Theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH năm 2014, việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản được quy định như sau:
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động (NLĐ) có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định cho người sử dụng lao động. Trường hợp NLĐ đã thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH địa phương nơi cư trú.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ NLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định và nộp cho cơ quan BHXH. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ NLĐ thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ. Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ khi sinh con được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH năm 2014, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ (cả nữ quân nhân), bao gồm: Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật (lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con).
Trong trường hợp nào thì quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho quân nhân?
Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 85/2016/TT-LT-BQP-BYT-BTC ngày 20-6- 2016 hướng dẫn thực hiện BHYT đối với quân nhân và người làm công tác cơ yếu quy định quỹ BHXH đóng BHYT cho quân nhân khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang hưởng trợ cấp ốm đau vì mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành theo quy định của pháp luật về BHXH.
Trong trường hợp nào thì ngân sách Nhà nước không phải đóng BHYT cho quân nhân?
Khoản 5, Điều 3 Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT- BQP-BYT-BTC quy định ngân sách Nhà nước không phải đóng BHYT khi quân nhân được cử đi học tập, công tác tại nước ngoài. Thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại của cơ quan, tổ chức cử đi.
Mức đóng BHYT của quân nhân được quy định như thế nào?
Điều 4 và 5 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP quy định:
1. Ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ phần kinh phí đóng BHYT cho quân nhân.
2. Mức đóng BHYT hằng tháng (kể từ ngày 1-1-2016) như sau: Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ bằng 4,5% mức lương cơ sở.
3. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và thủ trưởng cơ quan có liên quan trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp.
BAN BIÊN TẬP