Bài viết dưới đây, đề cập một số vấn đề chủ yếu công tác hậu cần Quân đội thực hiện Nghị quyết số 19.

Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục

Cơ quan hậu cần các cấp (đặc biệt là cơ quan hậu cần quân sự địa phương, Bộ đội Biên phòng) phối hợp tham gia tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của NN, ND, NT trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho mọi tổ chức, cá nhân. Kết hợp thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các chính sách về NN, ND, NT gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương, xây dựng, củng cố niềm tin của nông dân, cư dân nông thôn vào chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về NN, ND, NT, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái, thi đua sản xuất kinh doanh, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Ở từng cấp, đơn vị, cơ quan hậu cần tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 19 nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc quyền, qua đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ của cá nhân và chức năng, nhiệm vụ đơn vị đối với NN, ND, NT trên địa bàn. Tham mưu với người chỉ huy những nội dung hậu cần liên quan đến NN, ND, NT, để tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Gương mẫu chấp hành, thực hiện tốt quy định pháp luật về chính sách dân số và phát triển; chính sách bảo hiểm; chính sách bình đẳng giới, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ ở nông thôn; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình, thôn (xóm, làng, ấp, bản) văn hóa…

Tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về NN, ND, NT

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng về NN, ND, NT, bên cạnh những nảy sinh từ thực tiễn thì một số chính sách chậm được ban hành, chưa sát thực tiễn, thiếu nguồn lực thực hiện, chậm sửa đổi, bổ sung, nhất là về đất đai, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, tổ chức sản xuất; tiếp cận các nguồn vốn khó khăn do các yêu cầu về thủ tục phức tạp, nhất là ở những vùng dân tộc thiểu số... NN, ND, NT là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương; chi phối đến nhiều chính sách, pháp luật; tác động đến đời sống của bộ phận lớn dân cư…

leftcenterrightdel
Cán bộ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326/Quân khu 2 giúp Nhân dân chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Thảo Hà 

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, theo phạm vi, thẩm quyền ở từng cấp, cơ quan hậu cần phối hợp với cơ quan cùng cấp, cơ quan liên quan của bộ, ngành Trung ương, của các địa phương, nghiên cứu, tham gia, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về NN, ND, NT. Bộ Tham mưu Hậu cần, các cục Chuyên ngành làm tốt phối hợp với cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng (BQP), các bộ, ngành Trung ương tham gia vào các thể chế, chính sách về quy hoạch, đặc biệt là chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất; tính khả thi của các chương trình, dự án NN, ND, NT, về xây dựng tiêu chí nông thôn mới và nguồn lực thực hiện; các cơ chế, chính sách về phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực cho NN, ND, NT, chú trọng đối với các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; các vấn đề về đầu tư cho khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…

Cơ quan hậu cần quân sự địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố, thực hiện tốt chức năng tham mưu và phối hợp với các cơ quan của địa phương, tham gia sửa đổi, bổ sung, kiến nghị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương về NN, ND, NT, đảm bảo đúng chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Hậu cần các đơn vị đứng chân trên địa bàn nông thôn, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, hướng dẫn về hậu cần triển khai thực hiện Nghị quyết số 19; trong phạm vi, quyền hạn được giao, ban hành hoặc tham mưu với người chỉ huy ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phối hợp thực hiện các nội dung liên quan đến NN, ND, NT của đơn vị và trên địa bàn, nhất là quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại, xác định diện tích, mô hình tăng gia sản xuất (TGSX), chế biến, nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hậu cần nói chung, công tác tăng gia sản xuất nói riêng của đơn vị.

Trong tham gia quy hoạch, kế hoạch phát triển NN, ND, NT

Cơ quan hậu cần chiến lược thực hiện tốt tham mưu với Quân ủy Trung ương, BQP; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo cục hậu cần các quân khu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để chỉ đạo cơ quan hậu cần quân sự địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, tham gia xây dựng, thẩm định nội dung liên quan hậu cần theo phạm vi, chức năng các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn của vùng và từng địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kết hợp chặt chẽ kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế, phù hợp với kiến trúc khu dân cư, truyền thống văn hóa, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực biên giới, biển, đảo, vùng khó khăn, tạo thế trận hậu cần chiến lược, phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ địa phương địa bàn nông thôn ngày càng vững chắc. Cơ quan hậu cần Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm tốt tham mưu với Chỉ huy trưởng và theo nhiệm vụ được giao, phối hợp với cơ quan cùng cấp khi được giao tham gia thẩm định các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan hậu cần cấp dưới, phối hợp cung cấp yếu tố, rà soát, đánh giá, thẩm định đối với các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương theo quyền hạn, phạm vi, phân cấp.

Cơ quan hậu cần các cấp làm tốt tham mưu, phối hợp cung cấp yếu tố, yêu cầu quốc phòng theo quy định cho xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin dùng chung, nhằm hoàn thiện các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành về nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo kết hợp chặt chẽ với quốc phòng của vùng, các địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như: Quy hoạch sử dụng đất nông thôn, đất dành cho trồng lúa; quy hoạch lâm nghiệp; quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai; quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; quy hoạch thủy lợi lưu vực các hệ thống sông…

 Xây dựng quy hoạch, bố trí các thành phần hậu cần theo thế trận quân sự, phù hợp với quy hoạch vùng, địa phương, đúng quy định pháp luật  về quản lý và sử dụng đất quốc phòng, đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất và xây dựng kinh tế, đảm bảo liên hoàn, vững chắc, gắn với yêu cầu phát triển nông thôn bền vững. Hoàn chỉnh, phê duyệt theo phân cấp quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại các đơn vị, chú ý về quy mô, diện tích phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường cho các khu TGSX; đầu tư để đưa vào khai thác, sử dụng các công trình, hạng mục TGSX, chế biến… đáp ứng nhu cầu thường xuyên của đơn vị, tạo nguồn dự trữ vật chất cho sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất. Các đơn vị, doanh nghiệp hậu cần đứng chân ở địa bàn thành phố, thị xã, khu đông dân cư, chủ động điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại, báo cáo cấp thẩm quyền; theo chủ trương chung, có phương án khắc phục hoặc đề nghị di chuyển các cơ sở sản xuất, chăn nuôi tập trung có tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, ra khu vực, địa bàn thích hợp.

Trong triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, nội dung xây dựng, phát triển NN, ND, NT Cục Quân nhu cần chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Đề án“Nâng cao hiệu quả TGSX, chế biến trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030”, gắn với định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, chuyển đổi số; đáp ứng tốt nhu cầu thường xuyên của các đơn vị, tạo nguồn dự trữ cho nhiệm vụ khác. Kết hợp chặt chẽ thực hiện Đề án với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, với phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, kết nối với các dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm, quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào… nhằm thực hiện tốt mục tiêu của Đề án.

Các viện, trung tâm, cơ sở nghiên cứu, theo chức năng, phát huy thế mạnh, tích cực tham gia nghiên cứu phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu… để tự chủ nguồn giống cho các đơn vị và tham gia cung cấp cho thị trường giống tại các địa phương.

Các đoàn kinh tế - quốc phòng, đơn vị, doanh nghiệp làm kinh tế theo quy định của pháp luật, BQP, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; phối hợp với cơ quan chuyên môn, địa phương, tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; vận động nông dân, hộ gia đình, cá nhân tham gia các mô hình hợp tác, như: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã… để có điều kiện tích lũy vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển đổi số vào sản xuất; tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa; vừa tiếp thu, ứng dụng trong đơn vị, vừa phối hợp chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao kỹ năng nghề trong nông nghiệp cho bà con ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn chưa phát triển.

Các đơn vị đứng chân trên địa bàn có rừng, làm tốt tham mưu và tham gia các chương trình, dự án quản lý, bảo vệ, phục hồi, phát triển rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, tạo lớp phủ thực vật, che giấu các công trình, hoạt động quân sự, hậu cần. Phối hợp làm tốt công tác trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, gắn với định canh, định cư, động viên sự tham gia của cộng đồng vào các chuỗi giá trị lâm nghiệp, vừa phát triển kinh tế địa phương, hộ gia đình, vừa tạo nguồn lực hậu cần tại chỗ.

Ở các khu quân sự, căn cứ, cơ sở hậu cần, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến… đúng quy định pháp luật, BQP, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương, khí hậu, thổ nhưỡng địa bàn… Đơn vị, cơ sở có điều kiện, thế mạnh về trồng trọt: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ; tăng cường ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến. Đối với đơn vị, cơ sở có điền kiện, thế mạnh về chăn nuôi, cần: Phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, không để tác động xấu tới môi trường, lựa chọn phù hợp vật nuôi có giá trị kinh tế cao của vùng, địa phương; không sử dụng chất cấm, lạm dụng chất kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi; thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh...

Trong nắm, quản lý nguồn lực sẵn sàng huy động cho hậu cần

NN, ND, NT có liên quan nhiều đến công tác hậu cần Quân đội, đòi hỏi hậu cần các cấp phải nắm vững nguồn lực trong lĩnh vực này để sẵn sàng khai thác, huy động, bảo đảm tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Cơ quan hậu cần Chiến lược phối hợp chặt chẽ, nắm chỉ tiêu, kế hoạch về bảo đảm quốc phòng thuộc lĩnh vực nông nghiệp của các bộ, địa phương giao cho ngành Hậu cần, chú trọng các chỉ tiêu về nguồn lực lượng dự bị động viên, khả năng huy động vật chất, năng lực sản xuất, khả năng chuyển đổi công nghệ của các nhà máy, doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp; chỉ đạo cơ quan hậu cần chiến dịch để chỉ đạo hậu cần cấp dưới, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tổ chức (lực lượng) thuộc các bộ, ngành Trung ương, địa phương địa bàn để nắm nguồn lực trong lĩnh vực NN, ND, NT, sẵn sàng huy động, khai thác, bảo đảm.

Cơ quan hậu cần quân sự địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố, làm tốt là cầu nối phối hợp giữa cơ quan hậu cần đơn vị chủ lực Bộ, quân khu trên địa bàn với cơ quan chức năng địa phương trong nắm, xây dựng nguồn động viên thuộc lĩnh vực NN, ND, NT, sẵn sàng huy động, bảo đảm theo chỉ tiêu, kế hoạch, hiệp đồng; đồng thời làm tốt tham mưu với người chỉ huy để tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn nhằm cân đối, điều chỉnh các ngành hàng, sản phẩm đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, đặc biệt là cung cấp, bảo đảm lương thực, thực phẩm, các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp… ở các khu vực biên giới, miền núi, địa bàn dễ bị chia cắt, các vùng biển, hải đảo…

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa bằng các nghị quyết, văn bản pháp quy. Nghị quyết số 19 có liên quan, tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có công tác hậu cần Quân đội, đòi hỏi phải nghiên cứu, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, góp phần thực hiện mục tiêu“nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” mà Nghị quyết của Đảng đề ra.

Thiếu tướng NGUYỄN HÙNG THẮNG-Phó chủ nhiệm, TMT Tổng cục Hậu cần