Vì vậy, công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) ở QCHQ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Cơ quan hậu cần các cấp vừa phải bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ trong đất liền, trên đảo, nhà giàn DK1, vừa bảo đảm cho lực lượng cơ động làm nhiệm vụ TKCN và hỗ trợ ngư dân tránh trú bão. Trong khi đó, thực hiện nhiệm vụ PCTT, TKCN chủ yếu do lực lượng tại chỗ trên đất liền, trên đảo, nhà giàn đảm nhiệm…
Để bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi mặt hậu cần cho các đơn vị PCTT, TKCN, những năm qua, cơ quan hậu cần các cấp trong Quân chủng đã chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy triển khai thực hiện sớm nhiều biện pháp BĐHC, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống. Cụ thể là:
Hằng năm, ngay từ đầu quý I, Cục Hậu cần hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị BĐHC, dự kiến các phương án bảo đảm sát với thực tiễn. Trên cơ sở đó, cơ quan hậu cần các cấp bám sát tình hình thực tế, nhiệm vụ đơn vị mình, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch BĐHC cho PCTT, TKCN phù hợp. Trong đó, thực hiện quan điểm tập trung bảo đảm cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu, đảo, nhà giàn dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, xăng dầu, nước ngọt...; ưu tiên bảo đảm cho các tàu xuất phát nhanh làm nhiệm vụ TKCN và linh hoạt trong quá trình bảo đảm.
Căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị tổ chức lực lượng hậu cần phù hợp, có lực lượng cơ động, lực lượng phục vụ bảo đảm sinh hoạt, quân y... Mỗi vùng Hải quân thành lập từ 01 - 02 tổ quân y phòng, chống bão lụt, thành phần gồm: 01 bác sĩ, 02 y sĩ, 01 lái xe cứu thương và 01 tổ phòng, chống dịch; mỗi trung, lữ đoàn thành lập 01 tổ quân y phòng, chống bão lụt để sẵn sàng bảo đảm khi có tình huống xảy ra.
Về bảo đảm vật chất hậu cần, các đơn vị thực hiện nghiêm quy định dự trữ trong mùa mưa bão, có phương án bảo đảm cho từng lực lượng, nhiệm vụ cụ thể. Đối với lực lượng tàu tránh bão dự trữ lương khô 3 ngày ăn; lương thực, thực phẩm 10 ngày ăn (trong đó có 7 ngày thực phẩm tươi); thuốc quân y 1-2 cơ số; túi PVC bảo quản vật chất... Đối với lực lượng làm nhiệm vụ cơ động TKCN dự trữ lương khô 3 ngày ăn; lương thực, thực phẩm 15 ngày ăn (trong đó, 10 ngày dự trữ thực phẩm tươi), túi PVC bảo quản vật chất; quần áo mưa, mũ cứng, dép nhựa...; thuốc quân y 1-2 cơ số. Về xăng dầu, nước ngọt dự trữ 01 cơ số cho các tàu tại bến trước khi xuất phát thực hiện nhiệm vụ TKCN. Đối với lực lượng trên đảo, nhà giàn và các lực lượng khác sử dụng lượng vật chất thường xuyên, lượng dự trữ cho nhiệm vụ đột xuất để bảo đảm.
Cùng với đó, các đơn vị thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình thời tiết để chủ động phân loại, sắp xếp, bao gói, bảo quản, bổ sung vật chất hậu cần tại kho; các đảo, nhà giàn sẵn sàng phương án di chuyển người, vật chất đến vị trí an toàn. Chủ động chằng buộc mái nhà, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống cung cấp điện; chặt tỉa cành cây, khơi thông hệ thống thoát nước, chống ngập úng, thu hoạch sản phẩm tăng gia trước khi bão đổ bộ vào khu vực đóng quân. Sau mưa bão, nhanh chóng khắc phục hậu quả, củng cố doanh trại, ổn định đời sống bộ đội.
Do làm tốt công tác chuẩn bị, những năm gần đây, các đơn vị trong Quân chủng đã chủ động bảo đảm mọi nhu cầu về hậu cần, nhất là xăng dầu, nước ngọt, quân y, lương thực, thực phẩm... cho các lực lượng tham gia PCTT, TKCN. Điển hình là, năm 2020, Bộ Tư lệnh Vùng 3 ngoài việc chủ động bảo đảm tốt vật chất, trang bị hậu cần cho đơn vị PCTT còn di chuyển an toàn trên 1.600 m3 xăng dầu cho Quân khu 5 ra khỏi vùng ngập úng do cơn bão số 7 gây ra. Bộ Tư lệnh Vùng 4 bảo đảm tốt mọi mặt hậu cần cho đơn vị và lực lượng tham gia tìm kiếm ngư dân mất tích trên biển trong cơn bão số 9. Năm 2021, trong cơn bão số 9 (bão Rai) với sức gió mạnh, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-185 km/giờ), giật trên cấp 17. Trước khi bão đổ bộ vào địa bàn đóng quân 5 ngày, Cục Hậu cần Quân chủng chỉ đạo cơ quan hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng 4, Lữ đoàn 146, các đảo nhanh chóng làm tốt chuẩn bị BĐHC cho nhiệm vụ PCTT, TKCN nên đảm bảo an toàn tuyệt đối về người. Tuy nhiên, trước sự tàn phá của cơn bão số 9, ảnh hưởng trực tiếp đến đảo Song Tử Tây đã làm sạt lở hệ thống hầm hào, tốc mái nhà, vỡ kính, gãy đổ trên 90% cây xanh, nhà lưới trồng rau trên đảo… thiệt hại gần chục tỷ đồng. Song được sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan Bộ Quốc phòng, QCHQ, các đơn vị đã thực hiện kịp thời biện pháp khắc phục hậu quả sau bão, sớm ổn định sinh hoạt cho bộ đội và Nhân dân trên đảo. Tính đến đầu năm 2022, các đảo trên Quần đảo Trường Sa đã khắc phục trên 60% cây gãy đổ; trồng mới 9.420 cây xanh (8.450 cây phi lao, 450 cây tra biển, 520 cây mủ chôm); ươm tại đảo 11.828 cây giống, trong đó có 142 cây ăn quả; sửa chữa, lắp đặt toàn bộ kính vỡ trên mái nhà; dán ngói cho gần 100% mái nhà bị hư hỏng; vận chuyển 450 m3 cát, sỏi; khơi thông 700 m giao thông hào…, các hoạt động trên đảo đã trở lại bình thường.
Thời gian tới, dự báo tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, để bảo đảm tốt mọi mặt hậu cần cho nhiệm vụ PCTT, TKCN, Quân chủng xác định làm tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, tăng cường công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về Pháp lệnh phòng, chống lụt bão; Kế hoạch PCTT, TKCN của các cấp giúp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ PCTT, TKCN, nhất là phòng, chống bão mạnh, siêu bão. Xác định đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, nên lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan hậu cần các cấp chủ động khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các đơn vị kịp thời cụ thể hóa chủ trương, kế hoạch PCTT, TKCN của cấp trên vào kế hoạch tổ chức thực hiện ở cấp mình cho phù hợp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, cấp chính quyền địa phương, tổ chức xã hội liên quan trong quá trình BĐHC cho PCTT, TKCN.
Hai là, hằng năm, các đơn vị, cơ quan hậu cần chủ động cập nhật, nắm chắc diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung kế hoạch PCTT, TKCN phù hợp với đặc thù cơ quan, đơn vị. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung kế hoạch PCTT, TKCN; có phương án bổ sung, thay thế trang bị hậu cần hư hỏng, xuống cấp không sử dụng được; duy trì số lượng, chất lượng dụng cụ, phương tiện, trang bị PCTT, TKCN theo quy định. Cơ quan hậu cần các cấp chủ động tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị các biện pháp huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện hậu cần trong PCTT, TKCN phù hợp với thực tế, hiệu quả cao trong từng tình huống. Tổ chức huấn luyện cứu hộ, cứu nạn cho bộ đội sát thực tế; tập trung huấn luyện kỹ thuật cấp cứu đuối nước, cứu vớt người bị nạn trên biển; tổ chức luyện tập, nâng cao khả năng cơ động bảo đảm cho lực lượng hậu cần các cấp trong thực hiện nhiệm vụ PCTT, TKCN.
Ba là, trước khi bão đổ bộ vào địa bàn đóng quân, các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực nghiệp vụ, chủ động cập nhật tình hình, hướng đi cơn bão để chủ động triển khai sớm các biện pháp, phương án di chuyển bộ đội, Nhân dân (đối với đơn vị trên đảo), vật chất, trang thiết bị hậu cần đến nơi an toàn; cố định trang bị, dụng cụ chứa đựng nhiên liệu, nước ngọt, thiết bị năng lượng sạch; tổ chức cố định mái nhà, chống tốc mái, sập nhà, công trình; thu hoạch sớm sản phẩm tăng gia sản xuất hạn chế thiệt hại… Nắm vững số lượng, chất lượng phương tiện, trang bị, vật chất hậu cần (tàu, xuồng, ô tô, nhà bạt, xăng dầu...) để chủ động bảo đảm kịp thời cho lực lượng tham gia làm nhiệm vụ cứu trợ, giúp đỡ Nhân dân. Tổ chức chỉ huy chặt chẽ, hiệp đồng cụ thể với các lực lượng liên quan sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT, TKCN. Cơ quan hậu cần đơn vị chủ động tham mưu với chỉ huy những phương án BĐHC cho tàu thuyền của đơn vị tránh bão, nhất là bảo đảm cho tàu thuyền ngư dân tại các âu tàu ở Trường Sa.
Bốn là, trong quá trình làm nhiệm vụ PCTT, TKCN, cơ quan hậu cần các cấp tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Tích cực, chủ động, linh hoạt phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục nhanh, trong đó lấy phòng, tránh là chính; cơ động nhanh, hiệp đồng chặt chẽ, cứu người trước, cứu vật chất sau. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng hậu cần tại chỗ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chỉ huy hậu cần chủ động, khẩn trương, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, sử dụng đồng bộ các biện pháp phù hợp trong từng tình huống cụ thể. Huy động mọi khả năng về người, phương tiện, trang bị, cơ sở vật chất ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản đơn vị.
Năm là, riêng đối với các đơn vị đóng quân trên các đảo, nhà giàn DK1, xác định trọng điểm là khi bão đổ bộ vào, dễ bị thiệt hại về người và tài sản, do đó, ngoài việc dự trữ đầy đủ vật chất hậu cần, lực lượng, phương tiện... còn luôn phải chủ động hơn các phương án, biện pháp ứng phó linh hoạt. Khi xây dựng các công trình doanh trại trên đảo, nhà giàn chú trọng đến yêu cầu kiên cố, bền, có thể chịu được tác động gió to, bão giằng, giật. Cơ quan Hậu cần Quân chủng tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, đề xuất sử dụng vật liệu xây dựng công trình có khả năng chịu mặn, bền, đẹp thích ứng với điều kiện khắc nghiệt trên biển, đảo và PCTT, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản do bão gây ra.
Sáu là, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia nhiệm vụ PCTT, TKCN; bảo đảm đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong PCTT, TKCN. Sau mỗi đợt mưa bão, cơ quan hậu cần các cấp nhanh chóng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, củng cố doanh trại, ổn định đời sống bộ đội, không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ thường xuyên. Tổ chức lực lượng quân y phối hợp với cơ sở y tế địa phương nơi đóng quân tham gia khắc phục hậu quả môi trường. Kiểm tra, bổ sung khôi phục lượng vật chất, dụng cụ, trang bị hậu cần đã sử dụng để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo.
Công tác BĐHC có vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ PCTT, TKCN, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Do vậy, rất cần được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành trong và ngoài Quân đội để ngành Hậu cần QCHQ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Đại tá NGUYỄN DUY THIỀU, Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân