Một là, ở cương vị nào, Đại tướng cũng luôn quan tâm, thống nhất trong Thường vụ, Đảng ủy chỉ đạo các mặt công tác bảo đảm cho hạ quyết tâm, tác chiến, chiến đấu giành thắng lợi.

Năm 1945, sau khi ra tù, đồng chí về hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng ở Quảng Bình. Được giao chức vụ Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy các trung, sư đoàn, hoạt động ở địa bàn vô cùng khó khăn, ác liệt, đồng chí đã cùng cấp ủy, chỉ huy, lãnh đạo các đơn vị vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1960, khi được phân công giữ chức Phó Chính ủy Quân khu 4, Ủy viên Quân khu ủy Quân khu 4, đồng chí đã cùng tập thể Quân khu ủy luôn nắm vững tiềm năng kinh tế - quốc phòng của các tỉnh trên địa bàn, khả năng huy động nhân lực, vật lực, vận dụng địa hình các vùng, miền phục vụ phòng thủ đất nước.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội thảo Khoa học về Đại tướng Đoàn Khuê tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị (tháng 10-2023). Ảnh CTV 

 

Từ năm 1963 - 1983, trên cương vị Phó Chính ủy, rồi Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5, đồng chí luôn coi trọng, đánh giá đúng vai trò của công tác hậu cần; đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu cần Quân khu, củng cố đoàn hành lang vận tải, lập kho dự trữ ở các địa phương; củng cố Hội đồng chi viện tiền phương các cấp; chỉ đạo phát triển các cơ sở điều trị, xây dựng mạng lưới quân dân y kết hợp, phát triển các phân đội quân y cơ động, các binh trạm vận tải... Hậu cần Quân khu đã bảo đảm tốt cho các lực lượng vũ trang trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm1975. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Quân khu tập trung xây dựng, phát triển vùng kinh tế Tây Nguyên và giải quyết tốt vấn đề Fulrô. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam (tháng 4-1977 - tháng 1-1979), thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Quân khu triển khai lực lượng đánh địch bảo vệ biên giới, chỉ đạo hậu cần triển khai các căn cứ, kết hợp với hậu cần địa phương bảo đảm cho tác chiến giành thắng lợi.

Năm 1983, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719,

Phó Trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn ở Campuchia. Cuối năm 1986, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo đoàn chuyên gia giúp Campuchia. Đồng chí đã cùng tập thể Bộ Tư lệnh 719 lãnh đạo, chỉ đạo hậu cần tiếp nhận vật chất, tổ chức tăng gia sản xuất, cải tiến phương thức bảo đảm, khắc phục khó khăn, thiếu thốn, ổn định mức sống bộ đội, góp phần quan trọng để Quân đội hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ quốc tế.

Hai là, trong chỉ huy, chỉ đạo để đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước.

Những năm đầu thời kỳ đổi mới, việc cung ứng của Nhà nước và các địa phương cho Quân đội nhìn chung vẫn hạn chế. Để phù hợp với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước, với vai trò là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã phối hợp cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) chỉ đạo đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần: Từ bảo đảm chủ yếu bằng hiện vật chuyển sang bảo đảm bằng tiền, kết hợp bằng hiện vật, phân cấp cho các đơn vị tạo nguồn theo khu vực, thông qua việc ban hành Quyết định số 57/QĐ-QP và Quy định số 58/QĐ-QP ngày 24-2-1990. Qua đó, đã huy động, khai thác các mặt hàng tại chỗ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, chất lượng tốt, bộ đội được sử dụng lương thực, thực phẩm tươi sống; giảm khâu tiếp nhận, cấp phát trung gian; giảm diện tích kho để bảo quản, cất giữ; giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp; tăng tính chủ động, linh hoạt cho cấp dưới.

Ba là, tham mưu với Đảng, Nhà nước và chỉ đạo mang tính bước ngoặt về xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 30-7-1987 của Bộ Chính trị về việc xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc; Chỉ thị số 56/CT ngày 11-3-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), đồng chí đã chủ trì, trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc diễn tập khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố trong cả nước; chỉ đạo Tổng cục Hậu cần tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch và chỉ đạo xây dựng các công trình hậu cần, trước tiên trên các hướng, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đặc biệt là ở Quần đảo Trường Sa. Đại tướng khẳng định “...thành quả nổi bật nhất của công tác quốc phòng, an ninh là việc thực hiện chủ trương xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc... Cho đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng được kế hoạch phòng thủ cơ bản và đã tiến hành diễn tập thực nghiệm các phương án tác chiến trong khu vực phòng thủ”. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng được Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo quyết liệt nên đã tạo ra tiềm lực tại chỗ cho phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, khả năng phòng thủ ở từng địa phương và phạm vi cả nước.

Bốn là, sâu sát, cụ thể, rất mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ.

Đại tướng vừa chỉ đạo chiến lược nhưng cũng luôn sâu sát, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác đơn vị nói chung và công tác hậu cần Quân đội nói riêng. Ngày 15/4/1989, đồng chí dẫn đầu đoàn công tác Bộ Quốc phòng đi kiểm tra toàn diện công tác bảo đảm cho các cụm đảo phía Bắc thuộc Quần đảo Trường Sa, đã chỉ thị trực tiếp cho Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần nghiên cứu phương án bảo đảm rau xanh cho bộ đội ở các đảo. Sau thời gian nghiên cứu, Tổng cục Hậu cần đã tìm ra phương án, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho chuyển đất, khay gỗ và hạt giống từ đất liền ra đảo để bộ đội tự sản xuất lấy rau xanh, cải thiện đời sống. Kết quả, trên tất cả các đảo, bộ đội đều có rau hoặc bầu bí ăn quanh năm, bình quân từ 30 - 40g rau xanh/người/ngày.

Về kết hợp quân dân y, Đại tướng nêu một cách khái quát về yêu cầu, nhiệm vụ của công tác kết hợp quân dân y: Tìm ra kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và Nhân dân trên các địa bàn đóng quân, với tinh thần hết sức tận tình và vô tư, đó cũng chính là mục tiêu của Quân đội ta. Công tác này đã góp phần tiếp tục hun đúc sự gắn bó giữa Quân đội với Nhân dân, quân dân một ý chí.

 Năm là, quan tâm chỉ đạo xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện.

Trong điều chỉnh chiến lược quân sự, Đại tướng rất quan tâm củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức hậu cần các cấp. Thực hiện chỉ đạo của Đại tướng, Tổng cục Hậu cần xây dựng, tham mưu, triển khai “Đề án chấn chỉnh kiện toàn tổ chức lực lượng cơ quan, cơ sở Tổng cục Hậu cần (1986 - 2000)”, sau các đợt điều chỉnh, đến năm 1990, cơ quan hậu cần chiến lược giảm được 42 đơn vị, với 3.745 người.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ hậu cần cũng được Đại tướng quan tâm đúng mức. Từ đầu năm 1986, nhiều cán bộ của Tổng cục Hậu cần và hậu cần các quân, binh chủng được cử đi đào tạo hoặc bổ túc ở các học viện, trường trong và ngoài Quân đội. Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, ngày 18/3/1987, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 86/CT giao nhiệm vụ đào tạo bậc sau đại học cho Học viện Hậu cần.

Đặc biệt, Đại tướng quan tâm chỉ đạo xây dựng chính quy, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Hậu cần khẩn trương xác định và trình mẫu, kiểu, màu sắc quân phục, cấp hiệu, phù hiệu, chất liệu, vật liệu, nhanh chóng sản xuất và cấp phát cho bộ đội.

Để phát huy truyền thống, động viên toàn Ngành thi đua tiến lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ, Tổng cục Hậu cần tham mưu với Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị số 214/CT-QP ngày 14-3-1995 về việc phát động phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Với mục tiêu, yêu cầu xuyên suốt, nội dung cụ thể, thiết thực, Phong trào được đông đảo cán bộ, chiến sĩ toàn quân nhiệt tình hưởng ứng, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, tiếp tục đưa những giá trị tư tưởng của Bác về công tác hậu cần vào cuộc sống trong điều kiện mới.

Nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê, là dịp ôn lại và khẳng định những quan điểm chỉ đạo của Đại tướng đối với Quân đội, với ngành Hậu cần Quân đội nói riêng có nhiều giá trị cả lý luận và thực tiễn, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển trong giai đoạn mới.

Kế thừa và vận dụng những quan điểm chỉ đạo của Đại tướng cùng với truyền thống qua 73 năm xây dựng, phục vụ chiến đấu, chiến đấu và trưởng thành, tin tưởng chắc chắn rằng, Ngành Hậu cần Quân đội sẽ tiếp tục nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng PHẠM MẠNH CƯỜNG, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần