Do quãng đường hành quân dài từ 80 - 100 km, qua nhiều địa hình trung du, rừng núi, có nhiều sông, suối, dốc cao, bộ đội phải mang vác nặng (gồm: vật chất hậu cần, vũ khí trang bị), sinh hoạt trong điều kiện dã ngoại, chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, khí hậu… nên sức khỏe nhanh giảm sút.

leftcenterrightdel
Tổ chức cấp phát, lương thực, thực phẩm tại khu tập kết. Ảnh: CTV

Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần (BÐHC) cho diễn tập, Hậu cần Sư đoàn luôn coi trọng công tác huấn luyện, chuẩn bị chu đáo và làm tốt khâu tổ chức, hiệp đồng. Hằng năm, căn cứ chương trình, nội dung huấn luyện đã được phê duyệt, hậu cần các cấp phối hợp với cơ quan tác huấn cùng cấp và đơn vị duy trì đủ nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện hậu cần. Trong đó, coi trọng huấn luyện hành quân xa, mang vác nặng, giúp cán bộ, chiến sỹ có sức khỏe dẻo dai, chịu đựng gian khổ. Huấn luyện cho bộ đội nắm chắc lý thuyết và thành thạo các động tác sắp đặt, gói buộc trong ba lô, mang vác vật chất hậu cần (VCHC); cách mắc và sử dụng tăng võng trong dã ngoại; kỹ thuật đào, sử dụng bếp Hoàng Cầm cấp I và 5 kỹ thuật băng bó cấp cứu. Ngoài ra, trước giai đoạn diễn tập 15 ngày, các đơn vị tổ chức huấn luyện bổ sung nội dung ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện dã ngoại; các biện pháp phòng chống và cách xử trí khi bị say nắng, say nóng, bị rắn, côn trùng độc hại cắn.

Song song với công tác huấn luyện, hằng năm, cơ quan hậu cần các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kỹ các phương án BÐHC cho nhiệm vụ diễn tập vòng tổng hợp. Dự trữ các loại VCHC chiến đấu đầy đủ, đồng bộ, chất lượng tốt; hiệp đồng với cơ quan nghiệp vụ cấp trên tiếp nhận, cấp phát VCHC còn thiếu. Chỉ đạo hậu cần các đơn vị dự trữ các loại củ, quả, thực phẩm khô… phục vụ bữa ăn bộ đội trong suốt thời gian diễn tập. Dự kiến các tình huống có thể xảy ra như: nguồn khai thác thực phẩm, nước khan hiếm; hành quân qua địa bàn xảy ra dịch bệnh…

Trước khi bước vào diễn tập 10-15 ngày, Hậu cần Sư đoàn thành lập tổ trinh sát gồm: đồng chí Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn, cơ quan Kế hoạch, Quân nhu, Quân y, Doanh trại đi cùng bộ phận trinh sát của Sư đoàn. Tổ trinh sát có nhiệm vụ nắm chắc cung đường hành quân; đường vận chuyển lương thực, thực phẩm bằng xe cơ giới; khả năng khai thác hậu cần (chủ yếu chất đốt), nguồn nước sạch tại chỗ phục vụ nấu ăn, sinh hoạt của bộ đội; tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn tập; hiệp đồng với cơ sở y tế địa phương sẵn sàng cấp cứu khi cần thiết. Trên cơ sở đó, hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức BÐHC cho nhiệm vụ diễn tập, cung đường hành quân, vị trí tập kết, địa điểm khai thác VCHC, nước sạch, cơ sở y tế tại địa phương và tổ chức hội nghị hiệp đồng với hậu cần trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc; thống nhất quy định về phương thức bảo đảm, cấp phát lương thực, thực phẩm hằng ngày; cơ cấu bữa ăn, thực đơn ăn trong cả đợt diễn tập; quy mô tổ chức bếp ăn trong từng giai đoạn... Hậu cần các trung đoàn, tiểu đoàn tiếp tục hiệp đồng với các đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn diễn tập, trên đường hành quân, các đơn vị tổ chức bếp ăn cấp trung đội. Khi vào vị trí tập kết, tổ chức bếp ăn cấp đại đội và tương đương, riêng tổ đội làm nhiệm vụ đặc thù có thể tổ chức bếp ăn nhỏ lẻ. Các bếp ăn bố trí nơi gần nguồn nước, có khả năng che đỡ, che khuất tốt, tránh được lũ quét bất ngờ xảy ra, đảm bảo an toàn khi nấu ăn. Tổ chức nấu ăn theo thực đơn thống nhất, giai đoạn hành quân ăn theo cơ cấu 2-3-3-2 gồm 3 bữa nóng, 1 bữa phụ nguội (sử dụng lương khô, cơm nắm, sữa tươi). Tại vị trí tập kết và thực hành chiến đấu, ăn theo cơ cấu 2 - 4 - 4, gồm 3 bữa nóng, bảo đảm đủ nước uống cho bộ đội trong ngày, trước khi hành quân, mỗi người mang theo 1 bi đông nước. Tại điểm dừng chân, các trung đoàn tổ chức lực lượng hậu cần tiền trạm để tiếp nhận VCHC Sư đoàn cấp và tổ chức thu mua chất đốt, một số loại củ, quả bổ sung vào bữa ăn. Ðể cung cấp đủ thực phẩm chất lượng tốt cho bữa ăn hằng ngày, Sư đoàn sử dụng 4 xe tải nhẹ chuyên dụng (mỗi trung đoàn 01 xe, khối đơn vị trực thuộc và cơ quan Sư đoàn 01 xe) vận chuyển thực phẩm từ trạm chế biến của Sư đoàn, trung đoàn đến cấp cho đầu mối cấp tiểu đoàn, sau đó, các bếp ăn tự vận chuyển về. Thực phẩm được cấp 2 lần/ngày, xong trước 6h và trước 14h. Ðể rút ngắn thời gian nấu ăn, các trạm chế biến tiến hành sơ chế các loại thực phẩm (cụ thể: thịt lợn được thái miếng, cá cắt khúc, gia cầm giết mổ sẵn…) trước khi cấp phát. Riêng rau ăn lá, các đơn vị sử dụng sản phẩm tăng gia sản xuất để bảo đảm an toàn và tránh bị quá lứa sau thời gian diễn tập.

Do thời gian diễn tập thường vào mùa khô, vị trí trú quân nơi địa hình đồi núi cao, vì vậy, Sư đoàn sử dụng 4 xe xi-tec vận chuyển nước sạch từ trong dân cấp cho các đầu mối đơn vị phục vụ nấu ăn. Các đơn vị tổ chức đào giếng ven bờ sông, suối để phục vụ bộ đội tắm giặt, sinh hoạt. Trong điều kiện cho phép, các đơn vị tổ chức cho bộ đội luân phiên tắm giặt hằng ngày.

Nhằm đảm bảo sức khỏe bộ đội, ngoài việc phối hợp, hiệp đồng với cơ sở y tế địa phương nắm chắc tình hình dịch bệnh, Quân y Sư đoàn đặc biệt coi trọng các tình huống cấp cứu do say nắng, say nóng, mất an toàn trong quá trình diễn tập. Do vậy, lực lượng quân y các đơn vị luôn mang theo đủ trang thiết bị y tế trong dã ngoại, kịp thời xử trí tình huống cấp cứu hoặc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để bảo đảm an toàn. Hằng tối, quân y đơn vị trực tiếp đến các đại đội, trung đội nắm tình hình sức khỏe bộ đội để có phương án xử lý kịp thời. Cùng với đó, quân y các đơn vị thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm, vệ sinh dụng cụ cấp dưỡng, đảm bảo cho bộ đội ăn chín, uống sôi, tránh ngộ độc ăn uống. Ðồng thời, tham mưu với chỉ huy đơn vị tổ chức bộ đội vệ sinh môi trường nơi trú quân và phòng chống côn trùng đốt khi ngủ nghỉ.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, ngành Hậu cần Sư đoàn 3 đã bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ diễn tập vòng tổng hợp, góp phần nâng cao khả năng SSCÐ của đơn vị”.

Thượng tá NGUYỄN VĂN HÁT, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn