Hiện nay, trong Quân đội có trên 30 bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh là các đơn vị sự nghiệp y tế. Cùng với sự phát triển, đổi mới không ngừng của hệ thống bệnh viện công lập, các bệnh viện Quân đội (BVQĐ) từng bước có sự phát triển nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh, trong đó có sự đổi mới về cơ chế QLTC. Đổi mới cơ chế QLTC đối với các BVQĐ hoạt động trong thời bình là quá trình chuyển dịch hình thức bảo đảm từ tập trung bao cấp toàn phần, từng phần từ ngân sách sang thực hiện cơ chế xã hội hóa, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Mặt khác, Nghị định số 16/2015 của Chính phủ thay thế Nghị định số 43/2006 quy định về việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có khối bệnh viện công lập. Điều này có sự thay đổi căn bản về QLTC đối với hoạt động khám chữa bệnh.

Với quy mô, tổ chức của hệ thống BVQĐ hiện nay, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của Quân đội. Những năm qua, Nhà nước và BQP đã tập trung ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại… nên các BVQĐ có điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và điều trị, phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07-01-2004 của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, công tác QLTC ở các BVQĐ đã đi vào nền nếp, chính quy, ngày càng chặt chẽ, hiệu quả chi tiêu sử dụng nguồn tài chính tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình QLTC ở các BVQĐ còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Vai trò chỉ đạo quản lý công tác tài chính của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị có lúc, có việc chưa thật kịp thời, cụ thể, còn đơn giản hóa trong chỉ đạo điều hành. Nhận thức một số cán bộ, nhân viên trong BVQĐ còn nặng tư tưởng bao cấp. Ý thức, tác phong làm việc vẫn còn bị chi phối bởi cơ chế đơn vị thụ hưởng ngân sách, ngại chuyển đổi sang cơ chế quản lý mới. Năng lực tham mưu của cơ quan tài chính và các cơ quan chức năng, ngành nghiệp vụ liên quan đến QLTC còn hạn chế. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ, nhân viên QLTC chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là hoạt động khám, chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế và dịch vụ khác. Trang thiết bị kỹ thuật, hạ tầng về công nghệ thông tin còn thiếu hoặc lạc hậu…

Để QLTC tại các BVQĐ theo cơ chế tự chủ tài chính tốt hơn, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng ủy bệnh viện đối với công tác tài chính theo cơ chế tự chủ tài chính. Công tác tài chính phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy bệnh viện, thực hiện theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác tài chính được cụ thể hóa trong Quy chế số 707/QC-QUTƯ ngày 16-10-2014 của Quân ủy Trung ương về quy chế lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tài chính trong Quân đội và Nghị quyết số 915/NQ-QUTƯ ngày 25-08-2018 của Quân ủy Trung ương về đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo. Đảng ủy bệnh viện thực hiện lãnh đạo toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức đối với công tác tài chính; lãnh đạo trực tiếp công tác nghiệp vụ tài chính trong quá trình hoạt động của các phòng, ban nghiệp vụ, cơ quan và cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc chấp hành lập và quyết toán ngân sách. Chống quan điểm buông lỏng sự lãnh đạo của cấp ủy, coi việc lập, chấp hành quyết toán ngân sách là công việc của giám đốc bệnh viện và ngành tài chính, hoặc can thiệp quá sâu, cụ thể vào công việc thuộc chức năng, quyền hạn của người chủ tài khoản đơn vị và của cơ quan nghiệp vụ tài chính.

Hai là, nâng cao năng lực quản lý và điều hành công tác tài chính của người chỉ huy. Theo Điều lệ công tác tài chính Quân đội và Điều lệ công tác quản lý bộ đội, giám đốc bệnh viện là người chỉ huy cao nhất của bệnh viện, là chủ tài khoản, có quyền ra các quyết định, trong đó có quyết định về kinh tế - tài chính và là người chịu trách nhiệm trước cấp trên, pháp luật về hoạt động kinh tế - tài chính của bệnh viện. Như vậy, giám đốc bệnh viện là người có quyền hạn rất lớn trong công tác QLTC nói chung và trong công tác lập, quyết toán ngân sách nói riêng. Đồng thời, có trách nhiệm quan trọng trong việc chi tiêu, sử dụng kinh phí của bệnh viện và đối mặt với sự cạnh tranh của kinh tế thị trường, sự minh bạch trong công tác tài chính trước bệnh viện, cấp trên và Pháp luật. Vì vậy, nếu năng lực điều hành và chỉ đạo công tác tài chính của người chỉ huy không đáp ứng yêu cầu thì hiệu quả công tác QLTC thấp, dẫn đến tình trạng quyết định độc đoán, chủ quan, thiếu cơ sở khoa học, hoặc phó mặc cho cơ quan tài chính tự quyết định trong phân bổ ngân sách và hoạt động tài chính bệnh viện. Để nâng cao năng lực quản lý và điều hành công tác tài chính, người chỉ huy các cấp phải thấy rõ vai trò của người chủ tài khoản đơn vị. Bên cạnh đảng ủy lãnh đạo, cơ quan tài chính giúp việc nhưng cá nhân người chỉ huy trưởng vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng, chủ yếu về quyết định liên quan đến QLTC. Người chỉ huy phải điều hành công tác tài chính bằng các quyết định, chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch và phải phù hợp với nguyên tắc, kỷ luật tài chính. Nắm chắc những vấn đề cơ bản trong quy định về công tác tài chính của người chỉ huy. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, biết tổ chức, động viên các phong trào quần chúng, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi người tham gia công tác QLTC, phát huy chức năng tham mưu của cơ quan tài chính và các cơ quan chức năng liên quan.

Ba là, thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công tác QLTC. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, nhận thức chính trị… cho cán bộ, nhân viên tài chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tài chính có chất lượng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để phát huy chức năng tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Cán bộ, nhân viên tài chính phải thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Chỉ huy bệnh viện thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên tài chính luân phiên đi học tập tại các trường trong và ngoài Quân đội. Thường xuyên chỉ đạo việc nghiên cứu học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, quy định của Quân đội liên quan đến công tác tài chính. Động viên tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tiết kiệm thời gian, tận dụng mọi điều kiện tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cơ quan tài chính. Từng bước hoàn thiện chế độ công tác của cơ quan tài chính các cấp, đổi mới tác phong, phương pháp công tác của cán bộ, nhân viên tài chính phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ.

Tăng cường các biện pháp QLTC trong BVQĐ theo cơ chế tự chủ tài chính giai đoạn hiện nay là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác QLTC, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, được lãnh đạo, chỉ huy các cấp và sự tham gia giám sát của đông đảo cán bộ, nhân viên, bệnh nhân thì mới phát huy hiệu quả công tác tài chính trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Thượng úy Đỗ Việt Hoàng

Trung úy Đỗ Hữu Tiến

Học viện Hậu cần