Tại các khu vực đóng quân của Lữ đoàn, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp; hằng năm chỉ có mùa mưa và mùa khô, mùa mưa thường kéo dài từ 3 - 4 tháng. Một số trạm đóng quân xa vị trí chỉ huy Lữ đoàn, xa khu dân cư, nhiều nhà ở, nhà làm việc, phòng máy được xây dựng từ lâu, đã cũ và xuống cấp... tác động, ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý doanh trại.
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng; sự quan tâm, giúp đỡ của Cục Hậu cần; cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ; Lữ đoàn đã phát huy tối đa mọi nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng các hạng mục công trình doanh trại mới, góp phần giải quyết khó khăn và nâng cao điều kiện sinh hoạt, học tập, công tác của bộ đội; đảm bảo ngày càng chính quy. Có được kết quả trên là do Lữ đoàn đã gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua (PTTĐ) “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” với các PTTĐ, cuộc vận động khác.
Cụ thể là: Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn coi trọng và làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bộ đội về ý nghĩa, tầm quan trọng của PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” theo Chỉ thị số 05/CT-BQP ngày 06/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; gắn thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào với lộ trình thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về “Công tác Hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Nội dung của PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” được lồng ghép vào nội dung PTTĐ Quyết thắng hằng năm, PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, gắn với các tiêu chí xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Cùng với tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, các đơn vị trong Lữ đoàn đã cụ thể hóa nội dung PTTĐ đối với việc triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản doanh trại. Những năm qua, Lữ đoàn được Bộ Tư lệnh đầu tư xây dựng, cải tạo một số công trình doanh trại, góp phần cải thiện cơ bản nơi ăn, ở và làm việc của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, cụ thể: Nhà ở, nhà làm việc Đại đội 11, 13, 15; nhà làm việc chỉ huy Tiểu đoàn, nhà trực ban, nhà ở, làm việc sinh hoạt Tiểu đoàn bộ/ Tiểu đoàn 12. Quá trình thi công, các đơn vị luôn chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về đầu tư xây dựng công trình. Các dự án, công trình trước khi triển khai thi công đều được phê duyệt đầy đủ các thủ tục theo quy định và thực hiện đúng quy hoạch. Kết hợp chặt chẽ việc đầu tư xây dựng công trình với thực hiện các chỉ tiêu của PTTĐ “Đơn vị quản lý tài chính tốt”. Làm tốt việc thẩm định chặt chẽ hồ sơ dự toán thiết kế, nghiệm thu đầy đủ, hồ sơ quản lý chất lượng công trình bảo đảm đúng, đủ theo quy định, do vậy đã tránh được lãng phí trong quá trình xây dựng và tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đều đảm bảo đúng tiến độ, an toàn, chất lượng tốt, thanh quyết toán kịp thời, phát huy hiệu quả công năng sử dụng, không bị lún, nứt, thấm dột trong quá trình sử dụng.
Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Lữ đoàn thường xuyên quan tâm chỉ đạo gắn chặt công tác quản lý doanh trại với PTTĐ “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Đơn vị Quân y 5 tốt”, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, Cuộc vận động 50… Và được cụ thể hóa bằng các hội thi hằng năm như: Hội thi “Đơn vị có nếp sống vệ sinh khoa học”, Hội thi “Nhà ăn, nhà bếp văn hóa, chính quy” năm 2017, “Đơn vị tăng gia sản xuất giỏi” năm 2018, Hội thi “Đơn vị có cây cảnh đẹp” năm 2019... Các hội thi đã thành công tốt đẹp và mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần nói chung và từng chuyên ngành nói riêng. Điển hình như: Hội thi “Nhà ăn, nhà bếp văn hóa chính quy” năm 2017, “Đơn vị tăng gia sản xuất giỏi” năm 2018 đã giúp các đơn vị chủ động hơn trong cung cấp nguồn thực phẩm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất vừa để giáo dục bộ đội hiểu được giá trị sức lao động, tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, vừa tạo cảnh quan, môi trường nhà ăn, nhà bếp sạch, đẹp; vì vậy, mặc dù diện tích doanh trại không nhiều nhưng đơn vị đã tận dụng được các khu đất trống, mặt bằng không gian để trồng rau xanh, góp phần xây dựng mô hình doanh trại theo hướng “Xanh, sạch, đẹp”.
Hội thi “Đơn vị có nếp sống vệ sinh khoa học” năm 2019 đã góp phần nâng cao ý thức của bộ đội đối với công tác vệ sinh, môi trường trong đơn vị và các vị trí làm việc, vừa góp phần chăm lo bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19, vừa góp phần cải tạo cảnh quan môi trường doanh trại sạch, đẹp theo hướng chính quy, tiếp tục cổ vũ, động viên các tập thể và cá nhân trong thực hiện PTTĐ. Trong Hội thi “Đơn vị có cây cảnh đẹp” năm 2019, toàn Lữ đoàn đã cải tạo, làm mới 11 khuôn viên, trồng mới 1.200 m2 thảm cỏ, làm 125 chậu hoa cây cảnh; trồng hơn 900 cây xanh các loại, 18 vườn hoa…
Nhiều mô hình mới đã phát huy rất hiệu quả như: thanh niên với phong trào “Ngày thứ Bảy xanh”; “Vườn rau Thanh niên”; phụ nữ với phong trào “Cây xanh, trái ngọt”... đã góp phần tạo cảnh quan, không gian đơn vị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, giúp cán bộ, chiến sĩ có những giờ thư giãn sau thời gian huấn luyện, làm việc căng thẳng, tạo động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết hợp PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” với thực hiện Cuộc vận động 50, các đơn vị đã chủ động trong công tác duy tu, bảo dưỡng các loại doanh cụ hiện có như quạt điện, hệ thống dây phơi quần áo, khăn mặt, các loại giá giầy, giá ba lô, giường nằm của bộ đội, không để hư hỏng, xuống cấp nặng, kéo dài niên hạn sử dụng.
Từ thực tiễn thực hiện PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” gắn với các PTTĐ, cuộc vận động khác, Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thường xuyên quan tâm làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc mục tiêu, ý nghĩa, các chỉ tiêu chính nội dung PTTĐ. Kịp thời chấn chỉnh tư tưởng, nhận thức chưa đúng ở một số cán bộ, chiến sĩ cho rằng thực hiện phong trào là việc riêng của cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần. Làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động, từ tập thể đến cá nhân cùng thống nhất ý chí, xây dựng quyết tâm thực hiện PTTĐ, tạo nên sức mạnh tổng hợp mọi cấp, mọi ngành, đưa việc thực hiện các nội dung của PTTĐ thành nền nếp.
Hai là, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, tinh thần trách nhiệm cao và tận tụy với công việc, chủ động, sáng tạo linh hoạt trong tham mưu, đề xuất các biện pháp gắn kết công tác xây dựng và quản lý doanh trại chính quy với các PTTĐ khác của ngành Hậu cần, các cuộc vận động, phát huy được trí tuệ tập thể, sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực.
Ba là, tổ chức thực hiện PTTĐ một cách toàn diện, có bề rộng và chiều sâu, thường xuyên, liên tục; đa dạng về hình thức hoạt động; chú trọng tham quan, học tập, áp dụng các mô hình hiệu quả, cách làm hay, nhiều biện pháp tốt của các đơn vị bạn, địa phương; phát huy nội lực tiềm năng, thế mạnh của từng tổ chức, từng cá nhân trong thực hiện PTTĐ tại đơn vị.
Bốn là, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nền nếp chế độ công tác xây dựng và quản lý doanh trại chính quy gắn với thực hiện các PTTĐ của đơn vị. Đưa kết quả thực hiện PTTĐ là một nội dung để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, tập thể và cá nhân.
Năm là, thường xuyên duy trì tốt chế độ kiểm tra, khắc phục kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm. Duy trì nghiêm công tác quản lý hồ sơ, đăng ký, cập nhật số liệu sổ sách ghi chép đúng nền nếp quy định. Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong PTTĐ và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Đại tá Nguyễn Hồng Văn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 596