Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần, trực tiếp là Cục Quân nhu về triển khai Đề án “QN-21”, BTL Vùng 4 xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tăng gia sản xuất, chế biến (TGSX, CB) bền vững và thiết thực cải thiện đời sống bộ đội. Ngay sau khi nhận được Kế hoạch và Hướng dẫn của trên, BTL Vùng 4 quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Vùng xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm túc. Thường vụ Đảng ủy Vùng ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện Đề án, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

leftcenterrightdel
 Ao nuôi cá trong khu TGSX tập trung. Ảnh: CTV

Để thực hiện Đề án đảm bảo đúng kế hoạch, BTL Vùng 4 thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý dự án xây dựng mô hình điểm khu TGSX, CB tập trung. Quá trình triển khai xây dựng các hạng mục công trình và tổ chức hoạt động khu TGSX, CB tập trung theo Đề án QN-21, BTL Vùng luôn được Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần, BTL QCHQ, Cục Hậu cần quan tâm chỉ đạo và sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục Quân nhu, Phòng Quân nhu/ Cục Hậu cần QCHQ. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý dự án nhanh chóng xây dựng và thực hiện các thủ tục pháp lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công theo đúng quy trình, quy định. Quá trình thi công, Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, giám sát nhà thầu, kịp thời báo cáo Thủ trưởng BTL tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng công trình, quy mô dự án được phê duyệt.

Tuy nhiên, Đề án “QN-21” là mô hình mới trong toàn quân, quy mô lớn, yêu cầu khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, phải hoàn thành nhiều thủ tục hồ sơ hành chính, quy hoạch, thiết kế… Thời gian triển khai dự án gấp, kinh phí trên cấp hạn hẹp, mới chỉ tập trung vào xây dựng nhà ở, trạm chế biến, chuồng chăn nuôi, vườn rau trong nhà lưới… chưa có kinh phí san lấp mặt bằng và xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu như: sân, đường nội bộ, cảnh quan môi trường... đáp ứng yêu cầu mô hình điểm. Bên cạnh đó, mặt bằng triển khai khu vực Đề án không bằng phẳng, phải san lấp, cải tạo nhiều, tốn công sức, chi phí. Đất trồng rau nghèo dinh dưỡng phải cải tạo nhiều, nắng nóng kéo dài, gió biển mặn, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; chưa có tổ chức biên chế chính thức cho tổ TGSX, CB; chuyên môn kỹ thuật của nhân viên, chiến sĩ tổ TGSX, CB còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Chuồng nuôi gà thịt trong khu TGSX tập trung. Ảnh: CTV

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với sự quyết tâm của Đảng ủy, Chỉ huy Vùng, trực tiếp là Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, đến nay, BTL Vùng 4 đã hoàn thành đưa vào sử dụng các hạng mục công trình khu TGSX, CB tập trung theo đúng quy mô dự án được duyệt, gồm: công trình nhà ở bộ đội 1 tầng, diện tích 192m2; trạm chế biến tập trung 1 tầng, diện tích 246m2; chuồng nuôi gà đẻ diện tích 360m2; chuồng nuôi gà thịt 616m2; chuồng nuôi lợn nái 650m2; chuồng nuôi lợn thịt 644m2; nhà lưới trồng rau 1.000m2; giàn trồng bầu bí 3.000m2. Hoàn thành công trình hạ tầng gồm: sân đường nội bộ, hệ thống cung cấp điện, nước; bể biogas xử lý chất thải. Cùng với đó, mua sắm đồng bộ dụng cụ, trang bị phục vụ nuôi lợn, gà (hệ thống làm mát, lồng sắt, vách ngăn, máng ăn, máng uống nước, máy tách ép phân...); các trang thiết bị, dụng cụ trạm chế biến và kho lạnh. Tổng mức đầu tư 16,5 tỷ đồng.

Ngoài các hạng mục nêu trên, BTL Vùng 4 huy động trên 6.400 ngày công bộ đội và hơn 500 giờ máy ủi, máy xúc, xe tải (tương đương 1,8 tỷ đồng) san lấp mặt bằng tạo cốt nền tổng thể dự án và các hạng mục công trình phục vụ tham quan mô hình điểm. Cùng với đó, BTL Vùng ứng kinh phí trên 4,6 tỷ đồng, phối hợp với nhà thầu thuê 1.500 giờ máy ủi, máy múc san lấp 56.120m2 mặt bằng; làm trước 800m2 sân bê tông trong khuôn viên trạm chế biến,  nhà ở bộ đội; làm đường bê tông nội bộ trục dọc, trục ngang dài 750m, mặt đường rộng 4 ; đào đắp hồ điều hòa rộng 5.000m2; quy hoạch và trồng 800 cây chanh, 300 cây mít; trồng mới trên 2.000 cây bóng mát, cây ăn quả khác (xoài, dừa…) và trồng cây hàng rào…

Với hệ thống vườn, giàn, chuồng chăn nuôi mới xây dựng, tính đến hết tháng 8-2024, BTL Vùng 4 thu hoạch 9,6 tấn bí xanh, 3 tấn rau xanh cung cấp cho bộ đội đảo Trường Sa và đơn vị khối bờ. Duy trì nuôi 5.000 con gà thịt phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, trọng lượng bình quân đạt 1,4 kg/con; nuôi 3.800 con gà đẻ, cho thu hoạch trứng đạt tỷ lệ khoảng 63%, mỗi ngày thu khoảng 2.400 quả trứng. Đối với trạm chế biến tập trung, tổ chức hoạt động chế biến giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến đậu phụ, giò, chả… cung cấp cho bếp ăn cơ quan và đơn vị trực thuộc Vùng.

Để phát huy hiệu quả Đề án QN-21, thời gian tới, BTL Vùng 4 tổ chức chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới nâng cao hiệu quả hiệu suất lao động. Tiếp tục duy trì quy mô chăn nuôi gà thịt, gà đẻ đáp ứng nhu cầu thịt, trứng gia cầm cho các bếp ăn và trồng cây leo giàn, trồng rau trong nhà lưới như hiện nay. Tổ chức duy trì chăn nuôi 100 con lợn nái đáp ứng nhu cầu con giống cho khu TGSX tập trung và cung ứng một phần cho các đơn vị trong Vùng với chất lượng tốt, giá ổn định, thấp hơn trường từ 10 - 15%. Chăn nuôi 500 con lợn thịt/lứa đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho đảo Trường Sa 4 đợt/năm (mỗi đợt từ 100 - 150 con lợn thịt); triển khai giết mổ, dự trữ thực phẩm đông lạnh tại kho, cung cấp thịt lợn cho các đơn vị còn lại trong Vùng. Triển khai hoạt động hiệu quả chế biến tập trung, giết mổ gia súc, gia cầm, cung cấp thực phẩm cho bếp ăn các đơn vị trong Vùng và cấp thực phẩm đông lạnh cho các đơn vị khối đảo. Đầu tư phát triển đàn bò thịt theo hướng nuôi nhốt, trồng cỏ tạo thức ăn cho gia súc, hoàn thiện mô hình TGSX tập trung của Vùng. Phát huy hiệu quả hệ thống vườn rau trong nhà lưới, giàn trồng bầu bí nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm rau xanh cho các đơn vị khối cơ quan Vùng và cho các đảo trên Quần đảo Trường Sa. Từng bước đầu tư phát triển chăn nuôi bò, vịt… giúp đa dạng sản phẩm TGSX, chế biến. Duy trì trồng trọt theo quy mô dự án, phát huy tiềm năng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo toàn vốn đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả Đề án, đề nghị cấp trên tiếp tục quan tâm bổ sung kinh phí đã ứng trước và xây dựng hoàn thiện một số hạng mục công trình như: khuôn viên cảnh quan, ao cá, vườn cây ăn quả, hoàn chỉnh hệ thống bảng, biển chính quy, xây dựng tường bao, cổng gác, hệ thống thoát nước mặt, chuồng chăn nuôi bò, vịt; quy hoạch và trồng cỏ nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi... Đề nghị Bộ Quốc phòng ban hành biên chế chính thức lực lượng chuyên trách để phát huy năng lực, kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả TGSX, CB, chủ động thực phẩm tại chỗ an toàn.

Có thể khẳng định, Đề án “QN-21” là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, khắc phục tình trạng tổ chức TGSX, CB nhỏ lẻ, thủ công, chất lượng, hiệu quả thấp, dễ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Trong chuyến công tác kiểm tra BTL Vùng 4 đầu tháng 8/2024, đồng chí Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao kết quả thực hiện Đề án QN-21 của Vùng 4. Đây là động lực quan trọng để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Vùng 4 vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đại tá NGUYỄN TRUNG QUẢNG, Phó chủ nhiệm HC - KT Vùng 4 Hải quân