Có được kết quả đó là do Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác hậu cần (CTHC); phát huy vai trò tham mưu, đề xuất, hướng dẫn tổ chức thực hiện của cơ quan hậu cần các cấp và động viên tinh thần tự giác của toàn thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), thực hành tiết kiệm đem lại hiệu quả thiết thực.
Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2011 - 2016, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, Thường vụ Đảng ủy Lữ đoàn nhận thấy, CTHC của đơn vị chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế hiện có, một số nội dung còn chung chung, dàn trải, hiệu quả chưa cao... Do vậy, để không ngừng cải thiện đời sống bộ đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của đơn vị, Thường vụ Đảng ủy yêu cầu Ngành Hậu cần Lữ đoàn phải nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC, trong đó tập trung vào nội dung đẩy mạnh TGSX đi đôi với thực hành tiết kiệm; cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TGSX, thực hành tiết kiệm; bổ sung nội dung này vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, nghị quyết chuyên đề, gắn với các phong trào thi đua để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Hằng quý, 6 tháng và cuối năm, đánh giá cụ thể những ưu khuyết điểm, nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục kịp thời. Lấy kết quả TGSX, thực hành tiết kiệm, nâng cao đời sống bộ đội làm tiêu chí trong bình xét thi đua khen thưởng, đánh giá tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy Lữ đoàn, Phòng Chính trị và Phòng Hậu cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ này với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, pano, áp phích, khẩu hiệu, gương người tốt, việc tốt, thi tìm hiểu Lời Bác Hồ dạy về CTHC…
Với chức năng là cơ quan tham mưu, nòng cốt trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Phòng Hậu cần tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch TGSX từng năm và dài hạn; quy hoạch lại một số khu vực chăn nuôi, trồng trọt, đảm bảo đồng bộ, theo hướng tập trung, bền vững, khép kín, cơ bản, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm. Các đơn vị đã tích cực phát huy nội lực, triệt để tận dụng, cải tạo đất đai, ao hồ, đẩy mạnh phát triển mô hình “5 cơ bản” (vườn, ao, chuồng, giàn và trạm chế biến cơ bản). Trong đó, kết hợp chặt chẽ giữa trồng trọt, chăn nuôi với chế biến; đẩy mạnh TGSX ở cấp tiểu đoàn gắn với bếp ăn tập trung, nhằm trực tiếp cải thiện bữa ăn của bộ đội. Thực hiện đa dạng vật nuôi, cây trồng; tích cực xen canh, gối vụ, nhằm tạo nguồn thực phẩm tại chỗ vững chắc, nhất là thời kỳ giáp vụ. Lữ đoàn đã phát huy nội lực đầu tư xây dựng khu TGSX tập trung, các vườn chuyên canh trồng các loại rau cao cấp, các loại củ, quả để dự trữ dài ngày; xây dựng hệ thống chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm đủ khả năng 2 - 3 người nuôi 1 con lợn thịt; mỗi bếp ăn tiểu đoàn, đại đội chỉ huy nuôi từ 5 - 7 con lợn nái, trại chăn nuôi tập trung từ 8 - 10 con, chính vì vậy, Lữ đoàn đã chủ động bảo đảm được 50 - 70% nhu cầu con giống.
Đồng thời, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư nguồn lực phát triển TGSX theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kết hợp với chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Hằng năm, Lữ đoàn đều tổ chức thi “TGSX thời kỳ giáp vụ”, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm giữa các đơn vị, góp phần đẩy mạnh hoạt động TGSX trong toàn Lữ đoàn. Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm chế biến tập trung, nhằm thực hiện khép kín từ TGSX, chế biến, đến sử dụng sản phẩm, bảo đảm cung cấp đủ thịt, giò, chả, đậu phụ cho các bếp ăn.
Một trong nét nổi bật của Lữ đoàn nói chung, CTHC nói riêng thời gian qua là đẩy mạnh và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cơ quan hậu cần đã phối hợp với cơ quan chính trị, tham mưu, kỹ thuật tích cực tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền, chống lãng phí và triển khai nhiều biện pháp để tiết kiệm ngân sách, vật tư, tài sản, thời gian, công sức. Kết hợp chặt chẽ bảo đảm với quản lý, duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ CTHC. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý, sử dụng ngân sách, xăng dầu, điện, nước, doanh cụ; đẩy mạnh dân chủ, công khai các tiêu chuẩn, chế độ, kết hợp giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, đầu mối đơn vị. Thực hiện nghiêm các khâu, các bước, từ lập dự toán đến chi tiêu, thanh quyết toán,… đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định và công khai, minh bạch. Phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp và các tổ chức quần chúng trong kiểm tra, giám sát các mặt công tác liên quan trực tiếp đến sử dụng, quản lý vật chất, kinh phí.
Động viên bộ đội tích cực, tự giác trong củng cố doanh trại, sửa chữa doanh cụ. Đẩy mạnh tự túc cây, con giống; hạn chế thải bỏ trong chế biến thực phẩm, tiết kiệm chất đốt trong nấu ăn; quy định thống nhất việc quản lý, sử dụng sản phẩm TGSX đưa vào bữa ăn với giá rẻ hơn giá thị trường. Ghép xe đi công tác, kết hợp vận chuyển hàng hai chiều, áp dụng các biện pháp giảm hao hụt trong cấp phát, chứa trữ, bảo quản. Thay thế thiết bị chiếu sáng có công suất lớn bằng thiết bị công suất thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo đủ ánh sáng... Nhờ đó, hằng năm, Lữ đoàn đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bộ đội.
Phát huy những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, để nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC, thời gian tới, Đảng ủy Lữ đoàn xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của bộ đội, đưa TGSX, thực hành tiết kiệm trở thành phong trào sâu rộng trong toàn Lữ đoàn. Coi đây là một nội dung, biện pháp quan trọng của phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và là trọng tâm trong thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW, giai đoạn 2021 - 2026, góp phần giữ ổn định và không ngừng cải thiện đời sống bộ đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu, đảm bảo cho Lữ đoàn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Từ năm 2016 đến nay, toàn Lữ đoàn đã tự túc được 100% nhu cầu rau xanh và thịt lợn. Giá các sản phẩm TGSX đưa vào bữa ăn luôn thấp hơn giá quy định và thị trường: thịt giảm 6 - 8%, cá giảm 10 - 12%, rau củ quả giảm 18 - 20%. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, bình quân hằng năm, rau xanh đạt 171kg/người, thịt xô lọc 72 kg/người, cá 42,3kg/người... Giá trị thu từ TGSX đạt 1,533 triệu đồng/người; đưa vào ăn thêm bình quân đạt 2.100đ/người/ngày. |
Đại tá LÊ ĐỨC HÒE, Chính ủy Lữ đoàn 45