Bên cạnh mặt tích cực đạt được, hoạt động TGSX, CB trong toàn quân hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập, đó là: Nguồn ngân sách đầu tư cho TGSX, CB chưa nhiều; việc quy hoạch các khu vực TGSX còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ với quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại, ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường. Cơ sở hạ tầng chưa cơ bản, thiếu vững chắc, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, dễ bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh. Việc xác định chỉ tiêu trong kế hoạch TGSX chưa phù hợp với điều kiện thực tế; hầu hết các đơn vị chưa chủ động được giống vật nuôi, cây trồng… nên hiệu quả chưa cao. Tổ chức lực lượng TGSX, CB chưa thống nhất, sử dụng nhiều công lao động bộ đội; việc nắm trình tự, thủ tục đầu tư TGSX theo Luật Đầu tư công còn hạn chế...
Từ thực tế trên và xuất phát từ yêu cầu xây dựng Quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên và đột xuất, thủ trưởng Tổng cục Hậu cần (TCHC) chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả TGSX, CB trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030” (viết tắt là Đề án QN -21). Việc xây dựng Đề án QN-21 là cần thiết nhằm xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng khu TGSX, CB toàn quân theo hướng tập trung, đồng bộ, bền vững, gắn với xây dựng căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ. Qua đó, phát huy được thế mạnh các nguồn lực, lợi thế vùng miền, có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm công sức lao động của bộ đội và bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp các đơn vị chủ động nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ phục vụ đời sống bộ đội, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến lên hiện đại.
Sau khi Bộ trưởng BQP ban hành Quyết định số 986/QĐ-BQP ngày 01/4/2022 phê duyệt Đề án, TCHC xây dựng Kế hoạch số 922/KH-TCHC ngày 24/5/2022 để triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, Cục Quân nhu khẩn trương triển khai xây dựng mô hình điểm đảm bảo đồng bộ, bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, làm cơ sở rút kinh nghiệm; năm 2025, tổ chức sơ kết Đề án giai đoạn 1 và rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nhân rộng trong toàn quân giai đoạn 2026 - 2030 và những năm tiếp theo.
    |
 |
Khu tăng gia sản xuất của Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308 - Quân đoàn 1) được quy hoạch và xây dựng cơ bản. Ảnh: Thảo Hà |
Để quán triệt, thực hiện hiệu quả Quyết định số 986/QĐ-BQP và Kế hoạch số 922/KH-TCHC, các đơn vị được lựa chọn làm điểm Đề án QN-21 cần làm tốt một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong việc triển khai Đề án. Các đơn vị được lựa chọn làm điểm Đề án tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến tất cả cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết của Quyết định số 986/QĐ-BQP, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động trong quá trình triển khai thực hiện. Cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện Đề án, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ TGSX, CB trong nghị quyết lãnh đạo hằng năm. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, gắn với thực hiện phong trào thi đua (PTTĐ) Quyết thắng, PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, PTTĐ “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, thực hiện phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho tập thể, cá nhân phụ trách, điều hành hoạt động và tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định, chất lượng, thiết thực và hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đó là: Chuyển mạnh TGSX, CB từ phân tán, nhỏ lẻ, thủ công, theo phong trào tự phát, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường sang TGSX, CB tập trung, quy mô lớn, coi trọng hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Hai là, hoàn thiện quy hoạch TGSX, CB theo hướng tập trung, khép kín, phù hợp với điều kiện thực tế. Căn cứ diện tích, quy hoạch phân khu chức năng sử dụng đất quốc phòng đơn vị được giao quản lý; khảo sát, nắm chắc đặc điểm địa hình, thời tiết khí hậu, thủy văn, diện tích mặt đất, mặt nước, tiềm năng, lợi thế, nhu cầu bảo đảm thực phẩm, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; lập, thẩm định và báo cáo thủ trưởng đơn vị phê duyệt quy hoạch chi tiết phân khu chức năng TGSX, CB gắn với quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên bố trí diện tích trồng rau, chăn nuôi lợn, gia cầm; chế biến các mặt hàng thiết yếu, sử dụng thường xuyên. Quá trình quy hoạch, bố trí công trình TGSX, CB cần đảm bảo khoảng cách an toàn với nhà ở, nhà ăn bộ đội và các chủ thể chịu tác động khác theo quy định. Cụ thể: Vườn rau, vườn cây ăn quả từ 50 m trở lên; chuồng chăn nuôi tập trung cấp sư, lữ, trung đoàn từ 200 m trở lên (giữa hai chuồng khác loại vật nuôi tối thiểu 50 m, cùng loại vật nuôi bằng 2,5 lần chiều rộng của chuồng); trạm chế biến từ 200 m trở lên.
Ba là, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng TGSX, CB đồng bộ, bền vững, thiết thực, hiệu quả. Quá trình triển khai thực hiện Đề án, các đơn vị nắm chắc trình tự thủ tục hồ sơ theo quy định của Luật Đầu tư công, Thông tư số 128/2021/TT-BQP ngày 01/10/2021 của BQP; Hướng dẫn số 760/HD-QN ngày 31/5/2019 của Cục Quân nhu. Quản lý vốn đầu tư thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; phần vốn sau khi quyết toán hình thành tài sản cố định được tính khấu hao hằng năm theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BQP ngày 29/01/2019 của Bộ trưởng BQP.
Khi triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, cần bám sát quy mô, định mức chăn nuôi, trồng trọt; các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong tổ chức TGSX, CB; giải pháp kiến trúc, kết cấu của từng công trình, thực tế điều kiện địa hình, thời tiết, khu đất... để vận dụng, triển khai đảm bảo đồng bộ, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tiết kiệm, bền vững, thiết thực, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Đối với vườn rau, vườn cây ăn quả, phải chia thành ô, thửa và có đường nội đồng phù hợp với diện tích vườn để thuận tiện cho canh tác. Bố trí phân khu chức năng phù hợp, liên hoàn (khu ươm cây giống, vườn nhà lưới, vườn rau ngoài trời, vườn giàn cố định) và có đủ hệ thống mương tưới, tiêu đến từng ô, thửa. Chuồng chăn nuôi xây dựng phải phù hợp với đặc điểm sinh lý của từng loại vật nuôi, đảm bảo khô, sạch, thoáng mát, thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, áp dụng được khoa học kỹ thuật, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ môi trường; có ô chuồng nuôi cách ly, nhà thay bảo hộ lao động theo quy định; kho chứa thức ăn và hệ thống xử lý chất thải. Trạm chế biến bố trí phân khu chức năng riêng rẽ, một chiều, khoa học, liên hoàn, hợp lý; có khu sơ chế, khu chế biến, khu muối nén, dự trữ củ quả, kho nguyên liệu, bảo quản thực phẩm, nhà ở nhân viên…; trang thiết bị, dụng cụ chế biến đầy đủ, đồng bộ theo quy định.
Bốn là, về tổ chức lực lượng, đào tạo nguồn nhân lực, cấp ủy, chỉ huy đơn vị, nhất là các đơn vị được lựa chọn thí điểm, căn cứ thực tế, sử dụng quân số tổ chế biến hiện có. Đồng thời, rà soát, đề xuất phương án điều chuyển quân số dôi dư trong nội bộ đơn vị, ưu tiên lựa chọn quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên, hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với TGSX, CB để tổ chức, bố trí đủ biên chế lực lượng tổ TGSX, CB ổn định theo Quyết định số 986/QĐ-BQP nhằm phát huy kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất. Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác cho đội ngũ nhân viên TGSX, CB; thường xuyên kiện toàn lực lượng khi có thay đổi về quân số. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị và công tác TGSX, CB từng thời điểm để huy động, tăng cường sử dụng lực lượng vận tải bộ và các lực lượng khác cho phù hợp, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ quan trọng khác. Có thể hợp tác với chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, các tổ chức, cá nhân có uy tín trong và ngoài Quân đội để chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, song phải đảm bảo hiệu quả, tuân thủ đúng pháp luật Nhà nước và quy định của BQP. Riêng ở cấp phân đội (tiểu đoàn, đại đội…), sử dụng luân phiên bộ đội để tổ chức TGSX vào giờ thứ 8 hằng ngày và trong các ngày nghỉ.
Năm là, cùng với phát huy tốt nội lực, các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương để huy động các nguồn lực cho TGSX, CB, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, cây con giống. Từng bước đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và áp dụng các biện pháp xử lý kỹ thuật nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học, ủ phân hữu cơ, diệt sâu bọ; tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, thuốc diệt cỏ trong TGSX, CB.
Sáu là, quản lý, phân phối, sử dụng sản phẩm TGSX, CB chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Cùng với tổ chức sản xuất các loại sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; quá trình sản xuất, các đơn vị phải theo dõi, thống kê, hạch toán, quản lý chặt chẽ trên hệ thống mẫu biểu, sổ sách của ngành Quân nhu, đảm bảo đúng quy định pháp luật, chống thất thoát, lãng phí. Đồng thời, thông qua hoạt động trạm chế biến để cân đối, điều hòa chung cho các bếp ăn theo quân số ăn thường xuyên và thực đơn tuần. Phát huy tốt vai trò của hội đồng giá, định kỳ khảo sát giá lương thực, thực phẩm tại thị trường khu vực đóng quân, xác định giá đưa vào bữa ăn hợp lý, vừa có lãi, bảo toàn vốn, tái sản xuất, vừa đảm bảo giá đưa vào bữa ăn luôn thấp hơn giá thị trường, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội trong điều kiện giá lương thực, thực phẩm trên thị trường luôn biến động theo chiều hướng tăng. Giá trị thu lãi từ TGSX, CB phải phân phối, sử dụng đúng theo quy định của BQP.
Trên đây là một số nội dung cần lưu ý đối với các đơn vị được lựa chọn làm điểm thực hiện Đề án QN-21. Tùy điều kiện thực tế, các đơn vị nghiên cứu vận dụng và triển khai thực hiện cho phù hợp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác TGSX, CB, góp phần giữ vững đời sống bộ đội và xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện.
Thiếu tướng AN PHƯƠNG NAM - Cục trưởng Cục Quân nhu