Cây chuối có đặc điểm mọc thành bụi, trồng một lần cho thu hoạch rải vụ liên tục nhiều lứa trong nhiều năm. Quả chuối khi chín có giá trị dinh dưỡng rất cao, ngoài thành phần Protein và Lipit, còn chứa rất nhiều các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt là hàm lượng Kali và vitamin C cao nhất trong số các loại quả nhiệt đới; hương vị của chuối thơm và ngọt nên phù hợp với rất nhiều lứa tuổi, thành phần và đối tượng khác nhau.

Trong số các giống chuối ở nước ta hiện nay, điển hình nhất là giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô do Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương là đơn vị đầu tiên nghiên cứu, sản xuất thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Hiện nay, công nghệ này đã được chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống cây trồng trong cả nước. Chuối tiêu hồng nuôi cấy mô có khả năng thích nghi rộng với nhiều vùng khí hậu, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, khả năng phát sinh chồi mạnh (ra 5-10 chồi mới từ một cây ban đầu); thời gian sinh trưởng ngắn, sau trồng 1 năm cây bắt đầu cho thu hoạch, năng suất cao và ổn định nhất so với các giống chuối khác, trung bình đạt từ 50-60 tấn/ha. Quả chuối có khối lượng trung bình 120 -150 g/quả, thịt rắn, màu vàng đậm, hương thơm, vị ngọt nhẹ, rất phù hợp với tiêu chuẩn ăn của bộ đội. Có thể nói đây là cây trồng phù hợp nhất trong cơ cấu cây ăn quả tại các đơn vị quân đội hiện nay.

Để trồng chuối tiêu hồng nuôi cấy mô cho năng suất, chất lượng cao, các đơn vị cần chú ý làm tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

Chọn giống

Lựa chọn giống chuối nuôi cấy mô ở các cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng. Cây giống cứng cáp, khỏe mạnh có vết đốm màu nâu đỏ ở phiến lá, thân giả to khỏe cao từ 25-30 cm, đường kính thân 10-15 mm, có từ 5-7 lá thật, lá màu xanh đậm, bộ rễ phát triển tốt, không có vết sâu bệnh hại, không dập nát.

Đất trồng

Chuối tiêu hồng nuôi cấy mô có thể trồng trên nhiều loại đất, nhưng để đạt năng suất, chất lượng cao nên trồng trên đất có tầng canh tác dày trên 0,5 m, tơi xốp, giàu mùn, giàu dinh dưỡng, độ pH từ 5-7, giữ ẩm và thoát nước tốt như đất phù sa cổ, phù sa sông suối… Đối với đơn vị ở vùng trung du, miền núi phía Bắc, đất chủ yếu là cát pha, sỏi son, độ chua cao, trước khi trồng phải bón vôi kết hợp với phân chuồng. Đối với đơn vị ở vùng Nam Trung Bộ, đất nâu xám nghèo dinh dưỡng, phải chú trọng bón phân chuồng.

Đất trồng chuối cần được làm sạch, làm kỹ, làm sâu đến 0,5 m; đào hố trước khi trồng ít nhất 1 tháng, kích thước hố trung bình 40x40x40 cm, đất xấu đào hố rộng hơn; khi đào để riêng lớp đất mặt và lớp đất đáy. Bón lót mỗi hố từ 20-30 kg phân chuồng, 0,5-1kg Supe lân trước khi trồng ít nhất 10-15 ngày; nếu đất chua bón thêm 0,5-1 kg vôi bột, nếu có điều kiện hoặc đất xấu nghèo dinh dưỡng cần bón tăng lượng phân chuồng.

Kỹ thuật trồng

Thời vụ trồng ở miền Bắc, vụ Xuân từ tháng 02-4, hoặc tháng 9-10; miền Nam trồng vào mùa mưa từ tháng 4-6. Tùy theo địa hình, đất trũng lên luống cao, đắp ụ để trồng; đất bằng phẳng vun ụ cao 10 - 20 cm để tránh đọng nước cục bộ quanh gốc; đất dốc, trồng cổ rễ cây thấp hơn hoặc bằng mặt hố để giữ nước. Khoảng cách hàng cách hàng 2,5-3 m, cây cách cây 2-2,5 m, mật độ từ 1.300 - 2.000 cây/ha. Đặt cây ở giữa tâm hố, không cho rễ tiếp xúc trực tiếp với phân; rạch túi bầu trước khi đặt cây, nhưng không làm vỡ bầu; phủ đất tơi xốp vào quanh gốc, dùng tay nén chặt, giữ im gốc và tưới nước đủ ẩm cho cây; nếu có điều kiện thì phủ rơm rạ, bèo tây, xác thực vật hoặc màng phủ nông nghiệp xung quanh gốc để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Lưu ý không trồng cây khi có gió to hoặc giữa trưa nắng.

Chăm sóc

Chuối tiêu hồng nuôi cấy mô là cây cho sinh khối lớn và năng suất rất cao nên nhu cầu dinh dưỡng rất lớn, đặc biệt là Đạm và Kali, vì vậy cần phải bón đủ liều lượng và tỷ lệ các loại phân. Lượng phân bón áp dụng cho 1 cây/năm: 20-30 kg phân chuồng, 0,5-1 kg Supe lân, 0,5-1 kg vôi bột, 0,4-0,6 kg đạm Ure, 0,8-1 kg Kali. Bón lót trước khi trồng hoặc sau khi thu hoạch toàn bộ phân chuồng, vôi bột và lân để cây sử dụng dần. Bón thúc chia thành 3-4 lần: Lần 1 sau trồng 1,5 tháng, khi cây đạt chiều cao 50-70 cm, bón (30% đạm Ure + 30%Kali); lần 2 sau trồng 4,5 tháng, khi cây bắt đầu đẻ nhánh, bón (40% đạm Ure + 40%Kali); lần 3 sau trồng 7,5 tháng; trước khi trổ buồng, bón (30% đạm Ure +30%Kali). Rải phân xung quanh gốc kết hợp xới, xáo trộn đều phân với đất và vun vào gốc.

Chuối tiêu hồng nuôi cấy mô cần nhiều nước nhưng lại không chịu được úng, độ ẩm đất thích hợp từ 70- 80%. Khi trồng xong cần tưới ngay giúp bộ rễ tiếp xúc tốt với đất trong hố trồng, cách 1-2 ngày thấy mặt hố khô tiến hành tưới 4-5 lít nước/cây; khi cây bén rễ cách 7-10 ngày tưới/lần (5-10 lít nước/cây). Khi cây lớn tùy điều kiện thời tiết, định kỳ 20-30 ngày tưới/lần bằng cách tưới ngập theo rãnh hàng chuối, tưới vào những đợt bón phân thúc. Mùa mưa kịp thời thoát nước tránh ngập úng. Nếu có điều kiện nên lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nguồn nước tưới, duy trì độ ẩm đều và giảm công sức của bộ đội.

Khi cây còn nhỏ chưa giao tán, thường xuyên làm cỏ, vệ sinh vườn sạch sẽ, xới xáo vườn chuối. Sau mỗi lần bón phân nên vun gốc cho chuối để hạn chế chuối đẻ nhánh và chống đổ. Do chuối nảy chồi rất mạnh nên cần tỉa định kỳ bằng cách dùng dao cắt sát mặt củ chuối, giữ lại 2 cây con mập khỏe, có tuổi cách nhau 4 tháng và cách gốc 20 cm để tập trung dinh dưỡng nuôi cây mẹ. Định kỳ, tỉa bỏ lá già (< 50% diện tích lá khỏe), lá bị bệnh để giảm sâu bệnh hại. Khi buồng chuối nở hết số hoa hữu hiệu, tiến hành cắt bỏ hoa chuối, cắt cách nải cuối khoảng 5-7 cm để kích thích nải cuối và tăng khối lượng buồng. Thân chuối ở trên mặt đất thuộc dạng thân giả, có sinh khối lớn, nhất là thời điểm mang buồng, rất dễ bị gẫy đổ khi mưa bão, cần dùng 2 cọc buộc chéo nhau hình chữ X, chống vào cổ buồng tạo với thân chuối thế chân kiềng vững chắc.

Phòng trừ sâu bệnh

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra vườn chuối, phát hiện sớm sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Các đối tượng sâu bệnh gây hại chủ yếu trên cây chuối gồm:

Sâu đục thân: Đặt bẫy bắt con trưởng thành vào cuối tháng 02-3, khi bị nặng dùng thuốc hóa học Basudin 5G/10G rải xung quanh gốc vào thời điểm tháng 3-4 để diệt sâu non mới nở.

Sâu cuốn lá: Thường xuyên vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom lá khô, tàn dư cây hại đem tiêu hủy, khi bị nặng dùng thuốc hóa học Fantac 5EC, Sherpa 10EC, Basudin 40 EC... để phun phòng trừ.

Bệnh héo rũ (bệnh do nấm): Thường xuyên kiểm tra vườn, đào bỏ những cây bệnh đem đi tiêu hủy, rắc vôi vào hố cây bệnh và tưới COC 85, Mancozep 80WP vào gốc, mùa mưa phun phòng Tilt super 300SC, Anvil 5SC... định kỳ 2-4 tuần/lần. Không dùng chuối con ở các vườn chuối bị bệnh làm giống. Nếu vườn bị bệnh nặng nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-3 tháng để diệt mầm bệnh.

Thu hoạch

Sau khi chuối trổ buồng từ 115-120 ngày, vỏ chuyển màu xanh hanh vàng, quả tròn đầy, không có gờ cạnh, thịt chuối có màu trắng ngà đến vàng ngà là thời điểm thu hoạch tốt nhất. Thu hoạch, vận chuyển nhẹ nhàng, tránh làm dập nát, trầy xước quả; thu xong dựng buồng chuối nơi thoáng mát khoảng 1 ngày để ráo nhựa, sau đó mới đưa vào dấm hoặc bảo quản...

Trồng chuối tiêu hồng nuôi cấy mô rất phù hợp và đem lại hiệu quả rất cao, là cây trồng chủ lực bảo đảm nguồn trái cây thường xuyên đưa vào bữa ăn hằng ngày phục vụ bộ đội. Đề nghị các đơn vị nghiên cứu, phát triển đưa giống chuối này vào cơ cấu cây trồng cho phù hợp, có thể trồng tập trung hoặc tận dụng các khu đất trống (quanh vườn, chuồng, ao,...), những nơi đủ ẩm để trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng trái cây, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tăng gia sản xuất, cải thiện chất lượng nuôi dưỡng bộ đội.

Thiếu tá, ThS NGUYỄN THỊ HƯỜNG, Phòng Sản xuất Cục Quân nhu/TCHC