Đặc biệt, Binh đoàn 15 đồng thời thực hiện nhiệm vụ ở 5 huyện thuộc tỉnh Attapeu của nước bạn Lào và 4 xã, 3 huyện của tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia, dọc biên giới với Việt Nam. Nắm chắc đặc điểm địa bàn, dân cư, với quyết tâm, trách nhiệm chính trị cao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung xây dựng các mô hình sản xuất gắn với giúp đỡ Nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh (QP, AN) trên địa bàn biên giới.

Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây ngày càng được cải thiện và có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, khu vực này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, đi cùng với đó là các hủ tục lạc hậu. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 xác định, muốn phát triển sản xuất đồng thời giúp đỡ đồng bào, việc đầu tiên là phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con và làm tốt việc tuyển dụng lao động là người đồng bào DTTS đang sinh sống trên địa bàn. Do tập quán canh tác du canh, du cư đã ăn sâu bám rễ lâu đời nên việc đưa đồng bào người DTTS vào làm việc tại Binh đoàn với cách thức lao động, sản xuất mới, đòi hỏi tính kỷ luật, khoa học, năng suất, chất lượng, hiệu quả, là điều không dễ dàng. Do vậy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn luôn kiên trì vận động, đưa người Kinh vào “làm mẫu”, “cầm tay chỉ việc”, nói cho đồng bào nghe, làm cho đồng bào xem, thuyết phục đồng bào bằng thực tế cuộc sống khá giả của người lao động đi trước. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, tay nghề, kỹ năng lao động cho đồng bào DTTS tại chỗ; cử cán bộ kỹ thuật về từng thôn, làng hướng dẫn bà con cách thức nuôi, trồng; trực tiếp hỗ trợ vốn, giống, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa…

leftcenterrightdel
Bộ đội Binh đoàn 15 giúp Nhân dân thu hoạch lúa.Ảnh: CTV 

Trên toàn bình diện, Binh đoàn đã triển khai và thực hiện tốt phương châm: “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”. Trên các địa bàn, do Binh đoàn 15 quản lý, đều thấy những vườn cao su, cà phê được mở rộng, bản làng, khu dân cư của bà con được xây dựng ngày càng khang trang hơn. Trước đây, nhiều gia đình chỉ biết phá rừng làm nương rẫy, thì nay đã chuyển sang trồng cây cao su, cây cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm, công ăn việc làm ổn định hơn, đời sống ngày càng nâng cao, nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS trở nên ổn định hơn rất nhiều, thu nhập đều đặn hàng chục triệu đồng mỗi tháng, tỷ lệ hộ nghèo tại các địa bàn đóng quân của Binh đoàn giảm từ hơn 60% xuống dưới 10%. Đến nay, số lao động là người DTTS làm việc trong Binh đoàn đạt trên 52%, số công nhân và các hộ đồng bào DTTS tại chỗ đã nhận khoán với hơn 70% tổng diện tích đất trồng cây của Binh đoàn. Sự phát triển của Binh đoàn không chỉ góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của đồng bào DTTS của địa phương mà đã làm chuyển đổi căn bản nhận thức của đồng bào về phương pháp, lề lối làm việc, cách thức phát triển kinh tế gia đình, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe và vệ sinh môi trường... góp phần xây dựng nguồn lực con người trong xây dựng buôn, làng văn hóa, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, củng cố cơ sở chính trị địa phương ngày càng vững chắc, tăng cường lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất gắn với phát triển KT – XH của địa phương, trên cơ sở quy hoạch tổng thể khu kinh tế - quốc phòng và các dự án được triển khai, Binh đoàn đã xây dựng quy hoạch cụ thể, có chính sách phù hợp điều chỉnh lao động hợp lý từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển công nghiệp nông thôn vùng đồng bào DTTS; tập trung nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH gắn với QP, AN; gắn tốc độ phát triển của Binh đoàn với sự phát triển chung của Tây Nguyên và cả nước. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư; tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bằng những công trình, phần việc thiết thực, như: Tu sửa, làm mới kết cấu hạ tầng; giải quyết đất ở, đất sản xuất; xóa nhà tranh tre, nứa lá trên địa bàn. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH do Binh đoàn xây dựng đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của địa phương.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh (BTL) Binh đoàn tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư, chi phí giá thành sản phẩm sát với thị trường và năng lực của đơn vị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; tăng cường quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu, bám sát thị trường để chủ động tiêu thụ sản phẩm. Thời gian gần đây, trong điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; một số nguồn cung đứt gãy, lực lượng lao động thiếu, giá bán sản phẩm cao su không ổn định, trong khi đó giá cả vật tư, nguyên vật liệu, phân bón phục vụ sản xuất đều tăng mạnh, các khoản chi phí phát sinh lớn làm cho Binh đoàn gặp nhiều khó khăn…

Để khắc phục, Thường vụ Đảng ủy, BTL Binh đoàn đã bám sát chủ trương của trên, cân đối nguồn lực, dự báo thị trường, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính; chủ động xây dựng và triển khai các phương án kế hoạch sớm, sát với yêu cầu, đặc thù đơn vị. Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành sản xuất; duy trì nghiêm quy chế quản lý, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý, chế biến, bảo quản; tích cực nắm bắt thị trường, chủ động tiêu thụ sản phẩm kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí; triển khai đồng bộ các biện pháp chống thất thoát, tận thu nguyên liệu nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Năm 2021, giá trị sản xuất của Binh đoàn đạt trên 111% kế hoạch; thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, Binh đoàn tích cực tham gia cùng địa phương bảo đảm tốt phúc lợi xã hội; duy trì hoạt động hiệu quả cho hơn 100 điểm trường mầm non, hơn 300 nhóm lớp, hỗ trợ phát triển thể chất cho gần 7.000 trẻ em; trong đó, hơn 2.000 trẻ em là con em đồng bào DTTS. Bệnh viện Quân y 15 của Binh đoàn và 11 bệnh xá của các đơn vị trực thuộc tích cực tham gia phát triển hệ thống y tế cộng đồng, thực hiện có hiệu quả Chương trình quân dân y kết hợp, tổ chức khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho hàng chục vạn lượt người mỗi năm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Từ khi đến với vùng đất Tây Nguyên (năm 1985), đến nay, Binh đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập được 09 cụm, 255 điểm dân cư tập trung và nhiều thôn, làng, xã, huyện mới trên tuyến biên giới, tạo vành đai vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ nơi biên cương của Tổ quốc. Cùng với đó, Binh đoàn chủ động tham mưu, đề nghị với Bộ Quốc phòng bàn giao hàng trăm héc-ta đất quốc phòng, đất sản xuất cho địa phương quy hoạch phát triển KT - XH, bố trí dân cư, đảm bảo đồng bộ. Đồng thời, đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông liên thôn, liên xã, đường điện, bệnh xá quân dân y, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà Rông văn hóa… vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ dân sinh, góp phần nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc định canh, yên tâm định cư. Những năm qua, Binh đoàn đã làm mới, tu sửa hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông, xây dựng 01 bệnh viện với 200 giường bệnh, 11 bệnh xá quân dân y kết hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động và Nhân dân trên địa bàn; xây dựng, bàn giao cho địa phương 08 trường tiểu học - trung học cơ sở, 02 trường tiểu học - trung học nội trú, 11 trường mầm non với 130 điểm trường, 325 nhóm lớp, tạo điều kiện thuận lợi để con em đồng bào các dân tộc được đến trường, phổ cập tiểu học, xóa mù chữ.

Với phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với bản, làng”, đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động của Binh đoàn thực sự gắn bó, coi “thôn, làng là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Trong quá trình thực hiện, Binh đoàn đã triển khai sáng tạo, phát huy hiệu quả hoạt động kết nghĩa cùng nhiều mô hình dân vận khéo, như: mô hình “Gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào DTTS, “Hũ gạo tình thương”, “Vườn rau gắn kết”... Đồng thời, tích cực tham gia, thực hiện tốt các phong trào: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Chung tay xóa đói giảm nghèo” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Từ năm 2012 đến nay, Binh đoàn đã quyên góp, ủng hộ xây được hàng trăm ngôi nhà cho đối tượng chính sách; tặng hơn 120 con bò cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 10.000 lượt đồng bào; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán… giúp đồng bào ổn định cuộc sống.

Những việc làm hiệu quả, thiết thực nói trên càng thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó quân - dân, gắn kết tình cảm giữa các dân tộc anh em, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Binh đoàn thực sự trở thành chỗ dựa, điểm tựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc nơi đây.

Đại tá HOÀNG SỸ CHUNG, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15