Với đặc điểm thời tiết, khí hậu và cường độ hoạt động quân sự nói trên, các bệnh truyền nhiễm dễ xuất hiện, lây lan thành dịch trong các đơn vị Quân đội. Thông thường, các dịch bệnh truyền nhiễm như: nhiễm vi - rút đường hô hấp cấp, nhiễm khuẩn não mô cầu (NMC), cúm, bạch hầu, quai bị, thủy đậu… bùng phát vào thời điểm này. Đồng thời, có nguy cơ xảy ra các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần kiểm tra hệ thống chống gió lùa tại Lữ đoàn 454 (Quân khu 3).  

 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe bộ đội mùa Đông - Xuân, đề nghị quân y các đơn vị, các bệnh viện quân y toàn quân thực hiện tốt các nội dung sau:

Chủ động phối hợp với y tế địa phương, nắm chắc tình hình dịch bệnh tại địa bàn đơn vị đóng quân, không để dịch lây lan từ ngoài vào đơn vị Quân đội. Thu thập thông tin, yếu tố để xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024; kiện toàn, bổ sung lực lượng, trang bị, phương tiện, thuốc, hóa chất..., sẵn sàng phòng, chống dịch.

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn bộ đội thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, có kiến thức, hiểu biết trong phòng, chống một số bệnh thường xảy ra tại đơn vị vào mùa Đông - Xuân. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra bộ đội thực hiện các biện pháp phòng dịch không đặc hiệu như: Vệ sinh răng miệng (súc họng bằng dung dịch nước muối 0,9%, 02 lần/ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ); nhỏ mũi buổi tối bằng dung dịch nước muối 0,9%; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; phơi quần áo, chăn màn khi trời nắng.

Triển khai đồng bộ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho bộ đội theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Quân y, trọng tâm là các dịch bệnh gây tử vong nhanh (nhiễm khuẩn não mô cầu, sốt xuất huyết Dengue, bạch hầu...) hoặc bệnh lây lan nhanh, số ca mắc cao như: COVID-19, cúm, nhiễm vi-rút đường hô hấp cấp, quai bị, nhiễm trùng nhiễm, độc ăn uống… và cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi như cúm A (H5N1), bệnh do vi-rút Nipah, đậu mùa khỉ, Whitmore… Đưa COVID-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm báo cáo định kỳ hằng tháng. Đặc biệt, các đơn vị làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, đường biên giới chú ý công tác giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để quản lý.

Quân y các cấp tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy chú trọng các biện pháp tăng cường sức khỏe cho bộ đội như bảo đảm đủ dinh dưỡng, nước uống trong bữa ăn bộ đội; sử dụng thuốc bổ dưỡng, Vitamin phù hợp với sự tiêu hao năng lượng của bộ đội. Phối hợp cùng cơ quan Quân nhu thường xuyên kiểm tra vệ sinh tại các bếp ăn tập thể, căng tin, khu vực chế biến, giết mổ tập trung của đơn vị. Thực hiện nghiêm chế độ kiểm thực 3 bước và lưu nghiệm mẫu thức ăn hằng ngày. Không sử dụng đồ uống có chứa cồn không rõ nguồn gốc trong các bữa liên hoan, tránh ngộ độc Methanol, Aldehyde.

Quân y các đơn vị giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch, nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống; báo cáo ngay cơ quan quân y cấp trên và Cục Quân y để nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời. Các bệnh viện phải báo cáo ngay về Cục Quân y và thông báo cho đơn vị khi có ca bệnh truyền nhiễm, nguy cơ phát triển thành dịch để phối hợp chống dịch. Khi tiếp nhận, phân loại người bệnh phải nhanh chóng; trường hợp nghi ngờ bệnh truyền nhiễm phải chuyển sớm về khoa truyền nhiễm để điều trị và cách ly kịp thời. Các trường hợp nặng phải điều trị tích cực, hạn chế thấp nhất tử vong. Khi có tình hình khẩn cấp về dịch bệnh, các đơn vị báo cáo ngay lên cơ quan quân y cấp trên, Cục Quân y (qua Phòng Y học dự phòng hoặc trực ban), Viện Y học dự phòng Quân đội và Viện Y học dự phòng Quân đội phía Nam.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống một cách chủ động, khoa học, linh hoạt và hiệu quả trên tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao để bảo vệ sức khỏe bộ đội, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại tá LÊ TRỌNG TOÀN, Trưởng phòng Y học dự phòng/Cục Quân y