Ngày 24-9-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ – CP, trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN. Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng tham gia BHTN. Đối tượng được giảm 1% mức đóng BHTN (từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-9-2022) là người sử dụng lao động đang tham gia BHTN trước ngày 1-10-2021.

Như vậy, từ ngày 1-10-2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng BHTN. Mức đóng BHTN sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN.

* NLĐ thực hiện nghĩa vụ quân sự, có tham gia BHTN đủ 12 tháng trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp này có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Điều 49 Luật Việc làm quy định: NLĐ phải đáp ứng đủ các điều kiện về chấm dứt hợp đồng lao động, thời gian đóng BHTN trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định và không thuộc các trường hợp được nêu tại khoản 4 Điều 46 (trong đó có trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự).

Như vậy, NLĐ đáp ứng đủ điều kiện về thời gian tham gia BHTN trước khi chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không thuộc trường hợp được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

* Trường hợp quân nhân đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng có nguyện vọng khám ngoại trú ở Bệnh viện quân y 105, Tổng cục Hậu cần và không có giấy chuyển tuyến, như vậy có được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán không và để được thanh toán cần những thủ tục gì?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư số 46/2016/TT-BQP, Bệnh viện quân y 105, Tổng cục Hậu cần là bệnh viện hạng 1, tuyến tỉnh nên quỹ BHYT không chi trả chi phí khám ngoại trú trái tuyến. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 19 Thông tư số 46/2016/TT-BQP, trường hợp quân nhân đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở quân y KCB BHYT được đến KCB tại bất kỳ cơ sở KCB của Quân đội cùng tuyến hoặc tuyến dưới, nếu kèm theo giấy giới thiệu của đơn vị được xác định là đúng tuyến.

Để được quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, quân nhân cần xuất trình: Thẻ BHYT; Giấy tờ tùy thân có ảnh; Giấy giới thiệu của đơn vị.

*Quân nhân đi KCB theo yêu cầu có được quỹ KCB chi trả chi phí KCB không và được chi trả như thế nào?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015 của Chính phủ quy định, quân nhân KCB theo yêu cầu hoặc sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế xã hội hóa tại các cơ sở KCB thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định; phần chi phí KCB theo yêu cầu còn lại do quân nhân tự thanh toán với cơ sở KCB.

*Trường hợp quân nhân học tập hoặc công tác tại nước ngoài từ 01 - 03 tháng hay thời gian dài hơn có phải đóng BHYT trong thời gian đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài hay không?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Thông tư Liên tịch số 85/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 20/6/2016, hướng dẫn thực hiện BHYT đối với quân nhân và người làm công tác cơ yếu của Liên bộ Quốc phòng, Y tế, Tài chính; đối tượng là quân nhân khi được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT. Thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại của cơ quan, tổ chức cử đi.

Ban Biên tập