Chúng tôi đến địa bàn 2 xã vùng biên Ia Rvê và Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) vào những ngày trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến gần 50oC, cảm giác rất ngột ngạt, khó chịu. Mặc dù tiết trời khắc nghiệt, bà con nông dân vẫn hối hả xuống đồng thu hoạch củ mì, dưa hấu, mía đường, lúa nương, xoài trái vụ… Qua tìm hiểu được biết, trong thời gian này, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến chiều tà, tiếng máy cày, máy ủi, xe tải, công nông hòa cùng niềm vui được mùa, được giá của bà con, vang vọng khắp mọi nẻo đường.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường cấp phối lởm chởm ổ gà, ổ trâu, nối từ trung tâm xã Ia Rvê đến xã Ea Rôk (huyện Ea Súp), Đại tá Trương Văn Bình - Chính ủy Đoàn 737 cho biết: “Đây là tuyến đường huyết mạch, chủ đạo để đưa nông sản, hàng hóa của bà con về huyện, tỉnh và vươn ra cả nước. Tuy nhiên, do lòng đường quá hẹp lại hư hỏng nặng nên việc đi lại, lưu thông rất khó khăn. Vừa qua, đơn vị đã khảo sát, báo cáo, đề nghị cấp trên đầu tư kinh phí để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này. Hiện nay, Đoàn KTQP 737 và một số đơn vị liên quan bắt đầu triển khai thi công mở rộng lòng đường lên tới 7,5m. Đây sẽ là con đường kết nối giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh”.
|
|
Công nhân của Công ty CIC thu hoạch ca cao. |
Từ nguồn kinh phí trên cấp, những năm qua, Đoàn KTQP 737 đã triển khai xây dựng, bàn giao, đưa vào sử dụng hệ thống công trình thủy lợi, kênh mương cấp nước phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và sinh hoạt cho người dân trong mùa khô, đồng thời điều tiết, thoát lũ trong mùa mưa tại các vùng ngập úng. Để tạo việc làm giúp người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2019 đến nay, bằng nguồn vốn trên cấp, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương 02 xã khảo sát, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp dân giảm nghèo bền vững. Trong đó, hỗ trợ cây, con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 286 hộ để phát triển các mô hình nuôi trâu, bò sinh sản, vịt trời, lợn lai và mô hình trồng cây ăn quả với tổng giá trị trên 7,7 tỷ đồng. Ngoài việc phát triển các mô hình từ kinh phí trên cấp, hằng năm, bằng nguồn vốn tăng gia sản xuất, đơn vị hỗ trợ giống cây ăn quả, con giống (bò, vịt trời) cho hàng chục hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ vươn lên thoát nghèo, với tổng giá trị trên 300 triệu đồng. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án lên đến gần 90%, cao nhất cả nước. Nhưng từ năm 2015 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5, sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên Đoàn 737 và cấp ủy, chính quyền địa phương, từng hộ dân, vùng dự án đổi thay rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Giai đoạn 2015 - 2021, Ia Rvê và Ia Lốp giảm được 855 hộ nghèo, tương đương 36,23%.
Đặc biệt, Đoàn KTQP 737 còn tập trung vào các chương trình khuyến nông, khuyến lâm phát triển sản xuất cho Nhân dân trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp với các viện, trường, cơ quan chuyên môn của huyện, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở có mô hình thực nghiệm quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng mới, chăm sóc các loại cây ăn quả năng suất, chất lượng cao, như: ca cao, mít, chuối già Nam Mỹ, nhãn Hương Chi, sắn cao sản… cho hàng ngàn lượt người dân. Theo đánh giá, các mô hình thực nghiệm trên từng bước “bén duyên” với mảnh đất vùng biên quanh năm nắng gió này.
|
|
Công ty Phương Nam Xanh sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn mít rộng hàng trăm hécta. |
Bên vườn mít Thái xuất khẩu, rộng gần 500 ha được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Global GAP (bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt) tại Thôn 12, xã biên giới Ia Rvê, ông Đào Trọng Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Phương Nam Xanh Việt Nam cho biết: “Nhờ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan, chuyên gia nông nghiệp đầu ngành, vườn cây ăn quả của chúng tôi hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài các cán bộ, kỹ sư nông, lâm nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học, hiện nay, có khoảng 60 lao động thường xuyên và 250 lao động thời vụ phổ thông đang làm việc tại Công ty, với mức thu nhập ổn định từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng, tùy từng vị trí”. Để chuẩn bị cho vụ mít đầu tiên, Công ty mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng, củng cố các khu nhà ở, nhà làm việc, hệ thống sân bãi, nhà kho, trạm chế biến, trạm cân với diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Toàn bộ mít Thái sau khi thu hoạch sẽ được phân loại, đóng gói, vận chuyển, bàn giao theo quy trình khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Công ty kỳ vọng thời gian tới, sản phẩm của mình sẽ từng bước tiếp cận thị trường khó tính nhất như châu Âu và Nhật Bản.
Ngoài cây mít, Công ty còn phối hợp với tổ chức CIAS (Hiệp hội sắn châu Á), Khoa Nông Lâm/Trường Đại học Tây Nguyên trồng thực nghiệm hàng chục giống sắn mới và chọn được 3 giống sắn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng, cho sản lượng tốt đó là giống HL- S11, KM 94 và KM140 để nhân rộng, chuyển giao công nghệ, giúp các hộ dân trồng sắn giảm chi phí, tăng năng suất từ 5 đến 10 tấn/ha/vụ lên khoảng 25 tấn/ha/ vụ. Với gần 10.000 ha đất trồng sắn, mỗi năm, người dân sẽ thu lãi lớn từ mô hình trồng trọt này.
Cùng với đó, từ năm 2016 đến nay, Công ty Cổ phần Cacao Intercontinental - CIC triển khai trồng mới hơn 250 ha cây ca cao trên địa bàn xã Ia Lốp và tích cực đầu tư, áp dụng các phương pháp quản lý trang trại theo hướng hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Để chống chọi với thời tiết, khí hậu nắng nóng, toàn bộ diện tích vườn cây đều được lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân theo phương pháp nhỏ giọt, giúp cây trồng hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng, tránh thất thoát phân bón do bay hơi hoặc rửa trôi. Mùa vụ năm 2023, năng suất ca cao thu được đạt khoảng 1,2 tấn/ha, doanh thu mỗi héc ta ước đạt 100 - 120 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng sắn. Sau 8 năm đưa loại cây này lên biên giới, Công ty CIC tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 60 công nhân, nhân viên chính thức của Công ty và 300 lao động thời vụ.
Gia đình anh Võ Trường Giang (36 tuổi, quê ở Thạnh Phú, Bến Tre, hiện cư trú tại thôn Trung, xã Ia Lốp) có 7 thành viên đang làm việc tại Công ty CIC. Công việc hằng ngày của họ là tách vỏ ca cao nên cả ngày chỉ quanh quẩn trong khu sơ chế, rất ít khi phải ra ngoài trời nắng. Anh Giang cho biết, mỗi tháng, công nhân sơ chế, tách vỏ được Công ty trả từ 6 đến 8 triệu tiền công, tùy theo năng suất, chất lượng lao động. Trước đây thuộc diện hộ nghèo, giờ đây chúng tôi dần có của ăn, của để, lo cho con cái học hành.
Cùng với trồng ca cao, mít Thái, các mô hình thực nghiệm trồng chuối già Nam Mỹ, nhãn Hương Chi cũng hứa hẹn cho “quả ngọt” trong thời gian tới. Gắn bó với Khu KTQP Ea Súp từ những ngày đầu thành lập, Đại tá Nguyễn Thế Thái - Đoàn trưởng Đoàn KTQP 737 cho biết: “Việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển mô hình thử nghiệm cây trồng, vật nuôi đã huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đây sẽ là hình mẫu để phát triển kinh tế - xã hội tại các khu KTQP trên cả nước, góp phần thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, lạc hậu, hiệu quả thấp, tạo vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng đất dự án. Đồng thời, dành nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho các mục tiêu kinh tế quan trọng, hạ tầng thiết yếu, tạo thuận lợi để thúc đẩy, thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, khu vực đặc biệt khó khăn”.
Ông Đỗ Xuân Dũng - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp khẳng định: “Từ khi triển khai đến hết năm 2023, các mô hình thực nghiệm mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân vùng dự án bằng nguồn phí nhân công đạt 179,9 tỷ đồng, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Với đặc thù thảm thực vật là rừng khộp nghèo, hiệu quả kinh tế thấp, việc đầu tư phát triển giống cây trồng như ca cao, mít, nhãn, chuối… góp phần làm thay đổi cảnh quan môi trường, tạo ra vùng sinh thái, thảm thực xanh mát vào mùa khô, chống xói mòn rửa trôi, nâng cao mực nước ngầm, hiệu quả canh tác sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích nhiều mặt về môi trường sinh thái cũng như kinh tế”. Những mô hình thực nghiệm thực sự góp phần phát triển kinh tế địa phương, làm cơ sở mở rộng sản xuất, hướng liên kết theo chuỗi giá trị với hộ dân, tạo vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đầu tư chế biến, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang mô hình kinh tế nông nghiệp, phát huy tiềm năng đất đai, lợi thế sẵn có vùng dự án.
Những kết quả mà Đoàn KTQP 737 đạt được là tiền đề vững chắc để vùng biên viễn Ea Súp tiếp tục chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, trở thành mái nhà chung ấm áp, nơi cư trú, định canh, định cư của hàng vạn đồng bào, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Bài, ảnh: AN KHANG