Việt Nam là thành viên Liên hợp quốc, tham gia Công ước vũ khí hóa học, Công ước vũ khí sinh học, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và hầu hết các điều ước quốc tế về phòng, chống phổ biến VKHD hàng loạt. Để thực thi đầy đủ các nghĩa vụ về chống phổ biến, tài trợ phổ biến VKHD hàng loạt theo quy định của Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế về chống phổ biến VKHD hàng loạt, ngày 11-11-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến VKHD hàng loạt. Theo đó, Bộ Quốc phòng (BQP) là Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến VKHD hàng loạt, Binh chủng Hóa học là Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Binh chủng Hóa học đã chủ động tham mưu với Thủ trưởng BQP từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng, kiện toàn lực lượng phòng, chống phổ biến VKHD hàng loạt; ban hành nhiều loại văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện Nghị định số 81. Tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 27-3-2020 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 81. Bộ trưởng BQP ban hành Quyết định số 859/QĐ-BQP ngày 17-3-2020 quy định tổ chức và hoạt động của Cơ quan đầu mối quốc gia, Cơ quan thường trực; Quyết định số 1941/QĐ-BQP ngày 22-6-2020 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 81; Quyết định số 3511/QĐ-BQP ngày 6/10/2021 phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 81 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến VKHD hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025”.

Binh chủng Hóa học ra Quyết định số 2790/QĐ-BTL ngày 20-8-2020 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về phòng, chống phổ biến VKHD hàng loạt trong Binh chủng. Chỉ đạo các cơ quan hóa học toàn quân tham mưu với thủ trưởng đơn vị triển khai thực hiện Nghị định số 81. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về lĩnh vực phòng, chống phổ biến VKHD hàng loạt. Xây dựng và vận hành Cổng Thông tin điện tử của Cơ quan thường trực trên nền tảng Internet và mạng truyền số liệu quân sự. Phối hợp chặt chẽ với Vụ các Tổ chức quốc tế/Bộ Ngoại giao, Cục Hóa chất/Bộ Công thương, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân/Bộ Khoa học & Công nghệ thực hiện chức năng đại diện của BQP thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống phổ biến VKHD hàng loạt và các nội dung hợp tác quốc tế nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện, ứng phó các nguy cơ sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân. Cử cán bộ tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn quốc tế trực tuyến, trực tiếp về phòng, chống phổ biến và ứng phó VKHD hàng loạt do Tổ chức cấm vũ khí hóa học, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Liên minh châu Âu, Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên hợp quốc...  tổ chức. Đại diện BQP tham gia hoạt động của các Cơ quan quốc gia, Tổ công tác liên bộ trong lĩnh vực chống phổ biến, giải trừ quân bị VKHD hàng loạt...

leftcenterrightdel
Bộ đội Hóa học tiến hành tiêu độc cho lực lượng làm nhiệm vụ và người dân khu vực nhiễm phóng xạ trong diễn tập. Ảnh: CTV 

Binh chủng Hóa học đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do VKHD hàng loạt gây ra. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả do hoạt động phổ biến, tài trợ phổ biến VKHD hàng loạt, giảm thiểu rủi ro hoặc tác nhân nguy hiểm và tiến tới loại bỏ VKHD hàng loạt xảy ra trong thời bình, sẵn sàng ứng phó trong chiến tranh tương lai. Các tình huống trong diễn tập được xác định là hoạt động của các chủ thể phi nhà nước mua bán, chuyển giao, phổ biến kiến thức, tài trợ VKHD hàng loạt và các vật liệu, công nghệ liên quan hoặc hoạt động chống phá của các phần tử phản động, khủng bố sử dụng VKHD hàng loạt tự chế.

Với lực lượng, phương tiện được huấn luyện cơ bản, chính quy, chuyên nghiệp làm nòng cốt, Binh chủng Hóa học đã thiết lập sở chỉ huy, sẵn sàng cơ động lực lượng tổ chức quan trắc, trinh sát, khoanh vùng nhiễm, cứu hộ, sơ tán, tiêu độc, tẩy xạ, vệ sinh cho người, trang bị, phương tiện, hiện trường và khắc phục hậu quả. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng của bộ đội trước mắt và lâu dài do thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện tiếp xúc trực tiếp với tác nhân độc hại cao, thậm chí mang tính hủy diệt hàng loạt. Khi làm việc, bộ đội Hóa học phải mang đeo khí tài đặc chủng trong thời gian dài, cường độ hoạt động cao khiến cơ thể mất nước, sức khỏe giảm sút nhanh. Bên cạnh đó, bộ đội thường thực hiện nhiệm vụ xa vị trí đóng quân, phạm vi làm nhiệm vụ rộng, địa hình, loại hình hiện trường đa dạng, lực lượng tham gia lớn, số nạn nhân có thể nhiều, mức độ nhiễm độc đa dạng, phức tạp… Đây là những yếu tố tác động trực tiếp ảnh hưởng đến công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) thực hiện nhiệm vụ phòng, chống VKHD hàng loạt.

Nhận thức rõ đặc thù nhiệm vụ, ngành Hậu cần Binh chủng Hóa học kịp thời tham mưu với Đảng ủy, Thủ trưởng Binh chủng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện BĐHC theo hướng ưu tiên cho lực lượng trực tiếp ứng phó với tình huống phổ biến VKHD hàng loạt thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong đó, coi trọng làm tốt công tác dự trữ vật chất hậu cần ở các cấp, có thể bảo đảm nhanh cho bộ đội cơ động thực hiện nhiệm vụ. Đối với các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phương án BĐHC cụ thể, tỉ mỉ, sát với các tình huống, khu vực địa bàn được đảm nhiệm. Chủ động hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương và đơn vị bạn trên địa bàn phân công, sẵn sàng tổ chức bảo đảm kịp thời, đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn, giữ gìn sức khỏe bộ đội. Xây dựng nội dung huấn luyện hậu cần sát với thực tế nhiệm vụ, trọng tâm là công tác bảo đảm ăn uống và cứu chữa thương binh, nạn nhân.

Đối với công tác bảo đảm ăn, Cục Hậu cần chỉ đạo các đơn vị bảo đảm đủ tiêu chuẩn, cân đối chất dinh dưỡng, tiện sử dụng cho bộ đội khi thực hiện nhiệm vụ. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, tiền ăn mang theo khi làm nhiệm vụ; dự kiến các phương án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị bạn để bảo đảm ăn uống cho bộ đội chu đáo, an toàn. Vận dụng linh hoạt nhiều phương thức bảo đảm, phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị đứng chân gần hiện trường bảo đảm ăn uống (nếu hiện trường xa) hoặc tiếp tế thực phẩm, cơm nước từ đơn vị mang đến (nếu hiện trường gần).

Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa xe máy, phương tiện, luôn duy trì tình trạng kỹ thuật Kt=1, nhất là các phương tiện, trang bị đặc chủng và phương tiện vận chuyển bộ đội đến khu vực thực hiện nhiệm vụ. Bảo đảm đủ cơ số xăng dầu cho các phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện.

Cục Hậu cần Binh chủng chỉ đạo cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, hệ thống y tế địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp cấp cứu, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho lực lượng Quân đội và Nhân dân. Các đơn vị ưu tiên lựa chọn cán bộ, nhân viên quân y có bản lĩnh vững vàng, chuyên môn tốt, được tập huấn, luyện tập thành thạo các bước tiếp cận, sơ cứu, vận chuyển và cứu chữa thương binh. Tại các khu vực thực hiện nhiệm vụ, bố trí lực lượng quân y bám sát hoạt động của bộ đội, hiệp đồng chặt chẽ với các tuyến bệnh viện trong Quân đội và các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh sẵn sàng xử trí tình huống khi cần. Chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương tiện sẵn sàng cấp cứu, điều trị kịp thời khi bộ đội và Nhân dân bị nhiễm tác nhân độc hại. Đối với lực lượng bộ đội Hóa học chuyên trách và lực lượng quân y kết hợp với y tế địa phương thực hiện tốt quy trình cứu nạn, tẩy xạ, vệ sinh đúng chỉ định. Chuẩn bị tốt các phương án cấp cứu ban đầu cho nạn nhân nếu phát hiện nhiễm xạ, tiến hành phân loại, phân tuyến, xác định mức độ nhiễm xạ, đo mức nhiễm xạ, cấp phát thuốc chống phóng xạ, vận chuyển ra khỏi khu vực, tẩy xạ, vệ sinh nạn nhân, bàn giao cho bệnh viện tuyến trên theo quy định.

Đối với bộ đội sau thực hiện xong nhiệm vụ, tổ chức tẩy độc, vệ sinh, làm các xét nghiệm chỉ số nhiễm độc, một số chức năng sinh lý cơ bản, đánh giá tác động của hóa chất độc xạ đối với sức khỏe. Theo dõi, điều trị, tư vấn kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học giúp bộ đội nhanh chóng phục hồi sức khỏe, an tâm công tác và sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo.

Thời gian tới, Cục Hậu cần tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo, hoàn thiện phương thức BĐHC ở các cấp, đáp ứng yêu cầu bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi mặt hậu cần trong phòng, chống phổ biến VKHD hàng loạt (nếu xảy ra), góp phần giúp Binh chủng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá Phùng Quang Thương, Chủ nhiệm Hậu cần Binh chủng Hóa học