Sau khi nhận được thông báo tình hình thảm họa tại địa bàn của nước sở tại và nhận nhiệm vụ từ Trung tâm chỉ huy cứu trợ phía trước, Sở chỉ huy liên hợp (SCHLH) gồm 10 người, trong đó Việt Nam 05 người - Trung Quốc 05 người, là các cán bộ chỉ huy và quân y có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy cứu trợ thảm họa được thành lập, được trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến, thông tin liên lạc, bản đồ, sơ đồ và các trang thiết bị khác; có nhiệm vụ thực hiện các nội dung hiệp đồng chỉ huy ứng cứu khẩn cấp thảm họa sập đổ.
Sau khi nhận được lệnh của sở chỉ huy phía trước, thông tin từ các địa phương, SCHLH tiến hành họp thống nhất nội dung cứu trợ; tổ chức lực lượng trinh sát, kết hợp trinh sát hiện trường từ trên không. Thông tin cho biết đến thời điểm này còn hàng trăm nạn nhân đang bị mắc kẹt, vùi lấp tại hiện trường. Trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá tình hình, SCHLH thống nhất xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các tổ quân y hỗ trợ y tế mức 1 và BVDC thực hiện nhiệm vụ cứu trợ.
Nhận lệnh của SCHLH, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cùng với các phương tiện chuyên dụng nhanh chóng cơ động đến hiện trường, sử dụng máy khoan, cắt bê tông và các phương tiện chuyên dụng tiến hành đào bới, tìm kiếm, đưa nạn nhân ra khỏi khu vực sập đổ. Công tác cứu trợ diễn ra hết sức khẩn trương. Số lượng nạn nhân tìm thấy không ngừng tăng lên, cơ cấu thương tổn phức tạp, đa chấn thương, chấn thương sọ não, gãy chi thể, thủng bụng... được vận chuyển về Tổ hỗ trợ y tế mức 1 tiến hành băng vết thương, cố định tạm thời gãy xương, cầm máu tạm thời vết thương, xử trí một số nội dung cấp cứu tối khẩn cấp và nhanh chóng vận chuyển nạn nhân về BVDC.
Tại bãi phân loại và Khoa Khám bệnh BVDC, nạn nhân từ các nơi chuyển về dồn dập bằng nhiều phương tiện như xe cứu thương, xe tải, cáng bộ, người dân chở bằng xe máy… Các kíp phân loại khẩn trương tiến hành phân loại, nạn nhân có triệu chứng đe dọa tính mạng được ưu tiên thực hiện các biện pháp cấp cứu tối khẩn cấp hoặc chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu hoặc phòng mổ; các bệnh nhân khác có chỉ định chuyển tuyến sau được chuyển sang khu điều trị, hậu tống để chuẩn bị chuyển về tuyến sau. Tại đây, một bệnh nhân bị chấn thương vùng hàm mặt, tắc nghẽn, phù nề đường hô hấp trên được các y bác sĩ mở khí quản theo chỉ định để giải phóng đường thở, kịp thời cứu sống nạn nhân. Một nạn nhân bị gãy xương đùi trái có biểu hiện sốc chấn thương, được nhanh chóng chuyển vào Khoa Chống sốc, hồi sức cấp cứu. Một nạn nhân bị vết thương thấu bụng, lòi phủ tạng được chuyển vào phòng mổ để phẫu thuật. Một nạn nhân bị chấn thương sọ não, vết thương vùng đầu được chuyển vào Khoa Ngoại điều trị. Một số nạn nhân bị gãy xương, vết thương nhẹ, bị bỏng được chuyển vào các khoa chức năng của Bệnh viện…
Tại Khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Xét nghiệm, các y, bác sĩ đang tập trung tiến hành các xét nghiệm theo yêu cầu, như lấy máu xét nghiệm cho nạn nhân điều trị tại Khoa Nội truyền nhiễm, chụp X-Quang lồng ngực cho nạn nhân gãy xương cẳng tay; siêu âm tổng quát cho nạn nhân chấn thương bụng kín; xét nghiệm Real Time-PCR các mẫu từ các khoa chuyển đến. Khoa được trang bị 01 container xét nghiệm cơ động với máy xét nghiệm huyết học và sinh hóa hiện đại; 01 container X-Quang và siêu âm cơ động với máy X-Quang kỹ thuật số và máy siêu âm màu hiện đại, 01 xe xét nghiệm sinh học phân tử.
Hoạt động của Khoa Hồi sức cấp cứu - Gây mê cũng diễn ra hết sức khẩn trương nhằm cứu sống tính mạng nạn nhân. Một nạn nhân bị chấn thương ngực kín gãy xương sườn 3, 4, 5, 6 bên trái, xương sườn 4, 5, 6, 7 bên phải có tràn máu, tràn khí khoang màng phổi 2 bên, đang tiến hành dẫn lưu khí, dịch màng phổi, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở. Một nạn nhân bị hôn mê do chấn thương sọ não, dập não, xuất huyết não vùng thái dương bên phải đang được hồi sức tim, phổi, thở máy duy trì hô hấp. Một nạn nhân sốc chấn thương nặng do gãy kín 1/3 giữa xương đùi trái, ngừng tuần hoàn, được tiến hành sốc tim, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn. Các nạn nhân nặng đang được hồi sức tích cực, một số nạn nhân đã qua cơn nguy kịch.
Cùng thời điểm này, tại phòng mổ được bố trí trên container phẫu thuật có một nạn nhân bị vết thương sọ não chèn ép não, tăng áp lực nội sọ. Đây là trường hợp phải nhanh chóng triển khai phẫu thuật giải phóng chèn ép não để cứu sống và hạn chế tối đa di chứng sau này. Sau khi gây mê nội khí quản, kíp phẫu thuật tiến hành mở hộp sọ bằng khoan tay chuyên dụng để lấy máu tụ, giải phóng chèn ép não; sau đó nạn nhân được khâu treo màng cứng cầm máu. Hoạt động của kíp phẫu thuật được kết nối Telemedicine với Bệnh viện Trung ương Quân đội (BVTWQĐ) 108 để Hội đồng chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn kíp mổ thực hiện kỹ thuật cầm máu và lấy máu tụ sọ não.
Tại khu chuẩn bị nạn nhân trước mổ cũng đang có một nạn nhân chấn thương ổ bụng, nghi vỡ tạng được chuyển từ phòng khám vào. Nạn nhân được thăm khám, đánh giá ý thức, tình trạng sốc, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, thở ô-xy, dùng thuốc chống sốc tạm thời trước khi đưa vào phòng phẫu thuật để xử lý nguyên nhân. Tại xe phẫu thuật cơ động trong lúc này có nạn nhân bị vết thương thấu bụng, lòi phủ tạng, nguy cơ nhiễm trùng cao. Sau khi kiểm tra, các phẫu thuật viên chẩn đoán vết thương tổn thương ruột non phải phẫu thuật nối ruột bằng phương pháp tận - tận, kíp phẫu thuật vừa tiến hành ca mổ vừa xin ý kiến chỉ đạo chuyên môn của BVTWQĐ 108.
|
|
Ban Tổ chức tặng quà cho các cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập. |
Cùng với các khoa trong Bệnh viện, Khoa Ngoại đang thực hiện phẫu thuật cứu chữa bước đầu và cứu chữa cơ bản cho nạn nhân gãy xương, sai khớp, nội soi lấy dị vật trong tai của nạn nhân, bó bột cho nạn nhân bị gãy xương cẳng tay; hồi sức cho bệnh nhân chấn thương sọ não để chuẩn bị mổ… Khoa Nội - Truyền nhiễm điều trị nạn nhân mắc các bệnh nội khoa thông thường; nạn nhân mắc bệnh truyền nhiễm…
Trong quá trình cấp cứu, điều trị, BVDC Trung Quốc có bệnh nhân mất máu mức độ nặng, cần BVDC Việt Nam hỗ trợ máu và các chế phẩm của máu. BVDC Việt Nam đang cấp cứu nạn nhân sốc chấn thương do gãy kín 1/3 giữa xương đùi phải, ngừng tuần hoàn, cần trao đổi với bạn về phương án xử trí. Lực lượng quân y hai nước thực hiện hội chẩn tại hiện trường, thống nhất phương án xử trí cấp cứu, điều trị, vận chuyển nạn nhân. Sử dụng Telemedicine kết nối xin ý kiến chuyên môn của các chuyên gia từ các bệnh viện tuyến sau. Điều phối thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế giữa hai Bệnh viện theo đề nghị của mỗi bên.
Trong khi các BVDC đang triển khai thu dung cấp cứu, điều trị, tại xã X ở phía Đông Nam, cách thành phố xảy ra thảm họa 20 km, xuất hiện nhiều ca bệnh có triệu chứng đường tiêu hóa như: Tiêu chảy, buồn nôn, mất nước, một số nạn nhân xuất hiện hôn mê… Nhận được thông báo, Trung tâm chỉ huy cứu trợ phía trước lệnh cho SCHLH khẩn trương đưa tổ cơ động PCD, xe xét nghiệm, xe phòng chống vũ khí sinh học tới địa điểm có các nạn nhân triển khai điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm, tổ chức xét nghiệm và thực hiện các biện pháp hướng dẫn nhân dân PCD bệnh. Qua xét nghiệm nhanh, bước đầu nghi dịch bệnh tả, các bệnh nhân được chuyển gấp về BVDC.
Cùng với đó, Tổ cơ động phòng chống dịch (PCD) liên hợp tiến hành phong tỏa, khoanh vùng khu vực cách ly, tiêu tẩy toàn bộ khu vực có các nạn nhân; phối hợp với các lực lượng triển khai khử trùng, tẩy uế môi trường, nguồn nước. Tại khu vực BVDC, triển khai công tác điều trị, tăng cường công tác PCD, không để lây lan dịch bệnh vào bên trong bệnh viện; tổ chức phân luồng trong bệnh viện, triển khai khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân. Phun khử trùng phù hợp toàn bộ bệnh viện, các phương tiện, nạn nhân và các lực lượng khác ra vào bệnh viện, triển khai cách ly điều trị nạn nhân.
Sau 02 giờ, cuộc diễn tập kết thúc đúng theo kế hoạch đề ra. Phát biểu bế mạc diễn tập, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng - Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Diễn tập đánh giá: Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, khẩn trương, nghiêm túc; cuộc diễn tập Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ y tế giữa Quân y hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã thành công tốt đẹp, an toàn tuyệt đối, tạo nên sự gắn bó, giao lưu nhiều mặt, thiết thực, hiệu quả cao.
Qua diễn tập, đã kiểm chứng được khả năng điều phối các lực lượng tham gia cứu trợ thảm họa quốc tế; công tác phối hợp, hiệp đồng, bảo đảm của lực lượng quân y đi làm nhiệm vụ quốc tế với lực lượng y tế nước cùng tham gia và sở tại; thống nhất được quy trình tìm kiếm, cứu nạn, vận chuyển, thu dung, cấp cứu người bị thương, bị nạn về các cơ sở điều trị theo phân cấp, phạm vi, địa bàn; quy trình triển khai các bước, PCD bệnh nguy hiểm nhóm A và các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết phục vụ, bảo đảm cho công tác cứu trợ thảm họa, PCD bệnh nguy hiểm.
Kết quả cuộc diễn tập khẳng định sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hai nước; khả năng chuyên môn của quân y hai nước trong cứu trợ y tế, PCD bệnh và hỗ trợ nhân đạo; tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa các lực lượng tham gia diễn tập; qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quân đội, hai nước phát triển ổn định, bền vững, củng cố niềm tin của Nhân dân hai nước về một biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển lâu dài.
Nhận được yêu cầu hỗ trợ y tế của chính quyền nước bị thảm họa, Liên Hợp quốc thành lập hệ thống chỉ huy cứu trợ 3 cấp, bao gồm: Bộ Chỉ huy cứu trợ chỉ huy tổng thể công tác cứu trợ. Trung tâm chỉ huy cứu trợ phía trước do Chính phủ nước bị thảm họa thành lập có nhiệm vụ nhận chỉ lệnh cứu trợ của Liên Hợp quốc; điều hành hoạt động, chỉ huy các lực lượng cứu trợ của các nước. SCHLH chỉ huy, điều hành hoạt động cứu trợ y tế của đội y tế hai nước. Cuộc Diễn tập này tập trung vào phần thực binh “Hoạt động của SCHLH quân y liên hợp; tổ chức tìm kiếm, cứu chữa, vận chuyển nạn nhân bị thương, bị nạn hàng loạt trong thảm họa động đất; phối hợp tổ chức PCD”. |
Bài, ảnh: Đại tá Nguyễn Hồng Quang, Bộ Tham mưu Hậu cần