Một là, kiện toàn tổ chức chỉ huy hậu cần thống nhất, kết hợp bổ nhiệm chuyên gia kinh tế đầu ngành vào cơ quan trung ương chỉ huy hậu cần (CHHC)
Tháng 8-1941, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô ký sắc lệnh tổ chức thành lập Tổng cục Hậu cần quân đội Xô viết, cục hậu cần các phương diện quân (PDQ), tập đoàn quân (TĐQ). Tiếp đó, bổ nhiệm Trung tướng A.V. Khơ-ru-lốp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, làm Chủ nhiệm Hậu cần (CNHC) quân đội Xô viết và bổ nhiệm chức danh CNHC các PDQ và TĐQ. Tổng cục Hậu cần quân đội Xô viết gồm các thành phần: Bộ Tham mưu, Cục Giao thông quân sự, Cục Ô tô cầu đường; Ban Thanh tra; Tổng cục Quân nhu, Cục Cung cấp nhiên liệu, Cục Quân y và Cục Thú y quân sự, các Phó CNHC, tham mưu trưởng và các tham mưu phó hậu cần. Cơ cấu chỉ huy hậu cần, quyền hạn, chức trách của các PDQ và TĐQ tương tự các cơ quan chỉ huy trung ương, nhưng phòng tổ chức kế hoạch thay cho bộ tham mưu hậu cần. Như vậy, hệ thống CHHC được kiện toàn, tổ chức thống nhất trong toàn quân đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ thời chiến.
|
|
Xưởng chế tạo đạn dược của Quân đội Liên Xô tại Sevastopol. Ảnh: Tư liệu. |
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã huy động, bổ nhiệm các lãnh đạo chính quyền địa phương, chuyên gia kinh tế vào làm việc tại các cơ quan Trung ương CHHC. Thông thường, các lãnh đạo Đảng, chuyên gia kinh tế xuất sắc cấp tỉnh, nước Cộng hòa giữ chức vụ trong Ủy viên Hội đồng quân sự PDQ và TĐQ chịu trách nhiệm việc cung cấp. Việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ đã nâng cao uy tín của ban lãnh đạo mới của hậu cần quân đội Xô viết. Mối liên hệ giữa cơ quan trung ương CHHC với nền kinh tế quốc dân được củng cố vững chắc, làm việc hiệu quả hơn.
Hai là, nhanh chóng chuyển đổi nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng
Khi chiến tranh nổ ra, kế hoạch kinh tế quốc dân quý III/1941 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô phê chuẩn dự định tăng sản xuất sản phẩm quân sự lên 26% so với trước. Phần lớn xí nghiệp công nghiệp chuyển sang sản xuất hàng quân sự. Kế hoạch kinh tế - quân sự quý IV/1941 và năm 1942 được thông qua, các cơ sở quốc phòng chủ yếu của
cả nước ở Vôn-ga, U-ran, Tây Xi-bê-ri, Ca-dắc-stan, Trung Á… được sơ tán về phía Đông nhằm duy trì sản xuất, phục vụ lâu dài cho chiến tranh. Chính quyền Xô viết nhanh chóng triển khai sản xuất máy bay, xe tăng, các loại pháo, vũ khí bộ binh, đạn dược; phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, dự trữ quốc gia nhiên liệu, chất đốt, lương thực; các loại vật chất hậu cần dự trữ từ các tỉnh miền Tây được sơ tán về phía Đông.
Ba là, điều chỉnh và tinh giản hệ thống hậu cần các PDQ và TĐQ
Khi chiến tranh nổ ra, các PDQ, TĐQ vẫn còn số lượng lớn kho, cơ sở và xưởng sửa chữa cố định làm hạn chế tính cơ động của hậu cần, thậm chí gây trở ngại đến công tác CHHC các cấp. Tháng 8-1941, PDQ Tây Nam có trên 100 kho các loại, chủ yếu là kho cố định. Mỗi TĐQ của PDQ này có tới 25 kho và các xưởng sửa chữa đường sắt, thiết giáp, pháo binh, ô tô và các đơn vị, cơ quan hậu cần khác. Để vận chuyển một sư đoàn bộ binh bằng đường sắt cần phải có 14 đoàn tàu. Kế hoạch chiến lược của Hồng quân là đưa chiến tranh sang lãnh thổ đối phương nên các căn cứ và kho dự trữ hậu cần đã được bố trí triển khai ở phía trước nhằm đảm bảo cho các chiến dịch tiến công. Nhưng khi chiến sự xảy ra, kế hoạch trên đã bộc lộ nhiều thiếu sót, hơn 52% kho vật chất hậu cần bị phá hủy hoặc bị đối phương chiếm đoạt, buộc phải sử dụng kho hậu cần của quân khu và cấp chiến lược. Trước sự thay đổi nhanh chóng của tình huống chiến sự, từ tháng 8-10, quân đội Liên Xô đã giải thể nhiều đơn vị và cơ quan hậu cần. Số lượng các kho, cơ sở, xưởng và cơ quan cố định khác được tinh giản. Tổ chức kho dã chiến mang theo các loại phương tiện, vật chất chính; các TĐQ đã tổ chức cơ sở dã chiến gồm 7-8 kho thay thế cho 24-25 kho trước đây; các địa khu hậu cần có chiều sâu 500km giảm xuống còn 200-300km, đối với TĐQ giảm xuống còn từ 75-175km. Một số bộ phận cơ quan hậu cần của các PDQ được chuyển giao cho các cục cung cấp và cục bảo đảm trung ương, ở TĐQ thì gộp vào hậu cần PDQ. Nhờ đó, đã nâng cao khả năng cơ động và bảo đảm hậu cần cho tác chiến.
Bốn là, huy động tối đa sức người, sức của trong dân để bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng thời kỳ đầu chiến tranh
Chỉ trong vòng 18 tháng đầu chiến tranh, nhân dân Xô viết đã góp được 10,5 tỉ rúp vào quỹ quốc phòng. Đồng thời, phong trào quyên góp tiền của cá nhân để xây dựng các đoàn xe tăng, liên đội máy bay, đoàn tàu hỏa bọc thép, tàu ngầm, tàu chiến, đại đội pháo và vũ khí khác cũng được phát động tại nhiều địa phương. Điển hình như nhân dân các tỉnh Khu-ca-lốp, I-va-nốp, Ôm-scơ và Che-lia-bin-scơ đã quyên góp tiền xây dựng 1 lữ đoàn xe tăng; riêng tỉnh Pen-den đã góp được 14 triệu rúp để sản xuất máy bay. Cùng với đó, chỉ trong 3 tháng mùa Thu năm 1941, nhân dân cả nước đã gửi ra tiền tuyến 15 triệu quần, áo ấm (1.175 nghìn đôi ủng dạ lót bông, trên 5.000 chiếc áo bông ngắn, trên 2 triệu tấm áo da cừu, trên 4.500 nghìn đôi tất tay, tất chân, bao tay bằng lông), gần 3 triệu ki - lô - gam lông cừu, hàng triệu đôi găng tay lông… giúp cho 2 triệu binh sĩ Hồng quân vượt qua mùa đông khắc nghiệt đầu tiên của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Năm là, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương tiện vận tải với số lượng lớn, cường độ cao, quy mô rộng để cơ động sơ tán, di chuyển bảo toàn thực lực hậu cần
Mặc dù, địch đánh phá ác liệt, 44% trên tổng số bom ném trên mặt trận Xô-Đức đánh vào các mục tiêu đường sắt với chiều sâu 350-400km nhưng không cắt đứt được phương thức vận chuyển này. Cụ thể: Đường sắt đã cơ động sơ tán 48.557 đoàn tàu chiếm 84% khối lượng chung vận chuyển quân sự trong năm 1941. Cùng với đó, vận chuyển ô tô được sử dụng rộng rãi, đã sơ tán 0,5 triệu người và 361 tấn hàng các loại. Phương tiện vận tải thủy, tàu ngầm cũng được huy động tối đa để sơ tán khỏi Crưm 82 nghìn tấn thiết bị nhà máy, hàng hóa, trên 100 nghìn dân và trên 2,5 triệu gia súc lớn. Riêng vận tải đường sông cũng sơ tán được 555 nghìn người, vận chuyển gần 3.700 toa tàu thiết bị công nghiệp và kim loại màu. Các PDQ được tổ chức thêm các cụm hàng không đặc nhiệm để cơ động lực lượng bằng đường không. Máy bay của các cụm hàng không đặc biệt miền Tây và Mát-xcơ-va thuộc Hàng không dân dụng đã cất cánh 32.730 lần, trong đó có 845 lần bay vào vùng hậu địch, sơ tán gần 50 nghìn người, 1.365 tấn đạn, thuốc và lương thực. Từ tháng 7-9/1941, vận tải hàng không đã sơ tán về hậu phương 52,7 nghìn thương binh… Do vận dụng linh hoạt các hình thức, phương tiện vận tải với số lượng lớn, cường độ cao, quy mô rộng để cơ động, sơ tán lực lượng, phương tiện, Hồng quân đã kịp thời bảo toàn tiềm lực hậu cần phục vụ cho chiến tranh lâu dài.
Sáu là, áp dụng các chính sách thời chiến hợp lý
Trong điều kiện khó khăn của những tháng đầu chiến tranh, Hội đồng Quốc phòng đã ban hành nhiều chỉ thị, chính sách áp dụng trong thời chiến và yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm. Do việc giảm bớt sản xuất kim loại màu trong nước và không đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thùng gỗ đựng đạn, nguy cơ vỡ kế hoạch cung cấp đạn cho các PDQ. Vì vậy, từ tháng 7 - 8/1941, Hội đồng Quốc phòng yêu cầu các PDQ, TĐQ thu hồi vỏ đạn, hòm chứa đạn trên chiến trường để giao cho ngành công nghiệp. Đồng thời, quy định chế độ khen thưởng những đơn vị nộp vượt mức kế hoạch. Việc làm này đã đem lại kết quả đáng kể, năm 1941 thu về cho các nhà máy công nghiệp 10% hòm chứa đạn, năm 1942 đã thu được 50%, góp phần tiết kiệm chi phí, tăng sản xuất đạn. Hội đồng Quốc phòng cũng ra chỉ thị về việc bảo vệ vật tư khí tài quân sự của Hồng quân trong thời chiến, theo đó, trên mỗi toa tàu, ô tô, xe súc vật chở phương tiện vật chất đều phải có tờ kê khai nêu rõ loại hàng gì, gửi cho ai, nếu không có tờ kê khai cấm được chuyên chở hàng quân sự, người vi phạm sẽ bị xử trước tòa theo luật thời chiến. Các chính sách được áp dụng trên giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vật tư khí tài quân sự và góp phần đáng kể vào việc cải thiện hoạt động cung cấp cho các PDQ.
Bảy là, chú trọng đào tạo cán bộ sĩ quan hậu cần
Thời kỳ đầu chiến tranh, các học viện quân sự, trường huấn luyện quân sự đã tiến hành đào tạo sĩ quan hậu cần cho toàn quân. Chỉ trong thời gian ngắn, mạng lưới lớp, trường được tổ chức để đào tạo sĩ quan hậu cần sơ cấp sẵn sàng cung cấp cho mặt trận. Để huấn luyện phù hợp, Học viện Quân nhu của quân đội Xô viết được đổi tên thành Học viện Quân sự Hậu cần và Cung cấp. Học viện có hệ hậu cần đào tạo cán bộ chỉ huy, cán bộ tổ chức hậu cần các binh đoàn, TĐQ và các lớp bổ túc 3 tháng cho cán bộ cao cấp. Việc đào tạo các chuyên gia y tế được tổ chức ở 3 học viện quân y, trường đào tạo quân y sỹ. Chuyên gia giao thông quân sự được đào tạo ở Học viện Giao thông quân sự và Trường Giao thông quân sự. Sĩ quan ngành lương thực và quân trang, quân dụng được đào tạo trong các trường quân nhu. Cơ quan hậu cần các cấp trong toàn quân được tăng cường cán bộ có kinh nghiệm và trình độ. Các cán bộ kinh tế cao cấp đã được đề cử sang làm việc ở bộ máy CHHC Trung ương và cử giữ chức vụ CNHC các PDQ và tập đoàn quân. Như vậy, trong thời kỳ đầu chiến tranh, công tác đào tạo cán bộ hậu cần được quan tâm đúng mức, lực lượng cán bộ hậu cần đáp ứng yêu cầu công tác hậu cần cho chiến tranh.
Những bài học rút ra từ công tác hậu cần tác chiến chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh vệ quốc của quân đội Xô viết cần được tham khảo, nghiên cứu, vận dụng phù hợp với điều kiện chiến tranh hiện đại và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra).
Thiếu tá, Ths ÂU ĐỨC THẮNG (Bộ Tham mưu/TCHC)