1. Ban hành văn bản, quy chế, chương trình phối hợp

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; các quy chế, chương trình phối hợp giữa hai Bộ để thực hiện các dự án, chương trình, mục tiêu của Đảng, Nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ liên quan giữa hai Bộ: Thống nhất, tham mưu với Đảng, Nhà nước về phát triển KT - XH; củng cố QP, AN liên quan đến hai Bộ. Theo chức năng, trách nhiệm của từng Bộ, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản, hướng dẫn, cụ thể hóa triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, dự án của Chính phủ. Giao cho cơ quan, đơn vị trực thuộc hai Bộ xây dựng, ban hành quy chế phối hợp để thực hiện từng dự án, chương trình trong từng lĩnh vực. BQP phối hợp với BNN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn xây dựng, ban hành quy chế phối hợp để thực hiện từng dự án, chương trình trong từng lĩnh vực.

2. Xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ

Chỉ đạo, hướng dẫn sở NN&PTNT các tỉnh về chuyên ngành, thống nhất các nội dung trong xây dựng, hoạt động, trong đó có diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT). Tham mưu, đề xuất các chiến lược, kế hoạch, triển khai các chương trình, dự án, mục tiêu... ở các vùng, địa phương; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, trong thời bình phục vụ nhu cầu dân sinh, khi có tình huống chuyển sang phục vụ quốc phòng. Kết nối đồng bộ, lồng ghép trong triển khai các chương trình, mục tiêu, kế hoạch, dự án đầu tư trên các địa bàn, đặc biệt là địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa...

Phối hợp, nắm chắc khả năng huy động lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất của ngành; xây dựng kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh; hỗ trợ huấn luyện, diễn tập KVPT, phòng, chống thiên tai (PCTT), cứu hộ, cứu nạn; kiểm soát, ngăn chặn dịch hại cây trồng qua biên giới; phối hợp kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển và dịch bệnh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; bảo vệ ngư trường, ngư dân khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản trên biển.

Đẩy mạnh phát triển các mô hình phát triển kinh tế, tham gia thực hiện tốt các dự án kinh tế - quốc phòng (KT - QP); xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là các địa phương ở địa bàn chiến lược, trọng điểm về QP, AN, vùng căn cứ cách mạng, vùng còn nhiều khó khăn.

Chỉ đạo trong công tác quy hoạch, chuẩn bị trước các công trình cần thiết trong khu vực dự kiến bố trí các căn cứ, khu vực, tổ chức trồng rừng, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... để xây dựng thế trận, tiềm lực KVPT các tỉnh ngày càng vững chắc. Hỗ trợ giống, vốn... cho một số đơn vị Quân đội, địa phương còn khó khăn.

leftcenterrightdel

Hội nghị ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ảnh: Hoàng Hiền 

3. Công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT), tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi cả nước. Thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm nhẹ hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật về PCTT; xây dựng kế hoạch và đảm bảo an ninh nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và phát triển nông thôn, đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự. Chủ trì, phối hợp với BQP, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược quốc gia PCTT, kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai. Chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị bảo vệ các vị trí trọng điểm, xung yếu trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

b) Bộ Quốc phòng chủ trì chỉ đạo: Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh có biển phối hợp với sở NN & PTNT trong việc quản lý, đảm bảo an toàn người, phương tiện và tàu thuyền hoạt động, khai thác thủy sản khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển; các địa phương, lực lượng liên quan trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và phương tiện phục vụ sản xuất tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, cháy rừng, mưa đá, rét đậm, rét hại...

Cục Dân quân tự vệ, Cục Cứu hộ - Cứu nạn/Bộ Tổng tham mưu và cơ quan quân sự các cấp theo chức năng phối hợp với Cục Quản lý đê điều và PCTT/ BNN&PTNT tham mưu với chính quyền, ban chỉ huy PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN), phòng thủ dân sự các địa phương triển khai các nội dung của Luật Phòng thủ dân sự trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tập huấn ứng phó, khắc phục thiên tai, hướng dẫn xây dựng, hoạt động và tổ chức tập huấn lực lượng Quân đội và dân quân tự vệ.

c) Phối hợp tham mưu: Với Chính phủ, chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành, đơn vị tổ chức diễn tập PCTT, TKCN theo các tình huống, sát từng địa bàn, vùng miền. Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các hoạt động phòng thủ dân sự, phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Triển khai xây dựng Trạm PCTT - TKCN gắn với Khu Hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây A; các nội dung liên quan trong xây dựng, hoạt động Khu KT-QP Trường Sa.

4. Công tác tăng gia sản xuất, thực hiện công tác khuyến nông

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ để các đơn vị Quân đội tổ chức sản xuất các loại cây giống, hạt giống rau màu, cây ăn quả, con giống gia súc, gia cầm, thủy sản. Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến thực phẩm để phát triển, mở rộng phù hợp với các đơn vị Quân đội theo từng vùng, miền; ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo nguồn thực phẩm an toàn, tại chỗ, bảo đảm đời sống bộ đội. Tạo điều kiện cho các đơn vị Quân đội được tham gia các dự án khuyến nông thuộc BNN&PTNT trực tiếp quản lý; nghiên cứu mô hình tăng gia sản xuất (TGSX) tại Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, tập trung vào mô hình nuôi trồng thủy hải sản bằng lồng và phối hợp trong việc bảo quản, chế biến sản phẩm.

Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về công nghệ, kỹ thuật (chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh) cho đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ đạo và chiến sĩ trực tiếp, tham gia TGSX ở các đơn vị...; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào các địa phương ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế thôn, bản, nâng cao đời sống dân sinh.

Hỗ trợ các đơn vị xây dựng mô hình điểm TGSX theo hướng đồng bộ, bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế vùng miền, từng bước áp dụng công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ bộ đội và làm mô hình để nhân rộng trong toàn quân.

Tham gia khảo sát, tư vấn tháo gỡ khó khăn trong tổ chức sản xuất, PCTT, dịch bệnh trong TGSX ở các đơn vị trong toàn quân. Phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên thực vật, động vật, thủy sản, nhất là các bệnh lây lan nhanh trên diện rộng từ động vật sang người; phối hợp xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh trên thực vật, động vật, trong xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các khu TGSX của Quân đội. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ các đơn vị Quân đội phát triển các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

b) Bộ Quốc phòng: Tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Các đơn vị đóng quân trên các địa bàn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn, giúp đỡ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chiến sĩ, Nhân dân, đặc biệt đồng bào ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo về kỹ thuật sản xuất, quản lý nông nghiệp. Phối hợp, hướng dẫn quy hoạch, xây dựng, phát triển vùng dược liệu, sản xuất dược phẩm an toàn. Chỉ đạo về cơ cấu cây trồng; kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch, bảo quản; bảo tồn, lưu trữ giống và khai thác nguồn gen cây thuốc quý hiếm. Phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp, hoạt động khuyến nông có hiệu quả tại các đơn vị Quân đội để nhân rộng mô hình điểm.

5. Công tác bảo vệ ngư trường, ngư dân khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản; cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển

Xây dựng cơ chế phối hợp trong việc nghiên cứu, đề xuất, đánh giá tác động của hoạt động khai thác thủy sản bền vững gắn với việc bảo đảm QP, AN, nhất là việc phát triển các đội tàu đánh bắt thủy sản. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi nghề, cải hoán tàu cá đã đóng cho ngư dân. Phối hợp thực hiện quy hoạch các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Quần đảo Trường Sa.

Phối hợp tham mưu với chính quyền địa phương quán triệt và triển khai các giải pháp cấp bách theo cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, định hướng công tác biển, đảo; phối hợp thúc đẩy hợp tác khai thác thủy sản, hướng dẫn tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hợp pháp tại vùng biển của các quốc gia trong khu vực, cam kết không sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy, hải sản trái phép.

Bố trí lực lượng Biên phòng phối hợp với Thanh tra chuyên ngành Thủy sản thường trực tại các cảng cá để tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thuyền viên ra vào cảng; cập nhật thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia.

Chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản trên biển; tập trung tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, có nhiều tàu cá hoạt động; ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài và hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển khai thác hải sản.

Phối hợp kiểm tra thực hiện các quy định về trang thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống giám sát hành trình cho các tàu cá hoạt động xa bờ; công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá của ngư dân, quy hoạch, xây dựng khu tránh trú bão, hậu cần nghề cá; quản lý khu nuôi trồng thủy sản.

Phối hợp tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho các phương tiện ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; ngăn chặn, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm, khai thác hải sản trái phép tại vùng biển Việt Nam.

Phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; khai thác hải sản đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phối hợp với cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan khuyến khích thành lập các tổ, đội, nghiệp đoàn nghề cá địa phương để hình thành các tổ, đội, hợp tác xã đánh bắt cá, phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân tự vệ biển, sẵn sàng tương trợ nhau khi xảy ra sự cố, tai nạn trên biển, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” trong hoạt động TKCN.

Phối hợp trong công tác trao đổi thông tin, kêu gọi tàu thuyền đang khai thác thủy sản trên biển khi xuất hiện thời tiết xấu; hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn ngư dân khai thác thủy hải sản trên biển; quản lý, xử lý khai thác thủy sản trái phép, đặc biệt là các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; cung cấp thông tin tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.

6. Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và sản xuất lâm nghiệp; phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng chính sách, luật pháp của Nhà nước, nâng cao nhận thức cho  cộng  đồng  về  bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); tăng cường kiểm tra an toàn về PCCCR. Thực hiện quy chế phối hợp trong PCCCR, chủ động nắm tình hình, trao đổi thông tin và tình hình cháy rừng, cảnh báo cháy rừng tại các địa phương. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án PCCCR. Hiệp đồng chặt chẽ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử trí kịp thời khi có tình huống cháy rừng xảy ra.

Làm tốt công tác phối hợp trong tuần tra, kiểm tra rừng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Phối hợp chỉ đạo, tạo nguồn quỹ đất, đầu tư kinh phí xây dựng vành đai an toàn giữa kho trạm hậu cần, kỹ thuật gắn với vành đai bảo vệ rừng. Phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội.

Phối hợp rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vành đai biên giới và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

7. Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi và nước sạch nông thôn

Phối hợp trong việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh Đề án cấp nước sinh hoạt cho các đồn Biên phòng kết hợp cụm dân cư giai đoạn 2011-2015 và bổ sung nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho bộ đội trên các đảo, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn thực hiện, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho các đồn Biên phòng và các đảo. Phối hợp khảo sát, đánh giá, xây dựng Đề án Cấp nước sinh hoạt cho các đồn Biên phòng kết hợp cụm dân cư góp phần ổn định an sinh xã hội…

Trao đổi các thông tin liên quan đến thông số kỹ thuật của đập, hồ chứa thủy lợi; báo cáo đánh giá an toàn hồ đập, phương án ứng phó thiên tai của các đập, hồ chứa nước có nguy cơ gây mất an toàn. Thực hiện nghiêm quy định vận hành, xả lũ tại các hồ, đập thủy điện đầu nguồn, đảm bảo an toàn đời sống sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân vùng hạ lưu. Phối hợp trong huy động, sử dụng lực lượng Quân đội, dân quân tự vệ tham gia ứng cứu khi cần thiết.

8. Công tác nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt Tổng cục II phối hợp chặt chẽ với các cơ quan

Tổng cục II phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của BNN&PTNT xác định danh mục đặt hàng thu thập và khảo nghiệm, đánh giá, công nhận, phát triển sản phẩm của Đề án NN-08III trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Đề án: Ứng dụng công nghệ tiên tiến chế tạo chế phẩm đa năng (dinh dưỡng và trừ bệnh) cho cà phê và hồ tiêu khu vực Tây Nguyên. Phối hợp, nghiên cứu ứng dụng Công nghệ 4.0 vào sản xuất: Sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp phân bón và phun thuốc bảo vệ thực vật, máy bay không người lái vào phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, góp phần tăng năng suất lao động, giảm tác động đối với con người, vật nuôi.

9. Công tác bố trí ổn định dân cư, khu kinh tế - quốc phòng, xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới và nội dung khác

Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác bố trí ổn định dân cư. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách bố trí ổn định dân cư, khu KT-QP gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là bố trí ổn định dân cư biên giới, hải đảo có khu KT-QP đứng chân. Phối hợp chỉ đạo các nội dung trong xây dựng, hoạt động các khu KT-QP địa bàn biên giới, hải đảo. Đề xuất hỗ trợ đầu tư thực hiện một số dự án mô hình điểm bố trí ổn định dân cư biên giới có khu KT-QP đứng chân gắn với xây dựng NTM cấp thôn, bản ở các xã biên giới; ưu tiên đầu tư hoặc nâng cấp một số công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho hộ dân. Đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung vốn thực hiện các dự án cấp bách, bố trí ổn định dân cư gắn với thế trận phòng thủ ở các xã biên giới (địa bàn có vị trí trọng yếu về QP, AN); đồng thời chỉ đạo huy động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hiện có trên địa bàn để hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư các xã biên giới, khu KT-QP gắn với xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025, toàn tuyến sẽ bố trí ổn định cho 2.500 - 3.000 hộ dân vùng biên giới.

Lồng ghép các chính sách thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề, khuyến nông, khuyến lâm…; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với lợi thế tự nhiên từng vùng, góp phần tạo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất lâu dài cho hộ dân vùng biên giới.

Phối hợp chỉ đạo theo ngành dọc về công tác bố trí ổn định dân cư, xây dựng khu KT-QP; kiểm tra, giám sát, đánh giá trao đổi thông tin liên quan và sơ tổng kết việc thực hiện kế hoạch. Phối hợp  chỉ đạo,  hướng dẫn  các  địa phương triển khai thực hiện xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng trong Bộ Tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM các cấp theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững.

Căn cứ các nội dung trên và tình hình thực tiễn, hai bên phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, định hướng dài hạn, các đề án, dự án và tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ hằng năm, hai Bộ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và đề ra các biện pháp hoàn thiện kế hoạch năm sau; tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn 2023 - 2025 vào năm 2025, bổ sung Chương trình thực hiện những năm tiếp theo.

Trung tướng TRẦN DUY GIANG - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần