Anh

Nước Anh có truyền thống xây dựng và sử dụng quân dự bị từ rất lâu. Lực lượng dự bị (LLDB) được phân bố trên khắp lãnh thổ. LLDB được phân thành hai loại chính: quân dự bị chính quy, bao gồm những quân nhân thuộc quân chủ lực đã hoàn thành nghĩa vụ; quân dự bị tình nguyện gồm những thành viên được tuyển chọn dựa trên giấy đăng ký tình nguyện của các công dân.

Một nét đặc thù trong xây dựng lực lượng DBĐV hậu cần ở Anh đó là “Quân dự bị có tài trợ”. Đây là nguồn dự bị được hình thành theo nguyên tắc ký kết một hợp đồng giữa Bộ Quốc phòng với đơn vị dân sự sử dụng lao động. Đơn vị này cam kết khi nhận được thỏa thuận cung cấp dịch vụ cho quân đội sẽ duy trì trong số những người làm công một số lượng quân dự bị có thể huy động khi quân đội cần.

Việc huấn luyện quân nhân dự bị (QNDB) hậu cần được tổ chức thông qua các trung tâm đào tạo, huấn luyện và một số ít các đơn vị chuyên trách phân bố trên toàn bộ lãnh thổ. Mỗi năm, quân nhân dự bị được huấn luyện tối thiểu từ 24-35 ngày.

I-xra-en

I-xra-en là một nước nhỏ nhưng có lực lượng DBĐV tương đối hùng hậu và có khả năng động viên nhanh khi có yêu cầu. Các đơn vị DBĐV được tổ chức chủ yếu là cấp lữ đoàn, có khung thường trực. Quân số khung thường chiếm 6-7%, trong đó sĩ quan chiếm hơn 75%. Các lữ đoàn được phân bố trên các vùng lãnh thổ theo kế hoạch phòng thủ quốc gia.

Lực lượng DBĐV hậu cần được tổ chức xây dựng đồng bộ cho các lữ đoàn, được biên chế trong thành phần các lữ đoàn, gồm các sĩ quan, hạ sĩ quan và quân nhân công tác trong ngành hậu cần sau khi hoàn thành nghĩa vụ được chuyển sang. Hằng năm, các QNDB hậu cần được tập trung huấn luyện với chương trình thống nhất, liên thông trong 5 năm. Đối với QNDB hậu cần dưới 39 tuổi, thời gian huấn luyện mỗi năm là 1 tháng, trên 39 tuổi rút xuống còn 2 tuần. Sĩ quan và hạ sĩ quan được huấn luyện dài thêm 1 tuần. Với các đơn vị chuyên môn kĩ thuật cao, họ quan tâm huấn luyện nâng cao kỹ thuật từng người, từng chuyên ngành.

Mỹ

Lực lượng DBĐV hậu cần là bộ phận cấu thành quan trọng của nhân lực hậu cần thời chiến. Để chuẩn bị và huy động kịp thời, Mỹ xây dựng lực lượng DBĐV mạnh, quản lý chặt chẽ, huấn luyện thường xuyên. Lực lượng DBĐV hậu cần của Mỹ được quản lý chặt chẽ theo hệ thống từ trung ương tới cơ sở, thông qua các phòng quân sự và các sĩ quan chuyên trách.

Lực lượng DBĐV hậu cần được chia làm 3 loại: Loại 1 gồm quân nhân giải ngũ có chuyên môn kĩ thuật ngành Hậu cần và lực lượng tuyển mộ tình nguyện, được tổ chức huấn luyện mỗi năm 3 tháng. Sau 6 năm thì những quân nhân này chuyển sang dự bị loại 2. Loại 2 là lực lượng dự bị loại 1 chuyển sang; hằng năm, lực lượng này được tổ chức đăng ký quản lý chặt chẽ. Loại 3 là các quân nhân có chuyên môn hậu cần đã được nghỉ hưu nhưng trong những điều kiện cụ thể vẫn có thể được động viên trở lại.

Hiện nay, lực lượng hậu cần dự bị của Quân đội Mỹ bao gồm 3 thành phần chính: đơn vị bảo đảm cơ động, đơn vị bảo đảm vật chất và đơn vị chuyên môn. Các thành phần này hoạt động ở các cấp sư đoàn, quân đoàn và cấp chiến trường, thực hiện bảo đảm theo khu vực và bảo đảm trực tiếp cho các lực lượng cơ động.

Bộ Tư lệnh lực lượng dự bị Mỹ rất chú trọng công tác huấn luyện cho lực lượng hậu cần dự bị, họ thường xuyên mở rộng các bài tập huấn luyện về bảo đảm hậu cần theo khu vực và trực tiếp cho các đơn vị; giám sát chặt chẽ, thông qua các bài tập đã có sẵn và được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo từ trước; đồng thời, các bài tập luôn được bổ sung, hoàn thiện, tích hợp thành hệ thống. Nội dung, chương trình phù hợp với từng lực lượng, từng đơn vị tăng cường huấn luyện thực tế. Nhờ vậy, Quân đội Mỹ đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm hậu cần ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới.

Liên Xô (Liên bang Nga)

Ở Liên Xô trước đây, các quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều trở thành QNDB. Lực lượng DBĐV hậu cần được xây dựng đồng bộ về con người và phương tiện, được quản lý chặt chẽ ở địa phương. Quân dự bị được tổ chức thành 2 loại: Loại 1 gồm những quân nhân phục vụ ít nhất 1 năm trong quân đội hay đã trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu. Loại 2 gồm những quân nhân phục vụ dưới 1 năm trong quân đội hay chưa làm nghĩa vụ quân sự.

Hằng năm, binh sĩ dự bị loại 1 được tập trung huấn luyện, thời gian huấn luyện tùy thuộc vào độ tuổi. Binh sĩ dự bị loại 2 huấn luyện như loại 1 nhưng thời gian dài hơn. Đối với sĩ quan dự bị huấn luyện tập trung ở các trung tâm của quân khu theo chương trình riêng từng cấp và theo chuyên môn. Việc đào tạo sĩ quan dự bị hậu cần được Liên Xô đặc biệt quan tâm với 4 nguồn để đào tạo là: sĩ quan thường trực xuất ngũ; hạ sĩ quan có phẩm chất, năng lực tốt; sinh viên đại học, cao đẳng; cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong các ngành nhà nước.

Nước Nga hiện nay đang thực hiện tổ chức lại quân đội, chuyển sang chế độ nhà nghề, nên lực lượng DBĐV được huấn luyện bị cắt giảm. Tuy nhiên họ chú trọng trang bị những kiến thức quân sự cho các công dân ở độ tuổi nhập ngũ, thông qua việc phát huy hết khả năng của các trường học, các bộ môn quân sự trong các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm huấn luyện của Bộ Quốc phòng. LLDB được xây dựng ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn và lữ đoàn.

Trong thành phần LLDB, bên cạnh các quân nhân giải ngũ còn bao gồm cả các đội quân Cô-dắc. Nga dùng các tàu, thuyền dân dụng như thương thuyền, tàu thuyền đánh cá tổ chức thành đội tàu thuyền ngạch dự bị, làm nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế hậu cần và các nhiệm vụ khác.

Trung Quốc

Trung Quốc xác định nguồn DBĐVHC có 2 loại: Loại 1 gồm dân quân cơ bản, binh sỹ xuất ngũ và các nhân viên kỹ thuật chuyên môn hậu cần dưới 28 tuổi đã đăng ký dự bị. Loại 2 gồm dân quân bình thường, binh sỹ xuất ngũ từ 29 ÷ 35 tuổi đã đăng ký dự bị và các nam công dân khác phù hợp với điều kiện làm QNDB hậu cần.

Để huấn luyện lực lượng DBĐVHC, họ thành lập các trung tâm huấn luyện tập trung. Về thời gian huấn luyện, nếu chưa qua nghĩa vụ quân sự mỗi năm huấn luyện 30 - 40 ngày, nếu đã qua nghĩa vụ quân sự  thì mỗi năm ôn luyện 1- 2 tuần. Ngoài ra họ còn thực hiện giáo dục quân sự và một số kiến thức về hậu cần cho học sinh, sinh viên.

Hiện nay, để đáp ứng cho chiến tranh tương lai, Trung Quốc đã xây dựng lực lượng DBĐV hậu cần đủ để sắp xếp cho 53 sư đoàn, 9 trung đoàn dự bị. Về phương tiện vận tải, Quân đội Trung Quốc thực hiện theo hướng kết hợp thời bình và thời chiến. Các phương tiện vận tải của nền kinh tế về tổng thể có thể dùng cho quân sự và cả dân sự. Họ quan tâm nghiên cứu phát triển các phương tiện vận tải  thích ứng với nhiệm vụ bảo đảm của các quân binh chủng.

Nghiên cứu quá trình xây dựng lực lượng DBĐV hậu cần của một số nước trên thế giới cho thấy, tùy theo thể chế chính trị và nhiệm vụ quốc phòng, mỗi nước có cách thức tổ chức quản lý, mô hình và quy mô xây dựng khác nhau.

Tuy nhiên, với mục đích động viên nhanh và bảo đảm cho lực lượng DBĐV hậu cần hoàn thành tốt nhiệm vụ theo yêu cầu chiến tranh, các nước đã và đang thực hiện theo một số xu hướng như mở rộng nguồn động viên, lấy nhu cầu mở rộng biên chế và chi viện cho tác chiến liên hợp của các quân, binh chủng làm cơ sở tạo nguồn và xây dựng lực lượng DBĐV hậu cần; hoàn thiện cơ chế quản lý động viên, nâng cao vai trò điều hành của Nhà nước, hiệu lực quản lý của các cấp, các ngành, phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các đơn vị quân đội; tổ chức biên chế các đơn vị DBĐV theo hướng tinh, gọn, thống nhất với tổ chức biên chế các đơn vị thường trực đồng thời tích cực hiện đại hóa vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật cho lực lượng DBĐV...

Đây là những bài học kinh nghiệm có thể nghiên cứu để vận dụng vào quá trình xây dựng lực lượng DBĐV hậu cần ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

 Trung tá - ThS ÂU ĐỨC THẮNG,  Bộ Tham mưu/TCHC; Thiếu tá, ThS PHẠM QUANG ĐIỆN, Học viện Hậu cần