Đến với nhân dân!
Chúng tôi đến BVQY 6 vào một ngày cuối năm. Tại phòng làm việc, Đại tá Trần Đức Hùng, Chính ủy Bệnh viện cho biết: BVQY 6 vừa tổ chức đoàn công tác gồm 30 cán bộ, nhân viên mang theo máy móc, phương tiện đến khám, cấp thuốc, hướng dẫn bà con chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng dịch tại xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Qua 2 ngày, đoàn công tác đã khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng quà cho 369 lượt người, tặng 24 chăn ấm cho các đối tượng chính sách đặc biệt với tổng số tiền lên tới gần 70 triệu đồng. Rút kinh nghiệm những đợt công tác trước, năm nay, Bệnh viện không cấp thuốc theo cơ số đóng sẵn, chỉ cấp theo đơn, tránh trường hợp nhiều người nhận thuốc về nhưng không sử dụng, rất lãng phí. Số tiền tiết kiệm được, Bệnh viện mua chăn ấm tặng các hộ gia đình chính sách đặc biệt khó khăn.
Bác sĩ BVQY 6 làm thủ tục khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con dân tộc xã Chiềng Pấc (Thuận Châu). Ảnh: CTV
Tính đến nay, các thầy thuốc Bệnh viện đã đến với hầu hết địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Sơn La. Mặc dù đường sá hiểm trở, đi lại khó khăn, có những điểm xe không vào được, phải hành quân bộ, song, các thầy thuốc vẫn không chùn bước. Mỗi khi gặp trở ngại, khó khăn, nghĩ đến cảnh bà con đồng bào dân tộc thiểu số cả đời chưa một lần nhìn thấy thầy thuốc đang chờ đợi mình, các anh lại thêm quyết tâm để vượt khó, về với đồng bào. Điều đáng phấn khởi là, mỗi năm, khi tuyển chọn lực lượng để thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, hầu hết các thầy thuốc, nhân viên trẻ của Bệnh viện đều hăng hái tham gia, trong đó, có những cán bộ nhiều năm liền xung phong đi bản.
Những kỷ niệm khó quên!
Từ những năm 2000, Trung tá Vũ Đình Khiêm, Phó giám đốc Kế hoạch đã xung phong theo các đoàn công tác để đến với đồng bào. Hầu hết các bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt của tỉnh đều đã ghi dấu chân anh. Mỗi lần đi làm nhiệm vụ với anh đều có những kỷ niệm không thể nào quên. Năm 2007, đoàn công tác của Bệnh viện đến khám, chữa bệnh tại xã Nậm Lệnh. Khi đoàn vừa vào đến trạm y tế xã, đang vận chuyển đồ xuống để triển khai các phòng khám thì thấy một người đàn ông cõng một phụ nữ đã bất tỉnh chạy tới. Gặp đoàn, người đàn ông chỉ lắp bắp bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Bộ đội cứu vợ tao với”. Anh và mọi người lập tức ngừng tay, chạy lại phía bệnh nhân. Sau khi kiểm tra nhanh, anh nhận định người phụ nữ bị ngộ độc lá ngón, nếu không được cấp cứu kịp thời, chắc chắn sẽ khó qua khỏi. Để cứu sống bệnh nhân, chỉ có cách duy nhất là rửa ruột. Song, các máy móc, thiết bị mang theo không đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật này. Sau khi hội ý, đoàn công tác quyết định dùng dây truyền dịch và xi lanh nhỏ bơm nước vào dạ dày kích thích bệnh nhân nôn. Sau vài phút nín thở chờ đợi, bệnh nhân đã nôn được ra và thoát chết trong gang tấc. Năm 2008, khi đang trên đường đi Chiềng Yên (Lóng Luông) để tiền trạm, khảo sát địa bàn khám chữa bệnh, cấp thuốc cho bà con, giữa đường, anh gặp một người đàn ông đi rừng bị cây gỗ lao vào chân, máu chảy xối xả. Lúc này, trên xe không có các phương tiện cấp cứu, anh bèn sử dụng dây rừng để ga-rô tạm thời vết thương, sau đó đưa lên xe chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Do được xử trí kịp thời nên bệnh nhân đã thoát chết.
Thầy thuốc BVQY6 khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: CTV
Nhắc đến tình cảm của bệnh nhân dành cho thầy thuốc Bệnh viện, anh Khiêm còn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện xúc động, ngay tại BVQY 6. Đơn cử như trường hợp chị Lường Thị Đoan, 42 tuổi, nhà ở xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, bị suy tim độ 3 hở hẹp van 2 lá. Nhà nghèo nên chị không dám xuống bệnh viện vì lo không đủ tiền để mua cơm ăn hàng ngày. Sau đó, do bệnh quá nặng, người nhà “liều” đưa chị vào BVQY 6. Không ngờ, tại đây, vừa được các bác sĩ cứu sống, chị còn được cấp miễn phí một số thuốc để duy trì điều trị những ngày sau đó. Ra viện, mắt chị rưng rưng lệ, cứ nắm chặt tay các bác sĩ mà chẳng muốn rời. Hay trường hợp cụ Hoàng Văn Du, xã Chiềng Bôm (Thuận Châu), năm nay đã hơn 90 tuổi. Khi bị ốm, phải nhập viện, cụ không có người thân, con cháu đi cùng để chăm nom. Bệnh viện đã đón cụ vào nằm điều trị miễn phí cả tháng trời. Khi ra viện, mặc dù đã chào bác sĩ mấy lần nhưng cụ vẫn lưu luyến không muốn cất bước.
Không chỉ đến với bà con để khám, chữa bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, vừa qua, BVQY 6 còn tích cực tham gia chương trình “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Năm 2014, các y, bác sỹ của Bệnh viện đã xuống bản Pùa, bản Giỏ, gần nơi đơn vị đứng chân để làm đường bê tông dẫn vào bản, tham gia phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh. Vừa lao động, các y bác sỹ vừa kết hợp tuyên truyền, vận động bà con dẹp bỏ các hủ tục, sống khoa học, hợp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh. Trong 10 năm (2005-2015), BVQY 6 đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 12.059 lượt người, với tổng số tiền trị giá 502 triệu đồng. Ngoài ra, còn tặng quà chăn, màn, áo ấm cho các đối tượng chính sách và người có công, tặng trang thiết bị y tế cho các xã, thôn bản với trị giá 213 triệu đồng. Hoạt động của Bệnh viện đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới; nâng cao nhận thức của người dân, giúp bà con ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ, thầy thuốc Bệnh viện, những năm gần đây, BVQY 6 liên tục được cấp trên tặng thưởng. Tiêu biểu là, năm 2016 được Quân khu 2 tặng Cờ đơn vị xuất sắc; năm 2015, được Cục Quân y tặng Bằng khen trong thực hiện Chương trình Kết hợp Quân-dân y giai đoạn 2005-2015. Đây là những phần thưởng quý báu, kịp thời động viên, khích lệ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện tiếp tục phấn đấu nâng cao y đức, y thuật, xứng đáng với sự tin yêu của bộ đội và nhân dân trên địa bàn.
VĂN CHIỂN