Sn phẩm nông nghiệp mang mùa Xuân đến sớm”

Từ Hà Nội, sau gần 10 tiếng đồng hồ, vượt trên 500km, trong đó hơn 200km là đường đèo núi, chúng tôi có mặt tại xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì. Đoạn đường từ Trung tâm huyện lên xã Bản Máy chỉ hơn 30km, nhưng phải mất gần 2 giờ đi đường. Trên quãng đường hẹp, gồ ghề này, chúng tôi không nhớ có bao nhiêu vòng cua tay áo nguy hiểm, dốc cao và vực sâu. Đường vào Bản Máy mùa Đông chìm trong sương mù và lạnh giá, nhưng mùa mưa ô tô sẽ rất khó đi. Đồng chí “tài xế già” của Cục Hậu cần Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đi cùng đoàn công tác, dù trên 20 năm kinh nghiệm lái xe đường đèo núi cũng phải thốt lên: “Chưa từng đi con đường nào khó như lên Bản Máy”.

Chúng tôi đến Đồn Biên phòng (ĐBP) Bản Máy (đứng chân tại xã Bản Máy) lúc hơn 16 giờ. Sau khi uống chén nước trà đặc ấm tại Sở Chỉ huy, đồng chí Thiếu tá Vương Đình Vinh, Phó Đồn trưởng tranh thủ dẫn chúng tôi tham quan xung quanh đơn vị. Anh chia sẻ: “Bản Máy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển là một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, đồng bào chủ yếu là dân tộc Tày, Mông, Nùng, La Chí và Phù Lá, đời sống phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Hoạt động giao thương rất hạn chế, mỗi tuần chỉ có một lần chợ phiên, hàng hóa chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp và hàng tạp hóa. Vì thế, anh em trong Đồn phải tích cực chăn nuôi, trồng trọt để tự túc thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày. Từ cuối tháng 11 hằng năm, Đồn bắt đầu trồng một số loại rau cao cấp và nuôi gia súc, gia cầm mang tính đặc sản để phục vụ Tết Nguyên đán. Đồng thời, đây là nơi tham quan, học tập của bà con để phát triển kinh tế nông nghiệp hộ gia đình”.

Khi đến khu tăng gia sản xuất (TGSX) của Đồn, chúng tôi hơi bất ngờ, bởi trên địa hình dốc thẳng đứng lại có khu TGSX khá hoàn chỉnh với những vườn rau, ao cá, chuồng nuôi gia súc, gia cầm được quy hoạch gọn, bố trí theo kiểu bậc thang. Trong vườn rau xanh mơn mởn có rất nhiều loại cây trồng như: bắp cải, su hào, cải xoăn, cải bẹ, cải cúc, xà lách, hành, tỏi, cần tây… đang đến kỳ thu hoạch. Trong chuồng đang nuôi nhiều lợn đen, gà đen, ngan đen, ngỗng… là những giống gia súc, gia cầm địa phương. Tuy thời tiết giá lạnh nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn nuôi được nhiều loại cá như: Trắm, chép, trê, rô phi… Đến nay, Đồn thường xuyên tự túc đủ nhu cầu rau xanh và 80% thịt lợn, gia cầm trong bữa ăn. Nhiều năm qua, Đồn tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Đội Sản xuất số 3 hướng dẫn người dân chăm sóc cây củ cải đường.

Sáng sớm ngày hôm sau, khi trời còn mờ sáng, chúng tôi chia tay cán bộ, chiến sĩ ĐBP tiếp tục hành trình đến ĐBP cửa khẩu Xín Mần. Sau khi vượt qua 60km đường dốc, núi cao trong thời gian gần 3 giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại ĐBP cửa khẩu Xín Mần, đóng quân trên xã Xín Mần, huyện Xín Mần quanh năm sương mù. Đứng tại Sở chỉ huy nhìn xuống chân núi chỉ thấy một màu sương mù trắng đục đặc quánh. Tham quan khu TGSX tập trung, chúng tôi thấy các mô hình ở đây giống như ĐBP Bản Máy, nhưng quy mô lớn hơn. Trao đổi với đồng chí Trung tá Đỗ Đại Thắng, Đồn trưởng được biết: Với diện tích vườn, ao, chuồng hiện nay, đơn vị tự túc trên 90% nhu cầu thực phẩm trong bữa ăn. Những năm gần đây, Đồn phối hợp với Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3 (gọi tắt là Đội Sản xuất số 3)/Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 313 (KTQP) giúp bà con giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng phát triển kinh tế nông nghiệp, theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”; hỗ trợ bà con cây giống khoai lang mật, dong riềng, gừng… để trồng tập trung quy mô lớn. Đến khi thu hoạch sản phẩm, Chỉ huy Đồn vận động cán bộ, giáo viên trong khu vực tiêu thụ sản phẩm giúp bà con. Cách làm này cho thấy hiệu quả, nhờ đó nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

Sau khi chia tay cán bộ, chiến sĩ ĐBP cửa khẩu Xín Mần, chúng tôi đến Đội Sản xuất số 3 để tìm hiểu về hoạt động giúp Nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Tiếp chúng tôi tại nhà chỉ huy của Đội, đồng chí Trung tá Lục Phát Dũng, Chính trị viên vui vẻ cho biết: “Từ năm 2022, Đội thực hiện mô hình Dự án phát triển kinh tế - xã hội; mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi khu KTQP. Đội đã hỗ trợ hàng trăm con lợn đen bản địa cho hàng chục gia đình; hỗ trợ 20 hộ gia đình phát triển mô hình nuôi trâu sinh sản. Năm 2023, Đội tiếp tục triển khai mô hình trồng củ cải đường cho 30 hộ gia đình tại 3 thôn thuộc xã Xín Mần; triển khai mô hình trồng cây hồng không hạt cho 40 hộ, hỗ trợ nuôi dê sinh sản cho 37 hộ, hỗ trợ nuôi trâu vỗ béo cho 40 hộ tại xã Nàn Xỉn. Đến nay, các mô hình trên mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là mô hình trồng củ cải đường mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho Nhân dân trên địa bàn. Là một trong hộ gia đình trồng thí điểm củ cải đường, ông Thàng Seo Vàng, thôn Xín Mần, xã Xín Mần phấn khởi cho biết: “Trước đây, trên diện tích đất này trồng ngô, mỗi năm 1 vụ, trừ chi phí thu lãi 4 - 5 triệu đồng. Năm 2023 chuyển sang trồng củ cải đường, đây là vụ thu hoạch đầu tiên, có củ nặng tới 3 - 4 kg. Riêng vườn này, dự kiến thu hoạch trên 10 tấn củ, lãi khoảng 13 triệu đồng, gấp 3 lần trồng ngô, lúa. Nhờ củ cải đường, Tết này gia đình mình sẽ vui hơn…”.

Từ năm 2020 - 2023, trên địa bàn phía Tây tỉnh Hà Giang, 5 đội sản xuất của Đoàn KTQP 313 và các ĐBP phối hợp với chính quyền địa phương thực  hiện  nhiều  dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn tạo ra sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP. Từ các mô hình này, nhận thức của người dân đã thay đổi, tận dụng đất đai, biết cách chăm sóc cây trồng, tăng thu nhập, tự vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, phong trào cải tạo vườn tạp phát triển rộng khắp ở các huyện của tỉnh Hà Giang. Năm 2023, nhiều hộ gia đình có nguồn thu ổn định từ sản xuất nông nghiệp, không cần địa phương hỗ trợ dịp Tết.

Hot động thắm tình quân dân dịp Tết

Trong đợt công tác này, chúng tôi có dịp tìm hiểu về các hoạt động của quân dân dịp Tết Nguyên đán. Trao đổi với đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Tủi, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Xín Mần được biết: Vào dịp Tết hằng năm, Ủy ban nhân dân Huyện tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: tặng quà chính sách, mỗi suất 500 nghìn đồng; cơ quan quân sự Huyện tặng quà cán bộ hưu trí Quân đội trên địa bàn. Đảng ủy Quân sự Huyện tặng quà cựu chiến binh nghèo, hộ gia đình khó khăn. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, toàn Huyện hỗ trợ 9 học sinh với mức 500 nghìn/tháng. Ban CHQS Huyện trích nguồn thu từ TGSX, dịch vụ bảo đảm quà Tết cho người hưởng lương 3 triệu đồng/người. Khi thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, Hội đồng quân sự Huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà trị giá 500 nghìn đồng/người.

Nói về Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, đồng chí Thiếu tá Nguyễn Ngọc Huân, Chính trị viên phó ĐBP Xín Mần cho biết: Hằng năm, Đồn tổ chức Chương trình trước Tết Nguyên đán khoảng 15 - 20 ngày, mời đại diện chính quyền địa phương cấp huyện, xã, thôn, già làng, trưởng bản, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... Trong Chương trình, có nội dung thi gói bánh chưng, trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy... Đây là dịp để giáo dục nét đẹp truyền thống văn hóa, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc, thể hiện sự đoàn kết giữa cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và Nhân dân trên địa bàn. Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngoài việc trích quỹ 30 triệu đồng, Đồn còn vận động các nhà hảo tâm quyên góp để tăng thêm kinh phí tổ chức Chương trình với các hoạt động phong phú hơn. Trước Tết, Đồn tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn. Trong dịp Tết, tổ chức ăn Tết trên đường biên và vui Xuân cùng bà con.

Đồng chí Thượng úy Trần Ngọc Minh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng/ĐBP Bản Máy cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày, Đồn cử từ 5 đến 7 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thay nhau xuống bản ăn Tết cùng bà con và tặng quà cho trẻ em, người già… Thông qua các hoạt động trên đã gắn kết tình quân dân và nắm chắc tư tưởng, tình cảm của bà con, giúp công tác vận động quần chúng thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước tốt hơn.

Những việc làm nhân văn mùa tuyển quân

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Tiến Yên, Chính trị viên Ban CHQS huyện Xín Mần cho biết: Mấy năm gần đây, Huyện có chủ trương quan tâm nhiều hơn đến thanh niên nhập ngũ và bộ đội hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Trước khi nhập ngũ, Ban CHQS Huyện phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức Lớp cảm tình Đảng cho 100% thanh niên trúng tuyển tại cơ quan quân sự trong thời gian 1 tuần. Đây là dịp để thanh niên diện nhập ngũ làm quen dần với môi trường sống trong Quân đội.

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Ban CHQS Huyện tiếp nhận đầy đủ quân trang chiến sĩ mới để bảo đảm kịp thời trước ngày Lễ tòng quân của địa phương. Đối với bộ đội hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, Ban CHQS Huyện tham mưu với Huyện ủy, Hội đồng nhân dân thực hiện chính sách đặc biệt, đó là: Nếu được kết nạp Đảng trong Quân đội sẽ được tặng 1 con bò giống trị giá 10 triệu đồng. Việc làm này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp chiến sĩ nhanh chóng phát triển kinh tế gia đình, sớm ổn định đời sống. Đây cũng là điểm sáng được Hội đồng Nghĩa vụ tỉnh Hà Giang đánh giá cao, tuyên truyền nhân rộng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lộc Văn Huy, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện Đoàn Xín Mần cho biết: Trên cơ sở Lớp cảm tình Đảng tập trung, năm 2022, Huyện Đoàn kết hợp thực hiện đan xen một số hoạt động giao lưu với các thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự từ 3 - 5 buổi tối nhằm chia sẻ kỹ năng sinh hoạt tổ, đội, nhóm tạo khí thế hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Trong thời gian tham gia Lớp cảm tình Đảng, thanh niên được tham gia một số hoạt động như: thi tìm hiểu Luật Nghĩa vụ quân sự, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ… Huyện Đoàn vận động xã hội hóa xây dựng phần việc thanh niên, như: Chương trình vì bạn tòng quân; tặng quà gia đình thanh niên có hoàn cảnh khó khăn bằng hiện vật như: Chăn, quần áo ấm cho vợ, con. Đồng thời tham mưu với Ủy ban nhân dân tổ chức hoạt động tặng nhà chiến sĩ, năm 2023 bắt đầu thực hiện được 3 nhà cho chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Các nội dung chương trình của năm 2024 đã chuẩn bị xong để thực hiện trước Tết Nguyên đán.

Hành trình đến với Hà Giang lần này của chúng tôi không dài và chưa đến được nhiều nơi, song đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Không chỉ có nhiều cách làm sáng tạo để vượt qua khó khăn, thử thách mà tình quân dân nơi đây ngày càng thấm đượm, tạo nên “thế trận lòng dân” vùng biên vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh nơi tuyến đầu Tổ quốc.

 Bài, ảnh: LƯƠNG THẢO - HOÀNG HIỀN