U nang giáp móng là bệnh lý bẩm sinh hay gặp nhất trong các loại u nang vùng cổ. Bệnh có nguồn gốc từ sự phát triển bất thường của ống giáp lưỡi trong quá trình biệt hóa hình thành các cơ quan vùng đầu - mặt - cổ thời kỳ phôi thai. Trong bào thai, quá trình hình thành tuyến giáp có sự liên thông với lưỡi bằng ống giáp lưỡi. Về sau, ống giáp lưỡi teo dần và biến mất. Trong trường hợp do một nguyên nhân nào đó, ống giáp lưỡi không tiêu đi mà vẫn tồn tại thì sẽ tạo thành các nang kín nằm giữa sàn miệng, trên hoặc dưới xương móng. Nang này phát triển to dần, gọi là nang ống giáp lưỡi hoặc u nang giáp móng.
|
|
Bệnh nhân Nguyễn Đức M. được chẩn đoán u nang giáp móng. Ảnh: CTV |
Ung thư giáp móng rất hiếm gặp, tỉ lệ chỉ từ 1-2%. Ca lâm sàng đầu tiên được phát hiện năm 1911, đến nay, có khoảng 270 ca được báo cáo trong y văn thế giới, hầu hết là ca lâm sàng, series lâm sàng hoặc nghiên cứu ít với cỡ mẫu nhỏ. Nang giáp móng thường gặp ở trẻ em (70%), tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn (7%). Bệnh thường biểu hiện là một khối sưng to ở giữa cổ dọc theo đường đi xuống của tuyến giáp, có thể nhìn hoặc sờ thấy ở cổ, di chuyển theo cử động nuốt; khối u thường chắc, có thể là khối không triệu chứng. Bệnh nhân có thể khó thở hoặc nói khàn, khó nuốt do khối u chèn ép. Đáng chú ý, bệnh thường được chẩn đoán xác định sau phẫu thuật. Nang giáp móng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: Nhiễm trùng nang giáp với một số biểu hiện như sưng nóng đỏ đau vùng cổ, nặng có thể xảy ra tình trạng áp xe; mủ từ những ổ áp xe này có thể rò ra da hoặc vỡ vào họng miệng rất nguy hiểm; khối u có thể tăng kích thước khiến vùng cổ người bệnh bị biến dạng; tiến triển thành ung thư giáp móng
Tại Bệnh viện quân y 105 phát hiện trường hợp lâm sàng bệnh nhân Nguyễn Đức M., giới tính nam, 23 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, sống tại thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội. Bệnh nhân vào viện ngày 7-7-2022 tại Khoa Ung bướu. Khám lâm sàng ghi nhận bệnh nhân có 01 khối bất thường vùng cổ trước, nằm chính giữa cổ, di động theo nhịp nuốt, mật độ chắc, ấn không đau, nuốt không vướng, không nghẹn, không nói khàn, không khó thở.
Với ung thư giáp móng các triệu chứng khó phân biệt với tổn thương lành tính, tuy nhiên có một số dấu hiệu gợi ý ác tính như: khối chắc, không di động, bờ không đều, tốc độ phát triển nhanh.
Các xét nghiệm có giá trị như chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) nhân giáp, khối vùng trước cổ hoặc sinh thiết kim. Đối với xét nghiệm FNA có chi phí thấp, dễ thực hiện, nhưng giá trị cao trong chẩn đoán ung thư biểu mô thể nhú. Tuy nhiên, do thành phần ung thư ít được bao bọc trong tổ chức nang, do đó giá trị của FNA không cao trong ung thư tuyến giáp với độ nhạy kém (56 - 62%), tỷ lệ âm tính giả cao (47%). Xét nghiệm sinh thiết kim ít sử dụng, hữu ích đối với các tổn thương lớn, tổn thương di căn hạch hoặc di căn xa.
Chẩn đoán giai đoạn dựa vào phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn, tính chất của khối u, hạch vùng, tình trạng các cơ quan lân cận (tuyến giáp), tình trạng di căn xa. Một số dấu hiệu gợi ý ác tính gồm: Thành phần đặc trong nang, tổn thương vi canxi hóa, ngấm thuốc (trên CT hoặc MRI) hoặc tăng tín hiệu mạch trên siêu âm Dopller. Trên bệnh nhân này, ghi nhận kết quả siêu âm phần mềm vùng cổ cho thấy dưới da vùng cổ trước phía trên sụn giáp có nang dịch kích thước 22 x 26 (mm); kết quả siêu âm tuyến giáp không có hình ảnh bất thường; kết quả FNA ở khối nang giáp móng nghi ngờ carcinoma (ung thư biểu mô) tuyến giáp dạng nhú.
Các xét nghiệm khác gồm: Xét nghiệm máu FT4, TSH (một loại hormone do tuyến yên tạo ra) để đánh giá chức năng tuyến giáp. Xét nghiệm Tg đặc hiệu và xét nghiệm kháng thể Anti-Tg có thể sử dụng để theo dõi với các trường hợp ung thư thể biệt hóa sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ. Mặc dù nồng độ Anti - Tg không có giá trị đánh giá nhưng giúp loại bỏ trường hợp Tg âm tính giả, phát hiện ung thư tái phát và di căn. Trong ca lâm sàng, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.
Căn cứ vào kết quả các xét nghiệm lâm sàng, bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật phụ thuộc vào phân tầng nguy cơ. Đối với nhóm nguy cơ thấp, chỉ định phẫu thuật Sistrunk và liệu pháp ức chế TSH. Đối với nhóm nguy cơ cao, chỉ định phẫu thuật Sistrunk, cắt giáp toàn bộ, sau đó, điều trị Iod-131 và liệu pháp ức chế TSH. Đồng thời, phải kiểm tra kỹ tuyến giáp do tỷ lệ ung thư tuyến giáp kèm theo được báo cáo từ 11 - 33% và phải cắt tuyến giáp toàn bộ cho nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.
Đối với ca lâm sàng tại Bệnh viện, được chẩn đoán U nang giáp móng và được chỉ định phẫu thuật Sistrunk (Cắt u nang và đường rò bao gồm cả thân xương móng). Phẫu thuật Sistrunk được khuyến cáo là phương pháp điều trị đầu tay, với tỷ lệ chữa khỏi 95% đối với Carcinoma dạng nhú nang ống giáp lưỡi. Phương pháp này được chỉ định điều trị u nang giáp móng lành tính hoặc ung thư giáp móng nguy cơ thấp.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân ổn định. Kết quả giải phẫu bệnh là Carcinoma tuyến giáp dạng nhú: u được cấu trúc bởi các nhú trong mô đệm xơ dày có trục liên kết xơ mạch ở giữa và các tế bào u xung quanh. Các tế bào u với nhân đa hình thái mức độ nhẹ, màng nhân không đều có hình ảnh nhân khía dạng thể vùi trong nhân, nhân dạng kính mờ. Đây cũng là loại mô học phổ biến nhất, chiếm khoảng 80%. Ngoài ra, còn có hỗn hợp carcinoma dạng nhú và dạng nang (08%), carcinoma tế bào vảy (06%) và các loại hiếm gặp khác (06%) bao gồm tế bào Hurthle, dạng nang, carcinoma không biệt hóa. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi định kỳ tại Bệnh viện quân y 105, hiện tại sau 01 năm, bệnh nhân sức khỏe ổn định, làm việc bình thường.
Việc điều trị thành công trường hợp lâm sàng về ung thư giáp móng mở ra hướng nghiên cứu đối với điều trị bệnh nhân mắc u giáp móng. Tuy nhiên việc quản lý ung thư ống giáp lưỡi cần được tiếp tục nghiên cứu, vì đây là bệnh hiếm gặp. Hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ giải quyết các vấn đề còn đang bàn luận về loại bệnh lý này.
Trung tá, ThS. BS Đỗ Hải Linh (Đại úy, BS Chu Đức Hùng, Khoa Ung bướu/Bệnh viện Quân y 105