Sau khi Hiệp  định  Pari  được ký kết, tình hình cách mạng Việt Nam có nhiều bước phát triển thuận lợi, thế và lực của ta đã lớn mạnh vượt bậc. Để chuẩn bị cho thời cơ lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 24/10/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 142/QĐ-QP thành lập Quân đoàn 1 - Quân đoàn chủ lực dự bị cơ động đầu tiên của Quân đội ta. Đây cũng là Ngày truyền thống của Cục Hậu cần và ngành HCQĐ 1.

leftcenterrightdel
Đoàn kiểm tra Cục Hậu cần Quân đoàn 1 kiểm tra công tác vận tải tại đơn vị vận tải thuộc Sư đoàn 312. 

Ngay sau ngày thành lập, cùng với nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế, ngành HCQĐ đã bảo đảm tốt mọi mặt hậu cần, kỹ thuật cho Quân đoàn tiếp tục củng cố thế đứng chân trên các địa bàn chiến lược ở miền Bắc; tăng cường huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị các phương án tác chiến; phương án hành quân cơ động gấp đường dài... Do có sự chuẩn bị chu đáo, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ của hậu cần các cấp nên ngay sau khi nhận lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn, ngành Hậu cần đã bảo đảm cho toàn Quân đoàn cơ động hành quân vượt qua 1.700 km (chỉ trong 12 ngày đêm) vào vị trí tập kết ở Đồng Xoài (ngày 14/4/1975), sớm hơn 01 ngày theo quy định. Quân số tới đích đạt 98,1%; xe các loại 93,3%; pháo mặt đất 89,3%; pháo cao xạ 84,3%; mang theo 386 tấn đạn và các loại vật chất hậu cần khác, đảm bảo bí mật, an toàn, sẵn sàng bước vào chiến đấu. Sau hơn 10 ngày làm công tác chuẩn bị, đúng 17h00 ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Dựa vào thế trận đã bố trí sẵn và sự chi viện của hậu cần chiến lược, HCQĐ đã bảo đảm cho các đơn vị đánh chiếm các mục tiêu được giao vòng ngoài và thọc sâu vào Sài Gòn đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy… cùng với các cánh quân khác tiến vào Dinh Độc Lập, đập tan ổ đề kháng cuối cùng của địch. Toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn bị bắt và đầu hàng. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi trọn vẹn.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phần lớn các đơn vị thuộc Quân đoàn hành quân cơ động trở lại miền Bắc. Cùng với chấn chỉnh lực lượng, giai đoạn này, ngành HCQĐ tập trung xây dựng doanh trại, bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và tham gia lao động, sản xuất, làm kinh tế, góp phần bảo đảm tốt đời sống bộ đội và xây dựng đơn vị. Khi xảy ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 02/1979), mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song ngành HCQĐ vừa bảo đảm tốt hậu cần cho các đơn vị ở lại làm nhiệm phía sau, vừa bảo đảm hậu cần cho các đơn vị luân phiên lên chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cho đến ngày địch rút quân hoàn toàn ra khỏi biên giới.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ năm 1986 đến năm 2003, Quân đoàn có nhiều biến động lớn về biên chế, tổ chức, từ đơn vị đủ quân thành đơn vị rút gọn, có đơn vị rút gọn cả về tổ chức và biên chế. Trong khi đó yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, SSCĐ ngày càng cao; sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường gây nên những xáo trộn, khó khăn cho công tác hậu cần (CTHC)… Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, cùng với toàn quân, ngành HCQĐ cũng nhanh chóng chuyển đổi phương thức bảo đảm vật chất hậu cần từ bảo đảm bằng hiện vật sang tiền tệ hóa. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chế biến và làm kinh tế đúng pháp luật. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả được phổ biến, nhân rộng ở Quân đoàn và các đơn vị toàn quân. Tăng cường các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao hậu cần các cấp. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và các Phong trào thi đua (PTTĐ)  của  các  chuyên  ngành Hậu cần gắn với PTTĐ Quyết thắng và các PTTĐ, các cuộc vận động khác… góp phần nâng cao, hiệu quả CTHC, đời sống vật chất, tinh thần cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn được cải thiện đáng kể, nâng cao chất lượng và sức mạnh chiến đấu của Quân đoàn.

Trong 10 năm trở lại đây, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) ngày 25/10/2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, gắn với thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về “CTHC Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, trong điều kiện tổ chức, biên chế, nhiệm vụ của Quân đoàn cơ bản ổn định; được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ngân sách bảo đảm cho Quân đội và nhiệm vụ quốc phòng hằng năm được bổ sung nhất là về mua sắm trang thiết bị, xây dựng hệ thống sở chỉ huy các cấp, xây dựng doanh trại cơ bản cho cấp trung đoàn trở lên trong toàn quân chính quy, thống nhất. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Hậu cần khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực hậu cần, tài chính phục vụ cho  các  nhiệm vụ của các đơn vị trong Quân đoàn. Tuy nhiên, nhiệm vụ, CTHC cũng gặp không ít khó khăn, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; giá cả thị trường thường xuyên biến động và những tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường...

Song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên trực tiếp của Quân ủy Trung ương,  Bộ  Quốc  phòng;  Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân  đoàn;  sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, ngành HCQĐ đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu với cấp ủy, chỉ huy về CTHC; tích cực, chủ động hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung CTHC theo lộ trình, sát với tình hình nhiệm vụ của đơn vị, trong đó có nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước thời gian, vượt kế hoạch đề ra, tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc trên các mặt CTHC; tổ chức lực lượng hậu cần được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nhiều sáng tạo, hiệu quả và chính quy; phương thức bảo đảm vật chất hậu cần ngày càng được đổi mới gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội. Đã tham mưu ban hành và xây dựng quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt trọng yếu về CTHC như: Lao động, tăng gia sản xuất, bảo đảm đời sống bộ đội; đầu tư xây dựng cơ bản; phân bổ, quản lý sử dụng hạn mức xăng dầu; mua sắm trang thiết bị tài sản công, quản lý sử dụng kinh phí, tài chính; đất quốc phòng; công tác quản lý, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong CTHC. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong CTHC… Nhờ đó, CTHC có bước đột phá mạnh mẽ và phát triển, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên và đột xuất; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đoàn “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Phát huy truyền thống và kinh nghiệm qua 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới, ngành HCQĐ xác định tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Tiếp tục tuyên truyền truyền thống vẻ vang “Thần tốc - Quyết thắng” của Quân đoàn và truyền thống “Tích cực, chủ động, kịp thời, hiệu quả” của Ngành HCQĐ, nhằm giáo dục, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của bộ đội, không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Quán triệt sâu sắc hơn nữa đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh nghiên cứu, quy hoạch xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân, đáp ứng chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong đó, lấy hậu cần nhân dân rộng khắp là cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ làm nền tảng, hậu  cần chiến dịch, chiến lược làm nòng cốt; gắn hậu cần tại chỗ với hậu cần cơ động. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về CTHC Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Tham mưu và triển khai thực hiện Kế hoạch số 1228/KH-BQP của Bộ Quốc phòng về tổ chức biên chế đối với cơ quan HC-KT các cấp trong toàn Quân đoàn, nhanh chóng ổn định, nâng cao sức mạnh chiến đấu; nhất là đối với tổ chức các sư đoàn bộ binh đủ quân mạnh. Khẩn trương điều chỉnh, bổ sung, kiện toàn văn kiện HC, KT thường xuyên; tác chiến  (chiến  đấu)  các  cấp,  phù hợp với quyết tâm chiến đấu của đơn vị, nhất là Quyết tâm A, và các loại Kế hoạch A, A2, A3, A4... Tổ chức dự trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật cho SSCĐ và đột xuất... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số công tác HC, KT thường xuyên và tác chiến (chiến đấu).

Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm vật chất HC, KT, thực hiện phân cấp triệt để cho đơn vị, kết hợp với tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, mở rộng đấu thầu trong mua sắm, phù hợp với cơ chế quản lý tài chính. Tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, đột phá vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, những khâu yếu, mặt yếu; trong đó tập trung làm tốt công tác tạo nguồn, nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm, nhất là bảo đảm đời sống bộ đội, trang bị, phương tiện, vũ khí...

Triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng công tác huấn luyện HC, KT. Tăng cường huấn luyện, diễn tập nâng cao khả năng cơ động của cơ quan, đơn vị HC - KT và bảo đảm HC, KT theo các phương án, kế hoạch, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, nhất là bảo đảm HC, KT cho tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống chia cắt chiến lược; huấn luyện khai thác, sử dụng các trang bị, phương tiện kỹ thuật hậu cần hiện đại cho các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và coi trọng nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng HC, KT dự bị động viên.

Đẩy mạnh công tác tổng kết, nghiên cứu phát triển lý luận công tác HC, KT, phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, tổ chức biên chế, trang bị của Quân đoàn. Chú trọng nghiên cứu những vấn đề đặt ra đối với công tác HC, KT qua các cuộc xung đột quân sự trên thế giới gần đây, tình hình biển Đông; nhất là xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina để tham mưu, đề xuất về công tác HC, KT.

Tập trung xây dựng ngành HC - KT vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, ngày càng chính quy, hiện đại, đủ khả năng làm nòng cốt trong bảo đảm HC, KT khi có chiến tranh xảy ra. Qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Với những thành tích xuất sắc trong 50 năm qua, ngành HCQĐ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 08 Huân chương Chiến công  hạng  Nhì và hạng Ba; 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba... Hàng chục tập thể và hàng trăm cá nhân được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần tặng Cờ Thi đua, Bằng khen các loại…

 

 Đại tá LÊ BÁ THÀNH, Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1