Những năm gần đây, do yêu cầu và đổi mới chương trình đào tạo, cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy tại nhiều điểm do Bộ Quốc phòng tổ chức; một số đối tượng học viên phải đi thực tế đơn vị cơ sở để nghiên cứu nội dung huấn luyện… nên nhu cầu xăng dầu của Học viện tăng cao hơn trước. Trong khi đó, hạn mức xăng dầu trên cấp tuy có tăng, song còn hạn chế so với nhu cầu sử dụng. Mặt khác, giá xăng dầu trong nước liên tục biến động mạnh theo diễn biến của giá dầu thế giới. Đặc biệt là, thời điểm từ cuối tháng 02/2022, giá xăng dầu trong nước tăng tới gần 30% so với thời điểm đầu năm, do đó việc tạo nguồn xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống nhà kho xăng dầu của Học viện chật hẹp, gần khu dân cư, dễ xảy ra mất an toàn. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, bảo quản an toàn sẽ không bảo đảm đủ nhu cầu xăng dầu cho các nhiệm vụ.

Xác định công tác quản lý, sử dụng xăng dầu là một mặt công tác rất quan trọng, nhạy cảm, dễ xảy ra hiện tượng tiêu cực, thất thoát, mất an toàn. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xăng dầu. Đối với khâu tạo nguồn, Học viện thực hiện nghiêm các nguyên tắc quy định mua xăng dầu phân cấp phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Đồng thời bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ cấp trên tổ chức tiếp nhận xăng dầu theo đúng nguyên tắc, thủ tục.

Nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng xăng dầu, Học viện thực hiện kết hợp giữa giao chỉ tiêu hạn mức cho từng nhiệm vụ gắn với duy trì nghiêm quy chế sử dụng xăng xe. Đây là một trong nội dung chấm điểm thi đua công tác hậu cần, kỹ thuật (HC-KT) hằng tháng giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn Học viện. Ngay từ đầu năm, Ban Xăng dầu chủ động tham mưu với chỉ huy Phòng HC-KT để tham mưu với Ban Giám đốc phân bổ hạn mức xăng dầu theo từng nhóm nhiệm vụ. Theo đó, Học viện chia thành các nhóm nhiệm vụ như: huấn luyện đào tạo, nghiên cứu khoa học, hậu cần, công tác Đảng, công tác chính trị... Để có cơ sở phân bổ hạn mức xăng dầu đúng với nhu cầu nhiệm vụ, trước đó, các cơ quan, khoa giáo viên phải lập nhu cầu bảo đảm, sau đó gửi cơ quan nghiệp vụ thẩm định kỹ. Trên cơ sở đó, Ban Xăng dầu tổng hợp tổng nhu cầu trình Giám đốc Học viện phê duyệt kế hoạch phân bổ.

leftcenterrightdel
Ban Xăng dầu kiểm kê kho xăng thường xuyên. Ảnh: CTV 

Để quản lý chặt chẽ việc cấp phát xăng dầu, Học viện quy định trừ các trường hợp đột xuất, còn lại, từ cuối tuần trước, các đầu mối phân hộ xăng dầu phải gửi kế hoạch sử dụng xe làm nhiệm vụ tuần sau về Phòng HC-KT tổng hợp và báo cáo Ban Giám đốc bằng văn bản thông qua giao ban. Cùng với đó, Học viện quy định việc bảo đảm xăng dầu cho xe chỉ huy, xe đi công tác lẻ trên 500 km được mua xăng dầu bên ngoài, còn lại phải nhận tại kho. Trường hợp các cơ quan, khoa đã báo cáo kế hoạch sử dụng xe trong tuần, nhưng vì lý do nào đó không thực hiện được phải báo với Phòng HC-KT để tổng hợp, theo dõi. Hằng tháng, Ban Xăng dầu tổng hợp kết quả sử dụng của các đầu mối cơ quan, khoa giáo viên và số lượng xăng dầu thực tế trong kho sau kiểm kê, báo cáo trực tiếp Ban Giám đốc bằng văn bản. Cuối năm kế hoạch, trường hợp đầu mối phân hộ xăng dầu không sử dụng hết hạn mức phân bổ thì Phòng HC-KT báo cáo, đề xuất với Ban Giám đốc phương án điều chỉnh bổ sung cho nhiệm vụ khác phù hợp. Do làm tốt công tác quản lý, sử dụng hiệu quả, từ năm 2016 - 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Học viện luôn bảo đảm đủ nhu cầu xăng dầu cho các nhiệm vụ, không có hiện tượng tiêu cực, lãng phí, hao hụt quá quy định.

Nhằm bảo đảm an toàn trong tiếp nhận, bảo quản, cấp phát xăng dầu tại kho, Học viện luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác an toàn, được cụ thể bằng kế hoạch công tác, kế hoạch phòng, chống cháy nổ, sửa chữa... Thường xuyên duy trì đủ số lượng, tốt chất lượng trang thiết bị, dụng cụ phòng, chống cháy nổ (PCCN) cũng như hệ thống bảng biểu theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức huấn luyện, luyện tập phương án PCCN kho xăng dầu cho các lực lượng theo kế hoạch, phương án xác định. Điển hình, phối hợp chặt chẽ với Công an phòng cháy chữa cháy quận Hà Đông định kỳ 6 tháng tổ chức huấn luyện cho cán bộ, nhân viên kho và lực lượng nhân viên kỹ thuật. Nội dung tập trung luyện tập các phương án tình huống xảy ra cháy nổ; sử dụng các trang bị, phương tiện kỹ thuật xăng dầu; vận chuyển, sơ tán vật chất đến nơi an toàn; phương pháp phối hợp, hiệp đồng trong khi có tình huống cháy nổ…

Do kho xăng dầu được bố trí sát với khu dân cư, trong khi diện tích kho chật hẹp, công tác đảm bảo an toàn, PCCN, bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo an toàn lượng xăng dầu trong khi bảo quản, dự trữ, toàn bộ bể chứa, đường ống dẫn xăng dầu ra cây cấp phát được hạ ngầm; xây dựng tường rào xung quanh kho có độ cao phù hợp. Xung quanh kho được lắp đặt hệ thống camera kết nối với màn hình đặt tại phòng Trực ban của Phòng HC-KT để thường xuyên giám sát tình hình kho. Đồng thời, duy trì hệ thống máy phun nước tự động làm mát mái nhà, hạ nhiệt trong kho những ngày nhiệt độ ngoài trời cao. Cùng với trang bị đủ các thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy, kho xăng dầu được đầu tư xây dựng bể chứa hóa chất cùng với máy phun dạng bọt. Ngoài ra, Học viện còn làm tốt công tác dân vận với dân cư xung quanh tạo hành lang “bảo vệ mềm” cho kho xăng dầu.

Quá trình tiếp nhận, cấp phát, nhân viên xăng dầu chấp hành nghiêm quy định đảm bảo an toàn. Để hạn chế mùi hơi xăng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, kho xăng dầu được trang bị thiết bị nhập kín hồi hơi sử dụng khi nhập kho. Cây xăng cấp phát được trang bị thiết bị mới đảm bảo an toàn.

Thường xuyên tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống van, thiết bị công nghệ…, hạn chế hao hụt tự nhiên và xuống cấp chất lượng xăng dầu.

Với các biện pháp đồng bộ, những năm qua, Học viện Chính trị luôn bảo đảm tốt nhu cầu xăng dầu cho các nhiệm vụ, đảm bảo an toàn số lượng, không có hiện tượng tiêu cực, lãng phí, hao hụt quá quy định và cháy nổ xảy ra.

Thượng tá NGUYỄN AN NGỌC (Trưởng ban Xăng dầu Học viện Chính trị)