Tình hình chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng và công tác quân sự địa phương (QSĐP) được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Hà Nội thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững mạnh được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nòng cốt là Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô quan tâm đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, tiềm lực quốc phòng, nâng cao ý thức SSCĐ và phát huy được sức mạnh tổng hợp của lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ phát triển KT - XH với đảm bảo củng cố quốc phòng; từng bước xây dựng các công trình căn cứ chiến đấu (CCCĐ), căn cứ hậu phương (CCHP), căn cứ hậu cần (CCHC) tạo thế và lực của KVPT. Công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) trong xây dựng và hoạt động của KVPT được Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, trực tiếp là Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô Hà Nội tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, đúng quy định, đạt chất lượng và hiệu quả, được thể hiện trên một số kết quả nổi bật sau:

Một là, quán triệt sâu sắc và triển khai kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị các cấp.

Căn cứ vào Nghị quyết số 28 - NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) ngày 22/9/2008 về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 03/10/2011 về tăng cường lãnh đạo xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về KVPT; Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28- NQ/TW; Thành ủy Hà Nội đã kịp thời ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 12/01/2009 về xây dựng Thành phố Hà Nội thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 30/2013/NQ-HĐND ngày 06/12/2013 của HĐND về xây dựng KVPT Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 186/QĐ-UBND, ngày 06/12/2013 về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 30/2013/ NQ-HĐND; Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 25/12/2019 về thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW… nhằm cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đối với nhiệm vụ xây dựng Thành phố Hà Nội thành KVPT vững chắc.

Ngoài ra, trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết HĐND qua các nhiệm kỳ và hằng năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đều chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực trong KVPT ngay từ thời bình. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các chương trình công tác, trong đó xác định Chương trình số 05-CTr/TU ngày 19/5/2011 về tăng cường QP, AN, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (giai đoạn 2010- 2015 và 2015 - 2020; HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 30/2013/NQ-HĐND ngày 06/12/2013 về “Xây dựng KVPT Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Chương trình số 09 - CTr/TU ngày 17/3/2021 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh (QP, AN), giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025… Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, ban ngành, trong đó chú trọng là BTL Thủ đô quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, nghị định, chương trình hành động… về xây dựng KVPT nói chung và xây dựng lực lượng, thế trận, các mặt công tác hậu cần KVPT nói riêng. Qua đó, nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng cho cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các ngành KT- XH (Sở Kế hoạch & Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Y tế ...) về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, trong đó có xây dựng và hoạt động của các KVPT.

leftcenterrightdel
Tăng gia, sản xuất cải thiện đời sống bộ đội ở Tiểu đoàn Thiết giáp 47. Ảnh: Báo Quốc phòng Thủ đô

Hai là, phát huy vai trò tham mưu của cơ quan QSĐP với cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt chủ trương, kết hợp chặt chẽ giữa KT - XH với quốc phòng, quốc phòng với KT - XH trong xây dựng tiềm lực, thế trận KVPT.

Theo đó, các cơ quan quân sự đã tham mưu với UBND Thành phố xây dựng quy hoạch phát triển KT - XH của Thành phố Hà Nội đến 2020, tầm nhìn đến 2030; Chiến lược phát triển KT - XH Thành phố Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 về nội dung quốc phòng. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển KT - XH giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo BTL Thủ đô làm tốt công tác tham mưu, đề xuất quy hoạch xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, trong đó có thế trận hậu cần KVPT, nhất là trên các khu vực then chốt; hằng năm, bổ sung hoàn thiện thông qua rút kinh nghiệm từ tổ chức luyện tập, diễn tập tác chiến KVPT của các quận, huyện, thị xã.

Ba là, xây dựng và từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng phát triển kinh tế, hoạt động hậu cần KVPT cấp quận, huyện, thị xã.

Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo, thực hiện kết hợp trong quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH, thực hiện mỗi bước phát triển KT - XH là một bước tăng cường tiềm lực cho QP, AN. Đầu tư phát triển sản xuất đề cao ưu tiên những ngành, nghề vừa bảo đảm phục vụ phát triển KT - XH, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cần thiết; gắn việc xây dựng cơ sở hạ tầng (hệ thống đường sá, cầu cống, bến cảng...) với quy hoạch, kế hoạch xây dựng hậu cần KVPT. Chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân từ cơ sở xã, phường, thị trấn đến quận, huyện, thị xã, hợp thành thế trận vững chắc chung của Thành phố theo hướng “vững toàn diện, mạnh trọng điểm”. Chỉ đạo chặt chẽ việc khảo sát, lập dự án, triển khai xây dựng các KVPT then chốt, CCCĐ, CCHP, CCHC của Thành phố và quận, huyện, thị xã, sở chỉ huy các cấp, các mục tiêu trọng yếu, các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, các khu kinh tế - quốc phòng của Thành phố. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch sử dụng đất, xác định địa điểm, diện tích đất sử dụng, phương án bố trí tổng thể các công trình và chỉ giới xây dựng từng công trình phòng thủ, phân kỳ thời gian thực hiện.

Bốn là, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến KVPT cấp Thành phố, huyện (khối A, B), tổ chức tốt diễn tập KVPT.

Trên cơ sở Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của BTL Thủ đô Hà Nội được Thường trực Thành ủy thông qua và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương rà soát, xây dựng và điều chỉnh hệ thống văn kiện, kế hoạch bảo đảm nhu cầu năm đầu chiến tranh (Kế hoạch B); trong đó có các văn kiện về hậu cần sát với yêu cầu, nhiệm vụ, đủ khả năng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống. Chỉ đạo các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT - TTg ngày 03/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng và diễn tập KVPT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó lấy BTL Thủ đô làm nòng cốt tiến hành các cuộc diễn tập KVPT với quy mô, hình thức khác nhau, kết hợp với diễn tập phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, diễn tập, phòng, chống cháy rừng… Tổ chức thành công cuộc diễn tập KVPT Thành phố như:“HN - 13”, “HN - 19”, tham gia diễn tập tác chiến chiến lược trên hướng chiến trường miền Bắc “MB - 17”…

Năm là, làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng thế trận hậu cần; quy hoạch phát triển KT-XH gắn với củng cố QP, AN; huy động nguồn lực của địa phương trong xây dựng tiềm lực kinh tế, khoa học, công nghệ về hậu cần.

Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2013/NQ-HĐND của HĐND Thành phố và Kế hoạch triển khai thực hiện của UBND Thành phố Hà Nội về xây dựng KVPT Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ban hành kèm theo Quyết định số 186/QĐ-UBND ngày 23/7/2014, kết quả như sau: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nòng cốt là BTL Thủ đô tập trung xây dựng thế trận của KVPT vững chắc; trong đó, quan tâm đầu tư xây dựng KVPT then chốt, CCCĐ, CCHP, CCHC - kỹ thuật và sở chỉ huy các cấp. Đến hết tháng 9/2022, đã xây dựng hoàn thành các công trình: TĐ-01; cầu cảng quân sự ở Bồ Đề/Long Biên; CZTĐ1; tại Hồng Sơn (Mỹ Đức) đã hoàn thành 04 công trình; tại Nam Sơn (Sóc Sơn) hoàn thành 01 công trình. Đang thi công công trình STĐ.02; triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình HC - KT 02.1; chỉ đạo quận Hoàng Mai đầu tư kinh phí gần 6 tỷ đồng xây dựng hệ thống hầm, hào, trang thiết bị của sở chỉ huy trong CCCĐ của quận; cải tạo, sửa chữa và đưa vào sử dụng Sở chỉ huy BTL Thủ đô Hà Nội, trụ sở ban chỉ huy quân sự 30 quận, huyện, thị xã, đầu tư xây dựng doanh trại Sư đoàn BB 30... Thành ủy đã chỉ đạo cơ quan quân sự (nòng cốt là BTL Thủ đô) phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, tham gia thẩm định các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển KT - XH gắn với củng cố QP, AN trên địa bàn; tiến hành khảo sát khả năng động viên nền kinh tế quốc dân đảm bảo nhu cầu năm đầu chiến tranh, khảo sát hệ thống công trình dân dụng, công trình ngầm phục vụ mục đích quốc phòng; tập trung nguồn lực lập kế hoạch xây dựng CCHP, CCHC KVPT; đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ cần thiết, trồng cây tạo độ che phủ bảo vệ căn cứ bằng nguồn vốn từ ngân sách quốc phòng và địa phương được triển khai có hiệu quả.

Sáu là, đẩy mạnh xây dựng và hoạt động của hội đồng cung cấp; thực hiện tốt công tác xây dựng, huấn luyện lực lượng hậu cần quân sự địa phương.

Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp thường xuyên kiện toàn các hội đồng, ban chỉ đạo cấp thành phố, quận, huyện, thị xã thực hiện công tác quốc phòng địa phương, như: Hội đồng Cung cấp KVPT, hội đồng nghĩa vụ quân sự, hội đồng giáo dục QP, AN; Ban Chỉ đạo KVPT Thành phố, Ban Chỉ đạo diễn tập Thành phố, Ban Chỉ đạo công tác phòng không nhân dân, ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn; ban chỉ đạo động viên công nghiệp; ban quân dân y... theo hướng chất lượng và hiệu quả. Theo đó, làm tốt công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện những nội dung liên quan đến các cấp, các ngành và những việc cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là trong phòng, chống thiên tai, phòng, chống dịch bệnh (điển hình là dịch bệnh COVID-19), đảm bảo an toàn giao thông, xóa đói giảm nghèo...

Tổ chức giáo dục và bồi dưỡng kiến thức QP, AN trong tình hình mới cho lực lượng hậu cần QSĐP; tích cực đổi mới về nội dung, tổ chức chặt chẽ có chất lượng, nhất là cho cán bộ hậu cần các cấp. Chú trọng huấn luyện sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị trong biên chế; nâng cao khả năng hiệp đồng, phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng theo phương án, kế hoạch tác chiến của KVPT. Đồng thời, tổ chức luyện tập các tình huống tham gia phòng, chống bạo loạn theo đúng chức năng; tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai... Bên cạnh đó, có kế hoạch xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, thực hiện đăng ký, quản lý và tổ chức huấn luyện, diễn tập đầy đủ theo quy định, sẵn sàng huy động, đáp ứng yêu cầu khôi phục, mở rộng lực lượng của Quân đội khi cần thiết; trong đó, đặc biệt chú trọng nắm và quản lý phương tiện dự bị động viên, sát với sự phát triển, biến động về số lượng, chất lượng của trang bị, phương tiện đã đăng ký.

Những kết quả đạt được nói trên đã góp phần nâng cao chất lượng công tác hậu cần thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển KT - XH của Thành phố Hà Nội thời gian qua. Đây là tiền đề quan trọng để Thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, phát triển toàn diện Thủ đô, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới.

LÊ HỒNG SƠN, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội