Đặc biệt, sự giúp đỡ của Liên Xô trong những thời điểm quan trọng đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp và chiến thắng của Quân đội ta, trong đó có chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12-1972.

Mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Liên Xô được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng từ rất sớm và đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Song, trong giai đoạn 1954 - 1964, do nhiều nguyên nhân, Liên Xô chỉ là “quan sát viên”. Sau chuyến thăm Việt Nam (tháng 2-1965) của Đoàn đại biểu cấp cao Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N. Kô-xư-gin dẫn đầu, quan hệ Việt - Xô đã sang trang mới. Liên Xô cam kết giúp đỡ Việt Nam toàn diện, cung cấp vũ khí cho ta chống lại sự tấn công bằng không lực của Mỹ. Tháng 4-1965, Bí thư thứ Nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Liên Xô, ký kết hiệp định về viện trợ quân sự. Ngày 10-7 và ngày 21-10-1965, hai nước ký thêm 2 thỏa thuận về viện trợ bổ sung. Trên tinh thần anh em tương trợ lẫn nhau và tình cảm quốc tế vô sản trong sáng, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam nhiều loại vũ khí hiện đại chuyển tới Việt Nam bằng đường sắt qua Trung Quốc và đường biển qua cảng Hải Phòng.

leftcenterrightdel
Các chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 257 nạp đạn tên lửa lên bệ phóng. Ảnh tư liệu 

Nhờ đó, từ tháng 3-1965, Quân đội ta được trang bị pháo cao xạ 37mm và 57mm. Tháng 7-1965, các tổ hợp tên lửa đất đối không SA - 75 Dvina (SAM2) có mặt tại Việt Nam. Năm 1965, Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam trị giá gần 200 triệu USD. Năm 1967, theo đề nghị của ta, Liên Xô chuyển gấp số khí tài quân sự, gồm: 1 trung đoàn MiG - 17 F (32 máy bay chiến đấu, 10 cơ số đạn, 5 cơ số bom); 1 trung đoàn MiG - 21 F13 (24 máy bay chiến đấu, 2 máy bay huấn luyện, 10 cơ số đạn, 480 quả tên lửa, 5 cơ số bom); 12 MiG - 17 F bổ sung cho tiêu hao; 1.500 quả tên lửa B - 750B, 75 quả tên lửa CA - 65M, 288 quả tên lửa CA - 75M; 02 bộ điều khiển tên lửa PCHA - 75M, 7 bệ phóng tên lửa, 1 trạm lưu động trung tu khí tài tên lửa phòng không SA - 75M, 150.000 viên đạn 57mm, 2,5 triệu viên đạn 12,7 mm, 1,5 triệu viên đạn 14,5 mm, 3 triệu viên đạn 37 mm và 2 trạm khí tượng, ra - đa pháo mặt đất, cao xạ... Năm 1968, Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam trị giá 357 triệu Rúp, chiếm 2/3 tổng toàn bộ viện trợ.

Từ năm 1965 - 1968, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 226.969 tấn hàng quân sự, trị giá 1.173 triệu Rúp và là nước viện trợ quân sự chủ yếu với trị giá lớn nhất. Trong đó, có nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại (MiG - 21, súng phòng không (PK) 23 mm, xe kéo pháo bánh xích, xe ô tô...). Từ năm 1969 - 1972, Liên Xô viện trợ 143.793 tấn hàng quân sự cho Việt Nam. Tính chung từ 1965 đến trước khi Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội (cuối tháng 12-1972), tổng giá trị viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là 1,579 tỷ USD (trung bình 2 triệu USD/ngày). Trong đó, có 5.000 khẩu pháo cao xạ và bệ đỡ, 158 tổ hợp tên lửa các loại, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, 100 tàu chiến, 2.056 xe tăng, 1.708 xe bọc thép, 7.000 khẩu súng và súng cối. Liên Xô còn giúp ta xây dựng 117 cơ sở quốc phòng.

Riêng tên lửa PK, Liên Xô trang bị cho ta chủ yếu từ 1965 - 1968. Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ hai (từ tháng 4 đến 12-1972), trước yêu cầu khẩn thiết của Việt Nam, Liên Xô nối lại viện trợ về tên lửa PK. Tháng 8/1972, chuyến tàu hỏa đầu tiên của Liên Xô quá cảnh Trung Quốc vào ga Đồng Đăng, mang theo 200 quả đạn tên lửa; đến tháng 12-1972, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam 1.000 quả đạn tên lửa, kịp thời bổ sung cho các đơn vị. Tính chung, từ 1965 - 1972, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam 95 tổ hợp SAM2 cùng với 7.658 quả đạn tên lửa, một số trung tâm huấn luyện tên lửa và một số trạm lưu động trung tu khí tài tên lửa PK.

Để phát huy hiệu quả vũ khí được viện trợ, Liên Xô đã giúp ta đào tạo nguồn nhân lực. Năm 1966 có 1.342 quân nhân Việt Nam học tập tại các trường quân sự Liên Xô; đến năm 1967, Bạn đào tạo cho ta 3.000 quân nhân. Liên Xô còn đề nghị gửi một số đơn vị PK sang bảo vệ khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Cân nhắc kỹ, Bộ Chính trị quyết nghị xin viện trợ vũ khí trang bị và đề nghị Liên Xô cử chuyên gia sang giúp ta. Chính phủ Liên Xô quyết định thành lập Đoàn chuyên gia quân sự gồm những quân nhân từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và chiến tranh Triều Tiên (1953), có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, trình độ kỹ thuật, quân sự cao, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và huấn luyện lực lượng Phòng không - Không quân (PK-KQ) Việt Nam đủ khả năng tác chiến. Tháng 4-1965, Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên gồm 100 người, dưới sự chỉ huy của Đại tá A.M. Dưza và Trung tâm Huấn luyện quân sự dưới sự chỉ huy của Đại tá M. Tsygankov đến Việt Nam, hình thành 2 Trung tâm Huấn luyện quân sự số 1 và 2.

Từ ngày 1 đến 15-5-1965, Liên Xô gửi thêm sang Việt Nam 02 trung tâm huấn luyện quân sự. Đến cuối năm 1966, có 786 chuyên gia quân sự Liên Xô tại 04 trung tâm huấn luyện. Từ tháng 6-1965 đến 5-1967, Liên Xô gửi sang Việt Nam 6 trung tâm huấn luyện tên lửa PK, mỗi trung tâm đảm nhiệm huấn luyện 01 trung đoàn PK Việt Nam. Để lắp ráp, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, phục hồi các khí tài bị hư hại, kiểm tra mức độ SSCĐ, Liên Xô cử đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ cao đến Việt Nam. Như vậy, từ tháng 4-1965 đến 5-1966, có 2.266 chuyên gia PK Liên Xô sang Việt Nam, đào tạo tại chỗ cho ta 10 trung đoàn tên lửa PK, 3 trung đoàn kỹ thuật vô tuyến, 2 trung đoàn không quân tiêm kích.

Đầu năm 1965, Tổng cục 10/Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô thành lập “Nhóm chuyên gia quân sự thu nhặt, nghiên cứu chiến lợi phẩm của Mỹ”. Tháng 10-1965, Đoàn chuyên gia khoa học quân sự đầu tiên gồm các chuyên viên cao cấp của Học viện Quân sự, Viện Nghiên cứu khoa học Bộ Quốc phòng Liên Xô; các chuyên gia công nghiệp quốc phòng, điện tử, thiết bị dẫn đường, thông tin liên lạc… được cử sang Việt Nam nghiên cứu. Từ 1965 đến 1974, Liên Xô đã gửi sang Việt Nam 40 chuyên gia quân sự cao cấp các ngành công nghiệp quốc phòng thực hiện mục đích trên. Từ tháng 5-1965 đến 1-1967, nhóm chuyên gia này gửi về Liên Xô hơn 700 chủng loại thiết bị quân sự và vũ khí của Mỹ. Từ đó, các chuyên gia quân sự Liên Xô nghiên cứu biên soạn những tài liệu giá trị, đề xuất biện pháp điều chỉnh các loại vũ khí có tính năng phù hợp hoặc vượt trội, chống lại trang thiết bị quân sự của Mỹ và thúc đẩy công nghiệp quốc phòng Xô viết phát triển.

Cũng từ năm 1966 đến tháng 5-1968, Liên Xô gửi sang Việt Nam 3 nhóm chuyên gia để nghiên cứu, cải tiến hệ thống tên lửa PK S - 75, cải tiến bộ khí tài tên lửa, tìm ra phương thức gây nhiễu và chống nhiễu hiệu quả. Các chuyên gia quân sự Liên Xô đã nỗ lực làm việc, kịp thời chuyển giao kết quả nghiên cứu, góp phần nâng cao hiệu suất chiến đấu của lực lượng PK-KQ Việt Nam.

Từ tháng 4-1965 đến 12-1974, Liên Xô còn cử một đội tàu tình báo Hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương thường trực tại khu vực biển Đông - Vịnh Bắc Bộ - Đảo Gu-am, có nhiệm vụ trinh sát theo dõi và cung cấp thông tin về thời gian cất cánh, chiến thuật đánh phá của máy bay và hoạt động của các chiến hạm Mỹ. Những năm 1965 - 1974, tại vùng biển Việt Nam và vùng biển gần Việt Nam, thường xuyên có 17 đội tàu trinh sát liên tục hoạt động, thực hiện 94 lượt trinh sát (mỗi lượt kéo dài từ 3 - 4 tháng). Nhờ thông tin thu được, lực lượng PK-KQ Việt Nam chủ động di chuyển, ẩn tránh hoặc đón đánh các loại máy bay Mỹ, trong đó có B-52.

Theo thống kê của bạn, từ năm 1965 - 1974, có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan Quân đội Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam; 13 người đã hy sinh. Với những đóng góp to lớn đối với Nhân dân Việt Nam, 2.190 chuyên gia quân sự được tặng các phần thưởng của Nhà nước Liên Xô, hơn 3.000 chuyên gia quân sự được tặng thưởng các huân chương và huy chương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với sự giúp đỡ to lớn, kịp thời, hiệu quả của Liên Xô, tiềm lực quốc phòng của Việt Nam được tăng cường. Riêng Quân chủng PK - KQ có bước phát triển vượt bậc về pháo PK, tên lửa đất đối không, ra - đa cảnh giới, không quân tiêm kích... bố trí thành thế trận liên hoàn, có thể đánh địch ở những độ cao khác nhau, vừa đảm bảo tác chiến rộng khắp, vừa có thể tập trung lực lượng bảo vệ những yếu địa...

Có thể nói, với sự giúp đỡ, ủng hộ của các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô đã góp phần quan trọng vào chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đánh bại ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, mở ra thời cơ lớn đi đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG, Nguyên cán bộ Bộ Tham mưu/TCHC