Để cụ thể hóa nội dung “… tăng cường pháp chế; hoàn thiện hệ thống pháp luật…” của Nghị quyết, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trong đó có hậu cần, kỹ thuật (HC, KT), đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng; đồng thời là căn cứ pháp lý để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các lực lượng triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ HC, KT trong các nhiệm vụ của Quân đội.
Nhìn chung, việc xây dựng VBQPPL về lĩnh vực HC, KT thời gian qua cơ bản đảm bảo toàn diện về số lượng, chất lượng nội dung, thống nhất, đồng bộ, không mâu thuẫn, chồng chéo, có tính khả thi. Đề nghị xây dựng VBQPPL và tổ chức soạn thảo VBQPPL về công tác này hằng năm cơ bản đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tiến độ thời gian và chất lượng dự thảo văn bản nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng VBQPPL điều chỉnh về lĩnh vực HC, KT đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho phát triển bền vững; tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong hệ thống tổ chức Quân đội và ngành HC - KT Quân đội.
Tuy nhiên, hệ thống VBQPPL về lĩnh vực HC, KT hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, nhiều vấn đề như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, các chế độ, chính sách đối với quân nhân, các tiêu chuẩn vật chất hậu cần, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng chưa được quy phạm hóa đầy đủ, nên việc tổ chức triển khai thực hiện trong thực tiễn còn có những bất cập…
Để đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện VBQPPL điều chỉnh về lĩnh vực HC, KT Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và tổ chức lại Quân đội theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương lãnh đạo thực hiện tổ chức QĐND giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo… cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:
Một là, về nguyên tắc chung, định hướng hoàn thiện hệ thống VBQPPL điều chỉnh về lĩnh vực HC, KT phải xuất phát từ chủ trương, đường lối, chiến lược, kết luận của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Quá trình triển khai tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của ngành HC, KT, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế trong quá trình hoàn thiện pháp luật quân sự, quốc phòng điều chỉnh lĩnh vực HC, KT. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các VBQPPL điều chỉnh lĩnh vực HC, KT phải sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi. Việc xây dựng VBQPPL điều chỉnh về lĩnh vực HC, KT thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan HC, KT cấp chiến lược trong tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý Nhà nước về lĩnh vực HC, KT, đề xuất xây dựng pháp luật, tổ chức soạn thảo các VBQPPL và tổ chức thi hành pháp luật về lĩnh vực này trong Quân đội.
Hai là, cơ quan HC, KT cấp chiến lược cần phối hợp đánh giá, dự báo sát tình hình, làm tốt chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thể chế hoá mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố và xây dựng tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực HC, KT, các chế độ, chính sách cho quân nhân, công nhân, nhân viên quốc phòng và hậu phương Quân đội. Việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL về HC, KT đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật quân sự, quốc phòng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ hoặc bỏ trống lĩnh vực cần quản lý.
Cơ quan HC, KT cấp chiến lược tiếp tục phối hợp, tham mưu với Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; cấp ủy, chỉ huy các cấp quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế về lĩnh vực HC, KT, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý và tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về HC, KT; tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý Nhà nước, chủ động rà soát các VBQPPL, đề xuất xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành không mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo tính pháp quyền, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống, có tính khả thi trong thi hành pháp luật. Trách nhiệm này, trước hết thuộc về các cấp lãnh đạo, chỉ huy và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn chức năng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình và thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ ở các cấp, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược.
Ba là, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan HC, KT cấp chiến lược thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư hiện hành điều chỉnh về các hoạt động quân sự, quốc phòng, trực tiếp là lĩnh vực HC, KT để kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập trong nội tại từng văn bản hoặc do quá trình thực thi pháp luật chưa đúng, chưa đủ, chưa nghiêm làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành. Tập trung rà soát các văn bản điều chỉnh về dạy nghề, đầu tư, đầu tư công, khám chữa bệnh, xây dựng công trình, nhà ở, kinh doanh bất động sản... Thông qua công tác rà soát, báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên và cơ quan pháp chế cấp trên về kết quả rà soát để tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Bộ Quốc phòng xem xét việc sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản thay thế theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư thay thế nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quân sự, quốc phòng. Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực HC, KT để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản thay thế hoặc ban hành văn bản mới điều chỉnh các hoạt động HC, KT.
Bốn là, phát huy vai trò của của cơ quan chuyên ngành chức năng, xây dựng, hoàn thiện hệ thống VBQPPL quân sự, quốc phòng là công việc gắn liền với chức trách, nhiệm vụ của người chỉ huy ngành, lĩnh vực; cán bộ chuyên môn ngành, lĩnh vực; là phương thức tham mưu cơ bản, phản ánh chất lượng tham mưu của cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ; là căn cứ, công cụ pháp lý chủ yếu để người chỉ huy ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động nghiệp vụ ngành đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới.
Xác định rõ trách nhiệm và phát huy vai trò chủ trì của các cơ quan, đơn vị chuyên ngành được giao chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp, cơ quan thẩm định, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra văn bản. Chỉ huy cơ quan, đơn vị được giao chủ trì xây dựng văn bản nắm chắc số lượng văn bản do cơ quan mình chủ trì xây dựng; trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, tổ chức soạn thảo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo chất lượng nội dung và tiến độ trình ban hành theo chương trình đã đăng ký và theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải chủ động, tích cực phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan, đơn vị chức năng, cơ quan pháp chế cấp mình và cơ quan pháp chế cấp trên trong suốt quá trình lập đề nghị xây dựng pháp luật và tổ chức xây dựng các dự án, dự thảo VBQPPL được giao; kịp thời thông tin, tuyên truyền những chính sách mới, đặc thù quân sự, quốc phòng tạo sự đồng thuận về chính sách, thuận lợi trong khâu tiếp thu, giải trình, thông qua.
Năm là, đề cao trách nhiệm của người chỉ huy ngành HC - KT trong suốt quá trình lập đề nghị xây dựng, tổ chức soạn thảo, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra, lập hồ sơ, trình ban hành văn bản, theo phương châm: Chú trọng khâu khảo sát, tổng kết thực tiễn; thực hiện đúng trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng văn bản, soạn thảo văn bản; tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ và thấu đáo các ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định, ý kiến thẩm tra của các cơ quan chức năng liên quan trong suốt quá trình xây dựng văn bản; đồng thời thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ báo cáo theo quy định. Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo VBQPPL cần quán triệt trong cấp ủy, chỉ huy, giao cơ quan chức năng thuộc quyền xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, xác định mốc thời gian hoàn thành từng công việc cụ thể; thường xuyên, quyết liệt kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh những biểu hiện chậm chễ, thiếu chủ động, tích cực.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trong việc tham mưu, trình ban hành văn bản pháp luật có những sai sót, phải chịu trách nhiệm về những hạn chế, thiếu sót khi trình Bộ Quốc phòng ban hành văn bản sai quy định. Đồng thời phải chịu trách nhiệm khi không tham gia ý kiến các dự án, dự thảo văn bản do các bộ, ngành lấy ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không phát hiện được những chính sách bất cập, không phù hợp với hoạt động của Quân đội, không bảo vệ được chính sách, cơ chế đặc thù đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Quân đội.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống VBQPPL điều chỉnh về lĩnh vực HC, KT Quân đội là đòi hỏi khách quan từ thực tiễn quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng và quá trình triển khai tổ chức lại cơ quan HC, KT theo chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm, góp phần xây dựng Ngành vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Đại tá, ThS Nguyễn Việt Dũng, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng