Ngay sau khi đất nước ta được hoàn toàn giải phóng (4-1975), Đảng và Chính phủ ta đã chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng (KTQP) tạo điều kiện cơ bản bảo đảm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trên các địa bàn, hướng chiến lược. Thông qua đó tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của quốc gia, tạo nên sự độc lập, tự chủ trong xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng...

Trong sự nghiệp đổi mới, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế tiếp tục được kế thừa, vận dụng, sáng tạo nhằm tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định, quan điểm kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường, củng cố QP, AN là quy luật tất yếu khách quan nhằm tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc, ngăn ngừa, hạn chế các tác động bất ngờ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo quốc gia dẫn tới xung đột và chiến tranh (có thể xảy ra).

Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng xác định: “Tiếp tục phát triển các khu KTQP, xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế với mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo”. Đây là đột phá chiến lược của Ðảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; xây dựng các khu KTQP đã được thể hiện trong xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý; có chiến lược kinh tế đối ngoại đúng đắn; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan hệ sản xuất; Quân đội làm tốt chức năng tham gia lao động sản xuất trên các hướng, địa bàn chiến lược tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, hải đảo; vừa là lực lượng bảo vệ các thành quả kinh tế-xã hội của đất nước, vừa là lực lượng xây dựng các khu KTQP; kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng các khu KTQP trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

Theo Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 31-3-2000 của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng do Quân đội đảm nhiệm, lấy đơn vị (đoàn) quốc phòng kinh tế làm nòng cốt. Các đoàn KTQP hay quốc phòng kinh tế được xác định là một đơn vị quân đội, thực hiện đồng thời 3 chức năng: chiến đấu, công tác và sản xuất. Sau hơn 35 năm ra đời, các đoàn KTQP đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hình thành thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn chiến lược trọng yếu và đang phát  huy  hiệu  quả to lớn cả về phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược.

leftcenterrightdel
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4) hướng dẫn bà con chăm sóc lúa nước. Ảnh: qdnd.vn

Những năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã nỗ lực phấn đấu, tạo bước chuyển biến quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng. Đảng ta chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”. Trong đó, Đảng ta xác định chủ động giữ nước ngay từ trong thời bình: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”. Như vậy, một số nội dung được đề cập như những giải pháp chiến lược để gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng các khu vực phòng thủ then chốt trên các địa bàn chiến lược. Đồng thời “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”. Đây là quan điểm mới, cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung, quan điểm của Đảng về kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và xây dựng, phát triển các khu KTQP trên các địa bàn chiến lược nhằm “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.

Để thực hiện tốt việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, thực hiện quy hoạch thống nhất trên tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, đảo. Đây vừa là giải pháp vừa là định hướng chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng; quy  hoạch  thống  nhất các khu KTQP trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Bộ Quốc phòng phối kết hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất việc kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường, củng cố quốc phòng; góp phần tạo nên thế trận phòng thủ trên các hướng, địa bàn chiến lược, chống lãng phí ngân sách Nhà nước và công sức của dân. Không có quy hoạch thống nhất sẽ dễ dẫn đến tình trạng đã có quy hoạch, kế hoạch mà triển khai chậm hoặc xây dựng dự án thiếu tính khoa học, hợp lý, có nơi dự án trùng lên dự án, có nơi lại không có dự án nào; hoặc đã hình thành dự án nhưng chưa có kinh phí nên chưa thực hiện được...  Nếu để tình trạng “dự án treo” hoặc “bỏ lửng” sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và tính khả thi của dự án và làm giảm lòng tin của Nhân dân  đối với chính quyền và bộ đội ở các khu KTQP; kẻ xấu có thể lợi dụng để xuyên tạc đường lối, chính sách, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cần triển khai thực hiện quy hoạch thống nhất ở vùng dự án, kể cả dự án tổng thể kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng các khu kinh tế quốc phòng vững mạnh. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, cần triển khai thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin cho Nhân dân vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Đó là cách tốt nhất để xây dựng “thế trận lòng dân”, tăng cường quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo trong tình hình mới.

Hai là, ưu tiên nguồn lực cho phát triển KTQP, thực hiện có hiệu quả chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn chiến lược. Để khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng, Nhà nước và các địa phương, đơn vị cần tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các khu KTQP trọng điểm, có thế mạnh trên hướng, tuyến biên giới và ở các khu vực ven biển, trên các đảo và quần đảo xa... Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các KTQP mạnh có đủ khả năng kết hợp phát triển kinh tế với tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc; tập trung nguồn lực, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của từng địa phương; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế với quốc phòng trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biển, đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của Nhân dân đang sinh sống trên các tuyến biên giới, các vùng biển, đảo.

Quá trình thu hút  nguồn  lực để phát triển KTQP trên các vùng biển, hải đảo đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương phối hợp nghiên cứu, khảo sát tổng thể, xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, khu vực, đánh giá đúng, đủ các yếu tố tự nhiên và xu thế phát triển. Việc quy hoạch phải tính đến sự kế thừa, phát triển, tính liên kết giữa các vùng, miền; phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên các vùng biên giới, biển, đảo, hướng chiến lược. Đây là cơ sở để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên trên các địa bàn chiến lược, là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ xây dựng thế trận khu vực phòng thủ trên các hướng trọng điểm chiến lược.

Thời gian qua, công  tác  dân sự hóa trên các  vùng  sâu,  vùng xa, biên giới, biển, đảo, nhất là ở những địa bàn, hướng chiến lược đã được chú trọng đẩy mạnh, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố và xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Ở một số nơi có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, quá trình xây dựng các căn cứ hậu cần, kỹ thuật, kho tàng trong các hang, động bước đầu được thực hiện có hiệu quả, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương. Cơ sở hạ tầng trên nhiều địa bàn chiến lược được xây dựng ngày càng vững chắc; đời sống của Nhân dân từng bước ổn định, Nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cùng với quá trình dân sự hóa ở các địa bàn chiến lược phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Việc quy hoạch  phát triển kinh tế-xã hội ở các khu vực biên giới, tuyến ven biển, hải đảo phải tuân thủ các yêu cầu đặt ra trong kế hoạch tổng thể của khu vực phòng thủ địa phương, phải mang tính hệ thống, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền; kết hợp chặt chẽ giữa thế trận “tĩnh” với thế “động” của lực lượng tác chiến cơ động tạo nên thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc.

Bốn là, trang thiết bị kỹ thuật - hậu cần phục vụ cho kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng phải phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa bàn chiến lược. Đây là vấn đề rất quan trọng trong công tác hậu cần - kỹ thuật khu vực phòng thủ trọng điểm, thực hiện kiểm tra, giám sát, báo động, chi viện, hỗ trợ nhau trong đấu tranh phòng chống các hoạt động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia. Các cơ sở hậu cần, kỹ thuật kinh tế-xã hội tuyến biên giới, ven biển và trên các đảo phải sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ưu tiên xây dựng các kho tàng có công sự kiên cố, trang bị hỏa lực mạnh, có khả năng tác chiến dài ngày. Quá trình quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở trên tuyến biên giới, biển, đảo phải mang tính lưỡng dụng cao, sẵn sàng chuyển sang phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở các căn cứ hậu cần khu vực biên giới, vùng biển, đảo. Hệ thống chính trị ở các địa bàn trọng điểm, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những huyện đảo xa bờ - vừa là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với quần chúng; vừa là chủ thể trực tiếp tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng trên các địa bàn trọng điểm, hướng chiến lược. Vì vậy, xây dựng hệ thống chính trị ở các địa bàn này vững mạnh là giải pháp quan trọng để củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên hướng chiến lược đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Hoàn thiện hệ thống chính trị với các thiết chế đầy đủ, cơ cấu hợp lý và cơ chế hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện hoạt động đặc thù của các đơn vị trên các địa bàn trọng điểm chiến lược, nhạy cảm. Phát huy vai trò, chức năng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa và các địa bàn trọng điểm; coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ và sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở mỗi địa phương cơ sở, tạo ra thế trận phòng thủ vững chắc để có thể nhanh chóng tập hợp và sử dụng hiệu quả sức mạnh của các lực lượng tại chỗ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong tình hình mới có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên các địa bàn, hướng chiến lược, đây là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, để hoàn thành nhiệm vụ này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, PGS, TS KHQS TRẦN NAM CHUÂN, nguyên Cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng