, tự tin, tinh thần tự lực, tự cường, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 80 năm qua, công tác hậu cần chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá NGUYỄN ĐÌNH LÂM, Phòng Khoa học Quân sự/TCHC - Đại tá, PGS, TS VŨ QUỐC HUY, Học viện Hậu cần