Tận dụng hệ thống chuồng trại có sẵn, Lữ đoàn cho tu bổ, củng cố, bảo đảm cao ráo, sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Diện tích chuồng nuôi bình quân đạt 5 m2/con. Nền chuồng được láng xi-măng có độ dốc 2-3% để nước không bị ứ đọng. Dọc theo hành lang chuồng  được bố trí hệ thống máng ăn, máng uống. Xung quanh chuồng, Lữ đoàn cho trồng nhiều cây xanh để chống nóng cho bò trong mùa hè…

leftcenterrightdel
 Đàn bò nuôi nhốt vỗ béo của Lữ đoàn BB82.

Bò nuôi vỗ béo là bò con giống khoảng 8-9 tháng tuổi, hoặc bò thải loại trong sản xuất. Sau khi mua về, bò được tẩy giun, sán, bổ sung một số loại vitamin cần thiết; đồng thời tiêm vắc-xin phòng một số bệnh phổ biến như tụ huyết trùng, lở mồm long móng.

Thức ăn cho đàn bò gồm 2 loại: thô và tinh. Thức ăn thô chủ yếu sử dụng các loại cỏ, rơm rạ, lá cây xanh có sẵn trong Lữ đoàn. Đơn vị còn tổ chức trồng thêm hơn 2 ha cỏ voi, cỏ lông tây làm nguồn thức ăn. Vào mùa thu hoạch lúa, ngô, Lữ đoàn tổ chức thu mua rơm, rạ của bà con nông dân trong khu vực, đưa vào dự trữ, làm thức ăn vào thời điểm thời tiết hanh khô, ít cỏ tươi… Ngoài thức ăn thô, đơn vị bổ sung thêm thức ăn tinh (chiếm khoảng 30-35% nhu cầu thức ăn), gồm các loại sắn, ngô, lúa đã nghiền nhỏ; cám công nghiệp. Ngoài ra, sử dụng rơm khô băm nhỏ đem ủ chua và tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp có nhiều trên địa bàn, như bã rượu, rỉ mật, bã đậu cho bò ăn thêm... Tháng đầu nuôi vỗ béo, cho bò ăn nhiều thức ăn thô xanh, ít thức ăn tinh để bò làm quen dần với khẩu phần năng lượng cao (khoảng 1-1,2kg/ngày/con).Từ tháng thứ 2, tăng khẩu phần thức ăn tinh lên 2 kg/con/ngày. Thông thường, thức ăn thô xanh thường được Lữ đoàn sử dụng kết hợp với thức ăn tinh, giúp đàn bò tăng trưởng nhanh và có chất lượng thịt tốt hơn.

Công tác giữ vệ sinh cho đàn bò nuôi nhốt vỗ béo giữ vai trò rất quan trọng. Chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh luôn được bộ phận chăn nuôi vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Định kỳ 2 lần/tháng, bộ phận chăn nuôi tiến hành tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải; 1 tuần tắm 2-3 lần. Đơn vị còn thường xuyên tổ chức diệt chuột, gián, ve, ruồi, muỗi, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò. Tổ chăn nuôi được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe đàn bò; mỗi khi có dấu hiệu không bình thường phải báo cáo kịp thời với hậu cần đơn vị để có biện pháp xử lý…

Kết quả nuôi bò thử nghiệm bằng phương pháp nuôi nhốt vỗ béo ở Lữ đoàn cho thấy: Đối với loại bò thải loại trong sản xuất, sau 3 tháng, đàn bò đạt tăng trọng 25-26 kg/tháng/con; sau 10 tháng, đạt trọng lượng bình quân từ 500-550 kg/con; lãi đạt 1,3- 1,5 triệu đồng con/tháng. Đối với bò con giống, sau 3 tháng đạt tăng trọng 20-22 kg/con; sau 1 năm nuôi có thể đạt trọng lượng bình quân 350-360 kg/con; lãi đạt từ 7- 8 triệu đồng/con… Như vậy, đánh giá bước đầu, mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo tại Lữ đoàn bộ binh 82 đã thành công, đạt được mục tiêu, yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Nếu như trước đây, mỗi con bò phải nuôi gần 1,5 năm mới đủ trọng lượng xuất chuồng thì từ khi áp dụng kỹ thuật nuôi bò theo phương pháp nuôi nhốt vỗ béo, thời gian được rút ngắn xuống còn khoảng 1 năm (với loại bò thải loại chỉ khoảng 3 tháng); lại có thể tận dụng được nguồn phụ phẩm thức ăn sẵn có trong đơn vị, giảm đáng kể chi phí chăn nuôi.

Ngoài 35 con bò đã được Lữ đoàn tổ chức giết thịt bảo đảm cho bộ đội trong hai năm 2015, 2016, hiện Lữ đoàn đang tiến hành nuôi trên 30 con. Dự kiến, năm 2017, Lữ đoàn sẽ tiếp tục nâng quy mô đàn bò nuôi vỗ béo lên 50 con; phấn đấu tự túc được 50% định lượng thịt bò cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của bộ đội.

Bài, ảnh: Trung tá HÀ VĂN THỰ (Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn)