Sinh ra và lớn lên tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010, Lê Văn Tuấn thi trúng tuyển vào Học viện Hậu cần, chuyên ngành Chỉ huy Tham mưu. Năm 2014, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Khá và quân hàm Trung úy, anh Tuấn được điều động về Bộ CHQS tỉnh Bình Phước công tác.

leftcenterrightdel
Thiếu tá Lê Văn Tuấn. 

Trong 10 năm công tác, anh đảm nhiệm các chức vụ: trợ lý hậu cần tiểu đoàn, trợ lý quân nhu, phụ trách Ban Hậu cần - Kỹ thuật Ban CHQS huyện Bù Đốp, Trưởng ban Quân nhu (Phòng Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Bình Phước). Ở cương vị nào anh  đều  nỗ  lực cố gắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều đáng nói là, quá trình công tác tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng anh luôn chủ động tìm mọi biện pháp khắc phục và tích cực nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả trong công tác hậu cần.

leftcenterrightdel
Bộ CHQS tỉnh Bình Phước áp dụng sáng kiến xe bếp bảo đảm ăn dã ngoại vào thực tế huấn luyện. Ảnh: CTV 

Nhớ lại những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng hiệu quả thời gian gần đây, anh Tuấn kể: Năm 2017, đang giữ chức vụ Trợ lý Quân nhu Phòng Hậu cần, trong những đợt bảo đảm ăn uống cho đơn vị huấn luyện dã ngoại, diễn tập và thực hiện nhiệm vụ đột xuất, chủ yếu sử dụng bếp Hoàng Cầm cấp I để nấu. Việc triển khai đào bếp, tổ chức nấu mất nhiều thời gian, công sức của bộ đội, nhưng  tính  cơ  động,  linh  hoạt không cao. Mặt khác, nếu đào bếp Hoàng Cầm trong khu vực đô thị hoặc trên nền đất cát pha dễ bị sụt lún, gặp nhiều khó khăn khi nấu. Nếu thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi tính cơ động, linh hoạt cao, yêu cầu bảo đảm ăn uống nhanh, như phòng, chống bão, lũ, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, cháy nổ, cháy rừng…, việc sử dụng bếp Hoàng Cầm cấp I không phù hợp. Từ những trăn trở và sau khi nghiên cứu, tôi mạnh dạn đề xuất và được chỉ huy đơn vị đồng ý thiết kế, lắp đặt, sử dụng thí điểm “Xe bếp bảo đảm ăn uống trong dã ngoại”.

Xe bếp được thiết kế hệ thống bếp hoàn chỉnh lắp đặt trên thùng xe Zil 130, gồm: bếp nấu sử dụng nhiên liệu bằng gas; tủ nấu cơm; giá dụng cụ cấp dưỡng; bàn chế biến… Xe bếp được Bộ CHQS tỉnh Bình Phước sử dụng thí điểm nấu ăn phục vụ bộ đội trong Hội thao Thể dục thể thao Quốc phòng tháng 6/2017; diễn tập; kiểm tra bắn Cối 82, súng máy phòng không 12,7 cho sĩ quan tại Trường bắn Quốc gia Khu vực III; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Qua sử dụng cho thấy, chỉ cần 3 giờ có thể nấu cơm, thức ăn bảo đảm cho 100 người. Xe bếp có tính cơ động cao, tiết kiệm thời gian nấu; có thể nấu trong quá trình hành quân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cơ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, huấn luyện dã ngoại, diễn tập. Sản phẩm “Xe bếp bảo đảm ăn uống trong dã ngoại” đoạt giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2019.

Nhiều năm thực hiện công tác quân nhu ở đơn vị bộ đội địa phương, anh Tuấn nhận thấy việc đo chỉ số cơ thể thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự để xác định cỡ số quân trang có nhiều bất cập. Việc tổ chức, phương pháp đo chỉ số của các địa phương chưa thống nhất. Quá trình đo phải tiến hành nhiều bước, tốn thời gian, độ chính xác không cao, ảnh hưởng đến chất lượng tổng hợp cỡ số quân trang; tỷ lệ chiến sĩ sau khi nhập ngũ vào đơn vị phải cấp đổi quân trang cao. Từ thực tế trên, anh Tuấn nghiên cứu sáng kiến “Thiết bị điều tra cỡ số quân trang, kết hợp kiểm tra thể lực thanh niên nhập ngũ trong công tác tuyển quân”. Sản phẩm được ứng dụng cho các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Bình Phước mang lại hiệu quả rõ rệt, rút ngắn thời gian khám tuyển, thu thập chỉ số với độ chính xác cao, dễ xác định cỡ số quân trang chiến sĩ. Năm 2022, thiết bị trên đoạt giải A trong Hội nghị nghiệm thu, công nhận sáng kiến của Quân khu 7. Sáng kiến được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, khuyến khích nhân rộng, áp dụng trong toàn Quân khu.

Không chỉ có nhiều thành tích trong nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trên cương vị là Trưởng ban Quân nhu, anh luôn bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chỉ lệnh công tác hậu cần, hướng dẫn của ngành cơ quan nghiệp vụ cấp trên, kịp thời tham mưu với chỉ huy Phòng Hậu cần, hướng dẫn, chỉ đạo công tác quân nhu, bảo đảm tiêu chuẩn cho các đối tượng. Tham mưu với Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào hoạt động chăn nuôi, trồng trọt tập trung quy mô lớn gắn với Căn cứ Hậu phương, Căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật. Anh cùng cơ quan chỉ đạo Tổ Tăng gia sản xuất tập trung tại Căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật của Bộ CHQS Tỉnh hoạt động hiệu quả. Tại đây, Tổ Tăng gia sản xuất thường xuyên nuôi trên 600 con lợn thịt; trồng, chăm sóc 227 ha cao su, 421 ha tràm và gần 60 ha điều và 7 ha cây ăn quả các loại… Kết quả thu lãi từ tăng gia sản xuất những năm gần đây của Bộ CHQS Tỉnh đạt bình quân trên 6.000.000 đồng/người/năm. Số tiền trên trích đưa vào ăn thêm thường xuyên   6.000   đồng/người/ngày, góp phần giữ vững chất lượng bữa ăn bộ đội. Trên cương vị là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Quân nhu, Thiếu tá Lê Văn Tuấn luôn gương mẫu trong công tác, sinh hoạt, là hạt nhân đoàn kết, luôn phát huy vai trò tập thể và cá nhân. Chi bộ Ban Quân nhu hằng năm đạt trong sạch vững mạnh, Ban Quân nhu vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với sự năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác chuyên môn, Thiếu tá Lê Văn Tuấn đạt nhiều thành tích nổi bật, được lãnh đạo, chỉ huy các cấp đánh giá cao. Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen, ghi nhận đạt Danh hiệu “Trí thức trẻ tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, sáng tạo”; Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023 và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Trung tá HOÀNG THANH HIỀN, Bộ Tham mưu Hậu cần