Lực lượng trực phòng cháy chữa cháy tại các kho rất mỏng, thường chỉ được biên chế từ 2-3 người. Nếu xảy ra sự cố cháy, nổ lớn, việc dập tắt đám cháy trong thời gian ngắn rất khó khăn. Nếu thời gian chữa cháy kéo dài, có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu của Viện Kỹ thuật Xăng dầu Quân đội (Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần) do đồng chí Thiếu tá Ngụy Phan Thông làm trưởng nhóm đã nghiên cứu thành công Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động ứng dụng cho kho xăng dầu quân sự cấp chiến thuật”. Hệ thống chữa cháy tự động gồm 5 thành phần chính gồm:

Bộ phận cảm biến và hệ thống giám sát: Cảm biến nhiệt độ, cảm biến khói, cảm biến lửa và một số thiết bị giám sát để phát hiện sự xuất hiện lửa, khói, nhiệt độ cao hoặc nồng độ khí xăng ở mức nguy hiểm. Những cảm biến liên tục giám sát môi trường trong kho xăng dầu và chuyển tín hiệu đến hệ thống điều khiển.

Hệ thống báo động: Khi cảm biến phát hiện tín hiệu bất thường, hệ thống báo động sẽ tự động kích hoạt để cảnh báo sự cố cho nhân viên và cơ quan chức năng liên quan. Hệ thống báo động có thể bằng còi hú, đèn báo hoặc hệ thống cảnh báo trực tuyến.

Hệ thống chữa cháy tự động: Khi cảm biến xác định có nguy cơ cháy nổ, hệ thống sẽ kích hoạt các thiết bị chữa cháy tự động (như: hệ thống phun sprinkler hoặc hệ thống chữa cháy bằng bọt) phun chất chữa cháy vào khu vực có lửa, khói để dập tắt đám cháy.

Hệ thống cung cấp nước, bọt chữa cháy: Các loại bình chữa cháy, đường ống nước, máy bơm nước và thiết bị phân phối nước chữa cháy.

Hệ thống điều khiển và giám sát tự động: Toàn bộ hệ thống chữa cháy tự động trong kho xăng dầu được điều  khiển bởi   trung   tâm   điều   khiển   tự động. Hệ thống này cung cấp các chức năng tự động như kiểm tra thường xuyên, tự động bật, tắt, giám sát trạng thái hệ thống và lưu dữ liệu liên quan. Nếu phát hiện bất kỳ sự cố nào, hệ thống sẽ kích hoạt các biện pháp khắc phục và báo động đến cán bộ, nhân viên quản lý.

Nguyên lý hoạt động hoạt động của hệ thống báo cháy theo quy trình khép kín. Khi có hiện tượng cháy (ví dụ: nhiệt độ gia tăng đột ngột, có sự xuất hiện của khói hoặc các tia lửa), các thiết bị đầu vào (đầu báo, công tắc khẩn) nhận tín hiệu và truyền thông tin sự cố về trung tâm báo cháy. Tại đây trung tâm sẽ xử lý thông tin nhận được, xác định vị trí nơi xảy ra sự cháy thông qua các khu vực (đối với hệ thống báo cháy thường) hoặc thông qua địa chỉ (đối với hệ thống báo cháy địa chỉ) và truyền thông tin đến các thiết bị đầu ra (bảng hiển thị phụ, chuông, còi, đèn), các thiết bị này sẽ phát tín hiệu âm thanh, ánh sáng để người quản lý biết khu vực đang xảy ra sự cháy và xử lý kịp thời.

Đề tài được Hội đồng Khoa học/Cục Xăng dầu đánh giá có tính ứng dụng cao, phù hợp với kho xăng dầu cấp chiến thuật.

Thiếu tá NGỤY PHAN THÔNG,  Viện Kỹ thuật xăng dầu Quân đội