Những kết quả đạt được đã thúc đẩy công tác tài chính của cơ quan, đơn vị ngày càng đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 97/CT-BQP ngày 07/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Hướng dẫn số 4853/HD-CTC ngày 24/8/2021 của Cục Tài chính về việc tiếp tục đẩy mạnh PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong BTL Thủ đô Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các mục tiêu của PTTĐ thành những nội dung trọng tâm trong từng giai đoạn, phù hợp đặc thù nhiệm vụ, tạo cơ sở cho việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện.

Đảng ủy, BTL Thủ đô Hà Nội đã ban hành đồng bộ hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tài chính trong Bộ Tư lệnh. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết; duy trì nghiêm Quy chế lãnh đạo công tác tài chính ở tất cả các cấp; thực hiện nền nếp, chế độ công khai tài chính theo quy định của Bộ Quốc phòng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”. Cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt tới toàn thể bộ đội về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của PTTĐ và những nội dung, tiêu chuẩn đơn vị quản lý tài chính tốt.

leftcenterrightdel
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh BTL Thủ đô Hà Nội trao Bằng khen của Bộ Tư lệnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong PTTĐ "Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt" giai đoạn 2010 - 2020. Ảnh: CTV 

Để chủ động trong bảo đảm ngân sách, hằng năm, ngành Tài chính kịp thời lập kế hoạch, tham mưu với cấp ủy, người chỉ huy phân bổ dự toán ngân sách; nắm chắc các nguồn tài chính để cân đối, phân bổ ngân sách quốc phòng, ngân sách địa phương bảo đảm cho các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên. Nhờ đó, công tác tài chính đã đáp ứng tốt hơn cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, bảo quản vũ khí, trang bị; đảm bảo đúng, đủ, kịp thời tiêu chuẩn và nâng cao đời sống bộ đội; đảm bảo tốt chế độ cho lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ; chi trả kịp thời chế độ cho các đối tượng chính sách; tăng đầu tư cho mua sắm, nâng cấp, cải tiến, bảo quản, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật…

Với chức năng được giao, Phòng Tài chính đã tham mưu với BTL phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố để trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua phương án bố trí ngân sách địa phương hằng năm cho công tác quân sự, quốc phòng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, ngành Tài chính đã thực hiện đúng các nội dung chi, các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức đã ban hành; giám sát chặt chẽ trước, trong và sau khi chi tiêu, chấp hành nghiêm quy định về thẩm định giá mua vật tư, tài sản và các hoạt động dịch vụ. Triển khai phân bổ, lập kế hoạch sử dụng các nguồn kinh phí theo tháng, quý trong dự toán ngân sách được giao; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, có các biện pháp điều hành quyết liệt để thực hiện chi ngân sách đúng tiến độ, kiên quyết chấm dứt tình trạng chi dồn, chi ép ngân sách vào các tháng, quý cuối năm.  Triển khai mua sắm theo phương thức tập trung, bằng hình thức ký thỏa thuận khung đối với các loại vật tư, hàng hóa theo quy định của Bộ Quốc phòng và Thành phố.

Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng và Thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2010 - 2020, BTL đã được đầu tư ngân sách thực hiện 36 dự án, công trình, như: Dự án xây dựng nhà ở công vụ tại phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai); chung cư quân nhân tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông); Trạm An điều dưỡng cán bộ tại huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai); các công trình phòng thủ tại căn cứ hậu phương… Để quản lý hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quá trình triển khai xây dựng các dự án, công trình theo đúng thiết kế được duyệt, tổ chức nghiệm thu từng hạng mục công việc và thực hiện bàn giao công trình đưa vào sử dụng đúng quy định.

BTL giao cho Ban Quản lý dự án theo dõi quản lý, thuê tư vấn giám sát và phân công cán bộ giám sát chặt chẽ, do đó các công trình xây dựng đều đảm bảo chất lượng. Thực hiện quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành thực hiện đúng quy định, lập hồ sơ quyết toán đầy đủ, đảm bảo tính pháp lý, kịp thời. Các công trình đều thực hiện giám sát, báo cáo giám sát đầu tư đầy đủ, đúng quy định. Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đều đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Cũng trong giai đoạn này, BTL đã thẩm định, quyết toán 169 dự án, hạng mục công trình hoàn thành với tổng số vốn đầu tư trên 2.376 tỷ đồng.

Cùng với việc bảo đảm tốt chế độ, tiêu chuẩn cho các đối tượng, ngành Tài chính thường xuyên phổ biến các văn bản, chế độ, chính sách mới ban hành của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Thành phố Hà Nội tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Quản lý chặt chẽ quỹ tiền mặt, tiền gửi, hạn chế dùng tiền mặt trong thanh toán chi tiêu. Rà soát, quản lý chặt chẽ việc mua sắm các phương tiện, tài sản có giá trị lớn; sửa chữa lớn trụ sở làm việc; thiết bị văn phòng; bảo quản các tài sản, doanh cụ, trang thiết bị làm việc để kéo dài thời gian sử dụng nhằm giảm kinh phí mua sắm; khuyến khích tăng hạn, kéo dài thời gian sử dụng các trang thiết bị, phương tiện. Giảm tối đa chí phí, điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; hạn chế chi tiếp khách, hội nghị, hội thảo, tập huấn, sơ tổng kết; bố trí cán bộ đi công tác hợp lý, không dùng xe công vào việc riêng, tổ chức đi xe chung để tiết kiệm, chống lãng phí...

Tuy nhiên, việc thực hiện PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt" thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, theo dõi, đánh giá kết quả thi đua của một số đơn vị cơ sở có thời điểm chưa thường xuyên. Nhận thức của một số cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về mục tiêu, yêu cầu của phong trào, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đầy đủ, thực hiện chưa thường xuyên. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, văn bản chỉ đạo PTTĐ của một số ít đơn vị chưa kịp thời, có nội dung chưa sát, chưa cụ thể hóa được các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị mình… Vì vậy, để thực hiện tốt PTTĐ, ngành Tài chính BTL Thủ đô Hà Nội xác định quán triệt, thực hiện một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy và người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện PTTĐ; thường xuyên kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PTTĐ từ BTL đến các đơn vị. Phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan tài chính các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức PTTĐ. Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng động cơ thi đua đúng đắn cho mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện PTTĐ với nội dung, biện pháp phù hợp đặc điểm và nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Tiếp tục xác định PTTĐ là một nội dung trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; chú trọng đầu tư xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả PTTĐ.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng chống tham nhũng; tập trung tuyên truyền Quy chế số 616/QC-QUTW ngày 29/9/2021 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác tài chính trong QĐNDVN; Điều lệ Công tác Tài chính QĐNDVN (ban hành kèm theo Thông tư số 175/2020/TT-BQP ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng);

Chỉ thị số 97/CT-BQP ngày 07/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục đẩy mạnh PTTĐ "Đơn vị quản lý tài chính tốt"; Quy chế của Đảng ủy BTL Thủ đô Hà Nội về “Lãnh đạo công tác Tài chính nhiệm kỳ 2020 - 2025”.

Ba là, tiếp tục thực hiện Đề án của Bộ Quốc phòng về đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo. Triển khai lập, phân bổ dự toán ngân sách cho các cơ quan, đơn vị đúng quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Thành phố Hà Nội; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời thực hiện nền nếp, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra tài chính theo kế hoạch. Rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách tại cơ quan, đơn vị. Tiếp tục quán triệt các quy định của cấp trên về chấp hành nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng chống tham nhũng; đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, người chỉ huy đối với công tác tài chính. Tăng cường vai trò giám sát của hội đồng quân nhân, các tổ chức quần chúng, đoàn thể; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài chính, tài sản được giao.

Bốn là, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; các chế độ, chính sách… đúng với quy định của Nhà nước, phù hợp với đặc thù đơn vị, làm cơ sở cho công tác bảo đảm, quản lý tài chính, vật chất tiêu hao trong các hoạt động của đơn vị; phục vụ quản lý, điều hành và xây dựng kế hoạch bảo đảm nhiệm vụ, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục triển khai cụ thể hóa các định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo các văn bản đã ban hành, kịp thời phát hiện và đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Kế thừa, phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, ngành Tài chính cùng với các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong BTL Thủ đô Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”, đưa PTTĐ phát triển lên bước mới, bảo đảm tốt hơn nhu cầu tài chính cho BTL  thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.

Trung tá, TS BÙI THANH HUYỀN, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính/HVHC