Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1, ngành Hậu cần - Kỹ thuật (HC-KT) luôn chủ động bảo đảm tốt hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển.
Công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên biển khó khăn hơn rất nhiều so với bảo đảm trên bờ. Vì mỗi đợt tuần tra trên biển, các lực lượng phải cơ động từ 45 đến 60 ngày trong điều kiện sóng to, gió lớn, xa đất liền, thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm. Do đó, để bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi nhu cầu hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ, ngành HC-KT Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 luôn chủ động làm tốt công tác chuẩn bị hậu cần.
Trước hết, Phòng HC-KT chủ động xây dựng kế hoạch, phương án BĐHC sát với yêu cầu, nhiệm vụ và các tình huống; kịp thời điều chỉnh kế hoạch bảo đảm sát với thực tế; ưu tiên bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu vực trọng điểm. Trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ của các lực lượng, Phòng HC-KT luôn tổ chức thực hiện dự trữ đầy đủ các loại vật chất hậu cần (VCHC) theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn các hải đội dự trữ, chuẩn bị tốt hậu cần bảo đảm cho các nhiệm vụ. Làm tốt công tác hiệp đồng giữa cơ quan HC-KT các đơn vị trong cụm lực lượng với cơ quan HC-KT cấp trên, đơn vị bạn, lấy bảo đảm tại bờ, căn cứ là chủ yếu, kết hợp với sự chi viện, hỗ trợ của cấp trên. Nhiều năm qua, cơ quan HC-KT của Vùng hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan HC-KT Vùng 1 Hải quân để BĐHC cho tác chiến trong Cụm lực lượng 1; hiệp đồng với cơ quan HC-KT bộ chỉ huy quân sự 9 tỉnh, thành ven biển thuộc Quân khu 3, Quân khu 4 BĐHC cho tàu, thuyền dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo...
|
|
Nhân viên nuôi quân Tàu 8004, Hải đoàn 11, Vùng Cảnh sát biển 1 chế biến món ăn phục vụ bộ đội làm nhiệm vụ trên biển dài ngày. Ảnh: CTV
|
Để chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ, Vùng CSB 1 quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tăng gia sản xuất (TGSX) tập trung, trồng các loại rau theo phương pháp thủy canh, trồng rau trong nhà màng, trồng cây leo giàn… theo kỹ thuật mới. Cùng với đó, Phòng HC-KT tham mưu với Bộ tư lệnh Vùng đầu tư kinh phí và huy động công sức bộ đội xây dựng, cải tạo chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn, khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, Vùng CSB 1 luôn duy trì 3 khu TGSX tập trung, với hơn 100 đầu lợn các loại, trên 300 con gia cầm thịt và 150 gia cầm đẻ trứng.
Kết quả TGSX năm 2023, toàn Vùng thu hoạch trên 17,4 tấn rau xanh các loại; hơn 5,6 tấn thịt các loại và trên 3 tấn cá nước ngọt… đáp ứng cơ bản cho bếp ăn của đơn vị và cung cấp một phần rau xanh, thực phẩm cho các biên đội tàu làm nhiệm vụ tuần tra trên biển. Kho lương thực, thực phẩm của Vùng và các đơn vị luôn dự trữ các loại củ, quả theo mùa vụ như: Khoai tây, khoai sọ, khoai lang, bí xanh, bí đỏ… để cung cấp cho bữa ăn thường xuyên và sẵn sàng cung cấp cho tàu trước khi đi biển làm nhiệm vụ đột xuất. Cùng với việc TGSX tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, Phòng HC-KT ký hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp uy tín, có nguồn hàng ổn định trên địa bàn đóng quân để kịp thời cung ứng lương thực, thực phẩm cho tàu tại cảng trước khi tàu xuất phát làm nhiệm vụ. Số lượng lương thực, thực phẩm mang theo tàu do cơ quan HC-KT tính toán chặt chẽ, đảm bảo khoa học, hợp lý, cân đối, vừa có thực phẩm tươi bảo quản, sử dụng dài ngày, vừa có thực phẩm khô, chế biến sẵn để sử dụng khi cần thiết. Riêng đối với các loại mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, cá biển, tôm... trước khi cấp cho tàu phải được sơ chế, đóng gói, hút chân không, bảo quản trong kho lạnh trên tàu trước khi tàu xuất phát khoảng 2 - 3 giờ. Đối với rau, củ, quả, nhất là rau ăn lá, được lựa chọn kỹ, đảm bảo chất lượng tốt, không bị ướt, đóng gói trong túi ni-lon rồi mới đưa vào kho bảo quản mát; các loại củ, quả dễ bảo quản như: bí đỏ, bí xanh, khoai tây, hành tây… được bảo quản trên giàn giá trong kho. Để bữa ăn bộ đội luôn có đủ rau xanh trong suốt quá trình làm nhiệm vụ trên biển, các tàu mang theo đất màu, phân bón, khay trồng rau, dụng cụ ủ giá đỗ, muối chua rau, củ, quả... để bổ sung trong bữa ăn hằng ngày.
|
|
Bộ đội Vùng CSB 1 chăm sóc vườn rau chuyên canh. Ảnh: Quỳnh Hương |
Ngoài thực phẩm mang theo, bộ đội trên tàu còn tranh thủ câu cá cải thiện đời sống khi tàu neo đậu trên biển. Số lượng cá câu được sẽ được quản lý, sử dụng như sản phẩm tăng gia trên bờ. Khi cần tiếp tế, bổ sung VCHC, Vùng sử dụng tàu vận tải đa năng để bảo đảm, hoặc tiến hành điều hòa vật chất giữa các tàu làm nhiệm vụ ở gần nhau. Ngoài ra, các tàu còn chủ động liên hệ với các đảo gần bờ, tàu cá ngư dân trong khu vực để kịp thời bổ sung thực phẩm tươi sống khi cần. Vùng cũng chủ động hiệp đồng với lực lượng Hải quân, Biên phòng, Kiểm ngư trong khu vực để phối hợp cấp phát, bảo đảm. Sau khi tàu kết thúc nhiệm vụ trên biển, Phòng HC-KT kết hợp các cơ quan nghiệp vụ xác định lượng vật chất tiêu thụ, tồn kho và hướng dẫn nhân viên phụ trách hậu cần của tàu hoàn thành các thủ tục thanh toán, bổ sung VCHC dự trữ theo quy định để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, việc tổ chức bảo đảm ăn uống cho bộ đội thường gặp nhiều khó khăn, do đó, việc tổ chức nấu ăn phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện sóng, gió, tàu neo đậu hay cơ động. Trong ngày, duy trì ăn 04 bữa theo cơ cấu 15/35/35/15, các bữa ăn cách nhau từ 3,5 đến 4 giờ, thực đơn duy trì từ 4 đến 5 món ăn, trong đó chú ý món canh, nhất là những ngày nắng nóng; thực đơn thường xuyên thay đổi, hạn chế trùng nhiều bữa trong tuần. Trong điều kiện nấu ăn khó khăn, nuôi quân thường nấu những món ăn hỗn hợp như canh tổng hợp, hầm, om thập cẩm... để giảm món nấu trong bữa, dễ chế biến và phục vụ. Trong điều kiện sóng to, gió lớn không thể tổ chức nấu ăn, thì thuyền trưởng quyết định cho bộ đội sử dụng lương khô, mì tôm, đồ hộp...
Đối với quân trang, Phòng HC-KT bảo đảm đủ quân trang thường xuyên, quân trang nghiệp vụ tàu cho 100% quân số. Đặc biệt, khi các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển vào mùa Đông, Phòng HC - KT bảo đảm các loại quân trang chống rét như: Chăn bông, áo bông, áo gile bông nghiệp vụ tàu, găng tay, đệm nằm trên tàu. Chỉ đạo các tàu nhắc nhở bộ đội mang theo các loại quân trang cá nhân để mặc ấm vào mùa Đông.
Cùng với việc bảo đảm đời sống bộ đội, công tác bảo đảm xăng dầu cho các tàu làm nhiệm vụ trên biển cũng được Vùng thực hiện chặt chẽ. Đối với các tàu chuẩn bị đi biển, căn cứ vào kế hoạch hoạt động của tàu đã được chỉ huy cấp trên phê duyệt, trên cơ sở tính năng kỹ chiến thuật của tàu, tuyến hoạt động, thời gian hoạt động, cơ quan tác chiến cùng cơ quan xăng dầu phối hợp, tính toán lượng nhiên liệu tiêu thụ và thanh toán đảm bảo đúng quy định. Cùng với đó, dự kiến một số tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển để xác định số lượng nhiên liệu, dầu mỡ cấp phát cho tàu. Ngoài các nhiệm vụ theo kế hoạch thường xuyên, đối với nhiệm vụ đột xuất, việc bảo đảm xăng dầu cho tàu được ưu tiên trong thời gian sớm nhất.
Khi thực hiện dài ngày trên biển trong điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động tuần tra căng thẳng, sức khỏe bộ đội dễ bị giảm sút. Vì vậy, trước khi nhận nhiệm vụ đi biển, quân y đơn vị tăng cường huấn luyện bổ sung 5 kỹ thuật cấp cứu và kỹ thuật cấp cứu người bị nạn trên biển cho bộ đội. Đồng thời, tiến hành kiểm tra sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trên tàu, không để quân nhân mắc các bệnh nguy hiểm như: Tim mạch, huyết áp cao, huyết áp thấp… tham gia công tác, tránh xảy ra các tai biến bất thường trên biển. Khi làm nhiệm vụ, hằng ngày quân y trên tàu theo dõi, kiểm tra sức khỏe toàn bộ kíp thủy thủ luôn sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho thương bệnh binh; giám sát ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh trên tàu và kịp thời phát hiện tình trạng sức khỏe suy yếu của bộ đội. Đối với các biên đội tàu đi làm nhiệm vụ ngắn ngày, không có lực lượng quân y đi cùng, quân y tổ chức cấp phát đầy đủ các loại thuốc theo quy định kèm theo hướng dẫn cụ thể về cách dùng, liều lượng đối với từng loại thuốc để bộ đội sử dụng an toàn. Trường hợp xảy ra tai nạn hoặc những tình huống bộ đội mắc bệnh vượt quá khả năng cấp cứu, điều trị, tàu sẽ khẩn trương đưa bộ đội vào cơ sở quân - dân y gần nhất để cứu chữa. Trường hợp tàu ở xa căn cứ, chỉ huy tàu phải điện báo chỉ huy Vùng để điều tàu có biên chế nhân viên quân y khu vực gần nhất đến cứu chữa. Ngoài việc mang theo đầy đủ cơ số thuốc và các trang thiết bị quân y cần thiết, trên tàu tuần tra còn được trang bị xuồng và phao cứu sinh, trong đó dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ cho bộ đội sử dụng trong vòng 7 ngày.
Với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, nhiều năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng CSB1 luôn bảo đảm tốt hậu cần cho các nhiệm vụ trên biển. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng BĐHC cho các nhiệm vụ tốt hơn nữa, đề nghị các cơ quan chức năng cấp trên nghiên cứu, bổ sung trang thiết bị hậu cần trên tàu phù hợp khi thực hiện nhiệm vụ trên biển dài ngày; bổ sung lực lượng quân y còn thiếu so với biên chế... để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội tốt hơn.
QUỲNH HƯƠNG