Tuy đang là giai đoạn cao điểm của mùa khô, nhưng khắp khuôn viên đơn vị luôn xanh mát một màu của cỏ cây, hoa lá và các loại rau. Giờ TGSX, khu vườn chuyên canh của Trung đoàn 95 rộn rã tiếng nói cười. Bên những luống dưa leo, cà tím, mùng tơi, rau ngót, đậu cô ve, muống cạn xanh non mơn mởn, Thiếu úy QNCN Cao Ngọc Thông - Nhân viên doanh trại, Ban Hậu cần cho biết: “Chiều nay, chúng tôi sẽ nhập khoảng 1 tạ bắp cải và 1,2 tạ rau mùng tơi cho các bếp ăn. Thực hiện thâm canh gối vụ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, những diện tích sau khi thu hoạch sẽ được bộ đội cuốc xới, phơi nắng, ủ phân, rồi tiếp tục xuống giống. Khí hậu, thời tiết vùng này rất khắc nghiệt.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Trung đoàn 95 chăm sóc đàn đà điểu.

Mùa khô, nan giải nhất là chuyện nước tưới, còn mùa mưa, khó khăn nhất là việc bảo vệ cây non vừa trồng. Nếu không che đậy, thoát nước cẩn thận, chỉ sau một đêm, bao nhiêu công sức sẽ trôi đi cả. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài các biện pháp cơ học, thủ công, đơn vị chỉ sử dụng các thuốc trừ sâu sinh học do bộ đội tự tay pha chế từ tỏi, ớt, xà phòng. Các loại phân chuồng sau khi xử lý sẽ được dùng để bón lót, bón thúc, tạo độ tơi xốp, phì nhiêu cho đất. Nhờ hệ thống tưới nước tự động, công sức của bộ đội đã giảm đi đáng kể. Trung bình mỗi tháng, vườn chuyên canh sẽ thu hoạch, điều phối cho các bếp ăn từ 8 - 10 tấn rau, củ, quả các loại”.

Cùng đồng đội đẩy chiếc xe cải tiến chở đầy những sọt trứng từ khu chuồng nuôi lên trạm chế biến tập trung, Binh nhất Nguyễn Hữu Nghĩa - Chiến sĩ Ban Hậu cần chia sẻ với chúng tôi: “Chất lượng gà giống ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng trứng thu được. Khi mua giống, chúng tôi phải chọn ra những con mái có sức khỏe tốt, thân hình cân đối, lông màu sáng, bóng mượt, da chân bóng, trạng thái nhanh nhẹn, xương chậu rộng, đầu tròn nhỏ, mắt to sáng, mào và tích đỏ tươi…

Gà mái đẻ cần được nuôi nhốt trong khu vực chuồng trại cao ráo, thoáng mát, được xây dựng bằng các vật liệu hợp vệ sinh, đảm bảo đông ấm, hè mát, tránh được gió lùa, mưa tạt. Khi gà sắp đẻ, chúng tôi sẽ tách chúng sang các lồng riêng, với mật độ từ 5 - 6 con/lồng. Lồng gà đẻ phải đặt ở những nơi tránh ánh sáng trực tiếp và phân bố đều trong chuồng. Ổ được lót bằng trấu, rơm rạ sạch và định kỳ thay lớp lót 2 lần/tuần. Trung bình mỗi ngày, đàn gà đẻ được 1.200 - 1.300 quả. Ngoài thịt sạch, rau sạch, bộ đội ở đây quanh năm được ăn trứng và trái cây sạch do chính tay mình trực tiếp làm ra”.

Với các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95, mô hình chăn nuôi đà điều thương phẩm không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao, mà còn đem lại niềm vui đặc biệt trong những ngày nghỉ cuối tuần. Sáng sớm, theo hiệu lệnh báo thức của bộ đội, trong khu chuồng nuôi rộng gần 3.000 m2, những chú đà điểu cũng bắt đầu vươn vai, sải cánh, bắt đầu “tập thể dục”. Vừa thấy bóng Thượng úy QNCN Y Siết Niê - Y tá Bệnh xá 24 khiêng chậu rau bước lại cửa chuồng, cả bầy đà điểu nhanh chóng chạy bổ ra, nghển cổ đòi ăn.

Chỉ vào hai chú đà điểu đang phải tập “vật lý trị liệu” phía góc chuồng, Thượng úy QNCN Y Siết Niê nói: “Đà điểu rất háu ăn. Từ rau củ quả đến lá cây, cơm thừa, canh cặn, cám bột, loại nào chúng cũng “xơi” được cả. Cách đây khoảng một tuần, trong lúc nô đùa, tranh ăn, hai chú đà điểu này không may “xảy ra va chạm”, dẫn đến viêm cơ. Chúng tôi phải buộc dây, treo cánh, cho chúng đứng một chỗ, bởi với trọng lượng cơ thể quá lớn, nếu để chúng tiếp tục vận động trên đôi chân bị tổn thương, nguy cơ gãy chân hay bị liệt sẽ rất cao. Sau một thời gian kiên trì điều trị, chăm sóc, sức khỏe của chúng đã cải thiện rất nhiều rồi. Nghe chúng tôi kể lại chuyện này, nhiều chủ trại giống và chăn nuôi tỏ ra rất bất ngờ, vì lần đầu tiên họ biết về phương pháp điều trị cho đà điều có một không hai này”.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi đà điểu, đồng chí Y Siết Niê cho biết, đà điểu là giống chim to lớn, thích vận động nên khu vực nuôi nhốt cần thoáng mát, đủ rộng để chúng vận động. Chỉ ban đêm đà điều mới vào chuồng để ngủ, nên chuồng trại của chúng cũng khá đơn giản, đủ tránh mưa, tránh nắng là được. Nuôi đà điểu, khó nhất là giai đoạn dưới một tháng tuổi, vì chế độ dinh dưỡng, chăm sóc khá cầu kỳ, còn khi qua được ngưỡng này rồi, thì ngoài cho ăn với dọn chuồng, hầu như không phải làm gì. Ngoài các phụ phẩm từ nhà ăn, nhà bếp, thi thoảng các anh cho đà điểu ăn thêm cám, tinh bột để đảm bảo đủ chất. Sau 6 tháng chăm sóc, trọng lượng trung bình mỗi con đã đạt từ 70 - 80 kg, tương đương một đàn gà. Vừa qua, nhiều đơn vị ở Gia Lai, Đắk Nông, Bình Định, Khánh Hòa cũng liên hệ với Trung đoàn để tham quan, tìm hiểu về mô hình chăn nuôi độc đáo này.

Đến Tiểu đoàn 7, 8, 9, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước những vạt chuối cấy mô được trồng xung quanh khu chăn nuôi gia súc, gia cầm và vườn TGSX, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Theo lý giải của Thiếu úy Nguyễn Công Dũng - Trợ lý Hậu cần Tiểu đoàn 8: Trồng chuối không chỉ tạo nên bức tường chắc gió, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, nó còn là món ăn tráng miệng thơm ngon, bổ dưỡng cho bộ đội; chuối xanh còn có thể được dùng để hầm xương, nấu canh, đổi món trong các bữa ăn. Ngay cả thân chuối cũng được tận dụng để làm thức ăn cho dê, bò, gà, lợn và ủ phân xanh khá tốt.

Thiếu tá Đào Mạnh Đức - Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 95 cho biết: “Hiện nay, đơn vị đã khai thác, bảo đảm, tự túc được trên 90% nhu cầu về thịt, trứng, 100% nhu cầu về rau củ quả, giá nhập bếp luôn thấp hơn giá thị trường từ 13 - 16%. Để chủ động tốt nguồn giống, đơn vị luôn duy trì ổn định đàn heo, bò, dê nái và gà, vịt, ngan, ngỗng sinh sản. Sau 2 năm triển khai, trồng thử nghiệm, 2 ha chuối, ổi, thanh long, cam sành của đơn vị đã bắt đầu cho thu hoạch, góp phần bảo đảm được phần lớn nhu cầu trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày của bộ đội. Đóng quân trên đỉnh đèo, khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt nên công tác bảo đảm nước tưới, nước sinh hoạt, vệ sinh phòng dịch, bảo vệ môi trường luôn được chúng tôi chú trọng thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Năm 2021, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đơn vị đã triển khai trồng mới hơn 20.000 cây thông, keo, muồng, sao đen, sưa đỏ, vừa để chắn gió, vừa để lấy gỗ và lấy bóng mát, tạo cảnh quan môi trường”.

“Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, với gần 8ha vườn rau xanh và giàn cây leo, 10ha cây ăn quả, 0,25ha rau gia vị, 0,2ha cây nước uống, 8ha tiêu, cà phê, 50ha rừng keo, sao, xà cừ và hơn 8.000 con gia súc, gia cầm các loại, mỗi năm, Trung đoàn 95 thu lợi hàng tỷ đồng từ công tác TGSX. Từ nguồn vốn này, ngoài việc đầu tư, tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất, dịp Tết Nhâm Dần năm 2022, đơn vị đã dành hàng trăm triệu đồng bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn đóng quân.

Bài, ảnh: AN KHANG