Song thực tế đơn vị vẫn còn số lượng lớn phương tiện, trang bị kỹ thuật thế hệ cũ, đã qua nhiều năm khai thác, sử dụng, tính đồng bộ không cao. Trong khi đó, trang thiết bị trạm xưởng ở một số đơn vị chưa được hiện đại, đồng bộ; đội ngũ lái xe, thợ sửa chữa, thuyền viên là lực lượng nòng cốt, trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa trang bị kỹ thuật, phương tiện có trình độ chuyên môn chưa đồng đều, phần lớn được đào tạo sử dụng các phương tiện thế hệ cũ.
|
|
Kiểm tra thực hành lái xe trong hình tại Hội đồng cơ sở Lữ đoàn 972. Ảnh: CTV |
Trước thực trạng trên, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới góp phần nâng cao trình độ cho lực lượng làm công tác chuyên môn kỹ thuật, một trong các yếu tố được cấp ủy, chỉ huy và cơ quan kỹ thuật các cấp trong Cục Vận tải đặc biệt quan tâm là nâng cao chất lượng công tác huấn luyện trong đó, nội dung kiểm tra trình độ kỹ năng nghề đóng vai trò quan trọng.
Hằng năm, Cục Vận tải được thủ trưởng TCHC giao nhiệm vụ tổ chức kiểm tra trình độ kỹ năng nghề chuyên ngành vận tải thủy, bộ cho các đối tượng là lái xe, thuyền viên, thợ sửa chữa của các cơ quan, đơn vị thuộc Cục Vận tải và các cơ quan, đơn vị thuộc TCHC, các đơn vị vận tải thủy toàn quân gửi kiểm tra. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của BQP, Tổng cục Kỹ thuật, Cục Vận tải báo cáo Thủ trưởng TCHC thành lập Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề chuyên ngành vận tải thủy, bộ Cục Vận tải và chỉ đạo tổ chức kiểm tra trình độ kỹ năng nghề tại 4 Hội đồng cơ sở các Lữ đoàn 971, 972, 683, 649; Hội đồng Cục Vận tải xây dựng và ban hành quy chế, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng, thông báo danh sách, địa điểm kiểm tra cho các đơn vị; hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị sân tập, bến bãi, phòng học Luật Giao thông, các phương tiện đường bộ, đường thủy, phương tiện cảnh giới, trang thiết bị trạm xưởng, dụng cụ đồ nghề phục vụ thí sinh ôn luyện và kiểm tra.
|
|
Hội đồng cơ sở Lữ đoàn 649 kiểm tra thuyền viên trong thực hành quay trở, điều động tàu. Ảnh: CTV |
Nội dung kiểm tra đảm bảo toàn diện cả lý thuyết và thực hành cho các đối tượng. Đối với lái xe kiểm tra lý thuyết chuyên môn, Luật giao thông đường bộ, kiểm tra thực hành lái xe trong hình hạn chế kích thước và thực hành bảo dưỡng, sửa chữa; đối với thợ sửa chữa kiểm tra lý thuyết cơ sở, lý thuyết chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp; kiểm tra thực hành kỹ năng nghề. Đối với thuyền viên kiểm tra lý thuyết chuyên môn, lý thuyết an toàn lao động; kiểm tra thực hành thao tác xử trí một số tình huống trên phương tiện theo chức danh và thủy nghiệp cơ bản đối với thuyền viên ngành boong; đối với thuyền viên ngành máy, điện kiểm tra vận hành, bảo dưỡng, khắc phục sự số thông thường của hệ thống máy, điện trên tàu.
Quá trình kiểm tra, Hội đồng Cục Vận tải cử các thành viên Hội đồng theo dõi, chỉ đạo nắm tình hình tại Hội đồng cơ sở; Hội đồng cơ sở các đơn vị tiến hành kiểm tra cho từng đối tượng; giám khảo của các Hội đồng cơ sở thực hiện theo quy chế, đảm bảo nghiêm túc, khách quan. Từ năm 2021 đến nay, Cục Vận tải đã tiến hành kiểm tra trình độ kỹ năng nghề cho 2.248 đồng chí thí sinh là lái xe, thợ sửa chữa, thuyền viên của các cơ quan, đơn vị thuộc TCHC, đơn vị tàu thuyền toàn quân và Cục Vận tải. Kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt; trong đó 24,7% đạt giỏi, 48% đạt khá, 27,3% đạt trung bình.
Kết quả kiểm tra định kỳ hằng năm làm cơ sở xem xét, đề bạt, nâng lương, thăng quân hàm, chỉnh bậc lương, đảm bảo quyền lợi và chế độ cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật; đồng thời giúp chỉ huy cơ quan, đơn vị đánh giá thực chất năng lực, trình độ, kỹ năng để bố trí sử dụng lực lượng chuyên môn cho phù hợp với trình độ từng đồng chí, cũng như xây dựng kế hoạch huấn luyện bổ sung chuyên môn kỹ thuật hằng năm và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm.
Bên cạnh kết quả đã đạt được còn một số điểm yếu là: Thực hành lái xe trong hình hạn chế kích thước có đồng chí yếu lĩnh động tác chưa tốt, tâm lý chưa vững, kỹ năng điều khiển xe chưa thuần thục. Một số lái xe, thợ sửa chữa chưa nắm chắc quy trình sửa chữa, bảo dưỡng; lúng túng trong tháo lắp, điều chỉnh; lắp ráp các cụm, các chi tiết còn sai sót, kiểm thử chưa đúng hướng dẫn. Chuyên môn nghiệp vụ của một số thuyền viên còn hạn chế, động tác thực hành còn lúng túng.
Thời gian tới, các đơn vị vận tải toàn quân nói chung và Cục Vận tải nói riêng tiếp tục được quan tâm, đầu tư phương tiện, trang bị hiện đại; yêu cầu, nhiệm vụ công tác vận tải quân sự đòi hỏi ngày càng cao. Từ kết quả kiểm tra trình độ kỹ năng nghề những năm qua, rút ra một số kinh nghiệm trong công tác huấn luyện đó là:
Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo, Quyết định số 275/QĐ-BQP ngày 27-1-2021 của Bộ trưởng BQP về việc ban hành quy định nội dung, phương pháp tổ chức đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật đối với quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng là nhân viên kỹ thuật trong Quân đội; các văn bản hướng dẫn của cấp trên về kiểm tra trình độ kỹ năng nghề hằng năm. Nâng cao hơn nữa vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác huấn luyện kỹ thuật nói chung và công tác kiểm tra trình độ kỹ năng nghề nói riêng.
Hai là, các đơn vị thường xuyên làm tốt công tác huấn luyện chuyên môn cho các đối tượng nhân viên kỹ thuật, đảm bảo toàn diện cả lý thuyết và thực hành. Rà soát, phân loại trình độ chuyên môn kỹ thuật để xác định nội dung, phương pháp huấn luyện phù hợp với từng đối tượng. Cơ quan Kỹ thuật (Hậu cần - Kỹ thuật) các cấp phát huy tốt chức năng tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đồng thời trực tiếp hướng dẫn, tổ chức huấn luyện các đối tượng theo kế hoạch, chú trọng huấn luyện khai thác, vận hành sử dụng trang bị kỹ thuật, nhất là các trang bị mới có tính năng hiện đại.
Ba là, các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện theo kế hoạch với bồi dưỡng tay nghề cho lực lượng lái xe, thợ sữa chữa, thuyền viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Có biện pháp để những nhân viên có trình độ kỹ năng nghề cao kèm, giúp đỡ đối với nhân viên có trình độ, kinh nghiệm còn hạn chế. Cập nhật công nghệ, quy trình kỹ thuật vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng đối với các phương tiện, trang bị kỹ thuật mới được trang bị, đưa vào chương trình huấn luyện, kế hoạch bồi dưỡng. Đặc biệt là, đối với các phương tiện vận tải thủy sẽ được tiếp nhận theo Đề án VT-21, chủ động huấn luyện các thành viên kíp tàu, trong đó có lực lượng thuyền viên để vận hành, khai thác phương tiện được ngay sau khi tiếp nhận. Cân đối nhiệm vụ vận chuyển cho phù hợp, tăng cường sử dụng các phương tiện vận tải thủy, tạo điều kiện để các thành viên kíp tàu có điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, các đơn vị cơ sở chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt cho kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ xây dựng và ban hành kế hoạch, quy chế, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng. Nội dung câu hỏi, đáp án kiểm tra đảm bảo toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nội dung mới, những trường hợp thường gặp trong quá trình khai thác, vận hành, sửa chữa phương tiện, trang bị kỹ thuật, phối hợp với cơ quan Quân lực của các đơn vị rà soát chặt chẽ các đối tượng đến kỳ kiểm tra trình độ kỹ năng nghề để tránh bỏ sót hoặc không đúng đối tượng. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi ôn luyện tập trung tại các Hội đồng cơ sở, kể cả trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, nhất là đối với thí sinh tham gia kiểm tra lần đầu, thí sinh tay nghề còn yếu, ít va chạm thực tế. Thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung, phương pháp kiểm tra phù hợp với thực tiễn các đơn vị; áp dụng công nghệ thông tin trong ôn luyện, kiểm tra cả lý thuyết và thực hành cho các thí sinh. Thực hành kiểm tra nghiêm túc, đánh giá khách quan, công bằng, đảm bảo an toàn về mọi mặt.
Năm là, thẩm định, rà soát chặt chẽ kết quả kiểm tra trình độ kỹ năng nghề, ra quyết định công nhận và thông báo cho các đơn vị để làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ và đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh. Tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại sau mỗi kỳ kiểm tra, để có biện pháp thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Làm tốt công tác kiểm tra trình độ kỹ năng nghề góp phần nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ kỹ thuật các cấp, đồng thời trực tiếp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật; đặc biệt là năng lực khai thác, làm chủ trang bị kỹ thuật thế hệ mới được trang bị. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt các nội dung công tác kỹ thuật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Cục Vận tải trong những năm tới.
Thượng tá Lương Quốc Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Cục Vận tải/TCHC