Nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy và sự chỉ đạo, thực hiện của cơ quan hậu cần các cấp nên ngay từ đầu năm 2023 (trước Tết Nguyên đán Quý Mão khoảng nửa tháng), toàn Quân chủng cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng bảo đảm cho bộ đội...

Đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), tạo nguồn thực phẩm tại chỗ

Xác định TGSX là nguồn cung ứng thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn bộ đội, ngay từ đầu quý IV/2022, Cục Hậu cần Quân chủng chỉ đạo các đơn vị thực hiện Kế hoạch TGSX bảo đảm cho Tết Nguyên đán và huấn luyện chiến sĩ mới. Theo đó, các đơn vị tổ chức chăn nuôi, trồng trọt với quy mô phù hợp, tăng đàn, tái đàn, bổ sung đủ 2 - 3 người/đầu lợn, 4 - 5 con gia cầm/người; tổ chức trồng xen canh, gối vụ nhiều loại rau, nhất là rau cao cấp, rau gia vị… Đến thời điểm đầu tháng 01/2023, toàn Quân chủng đang chăn nuôi trên 1.500 trâu, bò thịt; gần 10.000 con lợn thịt (khoảng 550 tấn), 70.000 con gia cầm các loại (90 tấn); chăm sóc hơn 490.000 m2 vườn xanh (950 tấn rau, quả)... So với dự kiến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết, Quân chủng đáp ứng đủ, không phải mua ngoài thị trường...

leftcenterrightdel
Chăm sóc rau xanh ở Tiểu đoàn 184, Trung đoàn 213, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân. Ảnh: phongkhongkhongquan.vn/ 

Để có nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ ổn định như hiện nay là cả quá trình nhiều năm cơ quan hậu cần các cấp thấy trước, lo trước, có cách làm phù hợp, phát triển TGSX bền vững theo mô hình 3 cấp (cấp tiểu đoàn quy hoạch vườn, ao, chuồng, giàn phù hợp địa hình đóng quân và quy hoạch trận địa; cấp sư đoàn, trung đoàn tổ chức TGSX tập trung, hoạt động dịch vụ quy theo mô vừa để hỗ trợ các đơn vị); tổ chức sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh, đa dạng hóa sản phẩm, gắn với xây dựng cảnh quan và vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn Quân chủng tự túc 80 - 85% nhu cầu rau xanh; 50 - 55% nhu cầu thịt lợn; 60 - 65% nhu cầu thịt gia cầm; 40 - 46% nhu cầu cá. Sản phẩm TGSX đưa vào bữa ăn bộ đội luôn rẻ hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 5% - 15%. Đi đôi với phát triển TGSX, các đơn vị thường xuyên duy trì hoạt động hiệu quả các trạm chế biến tập trung, đáp ứng phần lớn nhu cầu giò, chả, đậu phụ, giá đỗ... cho bếp ăn đơn vị. Ngoài việc trồng các loại rau ngắn ngày, Quân chủng chỉ đạo các đơn vị trồng bí xanh, bí đỏ để dự trữ, sử dụng trong thời điểm giáp vụ... Nhờ nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào, chất lượng bữa ăn bộ đội luôn giữ ổn định, trong đó bữa chính duy trì từ 4 - 5 món, có 3 món giàu đạm; bữa sáng có thức ăn và canh rau.

Cùng với TGSX, cơ quan hậu cần các đơn vị đầu mối trực thuộc Quân chủng chủ động khảo sát thị trường, nắm tình hình giá cả, nhu cầu các loại hàng hóa phục vụ bộ đội đón Tết, như: gạo nếp, đậu xanh, bánh, kẹo, chè, lá dong… lựa chọn các cơ sở kinh doanh uy tín để ký hợp đồng mua sớm, tránh thời điểm giáp Tết, khan hiếm hàng, giá tăng cao. Riêng đối với gạo nếp, đậu xanh, giao cho các đầu mối cấp trung, lữ đoàn tổ chức mua tập trung, bảo đảm cho các bếp ăn.

Trong những ngày Tết, tiêu chuẩn tiền ăn của bộ đội cao, Cục Hậu cần yêu cầu các đơn vị tính toán kỹ, xây dựng thực đơn phù hợp, bảo đảm cân đối thực phẩm giữa các bữa trong ngày và giữa các ngày Tết. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động trạm chế biến tập trung, không để giảm chất lượng thực phẩm chế biến sẵn. Thực hiện kế hoạch giết mổ gia súc, gia cầm trong từng ngày Tết bảo đảm cho bộ đội luôn có đủ thực phẩm tươi, ngon, vệ sinh, an toàn.

Đi đôi với chuẩn bị nhu cầu thực phẩm, các đơn vị tích cực củng cố, vệ sinh doanh trại, cảnh quan môi trường; tổ chức dồn dịch, mua sắm, tiếp nhận trang bị, doanh cụ, dụng cụ cấp dưỡng, sẵn sàng bảo đảm cho Tết và đón nhận chiến sĩ mới. Các kế hoạch bảo đảm xăng dầu, vận tải cũng được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ SSCĐ, vận chuyển chiến sĩ mới và các nhu cầu thường xuyên, đột xuất của đơn vị trước, trong và sau Tết... Đáng chú ý là, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hầu hết các đơn vị trong Quân chủng trích quỹ TGSX cho bộ đội ăn thêm từ 15.000 - 30.000 đồng/người/ngày (tổng số 5 ngày). Đồng thời, tổ chức mua quà theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng cấp cho chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương trong dịp Tết, trị giá 350.000 đồng/ người.

Sẵn sàng đón nhận và bảo đảm cho chiến sĩ mới

Theo kế hoạch, ngay sau Tết Nguyên đán, Quân chủng tổ chức đón nhận và huấn luyện các chiến sĩ mới. Vì vậy, cùng với tích cực làm tốt công tác chuẩn bị bảo đảm cho Tết Nguyên đán, Cục Hậu cần hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch bảo đảm hậu cần phục vụ đón nhận, huấn luyện chiến sĩ mới một cách chặt chẽ, chu đáo. Trong đó đối với công tác quân nhu, chỉ đạo các đơn vị tăng cường dự trữ các loại củ, quả trong kho và ngay tại vườn; bổ sung đầu lợn, gia súc, gia cầm đã thu hoạch dịp Tết. Ngay sau Tết, các đơn vị phải nhanh chóng trồng các loại rau ngắn ngày để kịp thời bảo đảm trong bữa ăn. Những đơn vị tiếp nhận số lượng chiến sĩ mới đông, mở rộng diện tích đất trồng rau, thực hiện xen canh, gối vụ hợp lý để tự túc rau xanh. Triển khai trồng rau xanh theo lịch gieo trồng, phấn đấu tự túc từ 80 - 90% nhu cầu rau xanh trong bữa ăn bộ đội.

Về quân trang, Phòng Quân nhu phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan nghiệp vụ cấp trên để chủ động tiếp nhận đủ các mặt hàng bảo đảm cho chiến sĩ mới. Đối với những mặt hàng trên phân cấp mua sắm (chiếu cói), Quân chủng chủ động lập kế hoạch, hợp đồng với các cơ sở sản xuất, cung ứng quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm và bảo đảm tiến độ giao nhận. Chủ động hiệp đồng với các địa phương giao quân, bảo đảm 100% công dân nhập ngũ được cấp phát đúng, đủ các loại quân trang theo quy định (tại địa phương giao quân phía Bắc cấp phát 12 mặt hàng, phía Nam cấp phát 10 mặt hàng, số còn lại cấp phát tại đơn vị).

Năm 2023, Quân chủng huấn luyện chiến sĩ mới đồng thời tại 9 sư đoàn, nên nhu cầu bảo đảm doanh trại tăng cao hơn so với những năm trước. Vì vậy, Hậu cần Quân chủng chỉ đạo các đơn vị tập trung củng cố doanh trại, dồn dịch nơi ăn, ở; mua sắm bổ sung, dồn dịch doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt cần thiết, ưu tiên tối đa cho chiến sĩ mới. Tập trung các nguồn lực để xây mới, củng cố công trình vệ sinh, đảm bảo 6 người/hố vệ sinh tự hoại theo quy định. Các đơn vị phía Bắc đều tổ chức khu tắm nước nóng tập trung, đảm bảo 100% quân số được tắm nước nóng trong mùa Đông.

Để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội ngay khi mới về đơn vị huấn luyện, Cục Hậu cần Quân chủng chỉ đạo các đơn vị làm công tác phòng, chống dịch, bệnh theo mùa. Ngoài việc thường xuyên duy trì nền nếp vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng khu nhà ở, nhà ăn, khu vệ sinh, bể nước…, các đơn vị hướng dẫn chiến sĩ mới cách ăn, ở vệ sinh, khoa học, sinh hoạt điều độ. Nhất là giữ gìn vệ sinh công cộng; khắc phục thói quen ăn ở, ngủ nghỉ tùy tiện, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng, chống kịp thời.

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, ngành Hậu cần Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho bộ đội trong dịp Tết Quý Mão và đón nhận, huấn luyện chiến sĩ mới.

Đại tá Nguyễn Quang Luyến - Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng PK – KQ