Đặc biệt, có nhiều hiện vật quý của Bác Hồ và của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội với ngành Hậu cần Quân đội (HCQĐ); hiện vật về hậu cần nhân dân; kỷ vật của các Anh hùng, liệt sĩ, tướng lĩnh, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành HCQĐ trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt hơn 60 năm qua, cùng với việc sưu tầm, lưu giữ hàng chục nghìn hiện vật, BTHC còn tổ chức hàng trăm cuộc trưng bày, triển lãm cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, những năm gần đây, BTHC được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng, trở thành trung tâm văn hóa lịch sử của ngành HCQĐ, góp phần to lớn vào công tác giáo dục truyền thống, định hướng tư tưởng cho khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ.

Thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền giá trị lịch sử, BTHC chú trọng đổi mới nội dung, sáng tạo, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nhất là công tác trưng bày để thu hút khách đến tham quan. Cụ thể là: Đổi mới nội dung, phương pháp trưng bày; phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động của Bảo tàng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quảng bá thu hút, tạo lợi thế dẫn đầu, thuận tiện trong công tác quản lý, trải nghiệm, bảo tồn, khôi phục. Chủ động kết nối với các trường học trong và ngoài Quân đội tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan, học tập truyền thống, giao lưu, tọa đàm bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, tạo sân chơi, học tập bổ ích, hiệu quả. Thường xuyên kết hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội tổ chức trưng bày, triển lãm lưu động, triển lãm chuyên đề nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Mặt khác, để thu hút khách đến tham quan, Bảo tàng không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị mới phục vụ các cơ quan, đoàn thể, trường học tổ chức báo công dâng Bác; kết nạp đội, đoàn; tổ chức các buổi học ngoại khóa về lịch sử; thi vẽ tranh… với nhiều chủ đề khác nhau. Ngoài ra, BTHC còn là nơi tổ chức gặp mặt kỷ niệm truyền thống thường niên của các câu lạc bộ, hội cựu chiến binh của các đơn vị trong và ngoài Tổng cục Hậu cần (TCHC).

leftcenterrightdel
 

                                   Giao diện phần mềm tham quan 3D Bảo tàng Hậu cần. Ảnh: CTV                                                     

Thực hiện Quyết định số 3672/QĐ-BQP ngày 24-11-2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, BTHC đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý, lưu giữ, phục vụ tra cứu, khai thác, bổ sung thông tin, tuyên truyền, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, đặc trưng gắn với lịch sử xây dựng, chiến đấu và phát triển của ngành HCQĐ. Xây dựng BTHC thành trung tâm văn hóa, lịch sử của ngành HCQĐ, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa BTHC với hệ thống bảo tàng trong cả nước để phục vụ tham quan, học tập, trải nghiệm, nghiên cứu của bộ đội và Nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, thống kê, báo cáo tình trạng, số lượng hình ảnh, hiện vật, điểm di tích lịch sử chính xác.

Để không ngừng nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi công tác tuyên truyền lên tầm cao mới, vừa qua, Chủ nhiệm TCHC ban hành Quyết định số 730/QĐ- TCHC ngày 16-9-2021 về việc phê duyệt Kế hoạch số hóa tư liệu, hiện vật tại BTHC và các địa danh di tích lịch sử của TCHC. Theo đó, BTHC sẽ thực hiện chuyển đổi từ bảo tàng truyền thống sang bảo tàng số. Đây là bước tiến mới nhằm đa dạng hóa hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thưởng lãm giá trị lịch sử văn hóa của các đối tượng, tăng tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan trực tiếp hoặc gián tiếp. Từ đầu quý III năm 2021, BTHC phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển giải pháp Công nghệ SIB triển khai số hóa BTHC và các di tích lịch sử của Tổng cục. Dự kiến hoàn thành chuyển đổi số Bảo tàng và các di tích lịch sử của ngành HCQĐ vào cuối quý II-2022, theo các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Xây dựng kịch bản, nội dung đề cương thuyết minh, số hóa mô hình tham quan không gian trưng bày của Bảo tàng (có phiên dịch tiếng Anh); chi tiết số hóa tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng theo công nghệ 2D, 3D tương tác (90 ảnh, 290 hiện vật 2D, 54 hiện vật 3D); xây dựng phần mềm triển lãm Bảo tàng 3D trên thiết bị tra cứu cảm ứng và phần mềm bảo tàng thông minh. Tập huấn cho cán bộ, nhân viên sử dụng phần mềm, nhập dữ liệu thông tin, hình ảnh. 

Giai đoạn 2: Chuyển đổi số với quy mô 173 hiện vật 3D. Xây dựng phần mềm kết nối trên điện thoại thông minh; tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện phần mềm quản lý dữ liệu bảo tàng thông minh; nhập liệu trên phần mềm quản lý thông tin hiện vật gốc trong kho lưu trữ.

 Giai đoạn 3: Nâng cấp, hoàn thiện phần mềm (App) phục vụ tham quan trực tuyến qua điện thoại thông minh; phục dựng và mô phỏng các không gian, hiện vật, nhân vật, sự kiện bằng công nghệ 3D dựa trên các tài liệu, thông tin lưu trữ để tái hiện một cách trung thực, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn công chúng. Hoàn thiện, lắp đặt Kiosk vận hành tại Sở Chỉ huy TCHC và BTHC; nhập dữ liệu phim truyền thống, phim tư liệu, tài liệu và các ca khúc của Ngành vào hệ thống tra cứu.

Giai đoạn 4: Số hóa hiện vật ở quy mô lớn hơn, mở rộng ra các điểm di tích lịch sử tiêu biểu của Tổng cục và ngành HCQĐ; phòng truyền thống và các điểm di tích lịch sử của các cục chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc Tổng cục; nâng cấp cấu hình giao diện, chức năng và các Module quản lý, bổ sung danh mục mới cho phần mềm triển lãm Bảo tàng 3D trên thiết bị Kiosk cảm ứng (gồm: 3 thiết bị Kiosk tra cứu thông tin được cài sẵn các loại phần mềm tra cứu chuyên dụng. Người dùng có thể tìm kiếm thông tin thông qua thao tác chạm tay vào màn hình cảm ứng và 3 thiết bị kính thực tế ảo có thể trải nghiệm góc quan sát 3600 của địa điểm đó).

Tính đến đầu tháng 1-2022, Bảo tàng đã hoàn thành giai đoạn II, chuyển đổi số xong 173 hiện vật 3D; xây dựng xong phần mềm kết nối trên điện thoại thông minh; nâng cấp và hoàn thiện phần mềm quản lý dữ liệu bảo tàng thông minh; nhập liệu xong trên phần mềm quản lý thông tin hiện vật gốc trong kho lưu trữ. Hiện đang tiếp tục thực hiện các nội dung của giai đoạn tiếp theo. 

Có thể khẳng định, số hóa tư liệu, hiện vật BTHC và các địa danh di tích lịch sử của TCHC là hướng đi mới, phù hợp với thời đại Công nghiệp 4.0, nhằm hướng tới mục tiêu tôn vinh giá trị di sản văn hóa hậu cần quân sự bằng phương pháp trực quan, sinh động. Khi Dự án hoàn thành, khách tham quan có thể trải nghiệm, tham quan mức tốt nhất về hình ảnh, video chất lượng, không giới hạn thời gian, không gian và ngôn ngữ. Đặc biệt, tạo cơ hội cho khách không có điều kiện trực tiếp đến BTHC, có thể tham quan, nghiên cứu gián tiếp BTHC, địa danh di tích lịch sử của ngành HCQĐ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối Internet.

Thượng tá ĐẶNG VIỆT CƯỜNG (Giám đốc Bảo tàng Hậu cần)