Sau chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, Quân đội ta đã có 2 đại đội vận tải ô tô đầu tiên, gồm: Đại đội 200 và Đại đội 203 đóng quân tại làng Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Sau khi ân cần hỏi thăm sức khỏe và tình hình công tác cũng như sự đùm bọc của Nhân dân trong vùng, Bác đã căn dặn và yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ ngành Xe cần phải thực hành tiết kiệm, ra sức giữ gìn tài sản của Nhân dân như máu của chính mình.
Lời dạy đó đã trở thành phương châm chỉ đạo, khẩu hiệu hành động trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành Xe - Máy Quân đội từ khi thành lập đến nay. Từ đó, ngày 28-3 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Xe - Máy Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, hơn 78 năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật, ngành Xe - Máy đã thiết thực biến lời dạy của Bác thành Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” trong toàn quân, góp phần to lớn tạo nên sức mạnh của Quân đội ta hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
* “Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong Quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì mỗi chiến sĩ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”. Lời dạy trên được Bác viết trong Thư gửi Quân sự Tập san tháng 4-1948. Việc học, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải quán triệt quan điểm “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm”.
Bác nói về mục đích của học tập: “Học để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học”. Người cũng chỉ ra phương pháp học tập: “Học ở nhà trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học Nhân dân”. Quá trình lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm và đúc kết kiến thức từ thực tiễn.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn luyện trong Quân đội được đổi mới theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, cũng như yêu cầu tác chiến trong điều kiện sử dụng vũ khí công nghệ cao; chú trọng diễn tập hiệp đồng quân binh chủng, diễn tập cơ động và diễn tập khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới, nhất là tác chiến trên biển, đảo.
Xây dựng Quân đội nhân dân từng bước hiện đại đòi hỏi phải đồng bộ cả con người và vũ khí, trang bị. Trước hết phải nâng cao chất lượng tuyển quân và chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện để mỗi quân nhân, nhất là đội ngũ sĩ quan có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ kỹ, chiến thuật tốt, có tư duy đổi mới, nhạy bén, sáng tạo; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khoa học - công nghệ, ngoại ngữ, tin học ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ và ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, vững về bản lĩnh, giỏi về chuyên môn, phải thường xuyên học tập, học suốt đời, kiên quyết đấu tranh với bệnh tự mãn, lười học tập, rèn luyện.
Ban Biên tập (Lược trích "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" Do NXB Chính trị Sự thật xuất bản năm 2019)