Tổng cục Hậu cần có nhiều đầu mối, loại hình đơn vị gồm: khối cơ quan Tổng cục; bệnh viện, nhà trường; lữ đoàn, trung đoàn, kho; đoàn an điều dưỡng; doanh nghiệp... nên hoạt động tài chính của mỗi cơ quan, đơn vị có sự khác nhau. Tuy nhiên, để PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” phát triển mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, TCHC về lãnh đạo công tác tài chính đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Chấp hành nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định của cấp trên từ khâu lập dự toán, phân bổ ngân sách đến quyết toán. Phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn bảo đảm kịp thời, đầy đủ ngân sách cho các nhiệm vụ và chi tiêu đúng nội dung, khoản, mục ngân sách. Mối quan hệ giữa cấp ủy và người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tài chính ngày càng gắn kết hơn, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nổi bật là: Các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, Khóa XII) cho cán bộ, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn các cấp. Tích cực đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc lập dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách hằng năm, đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của Tổng cục và bảo đảm ngân sách hậu cần cho toàn quân. Tổng cục thực hiện triệt để việc phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, không để dự phòng; nâng cao trách nhiệm của chủ tài khoản trong điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Chỉ huy các đơn vị, ngành nghiệp vụ có kế hoạch chi tổng thể, điều hành, sử dụng kinh phí sát nhiệm vụ. Việc triển khai cơ chế quản lý tài chính mới bước đầu có sự thống nhất cao trong toàn Tổng cục, tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý tài chính. Đặc biệt, Tổng cục là một trong đầu mối đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện tốt việc thẩm định ngân sách ngành Hậu cần toàn quân và sử dụng ngân sách theo cơ chế quản lý tài chính mới ngay từ thời gian đầu triển khai.
|
|
Hội nghị đánh giá bước đầu thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới theo Nghị quyết số 915/NQ-QUTW ngày 25/8/2018 trong TCHC. Ảnh: CTV. |
Trong giai đoạn 2010-2020, chế độ kế toán có nhiều thay đổi để phù hợp Luật Ngân sách Nhà nước, song, Tổng cục đã kịp thời cập nhật các văn bản hướng dẫn, thực hiện tốt chế độ kế toán thống kê. Các cơ quan, đơn vị sử dụng quỹ vốn đúng mục đích, công khai mọi khoản thu, khoản chi, không lập quỹ trái phép. Tổ chức phân cấp ngân sách cho cơ quan, đơn vị trực thuộc đúng tổng mức, chi tiết được duyệt, nâng cao tỷ lệ phân cấp, giao dự toán đúng thời gian. Cấp phát, sử dụng kinh phí chặt chẽ kết hợp với kiểm soát chi tiêu; thực hiện tốt chế độ quản lý giá, đấu thầu theo quy định; thường xuyên kiểm tra đảm bảo tính pháp lý hồ sơ, chứng từ chi tiêu. Công tác báo cáo thanh, quyết toán ngân sách thực hiện nền nếp, đúng thời gian, đủ nội dung theo quy định. Thực hiện tốt việc thẩm định số liệu và duyệt quyết toán cho các đơn vị thuộc quyền trước khi báo cáo với cấp trên. Chấp hành nghiêm hệ thống tài khoản kế toán do Nhà nước và Bộ Quốc phòng ban hành; phản ánh đầy đủ, kịp thời các hoạt động kinh tế phát sinh, đáp ứng các yêu cầu quản lý và kiểm soát chi; các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh được phản ánh đầy đủ, trung thực, kịp thời, rõ ràng trên hệ thống sổ kế toán. Các khoản thu, chi được hạch toán kịp thời; số liệu giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đơn vị với kho bạc Nhà nước, ngân hàng nơi giao dịch, với khách hàng khớp đúng, được đối chiếu thường xuyên. Đặc biệt là chấp hành nghiêm việc sử dụng tài khoản giao dịch trong phạm vi nhiệm vụ phù hợp với nội dung tài khoản đã đăng ký với kho bạc và ngân hàng.
Trong lĩnh vực quản lý đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp, các đơn vị chấp hành đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về quản lý kinh tế tài chính, hạch toán đầy đủ, rõ ràng, công khai các khoản thu - chi, bảo toàn vốn và có hiệu quả. Các bệnh viện được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho các đối tượng và từng bước tự chủ tài chính. Đối với các doanh nghiệp hậu cần đã từng bước xây dựng chiến lược kinh doanh, chủ động đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng, nghiên cứu, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng và vươn ra thị trường trong nước, xuất khẩu. Kết quả sản xuất kinh doanh ngày càng tăng trưởng, bảo toàn vốn, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, thu nhập năm sau cao hơn năm trước.
Cơ quan (cán bộ, nhân viên) tài chính các cấp thường xuyên được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, không ngừng đầu tư, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin giúp nâng cao chất lượng công tác tài chính, nhất là sử dụng phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý ngân sách, kế toán.
Bên cạnh những kết quả đạt được, PTTĐ cũng còn một số hạn chế là: Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ về PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Thường trực PTTĐ ở một số đơn vị chưa thật tích cực, chương trình hành động chưa cụ thể. Công tác giáo dục, quán triệt tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về ý nghĩa của PTTĐ ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên. Xây dựng phương án tự chủ về tài chính của các bệnh viện chưa thật bám sát thực tế, thời gian đầu còn lúng túng trong việc bố trí kinh phí giữa nguồn thu của bệnh viện và nguồn ngân sách trên cấp. Tình hình sản xuất kinh doanh ở một số doanh nghiệp chưa vững chắc, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp; sản phẩm còn đơn điệu, hiệu quả cạnh tranh trên thị trường chưa cao, nhất là sản phẩm kinh tế. Công tác kiểm tra, giám sát tài chính đối với một số đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc giải ngân một số dự án, công trình còn chậm; năng lực chuyên môn tài chính về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản chưa cao...
Để nâng cao hiệu quả PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” trong TCHC, thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chính sau:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác tài chính nói chung và PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” nói riêng. Phát huy vai trò của ban chỉ đạo PTTĐ trong việc tham mưu, đề xuất với thủ trưởng các cấp biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Thường xuyên quán triệt nghị quyết, chỉ thị của trên về nhiệm vụ bảo đảm tài sản, tài chính. Tích cực quán triệt và thực hiện nghiêm văn bản của Đảng ủy các cấp về lãnh đạo công tác tài chính. Thực hiện nghiêm công tác tài chính theo Luật Ngân sách Nhà nước, Điều lệ công tác tài chính Quân đội; các nghị quyết, đề án, kế hoạch đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo. Thực hiện đúng lộ trình của Đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tập trung vào giải quyết các khó khăn bước đầu trong quá trình thực hiện.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tác dụng của PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”. Thường xuyên duy trì PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” và lồng ghép với các PTTĐ khác, tạo không khí thi đua sôi nổi thu hút mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cùng tham gia quản lý công tác tài chính trong đơn vị. Tích cực xây dựng mô hình điểm về công tác tài chính tốt để tổ chức tham quan, học tập, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình. Tiếp tục đổi mới hình thức, biện pháp thi đua phù hợp với thực tế đơn vị, kết hợp thi đua thường xuyên và thi đua cao điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá; khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng. Gắn việc hoàn thành các chỉ tiêu PTTĐ với phân tích, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên và phân loại cơ quan, đơn vị hằng năm.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt công tác lập, thẩm định dự toán, phân bổ ngân sách theo cơ chế quản lý tài chính mới. Cơ quan tài chính các cấp làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị các nội dung, biện pháp, lập kế hoạch tổ chức thực hiện PTTĐ hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Lựa chọn nội dung cụ thể, tập trung đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả, khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong công tác tài chính của đơn vị. Đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự trong lĩnh vực tài chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bốn là, chú trọng công tác tuyển chọn nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ, nhân viên làm công tác tài chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành tài chính theo quan điểm “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, yêu nghề, hết lòng phục vụ bộ đội. Khuyến khích, động viên cán bộ, nhân viên tài chính tích cực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ tài chính kế toán, phân tích các hoạt động kinh tế. Cơ quan tài chính các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy và chỉ huy sử dụng hợp lý, tiết kiệm ngân sách và phải làm kiểu mẫu về “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.
Năm là, thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo PTTĐ khi có sự thay đổi về nhân sự ở các cơ quan, đơn vị. Hằng năm, đối chiếu với 10 tiêu chuẩn PTTĐ, tổ chức chấm điểm thi đua; định kỳ 5 năm tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm; kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Phát huy kết quả đạt được giai đoạn 2010-2020, tin tưởng rằng, thời gian tới các cơ quan, đơn vị tiếp tục khắc phục khó khăn đưa PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” trong Tổng cục lên tầm cao mới, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng Phạm Mạnh Cường - Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần