Đóng quân ở vùng biển đảo Đông Bắc Tổ quốc, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thất thường; đất đai cằn cỗi, chủ yếu là cát sỏi; dân cư còn thưa thớt; nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm chủ yếu phải vận chuyển từ đất liền ra... nhưng nhiều năm qua, Lữ đoàn 242 luôn đảm bảo đủ 100% định lượng rau xanh, 100% thịt lợn và tự chủ một phần định lượng cá, thịt gia cầm, với giá thành rẻ hơn thị trường từ 10-25% (tùy từng loại).

Trung tá Nguyễn Đại Thuấn, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn cho biết: Để có được những vườn rau xanh tốt bốn mùa như hôm nay, cán bộ, chiến sĩ đã kiên trì tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ hành quân vào tận khe núi lấy từng bao đất mùn và lá cây về băm nhỏ, trộn với phân trâu, phân bò làm phân xanh để cải tạo đất trồng. Cùng với quy hoạch lại hệ thống vườn theo hướng ô thửa lớn, các đơn vị còn tận dụng đất trống phát triển hệ thống giàn bầu, bí, mướp và trồng thêm chuối, đu đủ, bí đỏ, bí xanh... dự phòng khi thiếu rau xanh.

leftcenterrightdel

Tranh thủ giờ nghỉ, cán bộ, chiến sĩ củng cố vườn rau. Ảnh: CTV

Đối với các đơn vị đóng quân trên đảo, vào mùa mưa bão thường hay bị ngập úng, nhưng nước ngọt cho sinh hoạt và tăng gia sản xuất (TGSX) lại vô cùng khó khăn vào mùa khô. Trước thực trạng đó, cùng với đầu tư của trên, các đơn vị chủ động trích quỹ vốn mua xi măng, cát, sỏi, sắt thép và huy động hàng nghìn ngày công bộ đội làm hệ thống vườn, giàn, bờ kè, kênh tưới tiêu, đồng thời xây dựng các bể chứa nước ngọt, mua sắm và lắp đặt hệ thống máy bơm. Ngoài giờ học tập, huấn luyện, đơn vị còn tự đổ các tấm bê tông để kè các luống rau, hạn chế tình trạng sạt lở và trôi đất màu sau những trận mưa lớn. Nhờ đó, các loại cây trồng sinh trưởng và luôn phát triển tốt. Đặc biệt, mấy năm gần đây, các đảo còn nghiên cứu, thử nghiệm và ươm thành công các loại cây, con giống, giảm sự phụ thuộc vào nguồn giống từ đất liền. Nhiều mô hình TGSX hiệu quả, như chăn nuôi bò, dê, lợn nái, lợn siêu nạc, lợn rừng, gia cầm, cá nước ngọt… được nhân rộng trong toàn Lữ đoàn. Nhờ đẩy mạnh TGSX kết hợp với tổ chức tốt các trạm chế biến, tiếp phẩm tập trung nên các bếp đã điều hòa được định lượng ăn hằng ngày, đồng thời góp phần bình ổn giá thị trường đóng quân, nhất là thời điểm giáp vụ hoặc những ngày mưa bão, biển động. Kết quả từ TGSX không chỉ góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội mà còn thêm nguồn vốn để tái sản xuất, trích ăn thêm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ những dịp lễ, tết.

Cùng với đẩy mạnh TGSX, mấy năm trở lại đây, cảnh quan môi trường các đơn vị cũng có sự đổi thay mạnh mẽ, nhất là khi được Bộ Quốc phòng chọn xây dựng đơn vị điểm vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Trung tá Nguyễn Đại Thuấn cho biết thêm: Được chọn xây dựng đơn vị điểm vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, đơn vị có điều kiện thuận lợi cả về nguồn lực và quyết tâm chính trị trong xây dựng doanh trại. Trước hết là nguồn kinh phí tập trung đầu tư cho xây dựng hệ thống doanh trại của Lữ đoàn bộ, Tiểu đoàn 162 và các đại đội trực thuộc. Bên cạnh đó, các tiểu đoàn đảo cũng được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục công trình cần thiết, đáp ứng các tiêu chí của xây dựng đơn vị điểm. Đồng thời, trong quá trình tổ chức xây dựng đơn vị điểm đã kết hợp phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng huấn luyện và xây dựng doanh trại chính quy, cũng như phát huy ý thức, trách nhiệm trong sử dụng điện, nước, doanh cụ, doanh trại tới từng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Với tinh thần phát huy tốt nội lực, các cơ quan, đơn vị đã tích cực cải tạo, nâng cấp doanh trại, củng cố cảnh quan môi trường, nâng cao đời sống bộ đội theo Tiêu chí số 4 của Chỉ thị số 917 về xây dựng đơn vị điểm vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Chỉ tính riêng năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, các tiểu đoàn đều quy hoạch lại và sửa chữa khu tiểu cảnh, đầu tư hàng trăm triệu đồng để củng cố hệ thống bồn hoa, cây cảnh; sửa chữa, chống dột 615m2, bảo trì 2.870m2, quét vôi ve 140.150mdoanh trại; hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống nước sạch ở trên đảo Ngọc Vừng…

Một trong những nét nổi bật ở Lữ đoàn 242 là lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, chăm lo, khích lệ cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần. Hàng chục công trình, sản phẩm, sáng kiến được cán bộ, chiến sĩ đơn vị nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng thành công mỗi năm đã góp phần tạo “sức bật” trong chuyển biến toàn diện công tác bảo đảm hậu cần của đơn vị. Tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần cấp Quân khu mới đây, Lữ đoàn đã đoạt giải Nhì toàn đoàn, trong đó 01 sáng kiến đoạt giải A, 01 giải B và 04 giải C. Tiêu biểu là mô hình “Xe tiêm cải tiến” của Bác sĩ Nguyễn Quang Sáng (Đại đội Quân y 24) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các y, bác sĩ thao tác chuyên nghiệp và khoa học hơn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng cấp cứu và điều trị tại bệnh xá, từ đó giảm chi phí, thời gian điều trị cho bệnh nhân. Hoặc sáng kiến “Bộ van cấp phát xăng dầu tự chảy” của Phòng Hậu cần đã khắc phục tình trạng không thể cấp phát xăng dầu khi bị mất điện, bảo đảm đủ nhiên liệu cho các loại tàu thuyền, xe, máy trong mọi tình huống. Với sáng kiến “Tủ lưu nghiệm thức ăn trong dã ngoại”, các bếp ăn có thể lưu mẫu thức ăn để kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh ăn uống trong diễn tập, hành quân dã ngoại...

Có thể khẳng định, với ý chí và tinh thần tự lực, tự cường, những người lính Lữ đoàn 242 đã vượt qua phong ba, bão táp, từng bước thay đổi diện mạo, cuộc sống bộ đội và Nhân dân trên tuyến đảo tiền tiêu, vững chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn bờ cõi Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió.

TRANG LONG