Câu chuyện về Thượng tá Phạm Văn Bồi, Trưởng ban Quân y Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố Cần Thơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân - dân y thành phố Cần Thơ là một trong những người như thế.

Thượng tá Phạm Văn Bồi nhập ngũ tháng 3-1986, hơn 35 năm trưởng thành trong quân ngũ, nhưng chưa bao giờ người bác sĩ quân y này lại thực hiện nhiệm vụ đặc biệt như thế. Hơn một năm qua, thời gian anh được ở nhà cùng với gia đình là chuyện hiếm hoi... Bởi, cứ sau mỗi đợt phục vụ cách ly công dân 14 ngày (nay là 21 ngày) thì anh cũng như các cán bộ, chiến sĩ tiếp tục thực hiện tự cách ly thêm bằng đó thời gian. Nếu như trong đợt cách ly có trường hợp bị nhiễm Covid-19, thì thời gian các anh phải bị cách ly sẽ dài thêm.

Chị Nguyễn Bé Tuyền (vợ Thượng tá Phạm Văn Bồi) tâm sự: “Chỉ có thể tranh thủ những giây phút hiếm hoi buổi tối, chúng tôi mới hỏi thăm nhau qua điện thoại. Thời gian đầu ông xã tình nguyện phục vụ trong khu cách ly, mẹ con tôi ở nhà rất lo lắng, nhưng dần dần hiểu được tính chất công việc và nhiệm vụ của anh là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân nên mọi người trong gia đình lại tự động viên nhau. Gia đình vừa là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc cho anh quyết tâm cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh”.

leftcenterrightdel
 Thượng tá Phạm Văn Bồi.

Kể từ khi dịch Covid -19 bùng phát cuối tháng 02/2020 đến nay, tại 02 điểm cách ly tập trung công dân của Bộ CHQS thành phố Cần Thơ đã thực hiện 17 đợt tiếp nhận với gần 4.000 người dân Việt Nam và nước ngoài về nước, trong đó có 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Điều đáng nói là, Thượng tá Phạm Văn Bồi là người tiếp xúc đầu tiên với các ca dương tính. Sau thời gian điều trị tại các bệnh viện, 32 ca mắc đều được chữa khỏi, không để lây lan ra cộng đồng.

Thượng tá Phạm Văn Bồi tâm sự: “Tôi được cấp trên giao phụ trách Khu cách ly số 1 tại Trung đoàn 932 (Bộ CHQS thành phố Cần Thơ). Ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên xuất hiện vào tháng 3/2020, lúc đó, tôi rất lo lắng vì lần đầu đối diện với người bị mắc dịch bệnh phức tạp như thế. Khi các công dân về đây cách ly, tôi là người trực tiếp khám sàng lọc, cùng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Nếu có ca nhiễm thì tổ chức đưa bệnh nhân về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của thành phố để điều trị theo phác đồ. Chỉ cần sơ suất một chút là có thể nhiễm bệnh, lây cho gia đình, người thân, cũng như đồng đội. Nhưng nhờ được tập huấn, cùng với những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh nên tôi luôn tự tin trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng đội.”.

Một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất tại Khu cách ly tập trung của Trung đoàn 932 vào tháng 5/2020 là câu chuyện của chị Trần Thị Tường Vân (Thành phố Hồ Chí Minh). Trong tổng số gần 200 công dân trở về từ Singapore đợt đó, chị Vân là trường hợp đặc biệt vì khi đó chị đang mang thai gần đến ngày sinh. Chỉ đúng một ngày sau khi ổn định tại Khu cách ly, chị Vân đã chuyển dạ. Trước tình huống hy hữu này, Thượng tá Phạm Văn Bồi cùng kíp trực y tế đã nhanh chóng đưa chị Vân đến Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ. Sau khi hội chẩn, chị Vân được chỉ định và thực hiện phẫu thuật lấy thai cấp cứu ngay tại phòng cách ly của Bệnh viện. Sau khoảng 40 phút, chị sinh một bé trai nặng gần 3kg.

Ổn định sức khỏe tại Bệnh viện, mẹ con chị Vân tiếp tục trở lại Trung đoàn 932 cách ly y tế tập trung theo quy định. Tại đây, mẹ con chị được bố trí phòng riêng, được các y, bác sĩ theo dõi, thăm khám thường xuyên và hưởng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống khu cách ly chăm vợ con, anh Đỗ Huy Khánh (chồng chị Vân) xúc động, cho biết: “Vợ tôi mang thai 37 tuần 4 ngày, nhưng bị kẹt chuyến bay bên Singapore cùng với hai đứa con nhỏ không thể về Việt Nam được, tôi rất lo lắng không biết làm cách nào. Được về nước là niềm mong mỏi của gia đình, nhưng đặc biệt hơn trong thời gian cách ly tại Trung đoàn 932, vợ con tôi được bác sĩ Bồi và cán bộ, chiến sĩ chăm lo, phục vụ chu đáo, tận tình. Tôi mãi biết ơn công lao này”.

leftcenterrightdel
Thượng tá Phạm Văn Bồi (bên trái ngoài cùng) thăm hỏi gia đình chị Trần Thị Tường Vân tại khu cách ly. 

Với tinh thần vì Nhân dân phục vụ, Thượng tá Phạm Văn Bồi chưa một lần sao lãng việc chăm sóc sức khỏe cho công dân. Anh luôn chủ động, tích cực phục vụ tận tình, chu đáo, lắng nghe, hỗ trợ, động viên, chia sẻ kịp thời cùng người dân. Với nhiều người khoảng thời gian cách ly là được sống trong sự chăm sóc ân cần, gần gũi của những người lính Cụ Hồ. Bà Lê Thị Ngọc Duyên (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi bị bệnh hiểm nghèo nên khi về khu cách ly được ưu tiên nhiều thứ. Hằng ngày, tôi được bác sĩ Bồi và nhân viên y tế thăm khám, hướng dẫn uống thuốc, bảo đảm ăn uống chu đáo nên sức khoẻ ngày càng được cải thiện”. Còn bà Bùi Thị Lụa (tỉnh Hải Dương) vui vẻ nói: “Trong khu cách ly có nhiều người già, trẻ em, phụ nữ có thai… nên cũng không tránh khỏi các yếu tố về tâm lý. Mỗi khi đau bụng hoặc nhức đầu, chóng mặt, chúng tôi gọi điện bất kể giờ giấc buổi trưa hay đêm tối, bác sĩ Bồi đều có mặt ngay để kịp thời thăm khám, động viên”.

Chính những niềm vui và sự hài lòng của công dân tại khu cách ly là niềm tin, động lực để Thượng tá Phạm Văn Bồi cùng các cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS thành phố Cần Thơ nói riêng và lực lượng vũ trang Quân khu 9 nói chung đã và đang góp phần cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực không ngừng, năm 2020, Thượng tá Phạm Văn Bồi được Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tặng Bằng khen trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Bài, ảnh: QUANG ĐỨC