Các đơn vị thuộc Sư đoàn đóng quân phân tán trên 11 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều bộ phận nhỏ lẻ, độc lập, cách xa trung tâm… đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hậu cần. Để hoàn thành nhiệm vụ, toàn Sư đoàn, trong đó có ngành Hậu cần luôn quan tâm tới công tác xây dựng chính quy (XDCQ), coi đây là khâu đột phá trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

leftcenterrightdel
 Chỉ huy Phòng Hậu cần kiểm tra nền nếp công khai tài chính tại Bếp ăn Sư đoàn bộ. Ảnh: CTV.

Để công tác XDCQ đi vào thực chất, làm đến đâu chắc đến đó, trước hết, ngành Hậu cần Sư đoàn tập trung quán triệt, giáo dục đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần nắm vững các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch cấp trên, nhất là Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương; Chỉ thị số 37 ngày 14/4/1993 của Đảng ủy Quân sự Trung ương; Hướng dẫn số 878/HD-HC ngày 19/6/2018 của Tổng cục Hậu cần về thực hiện Tiêu chuẩn 4 của Chỉ thị số 917/CT-BQP; các nghị quyết, chỉ thị của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng về công tác XDCQ...Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Trong nghị quyết lãnh đạo hằng năm, cấp ủy cơ quan, đơn vị đều có nội dung XDCQ về hậu cần xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, đề ra chỉ tiêu cụ thể và tiến độ thực hiện sát với đặc điểm, nhiệm vụ. Quá trình triển khai, Phòng Hậu cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, đồng thời phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, bất cập nảy sinh...

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, công tác XDCQ của ngành Hậu cần Sư đoàn chuyển biến tiến bộ qua từng năm và thu được kết quả rõ rệt. Nổi bật là: Hệ thống văn kiện hậu cần chiến đấu thường xuyên được rà soát, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ, đồng bộ theo đúng nhiệm vụ quân sự và chỉ lệnh hậu cần cấp trên. Sổ sách, mẫu biểu hậu cần được củng cố, đăng ký, ghi chép kịp thời, thống nhất trong toàn Sư đoàn và quy định của trên. Vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ luôn bảo đảm đủ số lượng, tốt chất lượng, định kỳ luân chuyển, đổi lượng, đổi hạt đúng quy định. Các chế độ SSCĐ về hậu cần được duy trì nền nếp, bảo đảm an toàn tuyệt đối từ cơ quan đến đơn vị. 

leftcenterrightdel
 Hầu hết các chuồng trại chăn nuôi của Sư đoàn được xây dựng cơ bản. (Trong ảnh: Khu chuồng nuôi lợn của Trung đoàn 218). Ảnh: CTV.

Cùng với tập trung bảo đảm tốt cho nhiệm vụ SSCĐ, Sư đoàn quyết liệt đẩy mạnh “Ba khâu đột phá” trong công tác hậu cần, phấn đấu giữ ổn định đời sống, cải thiện điều kiện ăn, ở và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội. Để thực hiện mục tiêu trên, Sư đoàn tích cực đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với cơ chế quản lý tài chính mới, đẩy mạnh phân cấp tạo nguồn những mặt hàng thông dụng cho cấp dưới đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho đơn vị chủ động trong công tác bảo đảm. Theo đó, những đơn vị trong bán kính 50 km được Sư đoàn bảo đảm gạo tập trung, thông qua hình thức chào hàng cạnh tranh; các đơn vị còn lại, Sư đoàn phân cấp bảo đảm theo đầu mối cấp trung đoàn tự khai thác bảo đảm gạo, thực phẩm, chất đốt. Những hàng hóa có khối lượng, giá trị lớn, Sư đoàn yêu cầu các đơn vị đàm phán với nhà cung cấp giảm từ 5-8% so với giá thị trường. Các đơn vị đều thành lập hội đồng giá (tổ kinh tế), có nhiệm vụ kiểm tra, khảo sát giá cả thị trường khu vực đóng quân 02 lần/tháng, tham mưu với hội đồng duyệt giá Sư đoàn hướng dẫn điều chỉnh phù hợp thực tế.

Khắc phục tình trạng TGSX quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp, Sư đoàn chủ trương đẩy mạnh công tác quy hoạch, kết hợp chặt chẽ TGSX giữa phân tán và tập trung, gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Theo đó, các đơn vị tận dụng triệt để tiềm năng, diện tích đất đai, ao hồ tích cực quy hoạch, đầu tư cải tạo, xây mới hệ thống giàn, vườn, chuồng theo hướng cơ bản, vững chắc. Từng vườn được phân lô, thửa, có đường bê-tông và quy định cụ thể khu vực trồng từng loại rau. Phần lớn hệ thống chuồng trại được xây dựng cơ bản, tổ chức chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung, an toàn sinh học. Nhờ được đầu tư có chiều sâu, lấy mô hình VAC làm trọng tâm, đến nay, hầu hết các đơn vị trong Sư đoàn đã tự túc từ 90-100% nhu cầu rau xanh, thịt lợn; 80-85% nhu cầu cá tươi, trứng gia cầm... 

Thực hiện chính quy trong công tác quân y, các đơn vị duy trì nghiêm nền nếp, chế độ chuyên môn; 100% cán bộ, chiến sĩ được lập sổ, phiếu theo dõi sức khỏe, khám sức khoẻ định kỳ. 100% đầu mối cấp tiểu đoàn và tương đương có vườn thuốc nam đủ diện tích, đúng chủng loại cây quy định. Cùng với đó, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng công tác quản lý sức khỏe bộ đội; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y các cấp. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID -19, thời gian qua, Sư đoàn chỉ đạo toàn đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục bộ đội thực hiện nghiêm quy định 5K và chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Phòng Hậu cần chỉ đạo cơ quan Quân y tham mưu với Ban Chỉ đạo Sư đoàn xây dựng kịch bản dịch COVID-19 lây lan vào đơn vị với các tình huống khác nhau, đồng thời phối hợp với các cơ quan tổ chức luyện tập nghiêm túc, nâng cao tính chủ động và khả năng ứng phó với các tình huống. Bệnh xá Sư đoàn, các trung đoàn và các phòng điều trị được bổ sung nhiều trang bị y tế hiện đại, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và tổ chức cách ly đối tượng F1, F2, F3. 

Đáng chú ý là nội dung chính quy trong huấn luyện hậu cần ngày càng đi vào thực chất, lấy huấn luyện, rèn luyện cán bộ, chỉ huy cơ quan hậu cần làm trọng tâm; tăng cường huấn luyện hiệp đồng bảo đảm giữa cơ quan và phân đội hậu cần. Với chỉ huy và cơ quan hậu cần, Sư đoàn tập trung huấn luyện thuần thục trình tự, nội dung, biện pháp trong chuyển trạng thái SSCĐ, phương pháp hiệp đồng hậu cần tác chiến; các phương án bảo đảm cho nhiệm vụ A, A2, A3, A4, BM, phòng, chống và ứng phó dịch COVID-19... Với đối tượng nhân viên, chiến sĩ, huấn luyện nắm chắc chức trách, nhiệm vụ, duy trì, chấp hành đúng các nguyên tắc, chế độ, nội dung công việc trong chuyển trạng thái SSCĐ, hành trú quân dã ngoại dài ngày trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; quản lý, bảo quản, khai thác, sử dụng hiệu quả các loại trang bị hậu cần hiện có theo biên chế, nhất là trang bị kỹ thuật mới, hiện đại... Trước mỗi mùa huấn luyện, Phòng Hậu cần chủ động tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên theo phân cấp phù hợp với từng đối tượng, cân đối giữa lý thuyết và thực hành, bảo đảm bộ đội nắm vững lý thuyết, thực hành chuẩn xác, thích ứng nhanh, linh hoạt trong các điều kiện, nhiệm vụ khác nhau. Ngoài tích cực làm tốt công tác chuẩn bị về giáo án, mô hình học cụ, thao trường, bãi tập, vật chất bảo đảm, Sư đoàn coi trọng chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện; gắn huấn luyện với thực hiện các mặt công tác hậu cần; huấn luyện chung với huấn luyện theo từng phương án. Sau mỗi giai đoạn huấn luyện đều tổ chức kiểm tra, phúc tra, hội thi, hội thao hậu cần nhằm đánh giá thực chất kết quả huấn luyện... 

Đặc biệt, thời gian qua, Phòng Hậu cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh, xây dựng biểu tổ chức, biên chế hậu cần ở từng cấp theo quy định, bảo đảm đúng biên chế, đúng chuyên môn nghiệp vụ, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần theo chức danh, ngành, nghề đào tạo, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Đồng thời, rà soát, bổ sung, ban hành các quy chế làm việc, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, chuyên ngành, duy trì làm việc theo chức trách, nhiệm vụ, thực hiện cơ quan làm gương cho đơn vị. Công tác cải cách hành chính đã hướng vào việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục rườm rà, khâu trung gian đi đôi phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện làm việc theo kế hoạch, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh tác phong làm việc cầm chừng; những vi phạm về chấp hành giờ giấc, lễ tiết tác phong quân nhân… 

Những kết quả đạt được trong XDCQ về hậu cần đã góp phần quan trọng giúp Sư đoàn trong 5 năm gần đây 03 lần được Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; hàng chục tập thể và hàng trăm cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến. Sơ kết ٥ năm phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” giai đoạn 2015 - 2020, Sư đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua. Không thỏa mãn với kết quả đạt được, thời gian tới, Ngành Hậu cần Sư đoàn 361 tiếp tục đẩy mạnh XDCQ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao.

Thượng tá NGUYỄN VĂN ĐIỀM, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 361