Trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ người Việt, khi cha ông mô tả cách ăn từ tốn, nhỏ nhẹ của mèo thường nói “Ăn nhỏ nhẹ như mèo” để khuyên người phụ nữ về nết ăn. Phụ nữ ăn nhỏ nhẹ được khen là có nết. Ngoài ra còn có câu tục ngữ "Có ăn nhạt mới thương tới mèo”, ngụ ý nói khi lâm cảnh khổ thì người ta mới biết thương người không may mắn bằng mình.

Câu "Mèo con bắt chuột cống" chỉ người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người không làm được. Riêng câu "Rình như mèo rình chuột" để chỉ ý chí và sự kiên nhẫn, siêng năng khi thực hiện công việc của một ai đó; nhưng cũng có nghĩa là chê bai ai đó tò mò, săm soi chuyện người khác. Câu "Mèo già hóa cáo" ngụ ý nói người già sống lâu nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Bên cạnh đó, dân gian còn mượn hình ảnh mèo để gửi gắm những kinh nghiệm, đúc kết triết lý sống ở đời như cảnh giác khả năng ăn vụng của mèo “Chó treo, mèo đậy" hoặc "Mỡ (chớ) treo miệng mèo". Nhiều nhất là mượn hình ảnh của mèo để gửi gắm, đúc kết hoặc phê phán những thói hư ở đời.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Chẳng hạn, khi ai đó tự đắc về tài cán của mình, quá tự tin vào khả năng chắc thắng của mình, dân gian nhắc: "Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào". Từ công việc của mỗi loài: "Chó giữ nhà, mèo bắt chuột", dân gian khái quát, ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, đừng tị nạnh nhau và cũng đừng can thiệp vào việc của nhau. Trong văn học dân gian Việt Nam, nhà văn Tô Hoài là bậc thầy về truyện loài vật; trong tác phẩm "O chuột", ông viết về con mèo bằng những dòng thật sinh động: "… Mèo lừ đừ và nghiêm nghị tựa một thầy giáo nhà dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm.

Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả”. Còn cụ Nguyễn Công Trứ, nhà thơ lớn, người làm quan đại thần dưới triều Nguyễn, cụ đã gửi gắm tâm sự của mình qua câu đồng dao: "Con mèo nằm bếp lo xo/Hay ăn mà lại ít lo, ít làm/Con ngựa đi Bắc về Nam/Ít ăn mà lại hay làm hay lo"... "Con mèo nằm bếp" được cụ đề cập để ám chỉ những tên Lý Miêu gian trá mà bất cứ thời nào cũng có trong xã hội.

Hình ảnh con mèo còn đi vào nghệ thuật qua những bức tranh dân gian như “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ. Hình ảnh tiến sĩ Chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi ra vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Bức tranh đã phản ánh lối ứng xử của xã hội tiểu nông của Việt Nam xưa. Trong dòng tranh Đông Hồ còn có bức tranh “Em bé ôm mèo” mang ý nghĩa hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà trong những bức chạm khắc ở đền, chùa như bức “Mèo ngoạm cá”ở Đình làng Bình Lục - Đông Triều (Quảng Ninh), hay cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang - Hải Phòng đều đã phản ánh một nét tư duy của người Việt xưa về con vật gần gũi này.

NGỌC TRÂN