Những năm qua, Sư đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác huấn luyện nói chung, huấn luyện hậu cần (HLHC) nói riêng. Những kết quả đạt được trong HLHC đã góp phần nâng cao chất lượng công tác hậu cần, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Những kinh nghiệm chủ yếu được rút ra trong quá trình HLHC ở Sư đoàn 9 đó là:

Một là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp ban hành đầy đủ, đồng bộ, thống nhất hệ thống văn bản chỉ huy, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện ở Sư đoàn được triển khai thực hiện chặt chẽ, nền nếp, toàn diện theo hướng “tập trung thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tổ chức quán triệt nghiêm túc Mệnh lệnh công tác quân sự của Tư lệnh Quân đoàn; ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản chỉ huy, chỉ đạo huấn luyện. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan, đơn vị tổ chức HLHC đồng bộ, thống nhất, là cơ sở pháp lý để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tiến trình biểu huấn luyện, lịch kiểm tra...

Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm, Phòng Hậu cần Sư đoàn đã soạn thảo, ban hành hướng dẫn công tác HLHC năm và kế hoạch huấn luyện năm, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị chuẩn bị và tổ chức thực hành HLHC. Khi bước vào mỗi giai đoạn huấn luyện, Phòng Hậu cần triển khai kế hoạch, hướng dẫn, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện chặt chẽ. Hệ thống văn bản chỉ huy, chỉ đạo được ban hành đầy đủ theo phân cấp từ sư đoàn đến đại đội; đảm bảo đồng bộ, thống nhất về nội dung, chương trình, thời gian; phân rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và các cơ quan chức năng trong tổ chức, quản lý, điều hành huấn luyện. Hằng tháng, quý, 6 tháng, năm (chương trình đối với huấn luyện chiến sĩ mới) các cấp từ đại đội trở lên đều tổ chức sơ tổng kết, rút kinh nghiệm nhiệm vụ HLHC (tổ chức cùng với hội nghị sơ tổng kết, rút kinh nghiệm các nội dung quân sự, chính trị, kỹ thuật) và đề ra biện pháp kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác huấn luyện nói chung, HLHC nói riêng.

leftcenterrightdel
Cán bộ Phòng Hậu cần kiểm tra bộ đội thực hành mắc tăng võng tại thao trường huấn luyện hậu cần. Ảnh: CTV 

Hai là, tổ chức HLHC đầy đủ nội dung theo chương trình cơ bản cho các đối tượng; huấn luyện bổ sung theo nhiệm vụ, phù hợp với đối tượng, địa bàn tác chiến, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Thực hiện phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng  huấn luyện  đồng  bộ, chuyên sâu, theo hướng hiện đại, công tác HLHC của Sư đoàn luôn bám sát nhiệm vụ quân sự, mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân đoàn. Mọi hoạt động huấn luyện đều hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quân sự của đơn vị. Khi có tình huống, mỗi đơn vị của Sư đoàn thực hiện nhiệm vụ trên một địa bàn khác nhau, có đơn vị tác chiến ở địa hình đô thị, có đơn vị tác chiến ở địa hình trung du, rừng núi; trong khi đối tượng chiến sĩ mới nhập ngũ chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ quen với điều kiện địa hình sông nước, do đó phải huấn luyện bổ sung để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đơn vị. Thông qua hoạt động diễn tập dã ngoại, các nội dung HLHC được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Tổ chức huấn luyện bổ sung cho đối tượng làm nhiệm vụ mới, ở điều kiện địa hình tác chiến mới, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm tốt hậu cần cho đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.

Quán triệt Nghị quyết số 05- NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/ QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; vừa qua, Sư đoàn giao Phòng Hậu cần và Phòng Kỹ thuật chủ động nghiên cứu nội dung huấn luyện đồng bộ giữa hai ngành, nghiên cứu tổ chức biên chế và hành động của cơ quan phân đội HC - KT khi chuyển trạng thái SSCĐ, thực hành bảo đảm, di chuyển kho HC - KT và luyện tập các phương án bảo đảm, bảo vệ cơ quan, kho trạm HC - KT. Xây dựng phương án luyện tập sát với nhiệm vụ đơn vị. Đồng thời, tổ chức lực lượng HC - KT nòng cốt, sẵn sàng cơ động  bảo  đảm tốt  cho  mọi tình huống có thể xảy ra.

Ba là, đổi mới phương pháp huấn luyện, tổ chức hội thi, hội thao, diễn tập, từ đó rút ra kinh nghiệm; kết hợp với bồi dưỡng cán bộ làm công tác huấn luyện, để bộ đội tự học và học hỏi lẫn nhau để nâng cao trình độ. Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo vận dụng tốt “3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp”, đổi mới tư duy nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ trong tình hình mới; tổ chức làm “điểm”, làm “mẫu” để thống nhất về nội dung, phương pháp huấn luyện trong toàn Sư đoàn. Qua hội thi, hội thao, lựa chọn những đồng chí có nhiều kinh nghiệm, thành tích tốt để tham gia biên soạn nội dung giáo án huấn luyện mẫu; tổ chức thông qua giáo án,… chuẩn bị vật chất, mô hình học cụ, thao trường HLHC đầy đủ, đúng quy định. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Hậu cần tham mưu với chỉ huy Sư đoàn thành lập Ban Chỉ đạo hội thi, hội thao ngành Hậu cần, xây dựng kế hoạch làm điểm, làm mẫu về thao trường HLHC ở Tiểu đoàn 17 (Bếp Hoàng Cầm cấp 1, hầm Quân y, hầm âm tổ 3 người, bố trí nơi ăn ở dã ngoại…), làm mẫu về văn kiện hậu cần SSCĐ (Trung đoàn 2). Tổ chức tham quan rút kinh nghiệm, thống nhất về hình thức, nội dung để các đơn vị thực hiện trong toàn Sư đoàn. Đồng thời, tổ chức nhóm nghiên cứu biên soạn văn kiện, mẫu biểu, tài liệu HLHC. Trong năm 2021, Phòng Hậu cần đã biên soạn tài liệu: sổ tay nội dung, phương pháp công tác và hành động của chỉ huy cơ quan, phân đội hậu cần trong chuyển trạng thái SSCĐ và diễn tập hậu cần; năm 2022 biên soạn tài liệu Sổ tay huấn luyện ngành Quân nhu; năm 2023 biên soạn tài liệu Sổ tay huấn luyện ngành Quân y, sử dụng trong nội bộ Sư đoàn đạt hiệu quả thiết thực.

Trong công tác huấn luyện đã kết hợp huấn luyện đan xen giữa nội dung chiến thuật và hậu cần để bộ đội dễ hiểu, dễ vận dụng; các nội dung huấn luyện từ thấp đến cao, từ cá nhân đến tập thể, đảm bảo tính hệ thống trong chương trình huấn luyện, phù hợp với từng đối tượng. Thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, tăng tỷ lệ thời gian huấn luyện thực hành, lấy thực hành là chính. Quản lý chặt chẽ chương trình huấn luyện, gắn với các tiêu chí đánh giá kết quả huấn luyện. Ví dụ: tiêu chí đạt được của đối tượng chiến sĩ là nắm vững tiêu chuẩn, chế độ hậu cần, các quy định bảo đảm hậu cần SSCĐ, biết tổ chức ăn, ở dã ngoại, mắc tăng võng, đào và sử dụng bếp Hoàng Cầm, các kỹ năng sinh tồn… Thực hiện “Ba thực chất” (huấn luyện thực chất, ôn luyện thực chất, đánh giá thực chất); tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra chất lượng huấn luyện. Kiên quyết khắc phục tư tưởng xem nhẹ công tác HLHC, hạ thấp yêu cầu, bớt xén thời gian, nội dung và chống bệnh thành tích. Quản lý chặt chẽ thời gian huấn luyện, không để đơn vị sử dụng thời gian HLHC để thực hiện các nội dung khác. Kết hợp giữa kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất; kiểm tra cá nhân và tập thể để nắm lại chất lượng huấn luyện của đơn vị. Qua kiểm tra, rút ra kinh nghiệm, thống nhất về nội dung, phương pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng HLHC.

Cùng với đó, Sư đoàn luôn quan tâm, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác HLHC, nhất là lực lượng cán bộ trẻ như cán bộ đại đội, trung đội, trợ lý cơ quan, trợ lý hậu cần tiểu đoàn…, đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp thực hành HLHC cho bộ đội. Phòng Hậu cần Sư đoàn đã tham mưu với Đảng ủy Sư đoàn đưa nội dung HLHC vào nghị quyết lãnh đạo, ra nghị quyết chuyên đề và cụ thể hóa thành mục tiêu, nhiệm vụ trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ ở các cấp. Lấy kết quả HLHC là một tiêu chí đánh giá năng lực, bình xét cán bộ cuối năm để cán bộ nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng huấn luyện. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần tự học, tự rèn của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tự học lẫn nhau của bộ đội trong quá trình công tác. Thực hiện cấp trên hướng dẫn cho cấp dưới, cán bộ hướng dẫn cho chiến sĩ. Phát huy trí tuệ tập thể, sử dụng các đồng chí cán bộ có nhiều kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi và cán bộ, nhân viên hậu cần có tư duy nhận thức mới về công tác HLHC để tham gia huấn luyện. Qua kiểm tra đánh giá hằng năm của Quân đoàn có 100% cán bộ HLHC được theo phân cấp đạt khá, giỏi trở lên; trong đó có 65-70% đạt huấn luyện giỏi, chất lượng HLHC ngày càng được nâng cao.

Bốn là, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần cho huấn luyện. Kinh phí, vật chất huấn luyện được bảo đảm theo phân cấp, theo nguyên tắc “Nội dung huấn luyện của ngành nào, ngành đó bảo đảm”. Kết hợp quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp với huy động các nguồn lực khác (quỹ vốn, ngày công lao động…)… Những năm qua, thao trường, công trình HLHC của Sư đoàn được đầu tư xây mới, củng cố, sửa chữa thường xuyên và khai thác, sử dụng có hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, cùng với nguồn bảo đảm của trên, hằng năm, Sư đoàn đầu tư từ 200-250 triệu đồng từ nguồn quỹ vốn đơn vị và hàng trăm ngày  công lao động để xây dựng thao trường HLHC, mua sắm vật chất, củng cố, sơn sửa mô hình học cụ huấn luyện. Đến nay, Sư đoàn cơ bản đã xây dựng được thao trường HLHC chính quy cấp tiểu đoàn; thao trường huấn luyện quân y, vận tải cấp trung đoàn phục vụ thiết thực cho công tác HLHC. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đã phát huy trí tuệ tập thể, cá nhân đẩy mạnh nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình, đồ dùng học cụ, ứng dụng phục vụ HLHC (cải tiến bếp Hoàng Cầm cấp 1; hầm âm tổ 3 người; hầm quân y; bố trí khu vực ăn ở dã ngoại; sáng kiến vành khuyên mắc tăng võng; giá ba lô cải tiến; bộ dụng cụ sơ chế thực phẩm dã ngoại; cải tiến giá xe đạp thồ ứng dụng vượt sông, chuyển hàng hóa, thương bệnh binh kết hợp làm giá chia ăn dã ngoại; giá đựng nước đa năng phòng chống dịch Covid-19... ), góp phần nâng cao chất lượng HLHC.

Để bảo đảm tốt sức khỏe cho bộ đội thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, cấp ủy, chỉ huy và ngành Hậu cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội, đẩy mạnh TGSX cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ. Bảo đảm tốt chế độ tiêu chuẩn định lượng ăn; cấp phát quân trang đủ số lượng, tốt chất lượng, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại, diễn tập và SSCĐ. Đầu tư kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp doanh trại; mua sắm, trang bị đủ vật chất hậu cần phục vụ sinh hoạt, học tập, huấn luyện của bộ đội… Thời gian tới, ngành Hậu cần Sư đoàn tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 1659 NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo, đầu tư củng cố thao trường huấn luyện vận tải cấp Sư đoàn và xây dựng mô hình mẫu Bếp Hoàng Cầm cấp 2 tại thao trường HLHC bằng nguồn quỹ vốn khoảng 200 triệu đồng.

Trên đây là một số kinh nghiệm trong công tác HLHC ở Sư đoàn bộ binh 9, xin được trao đổi cùng các đơn vị nhằm xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá NGUYỄN TẤT DƯƠNG, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 9/Quân đoàn 4