Trong 6 tháng cuối năm 2023, BDTL châu Phi bắt đầu bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc nước ta, gây tâm lý hoang mang, lúng túng cho người chăn nuôi tại các địa phương, đơn vị Quân đội. Nguyên nhân do người chăn nuôi chưa hiểu biết sâu về kiến thức bệnh dịch, kỹ năng trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Mặt khác, bệnh có diễn biến phức tạp, khó dự báo, dấu hiệu nhận biết gần giống với một số bệnh truyền nhiễm khác, triệu chứng, bệnh tích của 2 bệnh dịch có nhiều điểm tương đồng, gây khó khăn trong chẩn đoán, xác định, phòng và xử lý bệnh. Để giúp người chăn nuôi nhận biết, chẩn đoán chính xác BDTL châu Phi và BDTL cổ điển, chúng tôi cung cấp kiến thức cơ bản về sự khác biệt giữa 2 bệnh trên như sau:

Phân biệt qua nguồn gốc và đặc điểm dịch tễ

BDTL châu Phi là bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm, xảy ra trên tất cả các loại lợn, mọi lứa tuổi, tỷ lệ tử vong 100%, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch. Virus tồn tại trên tất cả các loại lợn, sản phẩm thịt lợn, thức ăn, dụng cụ, thiết bị chăn nuôi, nước uống, động vật gặm nhấm, côn trùng và con người… trong vùng có mầm bệnh. Virus lây truyền quanh năm, không phụ thuộc mùa, khí hậu, thông qua thức ăn, nước uống, không khí, giao phối, côn trùng hút máu, vết trầy xước trên da.

BDTL cổ điển cũng là bệnh truyền nhiễm, xảy ra trên tất cả các loại lợn, mọi lứa tuổi, dịch phát triển nhỏ lẻ, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong thấp. Virus cũng có mặt trên tất cả lợn ốm đã khỏi và mang trùng như BDTL châu Phi. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra nhiều hơn vào các tháng mưa phùn.

leftcenterrightdel
Một số hình ảnh so sánh giữa 2 bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên) và dịch tả lợn cổ điển (dưới).

Phân biệt qua triệu chứng

Thể quá cấp tính: Lợn mắc BDTL châu Phi có biểu hiện sốt đột ngột rất cao từ 42 - 430C cho đến lúc chết và thời gian không quá 4 ngày. Mặc dù bị sốt rất cao nhưng 1-2 ngày đầu bị bệnh, lợn vẫn ăn uống, đi lại bình thường khiến người chăn nuôi ít phát hiện ra bệnh, lợn gầy sút nhanh, nằm bẹp, thở dốc và chết đột ngột, trong 24 giờ sau, xác chết rất nhanh cứng. Trong khi đó, lợn bị mắc BDTL cổ điển chỉ sốt từ 41 - 41,5 độ C, sốt li bì, kéo dài cho đến lúc chết. Thời gian bệnh kéo dài từ 2-3 ngày hoặc có thể kéo dài 5-7 ngày, lợn ăn ít hoặc bỏ ăn, không sút cân, nằm run, xuất huyết điểm trên da, xác chết chậm cứng.

Thể cấp tính và dưới cấp tính: Lợn bị BDTL châu Phi, nhiệt độ cơ thể tăng nhanh từ 39 độ C - 42 độ C hoặc 43 độ C trong vài giờ và giữ nhiệt độ cao kéo dài liên tục đến khi bị chết. Khi mới nhiễm bệnh trong 2-3 ngày đầu, lợn bệnh vẫn ăn uống, đi lại bình thường nên người chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật khó xác định, chẩn đoán. Sau đó, lợn bỏ ăn hoàn toàn, nằm bẹp, sức khỏe giảm nhanh, khó thở, gầy, táo bón kèm theo tiêu chảy hoặc ngược lại, phân có thể lẫn máu. Nước mắt, nước mũi chảy nhiều và kén đặc, hóa mủ có màu trắng ngà, vàng ngà, có khi lẫn máu tươi hoặc chảy máu cam. Lợn bị viêm phổi, khó thở, ho liên tục, kéo dài, khi sờ nắn vùng phổi, lợn có biểu hiện đau đớn. Trước khi chết 1-2 ngày, xuất hiện các nốt xuất huyết trên da ở tai, mõm, bụng, bẹn, háng...; các nốt xuất huyết nhanh chóng lan to thành từng đám với màu xanh tím thâm và bị hoại tử, chảy rỉ dịch.

Lợn mắc BDTL cổ điển, nhiệt độ cơ thể không tăng đột ngột mà tăng theo từng giai đoạn. Khi mới mắc bệnh, nhiệt độ cơ thể tăng từ 39 độ C - 40,5 độ C, sau đó lên 41 độ C - 41,5 độ C, thời gian tăng thân nhiệt đến đỉnh điểm  thường sau 3 ngày và không vượt quá 41,5 độ C. Lúc này, lợn giảm ăn, thích ăn rau xanh, uống nhiều nước; có biểu hiện táo bón, phân có màng nhầy, cuối giai đoạn lợn bị tiêu chảy, có trường hợp lợn bị tiêu chảy trước sau mới táo bón, phân màu xám, nâu, vàng, đen xen lẫn, mùi khắm đặc trưng. Khi mắc bệnh, trên mắt xuất hiện gỉ mắt nâu, mắt đỏ, gương mũi luôn khô, rất ít khi nước mũi chảy ra, lợn thường hắt hơi, lúc đầu ho nhẹ khi gần chết thì ho nặng hơn. Sau 3-4 ngày mắc bệnh, trên da xuất hiện nốt xuất huyết nhỏ bằng hạt kê đến hạt gạo, sau chuyển sang thâm tím rồi hoại tử tạo thành vảy màu nâu ở các vùng da mềm như gốc tai, bụng, bẹn, háng... rồi lan ra các bộ phận khác trên cơ thể. Lợn mới mắc bệnh hay nằm, nghiến răng; khi gần chết, lợn bị bại mông, đi lại khó khăn, xiêu vẹo.

Thể mãn tính: Lợn bị mắc BDTL châu Phi thể mãn tính không xảy ra trên lợn nuôi mà chỉ bị ở lợn rừng, khi mắc bệnh, thân nhiệt cơ thể của lợn sốt cao 42 độ C, sau hạ dần xuống 40,8 - 41 độ C, kéo dài trong nhiều ngày. Sau đó, thân nhiệt giảm dưới 39 độ C và bị chết. Khi mới mắc bệnh, cũng như ở thể cấp tính và dưới cấp tính, lợn vẫn ăn uống bình thường, sau giảm ăn, bỏ ăn hoàn toàn rồi chết. Khi mới mắc bệnh, lợn đi đại tiểu tiện bình thường nhưng vài ngày sau xuất hiện táo bón hoặc tiêu chảy và có lẫn máu. Mắt đỏ kèm theo gỉ mủ màu trắng đục, mũi chảy mủ, có thể lẫn máu hoặc bị chảy máu cam. Viêm phổi mạn tính thể trung bình, thường xuyên ho, ho kéo dài thành cơn, ho ướt giống như ở thể dưới cấp nhưng mức độ nhẹ hơn.

Đối với BDTL cổ điển thể mãn tính xảy ra trên các loại lợn, bệnh kéo dài nhiều tuần, chủ yếu do thể dưới cấp tính chuyển sang hoặc ở những đàn lợn đã được tiêm phòng vắc-xin dịch tả nhưng miễn dịch chưa tốt. Khi bị bệnh, thân nhiệt tăng nhẹ từ 40 - 40,80C hoặc giảm từ 41,50C (thể cấp tính và dưới cấp tính) xuống 40,5 - 40,8 độ C, có thể sốt nhẹ hoặc không sốt. Lợn giảm ăn, uống nhiều nước, bụng đói, hóp hai hông, bị táo bón nặng, phân lổn nhổn, rắn chắc luôn kèm theo màng nhầy, thậm chí kèm theo mảng niêm mạc ruột hoặc lẫn máu. Một số lợn khác bị tiêu chảy, mùi khắm, màu phân rất khác nhau: ghi, xám đen, vàng nâu, hoặc lẫn màu xen kẽ, có máu. Mắt đỏ, mũi khô, rất ít khi có dịch mũi, ho nhẹ, ho ngắt quãng. Các điểm xuất huyết tạo thành vảy nâu và bong tróc, tím bầm ở gốc tai, bụng, bẹn, mõm…; nếu bị bệnh nặng, khi lợn chết, da khô, quăn, lông xù...

Phân biệt qua bệnh tích

Lợn bị BDTL châu Phi xác chết bị cứng rất nhanh, tại vùng lỗ tự nhiên như: mũi, miệng, hậu môn thấy máu, mủ chảy ra. Trên da có các mảng xuất huyết có xu hướng lan rộng và nhanh chóng bị hoại tử màu xanh tím. Mổ khám lồng ngực thấy chứa nhiều dịch thẩm xuất màu đỏ lẫn máu. Phổi có xuất huyết điểm, bị phù và chứa nhiều nước. Gan sưng to gấp đôi bình thường, mép gan tù, thùy gan đỏ thẫm hoặc màu vàng, khi cắt gan thấy màu loang lổ rất nhiều điểm xuất huyết. Lách sưng to, đầu lách tù, có màu đỏ thẫm, mềm nhũn, dưới vỏ lách thấy nhiều xuất huyết điểm và bị nhồi huyết. Thận bị thâm hoặc nhợt nhạt, xuất huyết điểm dưới màng thận. Khoang ngực chứa nhiều dịch thẩm xuất lẫn máu, tim to hơn bình thường, màng tim, cơ tim và vành tim có nhiều điểm xuất huyết. Trong khoang bụng chứa nhiều dịch thẩm xuất đỏ, niêm mạc ruột non đỏ tấy (viêm xuất huyết) có xu hướng chuyển sang viêm hoại tử. Ruột già có nhiều ổ hoại tử hình xoáy ốc, ruột thừa phình rất to, các hạch lâm ba sưng rất to, đỏ tấy, khi cắt đôi thấy dịch đặc sệt hoặc máu. Lợn nái ở thể quá cấp, cấp và dưới cấp tính không quan sát thấy bào thai chết lưu mà chỉ thấy thai chết tươi cùng nái mẹ.

Lợn bị mắc BDTL cổ điển, xác chết chậm cứng, không thấy các chất tiết dịch chảy ra từ các lỗ tự nhiên. Xuất huyết điểm hoặc tràn lan ở da, niêm mạc, màng bao các cơ quan nội tạng (thanh quản, khí quản, hầu, tim, phổi, phúc mạc...), màng tim và cơ tim bị xuất huyết điểm, gan bị viêm tụ huyết, xuất huyết và bị gan hóa màu nâu đỏ nhưng không sưng. Lách bị nhồi máu hình răng cưa, bề mặt có nhiều ổ xuất huyết lồi to bằng hạt đậu, khi cắt ngang lách có rất nhiều máu chảy ra. Thận trắng bệch hoặc nhạt màu với nhiều điểm xuất huyết. Ruột bị viêm xuất huyết tràn lan đến hoại tử tập trung ở đoạn van hồi manh tràng. Ruột già có nhiều ổ hoại tử hình xoáy ốc. Các hạch phổi, trung thất, ruột, Amidal... đều sưng, bị xuất huyết lốm đốm như đá hoa vân đỏ thẫm. Lợn nái chửa, nái đẻ có thể thấy bào thai bị chết, thai khô (thai gỗ).

Để nhận biết và xác định chính xác lợn bị mắc BDTL châu Phi hay không cần áp dụng thêm các phương pháp chẩn đoán khác như: Phương pháp test nhanh, phân lập giám định virus, hoặc phương pháp PCR, ELISA tại các cơ sở xét nghiệm có uy tín.

Trên đây là những kiến thức cơ bản để phân biệt giữa lợn bị mắc bệnh dịch tả châu Phi với mắc bệnh dịch tả cổ điển. Các đơn vị có thể tham khảo để có biện pháp phòng, chống phù hợp và hiệu quả cho đàn lợn.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN CÔNG PHÚC, Học viện Hậu cần