Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn quan tâm đến các hoạt động hậu cần chi viện cho miền Nam, nhất là công tác vận tải; trực tiếp gắn bó, chỉ huy xây dựng nên tuyến đường chiến lược huyền thoại - Đường Trường Sơn, kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường lớn miền Nam, đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thành công của công tác hậu cần (CTHC) Quân đội nói chung, công tác vận tải quân sự nói riêng có sự đóng góp to lớn của Trung tướng.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn... xin được làm rõ hơn những đóng góp của Trung tướng trên mặt trận giao thông vận tải, một mặt trận hết sức quan trọng - cầu nối liền hậu phương với tiền tuyến tạo nên sức mạnh tổng hợp, giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta.
|
|
Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (thứ 3 từ phải sang) thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 101 (Trung đoàn Vận tải ô tô 13) năm 1969. Ảnh: Tư liệu
|
Khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết liệt, nhu cầu mọi mặt về hậu cần cho tác chiến ngày càng lớn, khẩn trương, phức tạp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có những chỉ đạo rất cụ thể về CTHC, nhất là đối với các lực lượng hậu cần trên tuyến đường Trường Sơn, đó là:
Phải hiểu rõ nhiệm vụ, nỗ lực khắc phục khó khăn, ra sức phục vụ tiền tuyến đánh mạnh, thắng lớn trên các chiến trường
Nhiệm vụ cơ bản của CTHC là bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ mọi mặt hậu cần cho các lực lượng vũ trang trên các chiến trường đánh mạnh, thắng lớn. Đây là nhiệm vụ nặng nề, khẩn trương, chi phối những hoạt động thường xuyên của các ngành, các cấp hậu cần. Do vậy, bất kỳ trong tình huống nào cũng phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ nói trên, thấy hết tính chất khẩn trương, cấp bách, phức tạp của CTHC nói chung, vận tải nói riêng trong điều kiện địch đánh phá vô cùng ác liệt các tuyến vận tải của ta trên tuyến đường Trường Sơn, hòng ngăn chặn, chặt đứt sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến, cô lập cách mạng miền Nam. Song, các lực lượng hậu cần quyết không lùi bước trước khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, tìm mọi cách gom hàng, tập kết, đưa hàng tới đích và bảo đảm đến tận tay bộ đội ngoài mặt trận.
Trên tuyến đường Trường Sơn, lực lượng vận tải quân sự phải vừa vận chuyển, vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, vừa làm công tác dân vận, xây dựng các tuyến vận tải vững chắc, lâu dài. Để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, các đơn vị vận tải quân sự ở phía trước được tổ chức với sự hợp thành của nhiều binh chủng, như bộ đội vận tải, công binh, phòng không, thông tin… Tất cả đều tập trung vào nhiệm vụ chi viện hậu cần, lấy vận chuyển là trung tâm, không ngừng nâng cao năng suất vận chuyển, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến đánh thắng địch làm mục tiêu cao nhất.
Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, bảo đảm cho chiến đấu
Trên tuyến đường Trường Sơn, lực lượng hậu cần chủ yếu là bộ đội vận tải, làm nhiệm vụ vận chuyển với sự bảo đảm của nhiều đơn vị, nhiều bộ phận thuộc các binh chủng, các lực lượng bảo đảm giao thông của Trung ương, của cấp tỉnh và của Nhân dân địa phương. Trung tướng luôn căn dặn: Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng, các bộ phận trong từng binh trạm, giữa trên và dưới, giữa tuyến sau và tuyến trước của hậu cần, giữa trong và ngoài Quân đội là một yêu cầu rất quan trọng đối với CTHC nói chung và chỉ huy vận chuyển nói riêng. Nguyên tắc hiệp đồng là trên dưới cùng chủ động, các binh chủng cùng chủ động, Quân đội chủ động hiệp đồng với cơ quan Nhà nước, đoàn thể và chính quyền địa phương. Bộ Tư lệnh tuyến và binh trạm chủ trì, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, chính xác giữa các binh chủng, đơn vị, giữa các cấp, giữa Quân đội và chính quyền địa phương. Quán triệt chỉ đạo trên, từng đơn vị, cơ quan, cơ sở hậu cần, từng bộ phận đã chủ động hiệp đồng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tổ chức chỉ huy chặt chẽ, sáng tạo, linh hoạt
Để đập tan ý đồ của địch muốn khống chế tuyến vận tải chiến lược của ta, đòi hỏi người chỉ huy nắm vững tình hình địch, ta, nắm chắc tổ chức và sử dụng lực lượng hợp lý, chỉ huy chiến đấu, vận chuyển một cách mưu trí, sáng tạo, linh hoạt. Trung tướng yêu cầu: Mấu chốt là theo dõi thường xuyên, kịp thời, chính xác, phân tích, tổng hợp giỏi và dự kiến đúng. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên tuyến Trường Sơn, tổ chức chỉ huy phải tập trung, thống nhất vào một đầu mối ở mỗi cấp, tức là ở các chỉ huy sở cơ bản của tuyến, của binh trạm, ở các cụm chỉ huy đặt trên một cung đường hoặc một trọng điểm. Từng cấp, từng ngành có trách nhiệm đề cao tác phong 4 trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ; trực tiếp động viên; trực tiếp có mặt ở nơi khó khăn; trực tiếp kiểm tra, uốn nắn. Tránh dập khuôn, máy móc, đơn điệu là điều tối kỵ.
Trong tổ chức chỉ huy vận tải phải vận dụng linh hoạt các phương thức tiếp nhận, vận chuyển, kết hợp khéo léo các phương tiện thô sơ với phương tiện cơ giới, lấy vận chuyển cơ giới quy mô lớn làm chủ yếu, tổ chức vận chuyển liên tục trong mọi tình huống, không để gián đoạn. Sử dụng lực lượng cũng phải rất linh hoạt. Khi có điều kiện thuận lợi thì kiên quyết tập trung lực lượng và phương tiện tranh thủ thời cơ dứt điểm trên một hướng, thậm chí một số cung độ, cung đường. Địch chặn hướng này thì chuyển hướng khác, lúc phân tán, lúc tập trung đánh địch, lừa địch mà đi. Không nên duy trì nhịp độ bình thường trong tạo nguồn, khai thác, vận chuyển, trái lại cần mở những chiến dịch huy động, vận chuyển mạnh mẽ, ngày càng dồn dập, tạo nên những bước nhảy vọt trong bảo đảm hậu cần (BĐHC) nơi tiền tuyến.
Trong tổ chức chỉ huy vận chuyển cơ giới, sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng cùng với sự bảo vệ chắc chắn của các binh chủng hợp thành là điều kiện tiên quyết cho bộ đội vận tải thực hành nhiệm vụ vận chuyển. Các đơn vị bảo đảm cầu đường, tác chiến, kỹ thuật, thông tin, giao thông, bốc xếp, hậu cần phải luôn sẵn sàng và bảo đảm xe vận chuyển hàng đến đích nhanh nhất và an toàn nhất.
Từ thực tiễn sâu sát, chỉ đạo cụ thể của Trung tướng, TCHC đã cụ thể hóa, chỉ đạo hậu cần, kỹ thuật chủ động, sáng tạo, đi trước một bước, chuẩn bị chu đáo, kịp thời, vững chắc, bảo đảm cho các chiến trường. Chỉ tính riêng vận chuyển, trong 16 năm (1959 - 1975), tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển hơn 01 triệu tấn vật chất, vũ khí, trang bị vào các chiến trường; bảo đảm cho hơn 02 triệu lượt người hành quân; cơ động 10 lượt sư đoàn, hộ tống hơn 90 đơn vị kỹ thuật vào các chiến trường... Đặc biệt, để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, TCHC đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ các lực lượng trong tạo thế và lực hậu cần chuẩn bị cho thời cơ lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong Chiến dịch này, ngành Hậu cần phải bảo đảm cho 4 quân đoàn và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), cùng các đơn vị kỹ thuật của các quân binh chủng, lực lượng đặc công, biệt động hoạt động nội đô và ven đô, lực lượng vũ trang địa phương hoạt động phối hợp, tổng quân số khoảng 30 vạn người, hoạt động trong vòng 01 tháng và sẵn sàng chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo... Với sự chuẩn bị chu đáo, ngành Hậu cần đã bảo đảm cơ động các quân đoàn, sư đoàn và binh khí kỹ thuật, vận chuyển vào các chiến trường 46.892 tấn đạn và 93.540 tấn xăng dầu, dự trữ gần
260.000 tấn vật chất trên các chiến trường; cứu chữa kịp thời cho 15.999 thương, bệnh binh; thu trên 360.000 tấn chiến lợi phẩm của địch...
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19/5/2009), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư và một lần nữa khẳng định: “Chiến công của Mặt trận Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng sinh động của sức mạnh đại đoàn kết, khát vọng chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta;... Chiến công đó là thắng lợi của công tác BĐHC chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Những kinh nghiệm về xây dựng và hoạt động tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - căn cứ hậu cần chiến lược đặc biệt quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.
Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo... Trong nước, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; Biển Đông, vùng biển Tây Nam, một số địa bàn chiến lược tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định; an ninh phi truyền thống, diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có sự bổ sung, phát triển, khó khăn, phức tạp hơn; nhu cầu BĐHC ngày càng cao, trong khi ngân sách chưa đáp ứng đủ, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ CTHC rất nặng nề.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ CTHC, cùng với kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm chỉ đạo của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, tập trung quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng, trực tiếp là Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam và các nghị quyết của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hậu cần của toàn dân; kế hoạch động viên thời chiến, kế hoạch BĐHC cho các tình huống. Nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần của nền quốc phòng toàn dân, sẵn sàng chuyển hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh hậu cần toàn dân, lấy hậu cần nhân dân rộng khắp làm cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ làm nền tảng và hậu cần chiến lược, chiến dịch làm nòng cốt. TCHC chủ động tham mưu với Bộ Quốc phòng về quy hoạch, xây dựng căn cứ hậu cần chiến lược, chỉ đạo xây dựng căn cứ hậu cần của các quân khu và các căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ, ưu tiên xây dựng một số công trình hậu cần cần thiết, nhất là ở địa bàn trọng yếu.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện các đề án kiện toàn ngành Hậu cần về tổ chức lực lượng, trang bị và công tác bảo đảm, đồng bộ với vũ khí, trang bị, phương tiện quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại. Triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các kho hậu cần theo “Đề án KH-20”; các đề án: VT-21, QN-21,“Quy hoạch hệ thống bệnh viện, bệnh xá quân y toàn quân”. Đầu tư xây dựng một số thành phần ngành Quân y tiến thẳng lên hiện đại; nâng cao năng lực hệ thống y học dự phòng Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành Hậu cần tinh, gọn, mạnh, phù hợp với chiến lược quân sự - quốc phòng và phương án tác chiến trên từng địa bàn.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với Bộ Quốc phòng từng bước đổi mới trang bị, phương tiện hậu cần, nhất là phương tiện kỹ thuật xăng dầu, vận tải theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao năng lực bảo đảm, theo kịp sự đổi mới, hiện đại hóa vũ khí, trang bị quân sự, ưu tiên cho Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân và một số lực lượng đặc thù, đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ba là, nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo, tham mưu, đề xuất tập trung vào những thách thức, tình huống quốc phòng liên quan trực tiếp đến CTHC; xây dựng nhiều phương án bảo đảm linh hoạt, lấy bảo đảm tại chỗ theo khu vực là chủ yếu, triệt để khai thác các nguồn hậu cần bảo đảm kịp thời cho các lực lượng trong mọi tình huống (nhất là các lực lượng mới thành lập, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại). Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương thức, cơ chế bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với cơ chế quản lý tài chính trong Quân đội và Luật Ngân sách. Tập trung bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ; chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ vật chất, phương tiện bảo đảm cho các tình huống, quyết tâm tác chiến, nhiệm vụ đột xuất.
Đề xuất, bổ sung một số định mức về hậu cần cho trang bị mới, nhiệm vụ, đối tượng đặc thù. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn bảo đảm tiêu chuẩn vật chất hậu cần, tiến tới thực hiện tiêu chuẩn hóa, định mức hóa trong công tác bảo đảm; nâng cao chất lượng trang bị, cơ sở vật chất hậu cần, góp phần ổn định và cải thiện đời sống bộ đội.
Bốn là, xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện, tinh, gọn, mạnh, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đổi mới chương trình, nội dung huấn luyện hậu cần, tiếp tục thực hiện phương châm huấn luyện “Cơ bản - thiết thực - vững chắc”; chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế. Nâng cao năng lực, trình độ tham mưu, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo cho đội ngũ cán bộ, khả năng cơ động, BĐHC theo các phương án, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc của hậu cần các cấp; coi trọng xây dựng, nâng cao chất lượng lực lượng hậu cần dự bị động viên... Thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, gắn với đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo động lực xây dựng ngành Hậu cần ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Năm là, tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, thực hiện Chính phủ điện tử, chuyển đổi số CTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, các hoạt động bảo đảm, quản lý; ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, thực hiện hậu cần số; các học viện, trường, viện nghiên cứu và cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận hậu cần, phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đầu tư xây dựng Học viện Hậu cần, Trường Cao đẳng Hậu cần 1 và 2 theo mô hình “Nhà trường thông minh”; các bệnh viện quân y trực thuộc Tổng cục trở thành “Bệnh viện thông minh”. Chủ động nghiên cứu, triển khai các đề án, giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường trong hoạt động hậu cần… đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Trung tướng TRẦN DUY GIANG - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần