Xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ, các đơn vị trong BĐBP đóng quân phân tán, dọc theo địa hình đất nước, trải dài từ địa đầu Móng Cái tới mũi Cà Mau. Hầu hết các đơn vị đứng chân trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế-xã hội chậm phát triển, đường giao thông không thuận lợi nên việc khai thác, tạo nguồn xăng dầu gặp nhiều khó khăn... Trong hoàn cảnh đó, 5 năm gần đây, toàn lực lượng không những luôn sử dụng xăng dầu theo hạn mức được giao mà còn tiết kiệm 1.256m3 nhiên liệu, 259 tấn dầu mỡ, tổng giá trị gần 30 tỷ đồng. Kết quả trên có được nhờ toàn ngành Xăng dầu BĐBP đã quán triệt nghiêm túc quan điểm thực hành tiết kiệm, đồng thời triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp tích cực...

leftcenterrightdel
Kiểm tra công tác bảo quản tại kho xăng dầu Hải đoàn 28.

Trước hết, Phòng Xăng dầu-Vận tải đã tham mưu cho Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên xăng dầu các cấp ý thức tiết kiệm xăng dầu trong tất cả các khâu công tác. Ngay sau khi Bộ Quốc phòng giao hạn mức, Phòng chủ động tham mưu cho Thủ trưởng Cục Hậu cần báo cáo Bộ Tư lệnh xin chủ trương, định hướng lớn đối với các nội dung phân bổ xăng dầu. Khi lập dự trù kế hoạch bảo đảm hàng năm, Phòng hướng dẫn các ngành nghiệp vụ, các đơn vị xác định cụ thể những nội dung công việc cần sử dụng xăng dầu, các đơn vị ưu tiên, được giao nhiệm vụ tăng thêm... Trên cơ sở đó, tiến hành cân đối, lập kế hoạch phân bổ, báo cáo thông qua Hội đồng hạn mức xăng dầu Bộ Tư lệnh, trước khi trình Tư lệnh BĐBP giao chỉ tiêu hạn mức xăng dầu đến từng ngành, từng đơn vị. Quá trình phân bổ hạn mức, Phòng chỉ đạo các ngành, các đơn vị chủ động bám sát nhiệm vụ được giao, ưu tiên những đơn vị hoạt động trên các địa bàn khó khăn, các nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tế bảo đảm để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, loại trừ tiêu cực nảy sinh ngay từ cơ sở. Đáng chú ý là, bên cạnh nguồn ngân sách quốc phòng, các đơn vị tích cực khai thác xăng dầu từ nguồn kinh phí địa phương, kinh phí bảo vệ dầu khí… đưa vào sử dụng phục vụ cho nhiệm vụ đơn vị. Tính chung, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị đã khai thác được 8.878m3 nhiên liệu các loại.

Cùng với đó, 100% đơn vị BĐBP có quy chế sử dụng xăng dầu, xe máy và áp dụng triệt để trong đơn vị mình. Theo đó, mọi hoạt động có liên quan đến xăng dầu (trừ đột xuất) đều phải lập kế hoạch bảo đảm từ trước, thông qua chỉ huy đơn vị. Mỗi đầu xe, máy đều phải lập sổ theo dõi sử dụng xăng dầu. Xăng dầu bảo đảm cho từng chuyến xe, từng nhiệm vụ phải được chỉ huy cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để tiết kiệm xăng dầu, các đơn vị đều quy định rõ: Mỗi xe đi công tác phải kết hợp nhiều đoàn, nhiều người tham gia, kết hợp giải quyết nhiều nội dung công việc. Đối với cơ quan Bộ Tư lệnh, Phòng tham mưu cho chỉ huy Cục Hậu cần, thủ trưởng Bộ Tư lệnh ban hành quy chế sử dụng xe máy, kết hợp khoán hạn mức xăng dầu cho từng cơ quan với việc tổng hợp, báo cáo tình hình sử dụng xăng dầu hàng tháng, lũy kế của các cơ quan cho thủ trưởng Bộ Tư lệnh nắm, chỉ đạo. Trong vận tải tập trung, thực hiện lập kế hoạch vận chuyển theo quý; các mặt hàng vận chuyển cho đơn vị có nguồn gốc từ mua sắm tập trung phải được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh mới tổ chức vận chuyển. Nhờ đó, kết hợp lồng ghép được nhiều mặt hàng vận chuyển trên một chuyến công tác, nâng cao hệ số lợi dụng trọng tải, lợi dụng quãng đường, hạn chế việc vận chuyển các mặt hàng có thể mua sắm tại địa phương, đồng thời tiết kiệm đáng kể xăng dầu vận chuyển (năm 2019, lượng xăng dầu vận chuyển tập trung của Bộ Tư lệnh giảm 160m3).

Đặc biệt, chế độ thanh, quyết toán xăng dầu được duy trì thành nền nếp trong toàn lực lượng. Theo đó, hàng tháng, các ngành, các đơn vị phải đối chiếu số liệu sử dụng hạn mức với cơ quan xăng dầu cấp trên để có biện pháp cân đối, điều chỉnh. Các ngành nghiệp vụ thực hiện thanh toán theo tháng, quyết toán theo nhiệm vụ; việc thanh, quyết toán được thực hiện đến từng kế hoạch. Đối với cấp phân đội, việc thanh toán được áp dụng đến từng chuyến xe, giờ nổ máy, ki-lô-mét hoạt động, từng nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất... Phòng chủ động chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp giữa cơ quan xăng dầu và cơ quan kỹ thuật đơn vị trong việc bảo dưỡng, tu sửa; thường xuyên kiểm tra, kiểm định chất lượng phương tiện, xe máy; đề xuất với chỉ huy các đơn vị tăng cường sử dụng xe dùng nhiên liệu diesel; hạn chế lưu hành các loại phương tiện, xe máy cũ có lượng tiêu thụ xăng dầu vượt quá cao so với định mức…

Đáng chú ý là, thực hiện phương thức bảo đảm mới, những năm gần đây, Bộ Tư lệnh đều phân cấp 100% chỉ tiêu hạn mức bằng kinh phí được bảo đảm để các đầu mối đơn vị tự mua tại địa phương thông qua đấu thầu rộng rãi. Số còn lại nhận bằng hiện vật tại kho đơn vị, do Phòng Xăng dầu - Vận tải chịu trách nhiệm hợp đồng với các công ty xăng dầu, kết hợp với xe vận tải của đơn vị để vận chuyển bảo đảm; ưu tiên vận chuyển thẳng, không nhập về kho Bộ Tư lệnh để tiết kiệm xăng dầu vận chuyển. Để việc phân cấp thực hiện đúng quy định, định kỳ hằng quý, cơ quan xăng dầu đều kiểm tra việc sử dụng xăng dầu, ngân sách mua xăng dầu theo hạn mức phân cấp; lập nhu cầu tiếp nhận trong quý và theo tháng; kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng xăng dầu bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả trên tất cả các khâu, các nhiệm vụ, không để thất thoát, lãng phí...

Cùng với các biện pháp trên, để giữ vững chất lượng, giảm thiểu tối đa lượng xăng dầu hao hụt trong bảo quản, các đơn vị thường xuyên củng cố kho, trạm; mua sắm trang, thiết bị tiếp nhận, cấp phát mới, hiện đại. Những năm gần đây, các hải đoàn được ưu tiên xây mới kho trạm xăng dầu và được đầu tư trang bị đồng bộ hệ thống tiếp nhận, cấp phát hồi lưu. Hệ thống bể chứa tại 4 kho xăng dầu trực thuộc Cục Hậu cần đặt ở 4 khu vực trọng điểm (miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam) đều được chôn chìm hoặc nửa nổi, nửa chìm, có mái che nhằm bảo đảm an toàn và giảm thiểu tác động của nhiệt độ môi trường. Tất cả bồn, bể chứa xăng dầu ở các cấp thường xuyên được yêu cầu chứa đầy và sử dụng gọn theo từng bồn, bể; có đủ thiết bị an toàn và được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Xăng dầu, phương tiện kỹ thuật, vật tư dự trữ, bảo quản trong kho được phân lô, phân loại cụ thể, thống kê, đăng ký theo dõi đến từng chủng loại, năm sản xuất để tiện theo dõi, kiểm tra; kịp thời phát hiện những chủng loại hàng, lô hàng giảm chất lượng để có biện pháp khắc phục...

Có thể nói, dù gặp không ít khó khăn song các đơn vị trong BĐBP luôn động viên, khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, hướng vào phục vụ thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đó cũng chính là bài học kinh nghiệm để ngành Xăng dầu BĐBP tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.¨

Bài, ảnh: Trung tá NGUYỄN VĂN THỦY - Trưởng phòng Xăng dầu - Vận tải Bộ đội Biên phòng